(Tiếp theo, bài này bạn nên đọc cả phần bài lẫn chú thích nhé, nhất là phần cuối) - Thông tin trên các báo và web diễn tả vịnh Triều Dương như mộng rằng:

< 4h sáng dậy, vài mươi phút sau thì bọn mình lên sân thượng KS Biển Đông sau khi đi thang máy qua tầng 4 là một quán cà phê. Dĩ nhiên, quán vắng lặng vì giờ này chưa mở cửa.

Trên tầng thượng, nhìn xuống xung quanh thấy dường như cả Phú Qúy vẫn còn say giấc nồng ngoại trừ ánh đèn từ tàu ngoài khơi vẫn đang di động đánh bắt mẻ lưới cuối cùng.

- Vịnh Triều Dương là một điểm đến quen thuộc không chỉ với khách du lịch mà còn của dân địa phương bởi đây là nơi thích hợp cho việc dã ngoại thư giãn với nước biển trong xanh, bãi cát trắng mịn phẳng và rộng cùng một rừng dương rợp bóng (điều này mình cho là đúng).

<  Khách sạn nơi ni (vị trí >) lên xuống thang máy hay đóng mở cửa phòng bằng thẻ từ, khách thưởng thức cà phê có thể sử dụng thang nhưng không thể dừng lại ở các tầng phòng - cách này giống các cao ốc ở Sàigòn khiến khách trú ngụ thấy yên tâm về an ninh. Bọn mình trở vào trong, xuống tầng trệt.

Ở cửa kính phụ bên hông, mình thấy anh chủ cắm sẳn chìa khóa để ta tự nhiên ra ngoài vì khi tối có nói là bọn ni thức sớm. Chiếc xe của mình vẫn đậu... ngoài lộ, y như chỗ cũ mà khi tối vào mình đã dựng. Xem như trộm cắp không hề hiện diện trên xứ ni!

< Đường 27 tháng 4 vắng teo, hiếm lắm mới thấy một người dân tập thể dục sớm. Xe chạy hơi loạng choạng, mình nhìn xuống thấy bánh sau... nó lại mềm! Chừ thì hiểu rồi: vết tét của vỏ sau - sau khi bị mình cày đoạn đường sần sùi phía Đông đảo lúc vừa đến đã bị đá xỉa vô trúng ruột gây lỗ mọt (cái ruột mới thay bữa kia, khi trên đường ra Phan Thiết) và chỗ đó nó cứ xì từ từ.  Khựa khựa, ta trúng mánh rồi!

Thôi thì cứ chạy ra cảng kiếm cà phê sáng cái đã... nhưng người hiếm thì răng mô ra cà phê với cà pháo? Hỏi quán cơm (vị trí >) 'Ở đây có cà phê không chị?', chỉ nói chỉ có cơm. Chạy vào cảng, quán ở trỏng cũng chưa lên đèn.

< Vậy là ta dzọt vô trung tâm đảo dù bánh xe đã khá xi cà que. Đây là đường Ngô Quyền.

- Bãi Triều Dương nằm trong vịnh Triều Dương thuộc xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý. Bãi Triều Dương chỉ cách cảng Phú Qúy khoảng chừng 1km, là điểm đến lý tưởng cho du khách phương xa đến cắm trại, tắm biển. Khách địa phương thì chọn nơi đây làm chốn nghỉ mát ban trưa hay hóng gió biển mỗi chiều về (cái ni cũng đúng luôn!)

<Gặp cái quán đang lục tục mở cửa, mình lại hỏi cà phê và mừng rơn - có roài!  Gần 5h thì nhấp xong ly cà phê thơm lừng ở quán Lucky (vị trí >). Đối diện bên kia đường là chỗ mà hôm qua ta 'xin tí hơi' cho cái bánh sau. Hỏi cô bé bán quán rằng 'Bao giờ tiệm sửa xe mới mở cửa hả cô' thì giật mình vì đến tận 8h, trời hỡi!

Nửa kia đi bọ mua cơm hộp cách đó tầm trăm mét đem về quán điểm tâm rồi 'ngồi đồng' chờ... 8h! Nhờ dzị, bà xã biết nơi ni sinh tố xoài ngon tuyệt!

7h rưỡi, mấy anh khách nhà gần đó vào uống, biết chuyện mới cho biết rằng 'Máy bơm hơi bên í... 'tè'o rồi, đang sửa, không thể bơm hay làm gì được hết'. Kha kha, vui thiệt à nghen!

< Rồi các anh hướng dẫn 'Anh chạy vô cái đường bên hông này khoảng trăm thước thì có chỗ vá'. Vô, có chỗ sửa xe thiệt. Chỗ hơi 'hiu' nhưng kệ, dân đảo ta chất phát lắm. Hỏi thay luôn cái vỏ không ruột, anh thợ lắc đầu nói xe ni xài vỏ có ruột, thay không ruột không ổn - mà ở đây chỉ có vỏ Maxxis chứ không có thứ dữ Michelin. Rồi anh tháo ruột và 'chỉ đích danh' cái lổ mọt ngay chỗ vỏ rách. 'Thủ phạm đây', đúng như mình nghĩ. Vá cũng đươc nhưng thôi, ta thay quách ruột mới cho chắc. Rồi kêu anh ấy lót cho 2 lớp ruột chỗ nguy hiểm làm 'khiên đỡ'. 70k, yên ổn cho đến lúc dìa nhà.

