(Tiếp theo) - Nhân Nghĩa là nơi bọn mình đang đi qua, là một xã thuộc huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Xã Nhân Nghĩa có diện tích 16,73 km², dân số năm 2014 là 6.995 người, mật độ dân số đạt 418 người/km².

< Vượt qua đỉnh dốc rồi, đường vẫn thẳng đuột - hai bên là rừng cây trồng. Chả có chiếc xe nào ngoài bọn mình. Mặt đường rất tốt và điều quan trọng là... có đèn đường nhé. Tuy nhiên, bạn có dám đi trong đêm không? Mình nghĩ là ổn nếu không sợ ma chết ma sống, he he.

Còn đây là con đường nối từ địa phận xã Nhân Nghĩa (ngay QL56) chạy vòng vo ngang trung tâm xã Bảo Bình, nối dài đến tận xã Xuân Đông và giao cắt với đường tỉnh lộ 765. Tất cả những xã này nằm trong địa phận huyện Cẩm Mỹ.

< Đột nhiên mình gặp cái cua đầu tiên (vị trí >), thấy cái cổng chào bên trái và sau đó là loáng thoáng nhà dân.

Huyện Cẩm Mỹ được thành lập theo Nghị định số 97/2003/NĐ-CP, ngày 21/08/2003 của Chính phủ, trên cơ sở sát nhập 07 xã của huyện Long Khánh cũ và 6 xã của huyện Xuân Lộc, đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2004. Diện tích tự nhiên toàn huyện 46.855 ha,chiếm 7,9% diện tích tự nhiên của tỉnh Đồng Nai.

< Sau đó là liên tục các cua quẹo khác, con đường đẹp đến phát mê... dzị mà ai nỡ lòng nào 'đánh rơi' một bọc rác nhỏ bên phải đường hỉ?

< Nhựa đường màu đen nhưng hai bên là đất bazan đỏ của các vườn cây. Do vậy, không lạ khi con đường nhựa cũng muốn 'đổi màu' theo.

Địa giới hành chính:

+ Phía Bắc giáp Thị xã Long Khánh và huyện Xuân Lộc.

+ Phía Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

+ Phía Đông giáp với xuyện Xuân Lộc và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

+ Phía Tây giáp với huyện Thống Nhất và huyện Long Thành.

< Một cua dốc tuyệt đẹp khiến lũ phẹc bọn mình mê mẩn. 

< Nhà dân ư? Vùng nông thôn này người ta không có thói quen 'nhoi' ra mặt tiền nhưng phố thị. Nhà dân có thể có quanh đây nhưng nằm phía trong kia, ngoài ni là vườn và rừng.

Huyện Cẩm Mỹ gồm 13 đơn vị hành chính cấp xã gồm : Long Giao, Xuân Đường, Thừa Đức, Sông Nhạn, Xuân Quế, Nhân Nghĩa, Xuân Bảo, Bảo Bình, Xuân Tây, Xuân Đông, Sông Ray, Lâm San, Xuân Mỹ với 79 ấp, có thuận lợi là trên địa bàn có Quốc lộ 56 chạy qua, nối kết huyện với thị xã Long Khánh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trung tâm huyện nằm ở xã Long Giao (ngã ba giữa Quốc Lộ 56 và Hương Lộ 10), nên có lợi thế về không gian phát triển, kết nối giao lưu kinh tế với các huyện lân cận và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

< Gặp ngã 3: mù đường. Cái này không quýnh dấu trong bản đồ thì chỉ có mà đui! Thôi thì móc cái alô ra coi hướng bọn mình sẽ rẽ.

< Lối rẽ của ta là đây: rẽ phải (vị trí >). Đường cong đẹp đến mê hoặc.

Đặc biệt khi sân bay quốc tế Long Thành được xây dựng và đi vào hoạt động thì tuyến Hương Lộ 10 sẽ là trục giao thông chính để vận chuyển khách từ sân bay về các tỉnh Nam Trung Bộ và ngược lại, đồng thời sẽ tạo điều kiện cho các xã nằm trên trục đường này như Thừa Đức, Xuân Đường, Long Giao có điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển dịch vụ.

< Bảng cảnh báo ven đường: Đường quanh co và dốc, thường xẩy ra tai nạn. Thanks you, Điền này chạy xe cẩn thận, mấy đoạn này không thể chạy nhanh được vì còn phải ngắm chứ, vù vù làm sao mà thấy cái độc đáo của nơi ni? Mà nè, chốn nì lỡ bay ra ngoài hộ lang thì chờ người thấy và giúp... coi bộ mệt vì vắng quá!

< Hai bên vẫn là rừng trồng, lúc thì cao su, lúc lại là cây gì khác. Nhà cửa thì tầm hơn trăm thước họa chăng thấy một nóc thấp thoáng.

Địa hình của Cẩm Mỹ có 03 dạng địa hành là: địa hình núi, đồi thoải lượn sóng và các dải đất tương đối bằng ven suối. Phân bố rải rác thành các ngọn núi độc lập có độ dốc lớn (núi Hàng Gòn, Cam Tiên ở xã Long Giao, chiếm khoảng 2% tổng diện tích toàn huyện, không thích hợp với sản xuất nông nghiệp chỉ thích hợp cho trồng rừng.

< Thương bà xã quá đi, thiết kế chuyến chi moi ra mấy cái đường độc địa khiến mê hoặc người.

< Than vắng thì đây, một người địa phương xuất hiện từ một đường ngách nhỏ, anh ta chạy vèo vèo...

