(Tiếp theo) - Gành Hang trên đảo Phú Quý thường được các báo du lịch gắn liền với Bãi Nhỏ vì hai nơi này nằm gần nhau.

< Rời Cột cờ Phú Quý, bọn mình vẫn theo đường 27 Tháng 4 chạy hướng về phía Bắc đảo. Thấy chiếc xe ai đó bỏ chơ vơ bên đường: Ở đảo nì, đây không phải là chuyện lạ... miễn đừng bỏ vài ngày thì người ta sẽ chú ý, sợ người đi bị tai nạn gì đó...

Trong thật tế: nếu ta đứng ở Bãi Nhỏ có thể nhìn thấy Cột Cờ bên phải nhưng không thấy Gành Hang, đứng ở Cột Cờ có thể nhìn thấy Bãi Nhỏ nhưng để 'thấy' Gành Hang thì cũng chịu thua. Tuy nhiên, nếu ta đứng ở Mũi Gành Hang thì sẽ thấy rõ cả Bãi Nhỏ lẫn Cột Cờ.

< Mới chín giờ nhưng nắng... pà kố, có điều bọn mình chả quan tâm, chả ngại nóng hay đen vì cảnh vật xung quanh đẹp quá, ta quên khuấy cái sự đời!

< Rồi mình thấy phía trước dường như có đường cắt ngang. Xem bản đồ thì hổng quỡn, ta cứ phang thẳng thôi!

Thật ra, Bãi Nhỏ là Bãi Nhỏ còn Gảnh Hang là Gành Hang, hai địa điểm này cách nhau khoảng 350 mét theo đường chim bay...

< Tới rồi mới thấy không phải đường ngang mà là nhánh rẽ ra biển, hẳn đây là Gành Hang.

< Con dốc chúi nhủi, nửa kia xuống vừa đi bộ vừa ngắm vừa chộp lại... an toàn trên xa lộ, còn mình cưỡi vợ hai 'càn' xuống, ngại răng mô?

Bãi Nhỏ thì mình sẽ đề cập rõ trong phần sau, khi nửa kia được thụ hưởng cả một bãi tắm, bãi đá siêu thơ mộng giữa trời trăng mây nước... và chỉ 'một mình một chợ'. Còn trong bài này mình sẽ đề cập tới nơi sắp đến là Gành Hang.

< Xuống dưới rồi, nhá ĐT chộp lên xem dung nhan cái dốc' nhủi'.

< Rồi nửa kia cũng xuống đến nơi còn Điền mình thì loay hoay dựng xế. Dưới hẹp nên sàng xe sang một bên để có đường đi.

Gành Hang thuộc địa phận xã Tam Thanh*, là một vị trí phòng thủ hướng về phía Đông Bắc của đảo Phú Qúy. Gành Hang chính xác từng là một lô cốt ngày xưa ở dưới chân ngọn đồi.

< Và đây là nguyên nhân vì sao người ta gọi là 'Gành Hang'. Đây là một đoạn đường hầm bê tông ngắn thông ra biển trông như cái hang.

< Phía ngoài hầm thía này đây: Phần móng giữa hình tròn là chỗ đặt pháo, có thể xoay tròn theo các phía.

Từ trên đường chính ven biển, lối đi xuống gành bằng bê tông, xẻ đồi xuống rồi qua đường hầm đá xuyên ra ngoài mặt hướng biển. Tại đây còn chân kiềng bằng bê tông mà ngày xưa lực lượng phòng thủ gắn cỗ pháo hướng thẳng tầm bắn ra biển.

< Bước ra phía ngoài, tầm nhìn bao quát một khoảng trời biển. Xa xa kia là thuyền chài của dân đang neo đậu.

< Bà xã chộp đây: đúng vị thế, đúng độ sáng nên màu đẹp hơn, hay quá em.

Ở chót Mũi Gành Hang, ta có thể nhìn thấy cách xa 140m mé trái là hồ nuôi cá Làng Dương được xây kề cận biển giống như những hồ ở Mũi Long Vĩ - Mộ Thầy.

< Điền Gia Dũng đang 'chết mê' vì biển! Cái màu nghịch đời trong ảnh chắc chỉ là cái áo thun màu... hồng, áo nửa kia mua cho đó, kha kha... hàng sida nhưng mới keng.

