(Tiếp theo) - Cho đến lúc này, bọn mình vẫn đang trên đường khám phá tỉ mỉ những cảnh đẹp ở hướng Đông của đảo Phú Quý. Trong đó có Vịnh Triều Dương, bãi đá Phú Quý, Gành Hang, Mộ Thầy và mũi đá Mộ Thầy.
Nói chung, nơi mô ở đây cũng đẹp, thậm chí đến cả con đường chạy ven biển cũng tuyệt vời... và ta sẽ dần đề cập đến từng chốn một bạn nhé.

Như các bạn đã thấy trong bài trước: Vịnh Triều Dương ngày nay không còn tuyêt mỹ như ngày trước. Nước vẫn trong xanh (tùy theo thủy triều), tầm nhìn không còn bao quát một trời một biển, mất sự yên tĩnh... vì đang xây dựng đê biển. Tuy nhiên, đó là điều bắt buộc phải làm để đảo ngọc vẫn mãi tồn tại giữa biển khơi, giữa sóng gió dữ dội của mẹ thiên nhiên.

< Bãi đá đây (vị trí >), xe cứ dựng chống ven đường rồi tha hồ rảo bước, leo trèo khám phá. Đẹp thì không phải bàn nhưng nên đi sáng sớm hoặc chiều vì nắng lắm mà chỗ ni không thể tìm bóng mát chỗ mô đâu.

< Chỉ mới hơn 8h rưỡi thôi nhưng nắng tưng người. Tuy nhiên nắng vẫn sướng hơn mưa dầm. Mà bọn mình đã tự nhủ tỉ như có mưa cũng trùm áo mà đi chứ ở trong phòng làm gì? Có điều nếu trời âm u chụp ảnh sẽ xấu hoắc!

< Trên bãi đá có trảng cỏ xanh um rất rộng. Xanh cỏ, xanh biển và đen đá: tất cả đều thật nhiều nhưng rác thì thiếu và mình vô cùng cảm ơn cái sự thiếu này. Với các bạn, đến đây mang theo gì thì khi rời đó, tha thiết mong mọi người hãy đem theo tất cả không bỏ sót lại thứ gì, vô cùng đa tạ...

< Dưới mé biển, giữa các cụm đá là những bãi cát nhỏ, những vụng nước trong veo như hồ tắm thiên tạo.

Bãi đá Phú Quý: Có lẽ đây chỉ là tên gọi để dễ nhận biết của khách du lịch nhưng cách gọi không hề sai.

Phú Quý nhiều bãi đá vô cùng nhưng tại mũi Mộ Thầy và nơi ni: đá nhiều nhất và hùng vĩ bậc nhất. Nếu trên bờ là những vách đá nâu đen xếp tầng thì dưới biển có vô vàng những rặng đá đen tạo nên cách rãnh, các hốc và hồ như các bồn tắm giữa thiên nhiên.

< Sóng vỗ nhẹ vào các triền đá đen, Trong xanh vì bạn có thể nhìn thấy rõ dưới mặt nước biển tít xa đằng kia có gì...

< Bà xã đã ra tận ngoài rìa mũi bãi đá. Đứng đây, ta nhìn, ta ngắm đất, trời và biển... rồi chợt nghĩ đến cái thống kê địa chính trong bài trước và xót ruột: cách nay 45 năm, rất có thể biển ở chốn này vẫn còn tuốt luốt xa ngoài kia kìa, xa hơn cả nhúm đá đen mà ta đang nhìn thấy trên biển ở trước mặt. Xâm thực vì biến đổi khí hậu khiến biển ngày nay đã vào đến đây! Thương quá Phú Quý ơi...

< Ở đây, mình nhìn thấy cột cờ của đảo, lá quốc kỳ đỏ sao vàng tung bay phất phới trong gió lộng. Phía dưới là 'một tỷ' tảng đá đen đủ mọi hình thù.

< Những cụm đá đen đầy mê hoặc lấp ló giữa sóng biển như nô đùa bên làn nước trong xanh. Nếu thẳng tiến ngoài kia sẽ là Trường Sa bất diệt.

Bãi đá nằm gần khu vực cột cờ, nhìn thẳng ra biển. Đây là nơi có phong cảnh đẹp để các bạn có thể làm một bộ ảnh sống ảo giữa bao la biển trời hoặc cắm trại, dã ngoại.

 Trên bãi đá là một trảng cỏ rộng, xanh mướt mắt. Dưới triền dốc là biển xanh đưa những con sóng vỗ về vào vô vàn những cụm đá đen, cảnh vật mà chắc hẳn ai đã đến đây rồi sẽ khó quên.

< Tượng đá 'vọng thê' à? Hổng phải, đó là Điền ta đấy!

< Chất liệu đá trên ni khác đá dưới kia chăng? Không đâu, khi sóng đánh vỗ bờ, đá trông như màu nâu đậm sẽ trở thành đen mun. Hàng triệu năm trước, dám chừng nơi ni là đá núi lửa đùn lên tạo thành đảo?

Có điều cần khắc ghi là nếu đến, bạn có thẻ lấy đi những bức ảnh và chỉ để lại những dấu chân thôi nhé. Môt bọc rác hay một chai nước 'bỏ quên' sẽ là tội lỗi lớn với thiên nhiên đó.

< Một vài chỗ được xây bệ bằng đá ong. Có lẽ khi còn trong sự quản lý của quân đội, họ xây những cái này để đặt bệ súng phòng thủ. Ở tít xa là Hòn Tranh kìa.

Qua bãi đá tầm 300 mét, ta sẽ sẽ đến cột cờ.