< Ta lại đi, giấc này sẽ ra vịnh Triều Dương.

- Nằm đối diện bãi Triều Dương, hòn Tranh đang phơi mình trong nắng gió lồng lộng, chỉ cách bãi chừng 10 phút đi tàu thuyền. Nhưng bên ấy lại mang một thái cực hoàn toàn khác, tách biệt hoàn toàn với đảo, không có dân cư sống và hiếm lắm du khách mới đi thuyền ra tham quan (Cái này ngày nay thay đổi một tí, hiện đã có người và nhà).

< Vịnh này nằm 'sát nách' khách sạn Biển Đông nên bọn mình ra đây trong mấy ngày ở lại 'hơi bị nhiều'.

- Mỗi khi thủy triều rút nước, đứng từ bờ bên này có thể thấy rõ mồn một những bãi đá đen ngầm giữa lòng biển nhô lên trước mặt. Du khách ra bãi đá tham quan, chụp ảnh check - in. Nơi đây, cũng thích hợp để buông cần câu, ngắm biển trời và thư thái trút bỏ tâm sự với đại dương mênh mông (Điều này cũng đúng).

< Công viên của vịnh đây (vị trí >), rợp bóng rừng dương. Xe cứ dựng đại ngoài đường, rút chìa khóa ra và tha hồ lang thang. Lang thang một giờ, một buổi hay cả ngày vẫn không ai để ý đâu, có chăng là CA sẽ quan tâm vì... sợ mình xuống biển gặp... Hà Bá.

< Công viên sạch đẹp, thùng rác đầy đủ và có người chăm sóc hàng ngày.

- Khoảng thời gian đẹp nhất để đặt ngắm bãi Triều Dương đó chính là vào buổi chiều. Bạn có thể đắm mình trong những làn nước biển xanh mát cùng với những con sóng nhẹ nhàng, vô cùng thư giãn và dễ chịu. Đặc biệt, bạn có thể đi dạo trên những bãi cát trắng dài thẳng tắp, nó sẽ khiến cho bạn xua tan mọi mệt nhọc buồn phiền trong cuộc sống (Ngày nay hơi sai một tý vì tiếng thi công kè khá ồn).

< Đường xi măng dẫn lòng vòng ra biển. Phía xa là Hòn Tranh, mé trái là một hai cái xe cạp bự chảng đang hoạt động dữ dội xây dựng đê biển.

- Một trong những điều để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng du khách khi đến với Bãi Triều Dương đó chính là cảnh hoàng hôn. Khi hoàng hôn buông xuống hình ảnh của làng chài Phú Quý được phác họa lên tạo thành một bức tranh vô cùng đẹp của cuộc sống thanh bình, yên ả nơi đây... (OK luôn).

< Rồi bạn thấy đó: bãi biển của vịnh Triều Dương đây. Trước kia biển cả mênh mông hết tầm nhìn, nay bị ngắt khúc bởi đê biển của cảng bên phải, đê chắn sóng bên trái...

Những điều này đúng với thực tế vài năm trước. Tuy nhiên hiện nay nhiều con đê chắn sóng đã làm thay đổi phần nào diện mạo xinh đẹp của vịnh Triều Dương. Khởi đầu từ hướng Đông của vịnh, người ta đã xây dựng một tuyến đê biển hướng thẳng về Hòn Tranh, đến nay đã kéo dài được 900 mét. Việc xây dựng này làm cảnh quan thay đổi, lại ảnh hưởng nhiều đến những rạng san hô ngầm. Nếu bạn tắm biển trong vịnh Triều Dương, bạn có thẻ thấy vô số những cành san hô to có, nhỏ có... bị gãy vụn nằm trộn lẫn trong cát biển...

< Có điều nước biển trong kinh khủng, nhìn thấu đáy ngay cả khi ta ra ngoài độ sâu tầm 1 thước. Biển ngoài đại dương chứ không phải biển cạnh đất liền. Ở Phú Quốc, Côn Đảo...v.v cũng trong cỡ vậy thôi.

< Không sóng, nước chỉ gợn lăn tăn bên bờ cát vàng trắng (đê chặn hết sóng rồi). Không dự định tắm nên không đem khăn, đến giấc chiều nhảy xuống biển mới tiếc vì khi ấy triều rút khiến tảo biển tấp vô nhìn mất cảnh thần tiên.

Phần khác, có lẽ do thi công nên đôi khi ta có thẻ thấy đôi chút váng dầu trên mặt nước. Ngoài ra, do đê chặn sóng, cũng chặn luôn dòng nước nên nếu thủy triều thấp: rất có thẻ ven bãi biển đầy những nhánh tảo đen tấp vào khiến ta có 'cảm giác' không sạch (dù nước biển vẫn trong veo).

