(Diengiadung) - Nhớ mùa mưa lạnh hồi còn nhỏ: Chị mình rang đậu phọng rồi vốc cho mỗi đứa một nắm lớn. Mình bỏ trong túi pijama cùng các anh em ra hiên nhà ngắm mưa. Những hạt đậu còn nóng hổi trong túi khiến cả người ấm lên, mấy thằng nhóc thò tay vô túi cho ấm rồi bốc từng hạt, vo ve cho tróc vỏ và nhâm nhi, vị beo béo, giòn tan y như câu chuyện của đám anh em chưa hề biết lo cơm áo gạo tiền.

Mươi năm gần đây, hiếm có dịp nhai lại những hạt đậu phọng. Rang muối thì khá mặn, chiên rồi rắc muối đỡ hơn, lại thích mắt vì vỏ đậu bóng bẫy... nhưng thứ phổ thông sau này là hạt điều. Hồi trước, hạt điều khá mắc nhưng sau rẻ hơn nhiều, nó khiến ta bị thu hút và quên đi những hạt đậu ngày xưa.

Ăn hạt điều chán chê, vậy nhưng ngẫm nghĩ lại chưa chắc hạt điều béo giòn, vị đậm đà bằng hạt đậu. Nhất là thứ đậu nóng hổi trong túi áo ngày não ngày nao.

Tự dưng suy nghĩ để nhớ và để thòm thèm. Trong mùa dịch kéo dài này - bổng dưng ta thèm đủ thứ chứ không riêng những hạt đậu giòn, Nhiều thứ mà bình thường không muốn ngó ngàng tới thì nay ngược lại, mọi thứ đều có vẻ trở thành đồ xa xỉ, thiệt là kỳ lạ.

< Hàng xóm mời chào, ta ra xem coi có gì không nghen.

Lương thực ở nhà có thể giúp bọn mình cầm cự khoảng mười ngày phong toả. Trời khiến, hôm nay ra đứng ngó đường thì vợ chồng chị cách dăm căn gần đó chào mời mua thịt cá tôm. 

Chẳng qua là ở dưới quê gửi lên một thùng xốp lớn đầy chất đạm chèn nước đá. Một phần lớn trong đó chắc đã san sẻ trong nhà (nhà ấy đông lắm), còn lại một mớ đem ra đường chia cho bà con, lấy tiền tính cái khác.

Nửa kia lại coi rồi lựa. Nào là một mớ lớn cá đối biển con to, hai tảng thịt heo tươi, chọn thêm nửa ký tôm biển. Hơn 600k nhưng rất đáng tiền, chừ mà mua ngoài thì làm sao có giá và độ ngon tươi thía này.

Về làm sạch, lại bỏ vào tủ lạnh. Bi chừ, ta có thể gồng hơn nửa tháng mà không lo cái bụng đói...

< Thông tin số ĐT liên lạc cần thiết trong dịch được dán trước mỗi nhà đây.

Nói chơi vậy thôi: bữa hủm Thủ Tướng thị sát kiểm tra công tác phòng chống dịch tại một loạt các địa phương phía Nam, ông đã yêu cầu các xã phường phải dán các tờ rơi tại từng khu trọ, từng nhà… để người dân biết các số điện thoại hỗ trợ. “Nếu tổng đài hỗ trợ 1022 của Thành phố còn quá tải, còn ách tắc, nghĩa là công việc còn tập trung lên Thành phố”...

Thì đây: trưa thứ hai, các tờ giấy in rất nhiều số điện thoại cần biết để dân kêu cầu cứu về nhiều lĩnh vực được dán trước mỗi nhà - mỗi nhà nhé. Được chăm lo đầy đủ thì chưa chắc nhưng dân khó có chuyện đói thì chắc rồi. Lỡ dính Covid cũng vậy, có chỗ mà kêu cầu cứu ngoài mấy chục cái số điện thoại hotline các tổ y tế cộng đồng quận 7 mà báo đã đăng.

Chiều, thấy người dân xếp hàng bên kia đường dù không có xe bán hàng gì cả. Hàng càng ngày càng dài đến cả trăm mét. Đây là những người khó khăn trong phường chờ phát tiền hỗ trợ. Được một hồi thì trời mưa, khá lớn. Những người phát hỗ trợ phải dời lại phòng BHXH đàng kia chờ bớt mưa rồi lại làm việc.

< Chị này sợ Covid nên trùm kín áo mưa, mang khẩu trang, mang kính chống bắn, tay cầm bình sát khuẩn vừa đi vừa phun. A, hoá ra chỉ ra thăm dò xem người ta xếp hàng làm gì - Chị có đăng ký khó khăn với phường chưa?

Vậy là những người bị ảnh hưởng dịch nặng nề nhất cũng được chính quyền giúp giảm nhẹ cái khó khăn phần nào rồi. VN ta tuyệt lắm - Không hoàn hảo thật nhưng muốn gì hơn nào?... nhất là trên đời, chả có gì hoàn hảo cả. Tôi yêu nước tôi vì chúng ta là người Việt, đơn giản thía thôi mà...

Sáng 1/9/2021

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Nhật ký những ngày phong toả 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13 - 14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 -26 - 27 - 28 - 29 - 30 - 31 - 32 - 33 - 34 - 35 - 36 - 37 - 38 - 39 - 40 - 41 - 42 - 43 - Cuối