(Tiếp theo) - Phú Quý cách thành phố Phan Thiết khoảng 110 km. Đảo có những bãi biển đẹp, hoang sơ, không khí trong lành và là một điểm đến đầy thú vị đối với bất cứ ai khi đến nơi này lần đầu.

< Hơn 4h sáng ngày 12/9: bọn mình đã ra cảng tàu để ngắm biển. Vắng nhưng quán cà phê cóc đã mở còn SuperDong chả thấy đâu. Vé tàu thì trưa hôm qua đã đặt sẳn rồi, chuyến 8h sáng (tàu chạy tùy theo con nước). Hơn 5h, chạy loanh quanh kiếm cái ăn và ghé vào hàng chị gái nọ trên đường 27 Tháng 4, gọi bánh canh chả cá. Nói thật, mình biết có lẽ là họ nấu sẽ ngọt (cái gu Phan Thiết - Bình Thuận là vậy) nhưng cứ thử coi. Hi, ngọt thiệt, khá là giống kiểu... chè bánh canh ngọt nước dừa! 'Chữa cháy' bằng cách nêm thêm nước mắm nhưng không ăn thua, thôi thì măm một nửa và bỏ mứa chút chút kẻo người nấu không vui. Nửa kia mua thêm ổ bánh mì chả cá hàng rong bên cạnh rồi đi: ta đi kiếm chỗ gặm cho thoải mái, hi hi...

< Cái nhà này trên đường 27 Tháng 4 cứ khiến 'nửa kia' cứ ấn tượng, nhắc hoài: Có người ở đó chứ, nhưng phía trước lù lù đống cát to bành. Cát dĩ nhiên lún, chạy xe lên là biết mùi liền. Chả biết họ ra vô làm sao nữa...

Nhiều năm trở lại đây, đảo trở điểm đến du lịch hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Sự gia tăng đột biến này khiến đảo ngọc đang phải gồng mình với rác thải.

< Lại tấp ngang cảng thăm chừng (vì còn gởi chiếc xe) nhưng không hế thấy tăm tích chiếc tàu cao tốc (những ngày trước, tàu thường đậu chình ình). Thôi kệ tía nó, ta đi 'xử' ổ bánh mì, coi bộ nó ngon à!

< Ghế đá công viên là chỗ ngồi gặm, ổ bánh xé đôi. Hảo, hảo hơn bánh canh chỉ vì cái kia ngọt thôi chứ không phải người ta nấu dở.

Tại Phú Qúy, trên đường đi và dọc bãi biển... ta có thể bắt gặp đủ loại rác thải: từ rác sinh hoạt, rác thải ni lông đến những vỏ chai nhựa, cành cây nằm lăn lóc hoặc bị sóng biển đánh vào bờ. 

< Nhìn đồng hồ còn khá sớm, thôi ta ra bãi đá nha em. Hồi ở Phan Thiết, các cô bán vé cứ dặn chừng rằng cô chú có mặt trước 1 tiếng, còn có xế thì trước 2 tiếng. Bọn mình nghe lời dặn nên chờ méo mỏ! Giờ đây, đảo 'nhân hậu' hơn (chỉ dặn trước 1 tiếng) còn ta 'tai quái' hơn: thôi thì tới trước gần tiếng là đủ.

May mắn là hiện nay, đảo tuy chưa gặp tình cảnh "ngập" rác như các điểm du lịch nổi tiếng khác song cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng rác thải từ nguồn khách du lịch.

< Vùng biển ở bãi đá PQ đây, nhưng không phải chỉ có bọn ta...

< Nơi ấy còn có 3 chiếc xe ngoài chiếc của mình. Và một cô gái ăn bận rất model đang đi xuống bãi...

Với dân số khoảng 30.000 người nhưng lượng khách du lịch đến Phú Quý ngày càng tăng, lượng rác thải sinh hoạt, trong đó có rác thải du lịch là rất lớn so với năng lực xử lý của địa phương. Ô nhiễm môi trường do rác thải đang là vấn đề đặt ra cho đảo. 

< Không, có thêm 1 cô và 2 chàng trai dưới kia.

< Họ chụp ảnh. Đất, trời và biển kiểu này thì đáng chụp thiệt dù chưa đẹp bằng buổi bình minh hôm qua. Có lẽ đám thanh niên cắm trại từ chiều hôm trước, ba lô mang theo lỉnh kỉnh và đống rác họ để đó cũng thật... vĩ đại.

Trong những dịp lễ, đảo Phú Quý từng đón tầm 5.000 du khách. Nhiều du khách đến đảo có ý thức bảo vệ môi trường, tuy nhiên cũng có rất nhiều du khách “hồn nhiên” quăng vỏ chai nước hay vỏ hộp đựng thức ăn ở trên đường, bờ biển...

