Du lịch bụi khác gì du lịch tour? Khác nhiều lắm vì tour là một mâm tiệc dọn sẳn: việc của bạn là chỉ ngồi vào và thưởng thức thôi. Đi tour: người cùng đoàn làm gì thì bạn phải làm theo, đoàn ăn bạn cũng phải ăn, đoàn ra bãi biển, đoàn đi tham quan... thì bạn cũng thế, bạn sẽ tiếp nhận theo quy trình đó dù muốn hay không.

Với du lịch bụi thì bạn được tự do hoàn toàn kể cả giờ giấc khởi hành, đi đâu, muốn ghé nơi nào, muốn ăn gì... tất cả do chính bạn quyết định.

Du lịch bụi bây không còn xa lạ với giới trẻ nếu không muốn nói đã trở thành một trào lưu. Nếu bạn muốn có vài ngày, hào phóng hơn là một tuần xả hơi thật thoải mái, tại sao bạn không một lần thử "bụi"?
Bạn có thể đi hai người hay một nhóm, điều quan trọng không ở số lượng thành viên tham gia nhưng nhất thiết phải chung sở thích để chia sẻ những khám phá.

Bạn biết không, có những chuyến đi mà trước đó vài giờ tôi vẫn còn mãi mê chơi game... rồi đùng một cái nổi hứng soạn ít đồ dùng, nhảy lên xe buýt ra Phạm Ngũ Lão (phố Tây) lấy chỗ và lên đường! Chắc cái này phải gọi là "siêu bụi" quá. Nhưng tôi thành thật khuyên bạn: bụi thì bụi cũng nên lên kế hoạch đàng hoàng. Một tính toán trước chu toàn sẽ giúp chuyến đi của bạn đạt nhiều thành quả, ít tốn kém nhưng thật an toàn.

Điểm đến của nhiều người du lịch bụi không phải là những điểm du lịch quen thuộc mà là hành trình khám phá những nơi ít người đến. Bởi vậy, trong suốt hành trình luôn có những khó khăn rình rập. Vì vậy cần phải chuẩn bị thật kỹ càng và đừng bao giờ mạo hiểm đi nếu chưa biết gì về điểm đến.

Trước khi đi, bạn cần xác định trên bản đồ điểm sẽ đến rồi tìm tất cả những thông tin liên quan bằng mọi cách: internet, sách báo, bạn bè… Đặc biệt là phải biết được đường đi tốt hay xấu, có đèo hay không, nếu gặp sự cố phải xử lý ra sao, dọc đường đi có những bệnh viện nào, số điện thoại cần giúp đỡ. Những vật dụng tối thiểu phải chuẩn bị như thuốc tây, đèn pin, bật lửa, cả chuyện có thể phải mang cả xăng dự phòng cho xe gắn máy nếu cung đường trắc trở (có đoạn suốt mấy chục cây số nhưng không hề có một mái nhà, không một chỗ đổ xăng).

Nhưng thôi, xứ người có Tây balô còn mình thì làm Ta balô! Bù lại thì làm ta balô trên đất nước mình là một điều cực kỳ thú vị. Bạn sẽ cảm nhận được những khác biệt tinh tế trong mỗi vùng, miền, thậm chí là trong từng tỉnh, thành. Làm ta balô để đắm mình vào không gian sống đích thực của từng miền đất du lịch là điều mà các tour khó có thể cung cấp cho bạn. Du lịch, GO! sẽ lần lượt giới thiệu với các bạn các “bí kíp” tổng hợp từ mạng, từ kinh nghiệm cá nhân để làm Ta balô trên đường thiên lý xuyên Việt với mỗi hình thức khác nhau: Ta balô bằng xe khách, Ta balô bằng tàu hoả, Ta balô bằng xe máy...

Bốn "Không"

Để một chuyến du lịch được gọi là "bụi" thì phải đảm bảo ít nhất hai điều: "no-tour" (không đi theo tour du lịch) và "no-guider" (không người hướng dẫn). Chuyên nghiệp hơn, có thể còn thêm "no-bus", "no-hotel". Điều này đồng nghĩa với việc một nhân du lịch bụi phải kiêm tất tật từ A đến Z.

Với du lịch bụi, nhất thiết phải biết mình sẽ đến đâu để lên kế hoạch chi tiết và lo phương tiện. Về phương tiện cũng cần dự tính xem đi bằng gì và sẽ mất thời gian bao lâu.
Với thời gian dành cho cuộc "đi phượt" kéo dài 3 ~ 4 ngày thì cần có lẽ nơi đến cách nơi xuất phát dưới 400Km, nếu muốn đi xa hơn nữa thì bạn cần thời gian dài hơn.

