(Tiếp theo) - Về phòng nghỉ, mở cái khóa bấm TQ cũ kỹ ra rồi vào phòng bật đèn: Oạch, vẫn không có điện. Đẩy cái cửa sổ ra lấy chút gió cho đỡ ngột ngạt - cửa sổ ni thuộc hàng 'nô' chốt, rất 'thiên nhiên': nói chung thì nếu muốn vô phòng, có thể đẩy cửa sổ rồi leo vô, cửa chính ọp ẹp chỉ... làm màu.

< 2h40, lại 'cưỡi' dzợ hai mà đi. Vẫn còn trưa thiệt nhưng ở trong phòng một hồi điên mất! Đường ni là Lê Hồng Phong (vị trí >) còn Lê Lai là đường từ Long Vĩ ra, chạy vòng mé Đông của đảo.

Cắm hai cái ĐT để sạc bằng điện rồi nằm xuống giường, nghe thoảng mùi drap cũ bông hoa hòe. Chợt nghe tiếng đám thợ đang xây dựng dãy phòng gần đó réo 'Có điện rồi thì mở đi để bọn nì cắt sắt chứ'. Ra cửa nhìn, thấy vài người thợ bước vào nhà hàng lục đục gì đó và... có điện!

< Nhìn lên đỉnh Cao Cát kề cận thấy hai cột ănten cao vút, ta lên đó chăng?

Pó tay! Dám chừng điện đã có từ 12h như thông báo nhưng họ 'quên' mở điện chăng? Bi chừ là 1h30, hay không chừng sợ khách xài máy lạnh... 'ảnh hướng đến sức khỏe' nên thôi kệ? Lại thả người xuống giường giữa bốn vách vẽ ảnh nguệch ngoạc, nhìn cái la phông tếch ni cô lo kiểu dặm đầu vá đuôi hai phần màu này một phần màu khác thì thấy... phê quá! Có vẻ còn kém một phòng trọ cho dân lao động, choi bộ 'đoàn kết' lâu dài... nhưng đây là lỗi tại ta chọn.

< Chạy thêm một đoạn là bắt đầu vào xóm nhà, đây vẫn thuộc Long Hải, xã Ngũ Phụng.

Nhưng đó là chuyện bên lề, cái chính lúc này quan trọng hơn nhiều là nói về vùng đất giữa trùng dương, nơi ta đang ở.

< Chạy qua một đoạn rừng dương. Thi thoảng thấy dân đảo chạy ngược lại, người nhìn người cười nhưng trông rất thân thiện.

< Chợt thấy cái ngã 3, bên trái là cái cổng này: Vạn Liên Thành (vị trí >). Mình nghĩ đây là nơi thờ cá Ông, một tín ngưỡng dân gian có ở mọi vùng biển Việt Nam. Đây là tín ngưỡng của cư dân vùng biển hay còn gọi là vạn chài. Cá Ông là cá voi lưng xám mà theo ngư dân tin chính là thần Nam Hải. Họ thường phối thờ Cá Ông cùng các vị thần khác như: Ngũ Hành Nương Nương, Hữu Lý Ngư, Tả Lý Lịch, v.v. với mong muốn phù hộ cho ngư dân bình yên trên biển, xóm làng no ấm.

< Vậy là mình vòng đầu xe, chạy vô. Nhánh đường dẫn vô chỉ tầm 150m được tráng xi măng với 2 làn, mé trái là miếu còn chạy thẳng là xuống biển luôn.

Như bạn đọc trong những bài trước: Phú Quý (còn gọi là cù lao Thu hay cù lao Khoai Xứ) là một huyện đảo thuộc tỉnh Bình Thuận, có diện tích 16.5 km².

< Rẽ theo cái nhánh đường ngang dọc theo biển, mình thấy cái cổng của Vạn Liên Thanh: rất đẹp với các mái cong vút. 

Cũng chính lúc này, mình phát hiện bánh sau... xẹp! Không hết sạch hơi nhưng rõ ràng là nếu chở 2 người thì không ổn rồi. Cái 'xúi quẩy' bám theo mình từ đất liền ra tới giữa biển, nó không chán ta sao cà?

< Dzị là mình chạy xe ra ngoài tìm chỗ... bơm hơi. Hỏi dân địa phương một phát, chạy trăm mét thì đến. Nửa kia ở đó chờ nhưng 'cơ động' ngay ra bãi biển kề cận đó...

Xung quanh đảo chính Phú Quý còn có các đảo khác như hòn Đá Cao hướng Tây Bắc, hòn Đỏ hướng Đông Bắc, đảo hòn Tranh , hòn Hải hướng Tây Nam...

< Tầm trăm mét ngoài khơi Phú Qúy có những đảo toàn đá che chắn, biển thì xanh ngắt. Riêng mình, ghé vô hàng sửa xe nhưng cứ nghĩ là tiệm sơn vì anh chủ đang pha chế sơn và đổ vào piston chuẩn bị xịt... cái ghế!

Chính xác thì Phú Quý ở tọa độ 108o55' đến 108o58' kinh Đông và từ 10o29' đến 10o33' vĩ Bắc, khoảng cách tới các vùng lân cận như sau:

- Cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý (khoảng 104 km) về phía Đông Nam.

