(Tiếp theo) - Ta đang ở Đồng Nai, vậy thì lý do gì mà không đề cập đến nơi này chứ?

Theo Wikipedia thì Đồng Nai là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Việt Nam.

< Cổng chào xã Xuân Đông (vị trí >), dzị là ta sắp trổ ra đường 765. Nói thật là lúc trên đường, có coi bản đồ chí để nhắm đường mà đi thôi chứ đầu óc đâu mà trông ngó ba cái linh tinh này. Đến chừng viết bài, mình phải dò lại theo ảnh, so với bản đồ và trí nhớ để ra bài viết hoàn chỉnh, tốn thời gian khá nhiều.

Người ta có thể chỉ 10 tấm ảnh và 1000 chữ là đủ thể hiện một chuyến đi. Còn mình, chịu khó vậy, tường tận từng chi tiết... khiến có bạn chê 'Ông nụi này dài dòng wá', bạn khác thì khen 'Xem bài như chính mình đang đi'! - Thôi thì Made in Điền Gia Dũng nó rứa!

< Rẽ trái vào TL765, chạy một đoạn đến ngã 3 Xuân Tây ta rẽ phải, qua cái cổng chào của xã thì gặp chợ Xuân Tây (vị trí >), lúc này là 2h5 phút trưa.

Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có diện tích tự nhiên là 5.907,2 km². Đồng Nai vị trí địa lý:

- Phía đông giáp tỉnh Bình Thuận

- Phía tây giáp tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh...

- Phía nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

< Nơi ni các cửa hàng khá sầm uất nhưng giấc này thưa người, trưa mà!

- Phía bắc giáp các tỉnh Lâm Đồng và Bình Phước.

- Phía Đông Nam giáp Nha Trang.

Đồng Nai có vị trí hết sức quan trọng, là cửa ngõ phía đông Thành phố Hồ Chí Minh và là một trung tâm kinh tế lớn của cả phía Nam, nối Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên với toàn bộ vùng Đông Nam Bộ.

< Qua đoạn phố thị ngắn, ta gặp cầu Xuân Tây (vị trí >). Tuyến đường tối ưu của 'nửa kia' để tránh QL1A. Mà tối ưu thiệt: ít xe, ít nhà, ít người và ta chưa từng đi -> Rõ ràng thật tuyệt!

Tỉnh được xem là một tỉnh cửa ngõ đi vào vùng kinh tế Đông Nam Bộ - vùng kinh tế phát triển và năng động nhất cả nước. Đồng thời, Đồng Nai là một trong ba góc nhọn của tam giác phát triển Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai. Dân cư tập trung phần lớn ở TP. Biên Hòa với hơn 1 triệu dân và ở 2 huyện Trảng Bom, Long Thành.

< Mây từng đốm, nắng nhiều mửng này khó mà mưa được nên không lo. Mà nếu mưa rỉ rả cũng được, ta càn luôn cho nó mát.

Tỉnh lỵ của Đồng Nai hiện nay là thành phố Biên Hòa, cách Thành phố Hồ Chí Minh 30 km, cách Hà Nội 1.684 km theo đường Quốc lộ 1A. Đây là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước, với quy mô dân số tương đương với hai thành phố trực thuộc trung ương là Đà Nẵng và Cần Thơ.

< Đường cong nhiều đến lúc phải gặp đường thẳng chứ? Nhà cửa thi thoảng mới thấy, hai bên chủ yếu là đất vườn và đèn đường có nghen - Nhắc lại, đây là địa phận xã Xuân Tây.

Tỉnh Đồng Nai có địa hình vùng đồng bằng và trung du với những núi sót rải rác, có xu hướng thấp dần theo hướng bắc nam, với địa hình tương đối bằng phẳng. Địa hình có thể chia làm các dạng là địa hình đồng bằng, địa hình trũng trên trầm tích đầm lầy biển, địa đồi lượn sóng, dạng địa hình núi thấp, đất phù sa, đất gley và đất cát có địa hình bằng phẳng, nhiều nơi trũng ngập nước quanh năm. Đất đen, nâu, xám hầu hết có độ dốc nhỏ hơn 8 độ, đất đỏ hầu hết nhỏ hơn 15 độ. Riêng đất tầng mỏng và đá bọt có độ dốc cao.