< Chăm chú nhìn rồi mình quay lại, thấy bà xã cũng đamg dõi theo và chụp.

< Những cánh hoa dại trên cỏ chăng? Không, nó là chai, ly, khăn giấy và bao khăn. Hôm qua bọn mình đến đây chả thấy, hẳn đây là 'thành quả' của một nhóm du khách nào đó ra đây đậu xe hóng gió trên đường và tiện tay ném luôn, chẹp chẹp!

Ngoài ra, nhiều chủ lồng bè trước đây nuôi hải sản nay chuyển sang kinh doanh du lịch, phục vụ du khách vui chơi, ăn uống tại chỗ nhưng chỗ vệ sinh, nơi bỏ rác thải lại chưa được đầu tư nên rác được thải thẳng ra môi trường tự nhiên.

< Gát lại nỗi buồn, thôi ta nhìn phong cảnh vậy. Bình minh lộng lẫy và trảng cỏ vẫn xanh...

< Rồi mấy bạn trẻ kia bước trở lên đường, có lẽ họ rời đây. À, chỉ 2 cô gái trông quý phái và một chàng trai khá quý tộc lên thôi. Anh chàng còn lại khệ nệ một mình vác tất cả hành lý lên dốc - họ chừa lại đống rác 'trăm năm không phân hủy' à?

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển, trong vài năm qua, tuổi trẻ Phú Quý đã có nhiều hành động xung kích, tình nguyện trong việc bảo vệ môi trường biển và ứng phó biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng huyện Phú Quý ngày càng văn minh, hiện đại và thân thiện với môi trường.

< Người thảnh thơi còn kẻ khác nai lưng cõng đồ - Sao có vẻ 'giai cấp' vậy cà... 

< Điền đây, đang quay vòng vòng 'canh me' như diều hâu thấy mồi... Bọn họ mà bỏ rác lại thì bọn mình sẽ có việc làm đây!

Với các phong trào “Chung tay làm sạch biển”, tuổi trẻ Phú Quý sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh môi trường đến các cán bộ, đoàn viên thanh niên, nhân dân và du khách; tổ chức Ngày thứ Bảy tình nguyện hoặc Ngày Chủ nhật xanh thu gom rác, làm vệ sinh môi trường tại các "điểm đen" về môi trường. Trong đó, tổ chức đợt hoạt động cao điểm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vào Tháng thanh niên hành động vì môi trường biển đảo, Ngày Môi trường thế giới, các hoạt động ra quân toàn huyện…

< Phúc đức bảy đời, sau khi cậu chàng vác hành lý lên hết, thấy bọn mình dòm ngó nhột nhạt quá nên... trở xuống quơ hết mấy bịt rác đem lên, đặt hẳn vào giỏ xe. Cậu đi ngang cười cầu tài, mình cũng đáp lại: 'Con mà không lấy lên thì cô chú cũng sẽ đem lên' kèm theo cái sự cười mỉm. Chỉ lấy đi những bức ảnh và để lại những dấu chân thôi chứ!

< Nhưng thôi, băng khoăn nỗi gì? Chính quyền và người dân đảo còn lo lắng hơn ta gấp trăm lần! Dù sao, nơi ni vẫn rất sạch đẹp nếu so sánh với nhiều chốn du lịch khác.
Mình về KS thôi em, ta đã soạn sẳn hành lý, chỉ trả phòng rồi đi thôi.

< 7h10 phút, ta ra bến tàu Phú Quý. Người lúc này khá đông, nhất là những bạn hàng hải sản. Có điều chiếc SuperDong cũng chưa thấy mặt mũi ở đâu dù 8h tàu phải khởi hành từ đảo. 

Ngồi chờ rồi bắt chuyện với ông chủ hotel An Bình đang ngồi đó 'Tàu nay ra trễ quá anh hè?' - 'Ừ, trễ thiệt, dám chừng nó 'nằm nước' (hư)' - Rồi ông hỏi ngược lại 'Anh chị ở Biển Đông à? Nó tốt hơn Long Vĩ (oạch! ông biết tất tật à), Long Vĩ chỉ được cái tầm nhìn thoáng thôi'. Câu chuyện dần rôm rả, ông cho biết đang chờ khách ra để đón... rồi thở than năm nay dịch bệnh khó khăn, mọi năm thì khác... - Có người nói chuyện khiến ta quên bén cái dzụ chờ tàu. Trong ý nghĩ của mình: dịch bệnh cũng giúp cải thiện môi trường - nó giúp thiên nhiên tự khắc phục lại phần nào các thiệt hại về vấn đề này do con người đã tạo ra.