Kế đó là việc chuẩn bị hành trang: Bụi không quan trọng trang phục đẹp, quần áo càng cơ động, ít nhăn - lâu bẩn càng tốt.
Và để nuôi dưỡng hành trình dài tới 4 - 5 ngày, bạn phải chuẩn bị hành lý thật tốt nhưng không quá nặng, cồng kềnh. Đồ dùng cá nhân, thực phẩm, thuốc thang, vật dụng đa năng cho đến giấy tờ tùy thân … tất cả đều phải được nằm trong danh sách. Thường thì mỗi thành viên trong nhóm sẽ lo một món. Và phương châm sống cho chiếc ba lô của chuyến đi là "gọn - nhẹ khỏe lưng, dồn lực cho hai cẳng".

Kỹ năng du lịch bằng xe gắn máy

Mùa hè sắp đến, những chuyến đi theo đoàn bằng xe gắn máy là một hình thức du lịch ba lô được nhiều bạn trẻ ưa chuộng... Do đặc trưng các chuyến đi bằng xe máy có đoạn đường cũng khoảng trên dưới 300 – 1000 km, chuẩn bị tốt và kỹ càng là cách tốt nhất để chuyến đi thành công và an toàn.

1. Chuẩn bị xe:

- Chuẩn bị chu đáo, nên kiểm tra và bảo dưỡng toàn bộ xe. Cụ thể như thay nhớt trước và sau khi đi, xem xét lại kính chiếu hậu, săm xe thủng 3 lỗ phải thay luôn, thắng của xe không được sâu quá cũng không được cứng quá.
- Các loại xe thông thường là tốt nhất, như Jupiter, Future, Wave…do các xe này bền, thông dụng rất dễ tìm chỗ sửa chữa, không nên đi xe quá cũ, hơi yếu như vespa cổ...
- Bộ dụng cụ sửa xe là thứ không thể thiếu: nó gồm tuýp mở bugi, vài khóa thông dụng, vít hai đầu, giấy nhám, chải bugi, giẻ, 3 cây nạy vỏ, vài miếng vá nhanh, bơm đạp mini, lốp mới...v.v
- Đi dọc đường nên đổ đầy xăng khi có thể vì không biết phía trước có cây xăng hay không.

2. Các chuẩn bị cho việc đi xe:

- Mũ bảo hiểm: nhất thiết phải có, đơn giản là bảo vệ cho chính mình và cũng tránh phiền hà với cảnh sát giao thông. Nên mua loại mũ có hàm, kính kín, lúc xe chạy, người lái sẽ đỡ bị gió bụi, đỡ mệt mỏi và độ an toàn được nâng lên.
- Áo đi mưa: vì mưa có thể xảy ra bất cứ lúc nào trên đường đi, đặc biệt vùng núi rất dễ có mưa cục bộ trong một khoảng núi mà rất to, không có chỗ trú. Chúng ta nhớ để áo mưa ở nơi dễ lấy như gài vào dây buộc đồ, giỏ xe, hoặc balô có những ngăn nhỏ, không nên để trong cốp xe, chằng buộc các thứ cẩn thận lên, khi mưa lấy xong áo mưa thì người cũng ướt hết.

- Nên mang theo áo mưa phủ mặc cùng với quần mưa trong bộ quần áo mưa, như thế sẽ không bị ướt quần, ủng đi mưa thì có thể mua loại ủng mỏng bằng nilon có trong các siêu thị. Nên có một tấm áo mưa để phủ cho đồ phía sau.
- Nên đi giày và mặc áo vải thô khi đi đường vì chúng sẽ làm giảm nguy cơ bị xây xát nếu chúng ta bị ngã xe. Giày vừa giữ ấm chân vừa đảm bảo khi các tình huống xảy ra phải chống chân, thắng gấp, nhất là khi dừng xe tránh bị gai cắm vào chân, không nên đi giày cao gót và các loại dép. Luôn mang theo 1 đôi dép lê dự phòng để đi tắm, khi trời mưa… Mùa hè nên mặc áo pull bên trong và mặc áo khoác bên ngoài, áo khoác sẽ giúp cân bằng nhiệt của cơ thể.

