(Diengiadung) - Một ngày đỉnh của đỉnh (15/7) với ca mắc mới tăng cao và Bộ Y tế công bố bổ xung thêm những ca tử vong. Niềm an ủi là ca đang điều tra dịch tễ có giảm xuống.

< Bữa cơm đạm bạc mùa phong toả. Thịt heo mua bửa hủm đem kho kiểu thịt hộp, rau muống xào được khu phố tặng hum qua, đậu que Nhật mua gần 1 tuần trước...

Tĩnh lặng. Có nhiều lúc ngoài đường không một bóng xe và người.

Nhớ hơn mười năm trước, trong chuyến Bình Tiên thời hoang sơ: bọn mình ở trong cái nhà trọ duy nhất ở đấy. Trưa và chiều đặt luôn chủ nhà nấu cơm, các buổi khác thì chạy rông kiếm món lạ hoặc dân dã ở ngoài...

Buổi cơm đầu tiên ngồi ăn, bà xã bổng dưng khựng lại rồi cười 'Ngộ nha, ăn cũng nghe tiếng!'. Tiếng động đây là tiếng... nhai. Nó rõ mồn một vì chung quanh yên tĩnh quá! Tiếng nhai còn rõ thì tiếng bát đũa cũng lớn hơn nhiều, cứ nghe lánh tách leng keng...

Giờ đây cũng vậy đó. Thành phố tĩnh lặng, ta nghe rõ mọi thứ tiếng, cả tiếng động nhỏ giọt mà nhà bên cạnh đang tưới cây và... dĩ nhiên cả tiếng nhai. Ngộ! xe cộ chạy rần rần đã tạm là chuyện dĩ vãng: Thành phố như đang ngủ say, chỉ ngoại trừ những lực lượng đang căng mình ra trên mọi chiến tuyến để chống giặc Covid.

Thương thành phố tôi quá đi...

Ngày vẫn yên bình. Cửa tiệm vẫn kéo xuống một nữa, không bật đèn trang trí và các ghế vẫn chắn ngang đường đi. Mình đã quay cái bảng 'Tạm ngưng bán hàng do dịch Covid' vào trong. Nhà ai lỡ kẹt quá ra hỏi mua, nếu thấy thứ thật cần thiết thì mình vẫn bán, giá bình thường, không tăng một đồng.

Không phải ham mà mình biết cái khó của người ta: ví dụ cái bóng led toilet tắt ngúm, cần phải thay chứ không lẽ tối om con đi nó té? Hay cái CB ở nhà hỏng, mất hết điện, bắt buộc phải mua thay mới chứ nhịn điện đến bao giờ? Hoặc như cọng dây quạt máy nhà người ta bị chuột gặm, phải bán cho họ có dây khác thay chứ nóng chịu sao nổi?

< Xe cấp cứu đậu ngay trước nhà, trong đó và chung quanh là những người áo xanh...

Có điều kỹ lắm, khách khẩu trang - mình khẩu trang + kính chống bắn. Khách ngoài dây cảnh báo còn mình tuốt phía sau tủ, cách 2 mét. Với tay ra ngoài đưa bịch đồ, cũng tay đó nhận tiền đặt lên tủ, tay kia lấy tiền thối đưa tay đó trả khách. Xong, xịt khử khuẩn bàn tay, tiền họ đưa và cả mặt tủ.

Giấc trưa, xe cấp cứu bổng đậu ngay trước nhà mình. Vài ông áo xanh bảo hộ kín mít bược xuống, kéo cửa sau. Ta có cảnh báo đỏ à? Không. Trên xe có vài người cũng bận áo bảo hộ, cạnh là hành lý... Có lẽ đón thêm người chăng?

< Hẻm đàng kia lại có khách...

Nghe tiếng nhà bên cạnh đóng cửa. Người ta sợ lây nhiễm. Chờ một hồi rồi hẻm phía bên kia đường có người ra, vai đeo túi hành lý, băng qua lộ rồi vào xe. Híc! Lại thêm một bệnh nhân. Xe chạy đi. Lúc này, một người đi đường nãy giờ chờ đợi không dám qua, bây giờ mới bước đi. Ai cũng sợ!

Liệu ta có cường điệu hoá về sự lây nhiễm của cơn bệnh này chăng? Có thể. Tuy nhiên, xét cho cùng thì nếu họ ở ngoài trời không gian rộng thông thoáng... thì cũng khó lây được vì ai cũng đã mang khẩu trang mà - đừng xáp vô tán chuyện hay ở trong phòng kín mà thôi. Vậy nhưng người ta vẫn sợ! Cái nỗi sợ này khiến người ta sẽ tạo cảm giác kỳ thị người bệnh giống như thuở đầu của dịch Sida.

Có lẽ, đôi năm nữa, khi hết dịch hoặc dịch trở thành cúm thông thường thì người ta sẽ không sợ nó nữa... nhưng đó vẫn là một thời gian dài, rất dài với những nhà bị cách ly. Mong rằng ngày ấy đến nhanh, thật nhanh.

Chiều, tổ dân phố đẩy chiếc xe kéo ngang qua nhà đưa ít hàng hỗ trợ: Gạo, khoai lang, mì gói... Bà xã mở lời 'Thôi, Tùng cho những người khó khăn hơn đi' - 'Hai ông bà nhận đi, nhà đơn chiếc quá... Ai cũng có mà'. Vậy nên nhận, của ít lòng nhiều - Một niềm vui nho nhỏ vì địa phương còn nghĩ đến dân.

Tối đến nhanh, đèn đường sáng choang nhưng có lúc không bóng người. Sàigòn ơi, hãy ngủ đi... và những người chống dịch vẫn thức... để ngày mai tươi sáng hơn.

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Nhật ký những ngày phong toả 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9 - 10 - 11 - 12 - 13 - 14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19 - 20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 -26 - 27 - 28 - 29 - 30 - 31 - 32 - 33 - 34 - 35 - 36 - 37 - 38 - 39 - 40 - 41 - 42 - 43 - Cuối