< Chợt nhớ đến cái Nikon ở nhà, nay đã nằm đáy tủ. Chẹp, cái đó mà độp những cảnh thần tiên này, chịu khó chỉnh thêm hiệu ứng thì thì trông lòi mắt. Nhưng thôi, điện thoại còi, chộp cũng có núi có biển trông chả đến nỗi nào mà cũng tương xứng với đôi phẹc còi chứ hỉ?

< Chỗ núp nắng nè. Cái lạ là nếu mình chộp 'nửa kia' thì bao giờ cũng trùng lúc bà xã chộp lại mình, ke ke...

Ngoài cùng mũi Gành Hang, ta sẽ thấy điều độc đáo nhất ở đây là 'hồ vô cực' và 'khe nước chảy' - tất cả chỉ do thiên nhiên tạo dựng qua ngàn năm trau chuốt.

< Nhiều đá ngầm dưới mặt biển nhô lên trên ngọn sóng. Chính vì vậy mà ngư dân không đậu ghe tàu khu vực này. Đá cứng hay tàu cứng? chắc là đá roài...

< Khe nước chảy và hồ vô cực đây, có lẽ phải đến gần hơn... hay ta leo hẳn xuống?

Hồ vô cực được bao phủ bởi đá đen nhưng trong lòng chảo vẫn là cát trắng và nước trong vắt. Các con sóng nhỏ có thể trào nước vào hồ tạo nên hiện tượng massage tự nhiên như cách của biển vỗ về người lữ khách.

< Mon men 'bò' thêm một đoạn nữa để ngắm, để ngó. Cứ bước lên đá nguyên tảng hay cỏ thì an toàn. Và hồ vô cực đây, nơi ngâm mình của các tiên nữ khi xuống trần gian.

< Còn đây là khe nước: sóng vỗ cứ lùa nước vô ra rất ngộ. Có điều phải đúng lúc thủy triều vừa tầm.

Còn khe nước cũng tương tự nhưng nó có hình dáng dài thông từ ngoài biển vào tận trong gành đá. Khi sóng vỗ bờ, ta sẽ thấy dòng nước chạy từ ngoài vào trong rồi bật ngược lại. Nước biển trong khe dĩ nhiên cũng trong veo, sâu tầm 3 tấc đến gần 1 thước tùy theo thủy triều.

< Bò xuống rồi bò lên, ngắm bãi đá kề bên với nước biển xanh ngắt, trong leo lẻo.

< Phía xa kia là hồ nuôi cá Làng Dương nhưng hồ này không đẹp bằng những hồ tại mũi Long Vỹ và Mộ Thầy.

Có sức khỏe để leo trèo + biển không sóng thì bạn có thể tắm kiểu thần tiên tại đây và an tâm vì chỉ có Trời thấy, biển thấy.

< Cột cờ kia em, cạnh bên là Bãi Nhỏ.

Còn về hướng phải, ta sẽ thấy Bãi Nhỏ và trên đồi, phần phật lá cờ tổ quốc đỏ thắm đang tung bay.

< Bọn mình đang miên man với cảnh đẹp biển đảo thì cái điện thoại của mình vừa réo vừa rung, cú gọi từ Sàigòn. Gì đây chời? Nhà bị trộm à, hay nhà cháy, nhà sập ư?

Bài dài quá rồi, phiền các bạn xem tiếp phần sau nha...

Gành Hang là nơi lý tưởng để thưởng ngoạn cảnh đẹp, chụp ảnh, lại có chỗ trú nắng trong hầm. Tuy nhiên, nó không phải là chỗ trú mưa lớn, bạn nhớ nhé. Trong mưa lớn, nước sẽ chảy từ trên đường, trên vách đồi đổ xuống hầm cuồn cuộn đủ sức đẩy ngã bạn đấy.

*Tam Thanh là một xã thuộc huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Xã Tam Thanh có diện tích 6,67 km². Xã Tam Thanh được chia thành 3 thôn: Mỹ Khê, Hội An, Triều Dương.

(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21 - Phần 22 - Phần 23 - Phần 24 - Phần 25 - Phần 26 - Phần 27 - Phần 28 - Phần 29 - Phần cuối

Điền Gia Dũng

Du lịch, GO!