(Tiếp theo) - Hai bữa ở đảo, chúng ta đã biết đến các vạn chài có miếu thờ cá voi là Vạn An Thạnh (xã Tam Thanh), Vạn Liên Thành (xã Ngũ Phụng). Giờ là Vạn Mỹ Khê - Lăng Cô.

< Từ phía ngoài nhìn vô thấy cổng của lăng, nơi thờ Cá Ông (vị trí >). Lúc này đã 10h30. Sân lăng rộng rãi, giữa là lối đi chính vào cổng tam quan, hai bên đầy cây xanh và có ghế đá cách khoảng.

Lăng Cô (hay vạn Mỹ Khê) là nơi thờ cúng cá voi của người dân trên đảo Phú Quý, tín ngưỡng dân gian gắn liền với cư dân miền biển.

< Ngày thường nên lăng đóng cửa. Dzị ta lòng vòng bên ngoài xem sao. Nhìn cổng tam quan đẹp phát mê chưa?

< Nửa kia nhanh lắm, thoắt cái đã vào ngõ tuốt bên hông rồi...

Hàng năm, tại vạn Mỹ Khê diễn ra 3 kỳ tế lễ chính vào dịp xuân thu nhị kỳ theo tập tục “xuân cầu thu báo” và lễ kỵ Cố vào ngày 20 tháng tư âm lịch. Lễ tế xuân và tế thu nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi.

< Đây là phần biển phía ngoài kè, hướng Nam của đảo Phú Quý.

< Mình thì vẫn còn lơn tơn phía trước lăng, ngắm cái cổng. Và kìa, bạn thấy nhũng ngọn đèn trong sân đình không? Nó xài bằng năng lượng mặt trời đấy. Khá nhiều đoạn đèn đường trên đảo kiểu ni: nắng gió vô tận tạo ra nguồn năng lượng tái tạo tuyệt vời.

Lễ kỵ Cố là lễ tế vị thần Nam Hải đầu tiên lụy và trôi dạt vào bờ được ngư dân làng Mỹ Khê làm lễ an táng, cũng là lễ quan trọng nhất của lăng Cô.

< Kè biền đoạn này đã hoàn thành trông rất vững chãi.

< Kia là đê biển quây khu dậu tàu thuyền khi có bão. Đê xong từ lâu, nay người ta chèn thêm vô những cục TAC (tetrapod) phía ngoài để phá sóng.

Tục thờ cá Ông (tức cá voi, cá heo, cá nhà táng và các loại cá lớn nói chung) là một tín ngưỡng dân gian vùng duyên hải Việt Nam. Đây là tín ngưỡng của cư dân vùng biển, hay còn gọi là vạn chài. Cá Ông ở đây là cá voi lưng xám mà theo ngư dân chính là thần Nam Hải.

< Dưới tán lá bàng, khung cảnh biển thật êm đềm.

< Đình đóng cửa thì ta ra đê. Trưa nắng nhưng quên mất cái nóng...

Ngư dân thường phối thờ Cá Ông cùng các vị thần khác đã giúp đỡ và phù hộ cho ngư dân no ấm như: Ngũ Hành Nương Nương, Hữu Lý Ngư, Tả Lý Lịch, v.v.

< Những cục bê tông chắn sóng to đùng. Dạng cục này có 3 loại cơ bản là 4 Tấn, 8 tấn và 12 tấn. Cục ở đây bi nhiêu thì mình phải nhấc lên thử mới biết được, nhưng nó nặng quá, he he...

Tục thờ Cá Ông xuất nguồn từ tục thờ Cá Ông của người Chăm. Tuy nhiên, trải qua sự bản địa hóa, tục thờ cá Ông trở thành tín ngưỡng của người Việt và cả người Hoa.

< Trong kia là âu thuyền tránh bão rất rộng. Phú Quý giờ đây có 2 âu, dám chừng sẽ có âu thuyền thứ 3...

< Mé trái các cục bê tông được xếp thẳng hàng, cài vào nhau rất vững chắc nhưng phía phải (trong âu) lại nằm lung tung, mình thắc mắc điều này. Nếu như đem được xe vào đây, ta chạy mút hết đường đê em hè?

Đối với người Chăm, Cá Ông là một vị thần của Biển Đông được nhân dân kính cẩn. Còn đối với người Việt và người Hoa, Cá Ông chính là mảnh pháp y (áo choàng sau) của Quan Thế Âm (hay Nam Hải Bồ tát) quăng xuống biển để cứu giúp cư dân vùng biển trong cơn giông tố giữa biển.

< Phía ngoài sân đình có bậc thang nên xe không vào được, chừ nhìn đây mới thấy thật ra có lối vào đó chứ, lối đi đường đất bên kia đình.

< Nhưng thôi: Trên đầu có đám mây u, mây đen vần vũ nó vù xuống ta!
Vả lại cjừ cũng khá trưa rồi, ta trở ra thôi.

Mục đích của tục thờ cá Ông hình thành để cầu yên cho các ngư dân ra khơi đánh cá và mong được mẻ cá lớn. Tục này có từ thời Gia Long, sau này đã thành lệ.

< Hoa và trái bàng. Không biết bàng vuông ở Trường Sa có khác biệt gì nhiều so với bàng ở đây không hỉ?

< Sân đình (gọi là đình cho nó tiện nhé) hai bên phủ bóng mát. Đình, chùa... ở đảo bạn thấy khá nhiều dù Phú Quý không có diện tích quá lớn - chứng minh rằng đời sống tâm linh của người dân rất phong phú. Vậy còn đạo Thiên Chúa, nhà thờ đâu hè? Rồi bạn sẽ thấy thôi mà...