- Nên đeo găng tay, chú ý chọn mua loại thoáng mà dày và... rẻ. Đeo găng tay không chỉ để tránh nắng mà người lái cũng sẽ đỡ mỏi tay hơn nhiều.
- Nên chằng buộc balô cẩn thận, thường là 2 người có 2 cái ba lô, một chiếc để ở giữa xe, một chiếc buộc sau xe, không nên đeo ba lô khi đi đường xa, làm giảm sức khoẻ của người đi xe, trừ túi máy ảnh và vật dụng tùy thân. Mỗi ba lô không nên đựng quá 5kg, nhớ bỏ theo đèn pin, dao cá nhân có bao, điện thoại + sạc pin, thẻ nhớ + pin + sạc pin của máy ảnh. Mỗi người cũng nên chuẩn bị túi thuốc cá nhân để tránh phụ thuộc vào thuốc chung của đoàn

– (Lưu ý ai cần thuốc riêng đặc trị), đồ ăn khẩn cấp: C sủi, sô cô la (Snick bar là một loại dễ mang và không bị chảy) hoặc pho mát (có loại Phomát sợi rất ngon và khô nhiều năng lượng), kẹo gừng ( tốt cho những vùng lạnh), nước uống được mua ở từng chặng, dây thừng cuộn (để kéo xe nếu bị sa lầy).
- Chúng ta cũng không thể bỏ quên chứng minh thư, giấy tờ xe và bằng lái xe. Đặc biệt là tiền mặt: chúng ta không nên mang nhiều, cứ tính 100.000 – 150.000 đồng/ngày (luôn cả tiền xăng). Còn lại để trong thẻ ATM hoặc cất vào túi riêng, không để trong ví.

3. Cách tổ chức đi xe:

Tốt nhất là 4, 5 xe một nhóm, nếu đoàn đông thì nên chia ra, tùy theo mỗi đoàn. Mỗi nhóm nên có một người kinh nghiệm hoặc tìm hiểu kỹ cung đường dẫn đầu và các thành viên khác không được vượt qua người này. Đến ngã ba thì người dẫn đầu sẽ dừng lại và chỉ đường cho các xe tiếp theo. Người cuối cùng là người cầm đồ sửa xe. Và nếu đoàn đông gồm nhiều nhóm thì không nên vượt qua xe đầu tiên dắt đường cho cả đoàn.

Trước khi khởi hành, mọi người nên nắm chắc cung đường đi. Nghĩa là các thị trấn mình sẽ qua, đề phòng lạc nhóm thì biết đường hỏi thăm. Việc này khá quan trọng, trên đường đi khoảng 30 km lại có các điểm rẽ ngang rẽ dọc, đoàn khoảng 5 xe lại rải ra trên cả một quãng dài không đi cùng nhau thì tốt nhất là biết các thị trấn xe qua để hỏi người đi đường.

Một điểm nữa không kém quan trọng: mỗi xe nên cách nhau ít nhất 6-10 m, chẳng may nếu xe trước có bị ngã hoặc nổ lốp thì xe sau sẽ không cán phải, mà không được đi cạnh nhau (song song) vì sẽ rất khó tránh, hạn chế nói chuyện với xe khác khi đi đường. Các nhóm nên chặt chẽ hơn một chút về thời gian, bản thân từng người một nên cố gắng thu xếp công việc cá nhân trong chuyến đi sao cho nhanh nhất để tránh ảnh hưởng tới đoàn. Như thế đi mới đảm bảo được lịch trình và thăm thú được nhiều nơi, và hay nhất là tránh việc đi về ban đêm, tầm nhìn hạn chế nên không an toàn, lại dễ lạc đường.

Mỗi một xe nên có bản đồ (tờ photo có đánh dấu đường đi bằng bút đỏ) và lịch trình chi tiết, số điện thoại của các thành viên, trưởng đoàn, người liên lạc tại điểm đến để nắm thông tin và chủ động nhất với các tình huống bất trắc không như ý muốn.

4. Cách đi xe máy trên đường:

- Đi ban đêm không nên bật pha, mà dùng cốt, nhất là những xe đèn sáng quá làm chói mắt người đi ngược chiều gây nguy hiểm cho người khác.
- Gặp ô tô con mà đèn sáng quá chiếu vào mặt mình, không nên đi sát bên đường, vì bên đường hay có người đi xe đạp hoặc ô tô đỗ, hoặc đống cát. Tốt nhất là giảm tốc độ và cố gắng giữ thẳng hướng đi của mình. Có thể phát hiện ra xe ngược chiều ở khúc cua thông qua ánh đèn pha, luôn luôn không đi tốc độ quá cao. Đi xe gắn máy, quan trọng nhất là an toàn. Chúng ta phải tuân thủ luật giao thông khi đi trên đường để bảo đảm an toàn. Chuyện ai đi giỏi hơn ai, không thành vấn đề.

Phần 2
Du lịch, GO! - Tổng hợp, biên tập từ internet
ĐGD