(Tiếp theo) - Kinh đô resort? Đó chính định danh của ngành du lịch và cả cộng đồng dành cho Mũi Né.

< Phía đông Bãi Đá Ông Địa dịu mát dưới bóng dừa.

Mũi Né được mệnh danh là kinh đô resort của Việt Nam ngày càng thu hút một lượng du khách lớn, không chỉ khách trong nước mà con khách nước ngoài.

Với hàng trăm khu nghỉ dưỡng sinh thái, Resort, biệt thự lớn nhỏ nằm chạy dọc theo bờ biển và được kết hợp với nhau khá hợp lý về mặt không gian cùng lối kiến trúc hiện đại. Ở bất cứ Resort nào bạn cũng sẽ có cảm giác thiên nhiên luôn mở ra trước mắt.

< Cả bãi biển không có người tắm, chỉ duy nhất một gia đình người địa phương đang bắt con gì đó dưới vỉa đá.

Nhắc về chuyện xưa: Phan Thiết vốn là vùng đất của vương quốc Chămpa được sáp nhập vào Đại Việt từ thế kỷ 17 sau hàng trăm năm chiến tranh. Ngày nay dấu vết của thời kỳ Chămpa vẫn còn lưu lại ở đây trong một đền tháp thờ vị công chúa con vua Par Ra Chanh, đó là Tháp Chàm Poshanư.

< Ninja Điền nè. Chiều mát, trời không nắng.

< Thưởng ngoạn một chút rồi đi, vẫn trực chỉ theo con đường Nguyễn Thông.

Năm 1697, Phan Thiết trở thành một đơn vị hành chính cấp đạo của nước Đại Việt. Từng là nơi nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn giao tranh những năm 1773-1801. Đất này cũng được vua Thành Thái lập thành thị xã vào năm 1898. Đến năm 1918, chính quyền Pháp thuộc tổ chức thành trung tâm hành chính của tỉnh Bình Thuận.

< Rất nhiều cửa tiệm phục vụ du lịch cho khách Nga hoặc của người Nga đã buộc phải đóng cửa vì covid, nay vẫn chưa mở lại trông rất tiêu điều.

< Sẳn dịp đình trệ, Bình Thuận cho nâng cấp luôn con đường bằng lớp nhựa phủ mới toanh, làm luôn lề cho sạch đẹp.

Ngày nay, Phan Thiết là một thành phố ven biển và là tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Thuận.

< Nhiều hàng quán bên đường cũng thừa dịp nâng cấp, sửa chữa sẳn chờ ngày du lịch phục hồi. Hoan hô, dịch đâu có tồn tại mãi được nhất là với cách chống dịch rất hiệu quả của VN.

< Nhiều cửa hàng đóng cửa im lìm, có thể cuối tuần họ mở, cũng có thể không.

< Xích xe kêu nhẹ, mình nhìn quanh quất rồi tấp xe vào một hiệu sửa đề nghị họ cho miếng nhớt vô sên, cho cả vô chân cần đạp thắng vì sau hồi vá ở Long Thành, nó có tiếng kêu. Xong hỏi tính tiền, thằng nhỏ nhất định không nhận nên bà xã nhét đại ít tiền vô túi cậu - cảm ơn nha, người dân Mũi Né vẫn dễ thương lắm, cái gì không đáng thì không muốn tính toán chi ly.

< Trước chùa Phước Thiện (vị trí >) cũng đang sửa chữa vì người ta mở rộng lề. Ai nấy đồng lòng, đường xá sẽ sạch đẹp và thông thoáng hơn.

Ngoài nghề cá truyền thống từ xa xưa, Phan Thiết còn là vùng sản xuất nước mắm ngon nổi tiếng. Điều này có được là nhờ khí hậu nhiều nắng và gió, rất phù cho quá trình ủ cá chín trong muối. Thị xã khi ấy còn là thương cảng sầm uất xuất nước mắm, cá khô, dầu rái, trầm hương, v.v. đi Sài Gòn, Đà Nẵng, Trung Quốc.

< Khúc đường ni hình như chưa làm tới, đây là đoạn dân cư ở Mũi Né. Chạy xuống tận bùng binh Bưu Điện rồi quanh trở lại kiếm gì ăn vặt, cuối cùng thì tấp vô làm 2 ly sâm bổ lượng - Vừa mát, vừa ngắm nghía dân tình thế sự khu trung tâm mà đã khá lâu rồi mới có dịp tái ngộ.

< Thỏa chí rồi lại đi, mình chạy theo Huỳnh Tấn Phát...