C:\Users\Diengiadung\Desktop\DOWNLOAD\BAI MOI\IMG_20200910_084625_HDR.jpg

< Đá đen, cát trắng còn nước trong xanh với các vụng như hồ ngâm thiên nhiên. Thích thì cứ xuống tắm. Tuy nhiên ở đảo ni có 'một tỷ' chỗ để tắm lận mà.

< Một chiếc thuyền của ngư dân chầm chầm trôi lững lờ. Khung cảnh ni khiến cuộc sống như chậm lại, quên đi cái náo nhiệt quay cuồng chốn thị thành.

Cột cờ Phú Quý có tên đầy đủ là Cột cờ chủ quyền Tổ quốc tại đảo Phú Quý, là 1 trong 7 cột cờ thuộc Dự án xây dựng cột cờ chủ quyền Tổ quốc tại các đảo tiền tiêu trải dọc đất nước do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam chủ trì với sự phối hợp thực hiện của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

< 'Bào mòn' gần hết bãi đá, trảng cỏ rồi thôi thì ta đi - Đi em...

6 đảo còn lại của dự án gồm đảo Trần (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Hòn La (Quảng Bình), Cù Lao Xanh (Bình Định), Côn Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Thổ Chu (Kiên Giang).

< Nhưng trước khi rời bước còn ráng 'cắn' một tấm HDR.

Cột cờ Phú Quý được khởi công xây dựng từ ngày 17/6/2015 trên diện tích gần 200 m2 tại mỏm Đông đồi Chuối, phía dưới là bãi biển Gành Hang (thôn Triều Dương, xã Tam Thanh).

< Yên xe hút nắng nóng như cái chảo rang! Mình lấy chai nước đổ một vốc nhỏ rồi xoa đều là nhiệt bay đi hết - Ta lại đi, cột cờ chỉ gần đây thôi!

Công trình có 4 phần gồm đài cột, thân đế cột cờ, bậc thềm và khuôn viên xung quanh. Đài cột cờ có chiều cao 22,6 m bằng sắt với kích cỡ cờ là 4 x 6m.

< Ni là cái cột cờ. Ngay đường vào có cái chái nhỏ bán nước nhưng lúc này chả có ai. Mùa covid, tất cả còn quạnh hiu...

Thân đế cột cờ với 4 mặt đều nhau, cao 5,2m được xây bằng bê tông cốt thép giúp cột cờ được vững chãi. Bề mặt thân cột cờ được ốp đá granit màu trắng xám, trang trí 2 biểu tượng Cờ đỏ Sao vàng, Quốc huy, Quốc hiệu và tọa độ địa lý của cột cờ.

< Lên bậc thang ra miết phía ngoài. Có bảng cảnh báo dành cho các tía thích 'tự sướng' miền cheo leo. Na mô, lấy một tấm ảnh đẹp nhưng đừng thí mạng cùi...

Phần bậc thềm và khuôn viên xung quanh có hình vuông, hướng ra biển Đông. Móng cột cờ có diện tích khoảng 10,24 m2, chôn sâu dưới lớp đá núi với kỹ thuật kết cấu móng vững chắc (của các công trình hải đăng). Riêng lá cờ Tổ quốc treo trên cột cờ có kích thước 4 x 6m được may bằng chất liệu vải có độ bền cao nhằm thích ứng gió biển mạnh. Tổng mức kinh phí đầu tư xây dựng cột cờ chủ quyền trên huyện đảo Phú Quý hơn 1,26 tỷ đồng.

< Nhưng nói thì nói, ta cũng phải vượt qua... cái bảng. Có thuở nào mèo lại chê mỡ chứ?

Mức kinh phí có thể cao nhưng ta cần hiểu rằng: xây bất kỳ thứ gì ngoài khơi xa thì phần chi phí để đem vật liệu ra ấy cũng đã tốn khối tiền rồi. 

< Ở sát phía ngoài cùng, ta có thể thấy rõ Bãi Nhỏ, có cái chòi con mùa này bỏ hoang. Nửa kia chấm: em khoái cái bãi tắm này. Hi hi, em mà khoái thì chốn này sẽ là của em không chóng thì chày...

Công trình này có ý nghĩa thiêng liêng với Tổ quốc, dân tộc, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào và ý thức, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo cho tuổi trẻ và nhân dân trên đảo.

< “Nhìn cột cờ cao, hướng thẳng đứng lên trời, lá cờ bay “phần phật”, kiêu hãnh giữa biển trời Tổ quốc, khiến chúng tôi thật tự hào”... là câu nói mà du khách đến đây có thể thốt lên.

< Ra gặp 'vợ hai', cái yên xe được dựng lên để... giảm nóng, ngồi mát mông - lúc này còn dăm phút nữa là 9h. Điểm kế tiếp ta đến sẽ là Gành Hang em hén?

Mời bạn xem tiếp bài sau...

Sau 5 năm đi vào hoạt động, Cột cờ Phú Quý không chỉ đơn thuần thể hiện chủ quyền của Việt Nam tại đảo, mang tính giáo dục sâu sắc về tình yêu quê hương, đất nước mà còn giúp cho thế hệ trẻ hun đúc thêm lý tưởng, niềm tin và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Công trình sẽ mãi là một điểm du lịch, tham quan hấp dẫn đối với du khách gần xa.

(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21 - Phần 22 - Phần 23 - Phần 24 - Phần 25 - Phần 26 - Phần 27 - Phần 28 - Phần 29 - Phần cuối

Điền Gia Dũng

Du lịch, GO!