< Nửa kia nè, đang chộp ảnh.

Nhưng tại sao xây kè? Có nguyên do hết bạn à.

Cứ mỗi năm vào mùa mưa bão, đảo Phú Quý luôn phải chịu ảnh hưởng nặng nề của bão, sóng và nước biển dâng cao. Toàn huyện có 3 xã ven biển đang phải đối mặt với nguy cơ sạt lở nặng do các đợt triều cường.

< Chợt nghĩ: có khi nào đảo ta thi công cái kè kia nối dính ra Hòn Tranh không? Nói chơi hiểu sao thì hiểu nhưng bạn biết không: thi công ở đảo khó khăn vạn phần so với đất liền. Tiền vận chuyển kinh khủng lắm, ở xã Ngũ Phụng: làm đê xong tìm đất để đổ vào khoảng trống giữa đê và đất bờ đảo để làm đường (hàng chục mét ngang) cũng khiến chính quyền đau đầu vì đất lấy mô bi chừ?

Và người ta phải tận dụng tất tật đất nạo vét lạch Doi Dừa cùng một số công trình nhỏ trên địa bàn cung cấp mấy chục ngàn mét khối đất bồi nền. Đúng nghĩa trắng nghĩa đen: Đất vàng đất bạc giữa biển khơi! Lại ngẫm: TQ bồi đắp lậu đảo ngoài biển Đông, họ cho nhiều tàu hút cát đất đáy biển gần đó rồi phun bồi bờ lên thành đảo... Vì sao ta không làm theo cách này hỉ?

< Chuyển tông sang ảnh HDR cho nó lạ, đẹp chứ? Nền dưới là cát đấy, toàn cát.

Theo thống kê, huyện đảo Phú Quý hiện có hơn chục khu vực bị xâm thực với tốc độ cao, từ 3 đến 5m/năm, trong đó có một số đoạn xung yếu bị xâm thực nặng với tổng chiều dài trên 1.500m nhất là ở xã Tam Thanh và Ngũ Phụng.

Ở những đoạn này, nếu không kịp thời xây dựng kè chắn thì nguy cơ xâm thực biển làm sập các công trình và nhà ở của người dân là điều khó tránh khỏi.

< Tít xa cũng là chỗ nhà thầu công trình đúc các khối bê tông hình chữ nhật to khủng cùng các ống buy _ tất cả chị phục vụ mục đích giữ đất cho đảo.

Mặt khác, do đặc điểm tự nhiên tiếp giáp với biển nên toàn bộ dân cư của ba xã Ngũ Phụng, Tam Thanh và Long Hải đều sống tập trung ở ven biển nên nguy cơ xảy ra sạt lở sẽ ảnh hưởng rất nặng nề với người dân.

< Điền đây, cái áo hồng bà xã mua cho màu teen kinh, hé hé...

Điều này nghe mới kinh khủng và bất ngờ:

Theo thống kê địa chính, trước năm 1975 diện tích toàn đảo là 32 km², đến năm 1988 biển đã xâm thực chỉ còn 28 km² và đến nay diện tích toàn đảo chỉ còn lại là 17,82 km²... tức là chỉ nhỉnh hơn một nửa so với cách đây 45 năm!

Do đó, vấn đề đầu tư xây dựng kè ngăn chặn xâm thực tại đảo Phú Quý hiện nay vô cùng cấp bách, nhất là để bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân và các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn.

< Qua thông tin mình trình bày, rõ ràng đê kè làm giảm cái đẹp của đảo, cụ thể là vịnh Triều Dương nhưng đó là điều tối cần thiết phải làm để chống lại sự biến đổi khí hậu gây triều cường và bão tố bất thường.

Ngoài ra, toàn huyện còn có hàng nghìn tàu thuyền của ngư dân, đây cũng là điều lo lắng của các cấp chính quyền và người dân vì huyện đảo Phú Quý hiện nay đang rất khó khăn tìm nơi neo đậu khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới.

Hiện nay, các bờ kè vững chãi dần dần hoàn thiện: Bờ kè xã Ngũ Phụng đã gần xuyên suốt mé Đông dảo. Vụng chắn sóng cho tàu thuyền cũng đã được hoàn thiện trở thành nơi neo đậu, tránh trú bão ngoài vụng cảng Phú Qúy đã có. Ngoài ra, kè chắn sóng vịnh Triều Dương cũng đang dần tiến đến đích. Có thể kè biển ảnh hưởng phần nào đến cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của đảo nhưng đó là điều thiết thực giúp Phú Qúy vững vàng hơn trong mùa mưa bão.

Thương quá Phú Quý ơi...

(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21 - Phần 22 - Phần 23 - Phần 24 - Phần 25 - Phần 26 - Phần 27 - Phần 28 - Phần 29 - Phần cuối

Điền Gia Dũng

Du lịch, GO!