< Dám đảm bảo: ở đây mưa lút cán vẫn không ngập! Đơn giản là đất vườn nhiều, tha hồ thẫm thấu nước chứ không đầy bê tông nhựa như thành phố - mưa 'bự' ngập thấy thương!

Khí hậu Đồng Nai là khí hậu nhiệt đới gió mùa, có hai mùa tương phản nhau là mùa khô và mùa mưa. Mùa khô thường bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11. Nhiệt độ trung bình năm 25 – 27 °C, độ ẩm trung bình luôn cao 80 – 82%.

< Có điều người TP quen cái cảnh phồn hoa đô thị nhộn nhịp người xe, về mấy chốn ni thì buồn thấy bà, chịu sao xiết! Dzị thì kệ, có ngập cũng chịu, ha ha...

Rừng Đồng Nai có đặc trưng cơ bản của rừng nhiệt đới, có tài nguyên động, thực vật phong phú đa dạng, tiêu biểu là vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Tài nguyên khoáng sản khá phong phú về chủng loại như kim loại quý, kim loại màu, đá quý, nguyên liệu gốm sứ, vật liệu xây dựng, phụ gia xi măng, than bùn, nước khoáng và nước nóng…

< Nhà Văn Hóa xã Xuân Tây, có lẽ ở vị trí ni >.

Lịch sử của Đồng Nai gắn liền với lịch sử của vùng đất Nam Bộ. Nước Đại Việt lúc bấy giờ chỉ từ ải Nam Quan đến vùng Bắc Đèo Ngang (Hà Tĩnh ngày nay). Việc mở rộng được bắt đầu khi có những giao tranh giữa Đại Việt và vương quốc Chăm Pa láng giềng lúc bấy giờ.

< Mưa không? Không mưa! Dzị chứ về nhà chưa đầy một tuần thì mưa bão phủ phê, số bọn mình hên!

Bạn nhìn cái cột điện xem: Cây đưa ra giữa đường cứ ngỡ là camera nhưng không phải, đó là đèn đường, chắc đèn kiểu 'dân lập'. Bạn xem ảnh vệ tinh ban đêm từ ngoài địa cầu chưa? Các đất nước đầy những đốm sáng và VN ta cũng sáng có cỡ đó nghen (nhất là ở các TP), những cây đèn ni cũng góp phần tạo nên ánh sáng rực rỡ trong đêm trong mắt người hành tinh đó chứ?

Để mở rộng bờ cõi về phía Nam, nước Đại Việt lúc bấy giờ đã biết tổ chức một quân đội tốt, hùng hậu và có chiến lược nhu lẫn cương để thực hiện mưu đồ Nam tiến của mình.

< 10 năm làm blog cũng là mười năm đi. Tổng số các chuyến thì... tía tui hổng biết! Có lẽ muốn biết, phải mở máy tính ra xem từng folder chứa hình các chuyến. Khổ nỗi là nó cũng nằm từa lưa, có chuyến còn mất tập tin hình do những trục trặc máy tính, ví dụ như thay ổ cứng mới khi cái HDD cũ hấp hối, thay máy mới khi máy cũ đòi 'đi tu'...

Nước Việt Nam lúc bấy giờ xảy ra giao tranh giữa vua Lê - Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn, lịch sử vẫn gọi là thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, đây là cuộc phân tranh tạo ra tình trạng cát cứ trong lịch sử Việt Nam. Cuộc sống của người dân đói khổ và lâm vào lầm than. Điều này tạo ra một làn sóng di dân ồ ạt đầu tiên từ Bắc vào Nam, trong đó có làn sóng di dân của miền Thuận Quảng vào Đồng Nai tìm đất sinh sống và tái lập nghiệp.