Địa hình chính vẫn là đồi thoải lượn sóng: Là dạng địa hình chính, hiện chiếm khoảng 80% tổng diện tích toàn huyện. Độ dốc phổ biến từ 3 đến 8 độ (do vậy, bạn thấy lộ trình của bọn mình chạy lên xuống dốc là điều thưởng xuyên). Khá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp với các loại hình cây lâu năm nổi tiếng của huyện như: Bơ, cà phê; sầu riêng, chôm chôm...

< Một đoạn băng qua chỗ trũng. Có thể mưa lớn thì có nước nhưng chừ nó khô, trông giống như cầu nhưng hổng phải.

< Khung cảnh 2 bên thay đổi liên túc như bạn thấy đó: Lúc rừng trồng xanh ngắt, lúc cây bụi úa vàng, lúc lại là rừng rậm cây thấp... À, ngã 3 phía truóc nhưng cũng chả có ai.

Ngoài ra còn có địa hình bằng, ven suối: Phân bổ trên các dải dài ven Sông Ray, chiếm khoảng 18% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, độ dốc chủ yếu là cấp I (từ 0 - 30) gần nguồn nước mặt, mực nước ngầm, một số khu vực đất thấp thường bị ngập vào các tháng mưa lớn. Hầu hết diện tích trên dạng địa hình này đã được sử dụng trồng lúa và các loại cây ngắn ngày.

Cẩm Mỹ với hệ thống sông suối chính như:

< Vừa ngẫm chẳng có ai thì xe trong nhánh đó ào ra, chừ ta lại vào rừng cao su mát rượi.

< Nằng le lói soi qua những tán cây rọi xuống mặt đường thành lốm đốm. Su này non, chưa hề thu hoạch mùa nào.

+ Sông Ray: Bắt nguồn từ khu vực phí nam và tây nam núi Chứa Chan, diện tích lưu vực trong phạm vi huyện Cẩm Mỹ khoảng 300km2 với các nhánh suối chính như: Suối Gia Hoét, suối Tầm Bò, Suối Trung, Suối Thề…chiều dài sông chính 60km, đoạn chảy qua huyện 20 - 25km, lưu lượng trung bình 10,6 m2/s , ngoại trừ dòng chính có nước quanh năm, đại bộ phận các nhánh suối đều cạn kiệt vào cuối mùa khô.

< Một ngã 3, nếu chạy thẳng là đường đất giưuã các ô cao su, ta rẽ trái theo đường nhựa. Có lẽ, vị trí nơi ni ở mô >

< Vừa qua cua thì thấy chiếc xế hộp chình ình! Hế lô, không quen!

Trên hệ thống Sông Ray đã xây dựng được các hồ chứa nước nhỏ như: hồ Suối Vọng, hồ Suối Đôi đã có tác dụng tốt trong việc cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, nhưng do lượng nước được tích trong hồ không lớn, địa hình vùng tưới bị chia cắt nên phạm vi tưới thường hẹp, chi phí cho tưới khá cao. Hồ Suối Rang khả năng giữ nước kém nên năng lực tưới rất hạn chế.

< Thoát rừng su trong... ngậm ngùi nuốt tiếc. Nhưng không rừng này thì rừng khác, đừng lo!

< Rừng chi rựa? Giống như đất vườn. Lối nhỏ ta đi vẫn quanh co, vắng lặng. Trời lại không nắng mà thoáng mát, sướng cho đôi kẻ phẹc!

+ Các nhánh sông thuộc hệ thống sông Thị Vải: Các nhánh suối này bắt nguồn từ khu vực phía tây nam núi Đầu Rừu và núi Hàng Gòn, diện tích lưu vực từ 300 - 400Km2, bao gồm các suối như Suối Quýt, suối Thái Lan, Suối Rừu, Suối Rầm, Suối Sóc,… nhưng do thảm phủ kém, mùa khô kéo dài nên các suối này đều bị kiệt vào cuối mùa khô.

< Đích đến của hôm ni là đâu? Dạ thưa Phan Thiết đó ạ. Nhưng Phan Thiết nếu đi bằng QL1A thì chán pà kố nên ta theo đường ngách đường con, Không xa hơn đâu, lại có thể gần hơn. Chỉ mỗi tội thi thoảng phải xem bảng đồ, còn cảnh vật thì như bạn thấy đó: đường đẹp hơn QL cả chục lần, lại thoáng mát vô song!

< 8h47 phút, vị trí hiện tại... không rõ (ngoại trừ nếu lúc ấy coi bản đồ) nhưng chắc chắn là ta vẫn trên con đường Nhân Nghĩa - Bảo Bình - Xuân Đông đẹp đến mê hoặc.

Huyện Cẩm Mỹ nằm trong khu vực nghèo mạch nước ngầm. Trên đất đỏ được phong hoá từ đá bazan nước ngầm thường xuất hiện ở độ sâu từ 25 - 30m, các khu vực khác nước ngầm thường xuất hiện ở độ sâu từ 80 - 102m, lưu lượng trung bình từ 0,5 đến 12l/s, chất lượng tốt. Hiện nay nước ngầm đang được khai thác cho sinh hoạt và tưới cho cà phê, tiêu, cây ăn quả.

Thôi thì một ít thông tin nho nhỏ về một huyện của tỉnh Đồng Nai, còn thông tin riêng về các xã là chuyện hiếm, khó tầm.

(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21 - Phần 22 - Phần 23 - Phần 24 - Phần 25 - Phần 26 - Phần 27 - Phần 28 - Phần 29 - Phần cuối

Điền Gia Dũng

Du lịch, GO!