< Nửa kia thì chạy loanh quanh coi bạn hàng phân loại, đóng cá, mực tươi rói vào thùng để gửi vô đất liền.

Trước vấn nạn rác thải, tháng 3/2019, huyện Phú Quý đã triển khai dự án Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt và sản xuất phân hữu cơ. Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 2,15 ha tại thôn Triều Dương, xã Tam Thanh với tổng mức đầu tư hơn 60 tỷ đồng.

< Rồi chiếc tàu cao tốc xuất hiện, khoan thai từ ngoài cửa đê biển chạy vô trong, cập bến - khách xuống lưa thưa nhưng chiều ngược lại thì coi bộ bộn à.

< Đông vui như bất kỳ bến xe bến tàu nào: Hàng phía trên tàu xuống khẩm: nào thùng xốp nào cần xé nào xế lung tung hầm bà lằng. Hàng phía dưới ni khá nhiều, chờ xuống hết mới có chỗ bò lên. Các anh áo trắng là nhân viên tàu, xé vé thu tiền xoạt xoạt - vui mắt!

Nhà máy được lắp đặt công nghệ tiên tiến từ dây chuyền nhập khẩu có quy mô xử lý 70 tấn rác/ngày, sẽ giải quyết 100% lượng rác thải phát sinh hằng ngày tại địa phương và lượng rác thải hiện đang tồn đọng; đồng thời tận thu nguồn chất thải có khả năng tái chế, sản xuất phân vi sinh từ rác. Rất mong rằng nhà máy được xây đúng tiến độ, bền vững để Phú Quý ngày càng sạch và xanh hơn nữa..

< Phía hàng hóa thì đông nghẹt còn phía cửa chính đã vắng, khách lên tàu hết roài. Ta vẫn chờ, chờ 'vợ hai' được chiếu cố, bồng bế lên khoang cái đã, chuyến này có 3 chiếc xế sẽ lên tàu.

< Đắt khách, đắt hàng: Dưới gần đầy nên hàng hóa được chuyển lên nóc, cái chỗ mà khách sẽ chạy ra ngoài hóng gió hút thuốc.

Song song đó, huyện đảo cũng tổ chức tuyên truyền thường xuyên, vận động người dân, du khách bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế rác thải nhựa đồng thời ra quân tổng vệ sinh làm sạch bờ biển hàng tháng. 

< Đây là chiếc Superdong II: chiếc này chạy từ đảo vô đất liền mất 2h rưỡi còn chiếc I chỉ 2h15 phút. Đúng lúc này, điện thoại của mình réo, nơi gọi là phòng vé trên đảo: 'Cô chú ra bến tàu chưa ạ?' - 'Tụi tui đang đứng trên bến, chờ bốc chiếc xe rồi lên tàu liền cô ơi'. Xe lên khoang hành lý, vướng hai cái kiếng chiếu hậu ngay cửa nhưng đội bốc vác cũng khéo lắm: họ trả xe ngược lại, giảm độ dốc miếng ván rồi lên lần 2 trót lọt.

< 8h, tàu rời cảng hướng về đất liền, đúng giờ như ở cảng hàng không. Chuyến này đông khách: Số ghế bọn mình ở tầng dưới nhưng họ ngồi từa lưa. Thôi ta lên tầng trên: phía trên đầy nửa khoang, mình chọn hàng ghế kế đầu trống trải đặt hành lý rồi ra ngoài boong tàu nhìn Phú Quý dần xa khỏi tầm mắt...

Để giữ cho Phú Quý luôn trong lành, xanh, sạch và là một hòn đảo đầy thơ mộng, mỗi khách du lịch khi đến với đảo hãy 'đừng để lại gì ngoài những dấu chân và những kỷ niệm đẹp'.

< Có chút gì đó tiếc nuối trong tim. Bao giờ ta sẽ trở lại Phú Quý? Có lẽ khó và dám chừng chẳng bao giờ có dịp đến nữa! Những chuyến đi của bọn mình vẫn sẽ tiếp diễn nhưng chắc sẽ là những địa danh khác, đảo khác chứ không phải chốn ni. Người ta nói 'Phú Quý không còn xa' nhưng thật sự thì vẫn xa lắm, một chấm nhỏ giữa biển Đông...

Thương lắm Phú Quý ơi...

(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21 - Phần 22 - Phần 23 - Phần 24 - Phần 25 - Phần 26 - Phần 27 - Phần 28 - Phần 29 - Phần cuối

Điền Gia Dũng

Du lịch, GO!