Theo lệ thì dân chài ai phát hiện được cá voi mắc cạn hay còn gọi là "ông luỵ bờ" thì có bổn phận chôn cất và để tang Ông như để tang chính cha mẹ mình.

< Chiếc Sirius FI của mình đây, ngoan ngoãn đứng chờ dưới bóng mát cây phượng có hoa đỏ rực. Phải chi đảo có vỏ xịn ta cũng thay quách, cày đường xấu trên đảo mới đã nư. Sau chuyến này, về nhà thì việc trước tiên là mình đem xe bảo dưỡng theo định kỳ, sau đó thì thay bộ vỏ ruột Michelin hàng chính gốc, chống 30% các loại đinh!

< Bất chợt mây tan nắng đổ, ta thấy rõ hình ảnh phía ngoài đầu đường vào lăng cô Mỹ Khê - đường ni là 27 Tháng 4.

Xác cá được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ. Dân làng còn lấy giấy đỏ đắp vào miệng cá thấm lấy nước dãi, xong đem phơi khô rồi đốt thành tro để chữa bệnh suyễn. Xác cá được mai táng trong đụn cát gần biển. Người phát hiện ra cá voi mắc cạn thì được nhân dân tôn sùng và dưới triều Nhà Nguyễn còn được miễn sưu dịch 3 năm.

< 11h, lên xe đi tìm bữa trưa.  'Em muốn Hải Thắm hay Cột Buồm?', 'Chỗ nào cũng được, thôi ta lại ghé HT đi'. Nói chung, hai quán này là số một hai của Phú Qúy đấy.

< Chạy đến ngã tư Trần Hưng Đạo (vị trí >), rẽ trái để đi HT. Lúc này chợt thấy chiếc xế hộp bóng lưỡng đậu trước nhà ai kia. Mình nghĩ rằng chắc phải có hơn chục chiếc xe 4 bánh trên đảo, không tính xe chở hàng, xe xúc xe cạp à nghen. Cả trăm cây số đường, có xế hộp cũng phải chứ, ngư dân nhiều người giàu lắm đó nghen, cơ ngơi họ toàn tiền tỷ.

Hàng năm dân làng chọn ngày Ông đã luỵ bờ (tức là ngày cá Ông dạt vào bờ) để làm lễ cúng giỗ theo nghi thức Nghinh Ông. Người địa phương có câu: "Thấy ông vào làng như vàng vào tủ" vì theo tín ngưỡng này, Cá Ông luỵ vào làng nào, làng đó muôn đời ấm no, tai qua nạn khỏi.

< Trần Hưng Đạo, đoạn có các quán đớp đây (vị trí >) - Hải Thắm thì thắm nè!

< Quán rộng, ngày thường và giấc trưa vắng teo nhưng đã có ta làm khách.

Ba bốn năm sau khi chôn thì dân làng phải cải táng, thường làm vào mùa xuân sang hè rồi đem cốt cho nhập lăng và tế chung. Đối với xương cá Ông to lớn thì dân làng sẽ chờ đủ 3 năm cho xương cốt rã ra rồi mới đem vào hòm để đưa về làng thờ.

< Không cần xem menu vì bà xã đã kết cá hồng chuối, dzị tiếp tục một cái lẩu, đưa đẩy với tiger. Chỉ nhỉnh hơn 200k một tý nhưng xác đáng lắm.

< Một cái lẩu không thôi là đủ, không phí hoài thừa mứa như hôm qua. Và đây: tàn dư của cuộc chiến! No nê... nhưng đến buổi chiều tối nay có thông tin rằng cá hồng chuối có thể có... độc - độc tính của nó khá mạnh đủ khiến người ăn vào bệnh viện gấp, tía ơi... Nhưng đó là chuyện sau.

Với trường hợp cá nhỏ, người ta sẽ cho trực tiếp vào hòm và đem về thờ. Khi tế cá thì dân làng cũng cúng các vong hồn ngư dân chết ngoài biển. Tế xong thì có các mục mua vui như hát "chèo ghe", đua thuyền thúng, kéo co, hát tuồng cùng các trò khác.

< Xong bữa, về nhà thôi em. Tính ra ta đã ở đảo 1 ngày rưỡi. Thuê phòng ở Biển Đông 700k cho 2 ngày, tức là mai ta về à? Nửa kia cò kèo 'Thôi, ta thêm 1 ngày nữa nha?'. Được thui, dìa gặp anh chủ, đề nghị tăng thêm 1 thành 3 ngày, chẵn triệu? - anh ta ok luôn! Thía là có thêm một ngày rưỡi nữa quậy cho đã!

Điển hình là lễ Cầu Ngư, hay còn gọi lễ tế cá Ông, ở làng Mân Thái thuộc Đà Nẵng. Hằng năm làng tổ chức tế vào Tháng Ba âm lịch. Ba năm thì có đại tế một lần. Ở Bến Tre thì gọi lễ Nghinh Ông, tế vào Tháng Sáu.

Ngoài ra khi dân chài ra khơi họ cũng thường thắp nhang vái Ông phù trợ.

(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21 - Phần 22 - Phần 23 - Phần 24 - Phần 25 - Phần 26 - Phần 27 - Phần 28 - Phần 29 - Phần cuối

Điền Gia Dũng

Du lịch, GO!