<... Số Trời, Blogger của Gugồ lại quá hào phóng cho mình đưa lên đến mười mấy ngàn bài, hàng trăm ngàn tấm ảnh mà không tốn đồng xu nào, chỉ tổn cái công. Sức phẻ thì mình không được xịn xò nhưng vãn còn cưỡi xế vài ba trăm cây số/ngày được mà: Dzị thì có đi là có ghi... mà ngày nay ghi bằng ngón chứ chả phải bút... ghi mãi, chừ thì tập tin sao lưu của Dulichgo đã thành mấy trăm mê!

Năm 1621, Chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên) sai sứ sang gặp vua Chân Lạp Chey Chetta II, yêu cầu cho người Việt vào sinh sống, buôn bán ở Đồng Nai. Người Việt di cư đến đâu thì khai khẩn và phá hoang lấy đất canh tác đến đó tạo nên vùng đất trù phú. Ruộng lúa, hoa màu xanh tốt.

< ... nhưng tìm trong Dulichgo các chuyến lớn nhỏ của bọn mình thì chịu! Blog nay đã thành cái kho dữ liệu to bành ky mà các bài của mình đâu có đóng dấu made in ĐGD ? Nhưng chả cần - Có điều lâu lâu tự nhiên thấy trên net một bài viết về một chuyến đi quen quen, coi kỹ thì thấy copy của mình. Tự nhiên thấy bên ấy rồi căng mắt đọc say sưa giống như chuyến đi của một bác nào đó chứ chả phải là ta, hi hi...

Những ngọn núi xa xa trong ảnh là ở Long Giao, huyện Cẩm Mỹ. Ngọn cao nhất hơn 400m đấy.

< Bên phải đường là vườn bắp rất rộng.

Năm 1679, nhà Minh ở Trung Quốc sụp đổ, Tổng binh Trần Thượng Xuyên trấn thủ các châu Cao, Lôi, Liêm không khuất phục nhà Thanh đã đem 50 chiến thuyền, 3.000 binh lính thân tín và gia quyến đến xin thuần phục chúa Nguyễn ở Thuận Hóa. Lúc bấy giờ, đứng đầu nhà Nguyễn là Chúa Nguyễn Phúc Tần đã thu nhận họ và cho vào khai khẩn, mở mang vùng đất Đông Phố (Cù lao Phố ngày nay). Họ biến Cù Lao Phố trên sông Đồng Nai trở thành một thương cảng sầm uất và phát triển.

< Thỉnh thoảng lại có căn nhà chơi vơi, xung quanh là đất vườn.

Năm Mậu Dần 1698, chúa Nguyễn sai Thống suất Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Đồng Nai (lúc này, từ Đồng Nai hay vùng đất Đồng Nai là ám chỉ cả một vùng Nam Bộ rộng lớn của bây giờ), đặt vùng đất mới thành phủ Gia Định, chia làm 2 huyện: huyện Phước Long (Đồng Nai) dựng dinh Trấn Biên, huyện Tân Bình (Sài Gòn) dựng dinh Phiên Trấn. Ngoài ra, Nguyễn Hữu Cảnh còn cho lập bộ đinh, bộ điền, chiêu mộ những người có vật lực từ các vùng khác vào lập nghiệp và phát triển kinh tế.

< Đường quanh co đầy các góc cua tôn thêm vẻ đẹp bình dị của con lộ liên xã. Rõ ràng, ta đi lối ni sướng hơn QL1A nhiều chứ?

