(NĐT) - Loại hình cho thuê bộ phát Wi-Fi để sử dụng ở nước ngoài đang phát triển mạnh trong thời gian gần đây khi nhu cầu du lịch nước ngoài và kết nối Internet của người dân gia tăng.

Giải pháp Internet mới ở nước ngoài

Trước đây, mỗi khi đi du lịch hay công tác ở nước ngoài thì người Việt Nam chỉ có 2 lựa chọn phổ biến để truy cập Internet. Thứ nhất là tìm kiếm các địa điểm phát Wi-Fi miễn phí - giải pháp tương đối thụ động và khó khả thi với những người đi du lịch ở những nơi hoang vắng như vùng núi, biển đảo. Thứ hai là mua một SIM điện thoại của nhà mạng địa phương, tuy nhiên cách này cũng khá nhiều bất cập đặc biệt là nếu nhìn vào giá cả của SIM và gói dữ liệu tại một số nước.

Trung Hiếu, một sinh viên ở TP.HCM chia sẻ câu chuyện về chuyến “hành xác” tại Singapore: “Mình chủ quan không mua SIM 4G để sử dụng, mà trông chờ vào các mạng Wi-Fi miễn phí khi vừa đặt chân đến đảo quốc sư tử vì nghĩ bụng đất nước này đi đâu mà chẳng có Wi-Fi. Thế nhưng, chuyến đi của mình trở thành thảm họa khi suốt ngày chỉ cắm đầu vào điện thoại để… tìm Wi-Fi miễn phí.

Sau đó, mình đành bấm bụng mua SIM để sử dụng, tuy nhiên do điện thoại thường xuyên hết pin nên mình không thể tìm được thông tin đến các điểm tham quan du lịch cũng như tra cứu bản đồ, thông tin tàu điện ngầm,... dẫn đến việc bỏ lỡ khá nhiều thứ trong chuyến đi”.
Dulichgo
Ngoài ra, còn một cách khác xuất hiện từ thời… sơ khai là dùng dịch vụ chuyển vùng dữ liệu (data roaming) của nhà mạng Việt Nam nhưng khá hiếm người dùng. Lý do là giá cao và cách tính cước thì khá… hên xui. Đã từng có những câu chuyện người dùng khóc dở mếu dở vì phải trả hóa đơn đến hàng chục triệu đồng chỉ sau mấy ngày dùng data roaming ở nước ngoài, và khi khiếu nại thì nhận phản hồi từ nhà mạng là… hoàn toàn chính xác.

Chẳng hạn như mức giá của Viettel cho dịch vụ roaming tại các nước châu Âu lên tới hơn 200.000 đồng cho 1Mb dữ liệu. Mobifone thậm chí còn lên tới 300.000 - 500.000 đồng cho 1Mb tương tự. Với mức giá như vậy, có lẽ chỉ các đại gia mới dám nghĩ đến việc bỏ tiền ra sử dụng dịch vụ roaming ở các quốc gia nói trên.

Gần đây, với việc nhu cầu đi du lịch nước ngoài ngày càng tăng của người dân thì một loại hình dịch vụ mới xuất hiện, đó là cho thuê bộ phát Wi-Fi có đi kèm gói dữ liệu với chi phí cố định để sử dụng ở nước ngoài. Giải pháp này có thể sử dụng cá nhân hoặc thậm chí là nhóm người dùng khoảng 5 người với mức phí rẻ hơn cả việc mua SIM của quốc gia sở tại.
Dulichgo
Cách sử dụng rất đơn giản. Người dùng chỉ cần mang theo bộ phát đã thuê, bật lên và truy cập Internet thông qua mạng Wi-Fi phát ra từ bộ phát đó. Bộ phát có tích hợp sẵn pin dung lượng từ 5.000mAh trở lên và có thời lượng sử dụng khoảng 8 tiếng liên tục, có tích hợp đầu cắm sạc phù hợp với nhiều quốc gia khác nhau.

Ai nên chọn thuê bộ phát Wi-Fi?

Hiện tại Việt Nam có 3 nhà cung cấp dịch vụ cho thuê bộ phát Wi-Fi để sử dụng ở nước ngoài là Laxgo, Wi-Ho! và A&H WiFi. Mức giá thuê khoảng từ hơn 100 ngàn đồng đến gần 300 ngàn đồng cho 1 ngày sử dụng với dữ liệu không giới hạn, người dùng chỉ cần đặt hàng trên website của nhà cung cấp dịch vụ và bộ phát Wi-Fi sẽ được giao đến tận nhà trước khi khởi hành.

Anh Nhật Minh, 1 thành viên trên diễn đàn công nghệ lớn tại Việt Nam cho biết: “Mức giá thuê bộ phát Wi-Fi không đắt nhưng thực chất vẫn có những lựa chọn tốt hơn. Nếu mua SIM chuyên dành cho khách du lịch tại một số quốc gia sẽ có mức giá rẻ hơn. Chẳng hạn như SIM 4G ở Thái Lan có giá khoảng 199 baht, tương đương 140 ngàn đồng Việt Nam mà có thể sử dụng trong vòng 7 ngày với dung lượng 500MB/ngày”.

Do đó, anh Minh cho biết tùy thuộc vào quốc gia mà người dùng đi đến thì có thể lựa chọn giữa việc thuê bộ phát Wi-Fi hay mua SIM du lịch. Với các nước châu Âu hay Mỹ có giá SIM đắt đỏ hay Nhật Bản vốn không cho phép mua SIM trả trước thì bộ phát Wi-Fi đi thuê là giải pháp tốt nhất.
Dulichgo
Ngoài ra, nếu đi theo nhóm thì việc thuê bộ phát cũng ổn hơn so với mua SIM. Lý do là bởi với 1 bộ phát thì cả nhóm có thể dùng chung một cách dễ dàng và thoải mái – tất nhiên là với điều kiện phải luôn đi gần nhau. Có người cho rằng, lựa chọn mua SIM và lắp vào smartphone sau đó phát Wi-Fi cho cả nhóm dùng cũng có thể được, nhưng chắc chắn thời lượng pin của smartphone không thể nào “đọ” được với bộ phát Wi-Fi chuyên dụng để có thể sử dụng cả ngày.

Theo ý kiến từ một số cá nhân, các nhà cung cấp dịch vụ cho thuê bộ phát Wi-Fi ở nước ngoài thực tế cũng là đi mua SIM dữ liệu quốc tế và thiết bị để mang về cho khách du lịch thuê lại nhằm kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, một chuyên gia cho biết cách làm này đã lạc hậu khi với công nghệ mới, bộ phát Wi-Fi không có bất cứ thẻ SIM nào bên trong cả.

Theo Ngọc Quang (Người Đưa Tin)
Du lịch, GO!

Ra nước ngoài kết nối wifi bằng cách nào?