Đứng trước kỳ nghỉ lễ dài và mùa "phượt" đang đến, chỉ với một chiếc xe nhỏ, bạn cũng có thể thực hiện được một chuyến "phượt" như ý muốn. 

Với những thao tác kiểm tra xe đơn giản và nhanh nhất mà ai cũng có thể thực hiện được, chiếc xe nhỏ thân yêu của bạn sẽ đảm bảo cho bạn có một chuyến đi đầy thú vị và an toàn.

Vậy kiểm tra và chuẩn bị cho chiếc xe thân yêu của mình làm sao cho đúng cách nhé, hãy cùng AutoPro tham khảo những khâu cơ bản và quan trọng để một chiếc xe có thể vận hành tốt trên đường dài.

1. Kiểm tra lốp (vỏ) xe: Nếu lốp đã chạy quá số km quy định cũng như bề mặt lốp đã xuất hiện triệu chứng bị bào mòn thì việc bạn nên thay một đôi lốp mới là điều cần thiết.

Thay thế ruột (xăm) nếu chiếc xăm đang sử dụng đã từng bị vá. Điều này khá quan trọng do khi vận hành xe liên tục trên đường dài, nhiệt độ lốp xe sẽ tăng đáng kể và khiến cho xăm và lốp của bạn rất dễ bị nổ nếu cố tận dụng loại lốp mòn và xăm đã vá.

2. Bơm và kiểm tra độ căng của lốp: Bạn nên ra cửa hàng để tiến hành bơm đúng số cân hơi quy định trên mỗi lốp (2,2kg hơi cho lốp trước và 2,5kg hơi cho lốp sau). Tuy nhiên, nếu phải vận hành trong điều kiện thời tiết có nhiệt độ cao, việc giảm bớt từ 0,1kg đến 0,2kg hơi trên mỗi lốp sẽ làm giảm nguy cơ lốp xe bị vỡ (nổ), rất nguy hiểm khi đang vận hành.

3. Kiểm tra phanh trước, sau: Mỗi khi vận hành xe, hệ thống phanh luôn là yếu tố mang tính quyết định cho độ an toàn khi vận hành. Hãy thay thế má phanh nếu má phanh của bạn quá mòn (có thể kiểm tra độ mòn của phanh qua mức ốc hãm của cần phanh. Nếu thấy ốc hãm đã tiến gần tới phần cuối của ren trên cần phanh có nghĩa là phanh đã sắp hết má).

Việc tự tay đặt tầm hãm của phanh cũng khiến bạn chủ động hơn khi giảm tốc đột ngột. Với một vài thao tác đẩy cần phanh và vặn ốc hãm đơn giản, tốt nhất bạn hãy tự tay làm việc này để có được vị trí tay phanh và chân phanh đúng theo tư thế ngồi và thói quen của mình nhất.

4. Kiểm tra xích (sợi sên): Tháo nắp nhựa gắn trên hộp xích sau đó xoay nhẹ bánh sau và kiểm tra độ chùng của xích. Xích được coi là chùng khi độ dao động cao, thấp lớn hơn 20mm (dùng tay hoặc tuốc nơ vít nâng xích lên đến điểm căng nhất và đo khoảng cách với điểm xích chùng tự do). Quan sát cần tăng xích ở hai bên của càng xe, nếu thấy ốc trục bánh sau tiến về phía sau có nghĩa là xích của bạn đã hết tầm để tăng xích và đây là lúc bạn nên thay một sợi xích mới.

Sau khi kiểm tra xích xong, bạn đừng quên tra thêm chút dầu nhằm đảm bảo độ trơn và nhẹ của xích. Xích xe nếu được căng đúng mức sẽ khiến chiếc xe hoạt động đảm bảo công suất truyền động. Bạn cũng nên lưu ý thời gian thay bánh răng xích (nhông) trước, sau xe để có phương án thay mới khi cần thiết.

5. Kiểm tra dầu máy: Ngoài việc tuân thủ đúng quy trình thay dầu máy áp dụng trên số km đã sử dụng, trước khi bắt đầu một chuyến hành trình dài, hãy kiểm tra lại dầu máy để đảm bảo rằng động cơ vẫn đang có đủ lượng dầu máy cần thiết để vận hành.