Năm 1802, dinh Trấn Biên được vua Gia Long đổi thành trấn Biên Hòa, nhưng vẫn thuộc phủ Gia Định. Năm 1808, trấn Biên Hòa thuộc thành Gia Định, đặt Phước Long thành phủ, đặt ra các tổng Phước Chính, Phước An, Bình An, Long Thành làm huyện. Năm 1836, trấn Biên Hòa được vua Minh Mạng đổi thành tỉnh Biên Hoà. Năm 1837, lập thêm hai phủ Phước Tuy và các huyện Nghĩa An, Long Khánh, Phước Bình.

< Mây vẫn phủ đầy trời nhưng không mưa. Trời nhiều mây giảm nắng nhưng mưa xuống sẽ khá phiền vì không có nơi nào tạm trú để trang bị 'áo giáp chống nước'.

Vào năm 1840, đặt thêm bốn phủ là Tân Định, Tân Bình, Tân Lợi và Tân Thuận. Năm 1851, Vua Tự Đức nhập hai huyện Phước Bình và Long Khánh vào các phủ Phước Long và Phước Tuy. Năm 1882, sau khi Hòa ước Nhâm Tuất được ký, lúc này triều đình Nhà Nguyễn cắt đất giao 3 tỉnh Gia Định, Định Tường và Biên Hoà cho Pháp. Sau đó, Pháp chia Biên Hòa thành ba tỉnh là Biên Hòa, Thủ Dầu Một và Bà Rịa. Đến thời Việt Nam Cộng hòa, đất Đồng Nai được chia làm 3 tỉnh là Biên Hòa, Long Khánh, Phước Tuy.

< Tiếng máy xe vẫn đều, vỏ sau ổn còn ta thì ok - vẫn lái tỉnh táo. Có lẽ ta sẽ về nhà trước 5h chăng? Nhưng khôing vội gì, cảnh ven đường thích mắt đó chứ...

Đầu năm 1975, hợp nhất 3 tỉnh này thành lập tỉnh Đồng Nai, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Biên Hòa.

< Rồi bọn mình thấy nhà cửa xuất hiện nhiều hơn, có lẽ trung tâm xã không còn xa...

Năm 1976, thị xã Biên Hòa được nâng cấp thành thành phố Biên Hòa - đô thị loại 3, trực thuộc tỉnh Đồng Nai. Ban đầu, tỉnh Đồng Nai có tỉnh lị là thành phố Biên Hòa, thị xã Vũng Tàu và 9 huyện: Châu Thành, Duyên Hải, Long Đất, Long Thành, Tân Phú, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Xuyên Mộc.

< Đột nhiên nắng lên, khá gay gắt. Mệt thì không nhưng bắt đầu khát nước, thèm một hơi thuốc...

Ngày 23 tháng 12 năm 1978, sáp nhập xã Hố Nai 1 và xã Hố Nai 2 của huyện Thống Nhất vào thành phố Biên Hòa.

Ngày 29 tháng 12 năm 1978, chuyển huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ) về thành phố Hồ Chí Minh quản lý theo nghị quyết của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VI.

< Nhưng 'cái sự' thèm này biến mất ngay khi ta rẽ nhánh vô con đường lưng tưng lạo xạo, vị trí nó nơi ni >.

Ngày 30 tháng 5 năm 1979, tách thị xã Vũng Tàu và xã Long Sơn thuộc huyện Châu Thành để thành lập đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.

Ngày 23 tháng 12 năm 1985, chuyển huyện Vĩnh Cửu thành thị xã Vĩnh An.

Ngày 10 tháng 4 năm 1991, chia huyện Xuân Lộc thành 2 huyện: Xuân Lộc và Long Khánh; chia huyện Tân Phú thành 2 huyện: Tân Phú và Định Quán.

< Đây là địa phận xã Bảo Bình thuộc thị xã Long Khánh. Đường không có tội, tội là ở người thi công nhưng không láng nhựa sớm, tội là tội cho những người ở nơi ni và đi trên đường - Tội to à nghen!