Về lĩnh vực du lịch, vào năm 1995, Phan Thiết mới bỗng nhiên trở thành điểm đến của nhiều khách du lịch và đặc biệt là các nhà khoa học trong và ngoài nước sau khi các phân tích thiên văn xác định nơi này là vị trí tốt nhất để quan sát nhật thực toàn phần cuối cùng của thế kỷ 20 xảy ra vào trưa ngày 24.10.1995.

< ... hướng về phía Đồi cát. Ngã 3 Võ Nguyên Giáp phía trước, quẹo trái là về Phan Thiết, phải là đi Hòn Rơm. Bên phải ngay góc đường là Suối Hồng. Hơn chục năm trước đó là một trong những thắng cảnh tuyệt đẹp, vài năm trước thì nó đã tàn tạ do những người kém ý thức. Nay, người ta ngăn lại, đang xây dở dang nột nhà nghỉ hay resort gì đó. Gắng phục hồi Suối Hồng lại chăng? Mong là họ làm được., thà là resort còn hơn là để nó mất hẳn.

< Khu vực trước kia nhộn nhịp với khách tham quan đồi cát đây. Ta hướng về Hòn Rơm em nha.

< Mãi lo ngắm nghía tìm lối vô Bồng Lai Tiên Cảnh (vị trí >), mình lạc tay lái ra rìa đường, càn vô bãi cát mịn - Trời thương, ta vẫn vững tay lái vượt cát bò ra!

Là một vùng đất chưa từng làm du lịch, trong dịp nhật thực này, Phan Thiết phải đón hàng ngàn người quan sát nhật thực về ở trong những căn nhà trọ bình dân hay những bãi cắm trại dã chiến ngoài trời. Cũng chính từ đó nhiều  người lại phát hiện ra tiềm năng du lịch của vùng đất này.

< Dốc đường Xuân Thùy (vị trí >), bi chừ biển đã trước mắt, xa xa là Hòn Rơm. Nhớ cái lần bọn mình bò lên đó quá, đó là một buổi chiều tuyệt đẹp...

< Bãi biển kề cận không bóng người, sạch bong. Không người, cái tuyệt nhất là thía đó - có ai mà xả rác đâu? Chạy ngang cổng 2 của Bồng Lai Tiên Cảnh thấy bảng thông báo đóng cửa do dịch, dzị là xong, ta không thể tham quan!

Sau nhật thực, Phan Thiết dần dần trở thành một điểm du lịch thú vị của Miền Nam Trung bộ với vẻ đẹp của những miệt dừa mươn mướt và những triền cát vàng-  cát đỏ miên man trải dài bên biển xanh biêng biếc. Thoạt đầu, ngoài thành phố Phan Thiết thì khu vực Hàm Tiến bắt đầu mọc lên các resort, nhà nghỉ... Sau đó thì đến khu vực Mũi Né - Hòn Rơm.

< Đến đoạn biển Hòn Rơm, dĩ nhiên là chắc chỉ có mình bọn ta là một trong ít người khách du lịch hiếm hoi... nhưng ta chỉ chay ngang cho đỡ nhớ thôi, đích đến của bọn mình là đảo Phú Qúy.

< Quán ăn Thùy Dương bên trái đường (vị trí >). Nơi ni có mấy phòng nghỉ rất sạch sẽ, khó chê... nhưng là chuyện hùi đó, còn bi chừ chả biết ra sao. Phía sau quán vẫn còn ngọn đồi đát đá đỏ tuyệt đẹp đó nghen.

Ở Hàm Tiến, người Nga đầu tư vào du lịch rất nhiều và khách Nga cùng khách các nước lũ lượt về đây trong các kỳ nghỉ hè hay tránh mùa đông ở nước họ. Còn khu vực Hòn Rơm - Mũi Né chủ yếu khách trong nước.

< Nếu chạy tới thêm chút nữa sẽ là nơi có mấy quán cóc bình dân bên lề đường. Bánh canh cá nơi ni ngon và giá bèo nhưng nhớ là chỉ bán giấc chiều.

< Ngã 3 Suối Nước đây (vị trí >): chạy thẳng là đi Hòa Thắng nhưng mình rẽ vào đường nhánh ven biển Nguyễn Cơ Thạch.

Khi lượng khách bắt đầu quá tải, giới đầu tư bắt đầu nhắm đến khu vực Suối Nước và chỉ sau một thời gian ngắn, Suối Nước, nơi mà có người gọi là Hòn Rơm Đông bắt đầu nhộn nhịp với từng dãy resort và nhà nghỉ cao cấp sát biển kéo dài đến 4km đến tận xã Hồng Phong.