Việc kiểm tra dầu máy khá đơn giản: Sử dụng kìm vặn nhẹ nguợc chiều kim đồng hồ nắp que thăm dầu để tháo ra. Sau đó dùng một tờ giấy trắng để thấm dầu. Quan sát bằng mắt về độ trong và độ nhớt của dầu. Lau sạch que thăm dầu rồi cắm nhẹ vào vị trí cũ sau đó nhấc ra và quan sát mức dầu bám trên que thăm dầu. Nếu mức dầu chạm vạch trên que thăm dầu, có nghĩa động cơ đang sử dụng đúng lượng dầu bôi trơn cần thiết. Ngược lại, nếu mức dầu ở dưới vạch trên que thăm dầu, có nghĩa dầu động cơ đang thiếu và có khả năng động cơ khi vận hành đang xảy ra hiện tượng "ăn dầu".

6. Kiểm tra hệ thống điện trên xe: Đèn pha, đèn hậu, đèn xi nhan là một bộ phận rất quan trọng khi bạn vận hành trên đường trường. Việc ra tín hiệu bằng đèn trong trường hợp này có tác dụng lớn hơn rất nhiều so với cách ra hiệu bằng còi cũng như dùng tay. Thử các tín hiệu đèn phanh, đèn xi nhan, đèn pha nhằm đảm bảo toàn bộ hệ thống này được hoạt động ở trong tình trạng tốt. Thay mới nếu phát hiện có hỏng hóc trong hệ thống đèn tín hiệu.

Lưu ý: Khi vận hành trên quãng đường dài và liên tục, bạn nên bật đèn pha ở chế độ đèn cụp (tầm sáng thấp) để giúp bình ắc quy có thể "xả điện" tránh việc dòng điện xạc vào quá lớn rất dễ gây hiện tượng phồng rộp và hỏng bình ắc quy. Việc bật đèn pha cũng giúp những phương tiện tham gia giao thông khác dễ quan sát thấy bạn từ xa mang lại hiệu quả an toàn cao.

7. Kiểm tra hệ giảm xóc: Nếu vận hành một chiếc xe với một chiếc giảm xóc bị hỏng, chiếc xe sẽ xảy ra hiện tượng rung, lắc và tròng trành khi ở tốc độ cao hoặc khi đi vào đường xấu. Kiểm tra giảm xóc bằng cách đơn giản nhất là hãy quan sát trên hệ thống giảm xóc của mình có xuất hiện những vệt dầu trên thân ống giảm xóc. Nếu có, có nghĩa phớt và ti giảm xóc đó đã bị hỏng và cần được sửa chữa, thay mới.

8. Kiểm tra dụng cụ sửa chữa trên xe: Thông thường, trên mỗi chiếc xe máy đều được hãng sản xuất trang bị một túi đồ sửa chữa nhỏ. Trước mỗi chuyến đi, hãy kiểm tra và vệ sinh sạch sẽ túi đồ này. Ngoài tuýp tháo bugi và tuốc nơ vít, cờ lê, những đồ tháo xe được bạn chuẩn bị kỹ, sẽ giúp đỡ bạn rất nhiều khi chiếc xe gặp hỏng hóc tại những nơi vắng vẻ.

9. Vệ sinh bugi, căn chỉnh nhiên liệu: Nếu bạn là một người có khả năng "mày mò", việc tháo bugi và vệ sinh sạch sẽ mang lại hiệu quả cao cho động cơ khi vận hành. Nới thêm một chút ốc chỉnh xăng trên chế hoà khí (bình xăng con) sẽ khiến động cơ tốn nhiên liệu hơn. Bù lại chiếc xe sẽ có thêm sức mạnh, mát máy và độ ổn định khi di chuyển trên đường trường.

10. Mang theo đồ sửa chữa: Hãy dành một góc nhỏ trong chiếc balô của bạn để chứa một vài chiếc bugi mới, xăm xe, đồ phụ tùng tháo lắp.

Nếu có thể thì nên mang theo người một chiếc chìa khoá dự phòng, rất nhiều chủ xe đã phải rất vất vả khi mất khoá chỉ vì không mang theo chìa khoá dự phòng khi đi xa.

Một điều cần lưu ý khác: Nếu hành trinh "đi" của bạn bằng xe openbus - xe đò (tức là gởi xe gắn máy đem theo) thì chỉ nên chừa trong xe gắn máy của mình một lượng xăng nhỏ chừng nửa lít vừa đủ chạy ra bến xe (Khi người ta bỏ xe vào hầm thì họ cũng sẽ rút xăng ra hết). Khi đến nơi, bạn sẽ đổ đầy: đừng lo vì bến xe đò nào cũng có trạm xăng kề cận cả.

Chúc bạn lên đường may mắn.

Du lịch, GO! - Theo AutoPro

Đồ dùng cần chuẩn bị khi đi phượt bằng xe máy
Phượt bằng xe máy, cách nào?
Tự vá xe trên đường phượt