Đến năm 1991, tỉnh Đồng Nai có 11 đơn vị hành chính gồm: thành phố Biên Hòa (tỉnh lị), thị xã Vĩnh An và 9 huyện: Châu Thành, Định Quán, Long Đất, Long Khánh, Long Thành, Tân Phú, Thống Nhất, Xuân Lộc, Xuyên Mộc.

Ngày 12 tháng 8 năm 1991, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII ra nghị quyết chia tỉnh Đồng Nai thành 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu:

< Có điều đoạn lộ xấu hoắc không dài, chỉ hơn 200 mét: nhìn thấy cái cổng chào là biết ta đã thoát nạn tai... Đây chính là ngã 4 Lò Than mà bọn mình đã qua (vị trí >). Không cần ban đồ nhưng vẫn không lạc, giỏi quá em...

- Tỉnh Đồng Nai gồm thành phố Biên Hòa, thị xã Vĩnh An và 6 huyện: Định Quán, Long Khánh, Long Thành, Tân Phú, Thống Nhất, Xuân Lộc.

- Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm thành phố Vũng Tàu và 4 huyện: Châu Thành, Côn Đảo, Long Đất, Xuyên Mộc.

Năm 1993, thành phố Biên Hòa được công nhận là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Đồng Nai.

< Lối đi tiếp xeo xéo bên kia còn con đường cắt ngang là Xuân Định.

Ngày 23 tháng 6 năm 1994, chia huyện Long Thành thành 2 huyện: Long Thành và Nhơn Trạch.

Ngày 29 tháng 8 năm 1994, giải thể thị xã Vĩnh An để tái lập huyện Vĩnh Cửu.

Ngày 21 tháng 8 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2003/NĐ-CP, giải thể huyện Long Khánh để thành lập thị xã Long Khánh và huyện Cẩm Mỹ, chia huyện Thống Nhất thành hai huyện: Thống Nhất và Trảng Bom.

< Qua ngã 4 vài chục mét, thấy cái bảng chè đá thì mắt chớp chớp, dzị nên chạy ngay vô hẻm. Có chè thật nhưng... chưa dọn do bán chiều đến tối! Ha ha, thôi thì trở ra...

Đến thời điểm này, tỉnh Đồng Nai có 1 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện.

Ngày 30 tháng 12 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2488/QĐ-TTg công nhận thành phố Biên Hòa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đồng Nai.

Ngày 10 tháng 4 năm 2019, chuyển thị xã Long Khánh thành thành phố Long Khánh.

< Chạy thêm đoạn ngắn, thấy quán trà sữa Bi Tây (vị trí >): chỗ nghỉ đây roài em! Trời rất nóng, ngồi đối điện mấy cái quạt nước thổi phù phù, nốc ngụm coca mát lạnh vì đá,,, nó sướng như lên tiên! Nhì đồng hồ thấy mới 14h30 - Hi, ta về nhà chắc chỉ tầm 5h chiều thôi.

Hiện nay, tỉnh Đồng Nai có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 2 thành phố và 9 huyện, với 170 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 40 phường, 8 thị trấn và 122 xã.

Tỉnh Đồng Nai có 4 tuyến quốc lộ chính là Quốc lộ 1A, Quốc lộ 51, Quốc lộ 20, Quốc lộ 56. Các tuyến quốc lộ đều đi qua tất cả các địa phương của tỉnh trừ 2 huyện Vĩnh Cửu và Nhơn Trạch. Huyện Nhơn Trạch đang phát triển đô thị thành nên giao thông đang được hoàn thiện. Riêng huyện Vĩnh Cửu có khu bảo tồn thiên nhiên với các cánh rừng bạt ngàn được xem là lá phổi xanh của tỉnh, chính vì vậy mà hạn chế mở quốc lộ qua đây giúp góp phần bảo vệ sự trong lành của môi trường.

(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21 - Phần 22 - Phần 23 - Phần 24 - Phần 25 - Phần 26 - Phần 27 - Phần 28 - Phần 29 - Phần cuối

Điền Gia Dũng

Du lịch, GO!