< Từng quần nát nơi ni trong chuyến "Bình Tiên - Sơn Hải - Kê Gà có gì lạ? (P11)" ở một vùng biển thần tiên, nay tái ngộ thì bao kỷ niệm cũ quay về thân thương làm sao! Tuy nhiên, resort Biển Đông ngày ấy đã muốn hấp hối thì nay chết hẳn, chỉ còn là những chái nhà hoang mục nát.

< Vậy nhưng tuyến đường ni vẫn đẹp đến mê hoặc... 'ta sẽ chạy hết đường nhe em, xem nó tới đâu'.

< Một khoảng trống hiếm hoi nhìn ra thấu biển, phía dưới là biển xanh và vô số những chiếc thuyền thúng được tô vẽ nhiều màu sắc nhưng nay đã bắt đầu phai nhạt. Người ta không vô tình bỏ trống mà mình nghĩ là trước đây, chốn ni chính là bãi thuyền thúng du lịch.

< Đối diện đó là một sự hoang hóa đến lạnh lùng. Thôi mình đi anh...

Chưa chấm dứt tại đây, khu vực phía đông Phú Hài trước kia chỉ có cây bụi, đồi cỏ và đá thì lúc ni đã bắt đầu mọc lên các khu nghỉ dưỡng, resort. Biển không có bãi, chỉ có đá thì người đầu tư xây kè, đổ cát tạo bãi biển - Một chuỗi thiên đường dành cho khách du lịch từ hang sang đến bình dân kéo dài suốt 30km ven biển Bình Thuận.

< Đến đoạn này thì cứ ngỡ như đường quê, đẹp quá. Thi thoảng cũng có vài căn nhà dân, họ vẫn sống vui kề cận những resort đóng cửa im lìm.

< Ta vẫn chạy trên con đường thần thoại, mé trái là rào cây của một resort nào đó - Cái kiểu tường rào này mới thân thiện với môi trường làm sao chứ không như các bức tường hay tôn khô khốc trên đường ven biển 44A đi Phước Hải.

Sự thịnh vượng của một vùng đất đẹp ngày càng phát triển cho đến khi bùng nổ dịch Covid trên toàn cầu khởi phát từ Vũ Hán vào cuối năm 2019. Nó khiến nền kinh tế, du lịch toàn cầu điêu đứng. VN ta cũng không ngoại lệ: Vô số các tour phải hủy bỏ, kinh doanh du lịch bị đình trệ và nhiều người trong số đó phá sản hay chuyển sang nghề khác.

< Bạn nhìn xem, đẹp tuyệt vời chưa dù đó là những ngăn cách ta với biển. Người ta lấy biển thì ít ra cũng phải thay thế bằng thứ gì đó coi cho được.

< Những bungalow sang trọn đóng cửa im lìm...

Hiện nay, dù ảnh hưởng của Covid đã giảm thiểu nhiều nhưng chắc phải cần một thời gian nữa thì nhịp sống du lịch tại đây mới khởi phát lên được như ngày xưa. Mong rằng việc đó sẽ nhanh đến để Mũi Né lại trở về ngôi vương xứng danh 'Kinh đô resort'.

< Cuối đường là thế này đây (vị trí >)! Đúng ra đường sẽ vào cua và thông ra DL706 phía ngoài nhưng cái resort Hải Đăng này xây dựng sửa chữa gì đó nên đóng luôn. Do cái chắn kéo khóa bằng dây nên mình trở đầu xe, ta không ra ngoài bằng đường ni thì sẽ đi đường khác.

< Chạy ngược về, có dịp ngắm cái tường rào của một khu nghỉ dưỡng trong nắng chiều tà.

< Chạy lố mươi thước nên lại trở đầu xe, ngõ ra ngoài là đây (vị trí >). Đường xi măng qua một khu dân cư nhỏ...

< Nắng chiều chiếu xuống vàng hoe trên con hẻm yên bình.

< Chạy chỉ tầm hơn 200 mét là ta ra con lộ lớn 706 bên ngoài, lúc này là 5h 10 phút ngày 8 tháng 9 - 2020. Thỏa! Ta trở về chưa em? Chưa, anh trở về ngã 3, ta thử tìm lại đường ra bãi đá Hòn Rơm xem sao. Ừa em, dzị là đi.

Lối vào mà hùi chuyến "H11 - Bãi đá và đỉnh Hòn Rơm" bọn mình đi còn hay không thì phiền bạn xem tiếp bài sau nha, bài ni dài quá rồi.

(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21 - Phần 22 - Phần 23 - Phần 24 - Phần 25 - Phần 26 - Phần 27 - Phần 28 - Phần 29 - Phần cuối

Điền Gia Dũng

Du lịch, GO!