- Cách quần đảo Trường Sa 540 km về hướng Tây Nam.

< Nửa kia trở vào ngắm cái cổng miếu tuyệt đẹp dù người ta đang dựng giàn giáo để tu sửa gì đó. Trong lúc này, trước tiệm xe, mình nhờ anh chủ bơm cho cái bánh sau...

- Cách thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa 150 km về phía Nam.

- Cách Côn Đảo 330 km về phía Đông Bắc.

- Cách thành phố Vũng Tàu 200 km về phía Đông.

Huyện đảo Phú Quý có 3 xã gồm Ngũ Phụng (huyện lỵ), Tam Thanh, Long Hải. Hiện nay, trung tâm huyện lỵ Phú Quý đạt chuẩn đô thị loại V.

< Bình hơi chỉ lịt xịt vài nhát là bánh sau căng phồng. Trả tiền thì anh chủ lắc đầu không nhận, cười và trở vô làm tiếp việc dang dở là... sơn cái ghế. Người ta chỉ giúp dùm, hồi ở Hàm Tiến xin miếng nhớt vào sên xe cũng rứa - không lấy tiền, khác với chốn thành thị - răng mô cũng phải móc túi ra.

Đã từ lâu đảo Phú Quý trở nên rất quen thuộc với nhiều người qua sử sách xưa dưới nhiều tên gọi: Cổ Long, Thuận Tịnh, Cù Lao Khoai Xứ, Cù Lao Thu... Các nhà hàng hải phương Tây thường gọi đảo Phú Quý là Poulo Cécir de Mer.

< Quay về cổng Vạn Liên Thành đón bà xã rồi tiếp tục khám phá trên con đường cái quan. Nhà cửa VN xưa nay thường kiểu hình ống, bám theo trục đường thì ngoài đảo cũng thía.

Từ năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), vì tiềm năng kinh tế dồi dào và số lượng đặc sản đáng kể được biệt nạp cho Triều đình Huế, đảo được đổi tên từ Tổng Hạ sang Tổng Phú Quý trực thuộc huyện Tuy Phong, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận.

Tuy là một hòn đảo nằm biệt lập giữa trùng dương nhưng các dấu tích phát hiện được cho thấy đảo đã được khai phá tạo nên cuộc sống ở đảo từ rất sớm. Trong quá trình khai thác đá quánh, nhân dân đã tìm thấy những mộ vò lớn. Trong mộ có chôn theo một số công cụ lao động như rìu, bôn và cả những chiếc vòng đeo tay bằng đá với kỹ thuật chế tác rất tinh xảo.

< Nhà ở làng chài lô nhô nhưng người khá vắng, bấy giờ đã 3h xế chiều rồi.

Điều này phù hợp với những giai thoại được lưu truyền rằng trước khi có sự khai phá thiên nhiên của những con người từ lục địa, ở đây đã có một giống người Thượng sinh sống bằng nghề hái lượm và bắt cá ven biển. Trải qua những biến thiên của lịch sử, Phú Quý là nơi hội tụ của nhiều luồng dân di cư từ lục địa ra với nhiều thành phần dân tộc khác nhau. Trong đó người Kinh đóng vai trò chủ thể.

< Một đỗi, ta lại thấy biển xuất hiện - tức là làng chài này chạy dọc theo bãi biển. Vị trí lúc này bọn mình ở đây >.

Khi bắt đầu phát triển mạnh kỹ thuật đóng thuyền buồm với những chiếc thuyền ra được khơi xa thì cũng là lúc có nhiều người từ đất liền ra định cư trên lên đảo. Cùng với những phần mộ còn sót lại trên đảo, sự tích công chúa Bàn Tranh chứng tỏ người Chăm đã có mặt ở đảo này. Sự tích kể rằng: công chúa Bàn Tranh vì không nghe lời vua cha nên bị kết tội phản nghịch và bị lưu đày ra hoang đảo. Nàng được ban cho một số nô tỳ để hầu hạ và một chiếc thuyền buồm làm phương tiện ra đi. Từ đó họ bắt đầu vỡ đất, làm nương, câu cá và tạo lập cuộc sống mới trên đảo hoang.

< Lại vượt ngang ngôi miếu gì đó nhưng bất ngờ nên bà xã không chụp kịp. Rõ ràng là đời sống tâm linh của bà con trên đảo rất phong phú.

Bên cạnh đó, do không chịu nổi sự hà khắc của chế độ nông nô, bất mãn với triều đình phong kiến nên nhiều người đã tìm đường ra đây lập kế sinh nhai. Người Kinh có mặt ở đảo cũng từ rất sớm. Trong thời kỳ Trịnh-Nguyễn phân tranh (1627-1672), rất nhiều ngư dân thuộc các tỉnh duyên hải miền Trung, hoặc chạy giặc lánh nạn, hoặc đi tìm nguồn cá, thuyền của họ vượt sóng trùng dương đã gặp phải những trận cuồng phong khốc liệt rồi dạt lên đảo.

< Đột nhiên cả một vùng trời rộng mở trước mắt, phía trước là những cột điện gió, cạnh bên là biển.

Cùng với người Kinh, một số người Hoa cũng hòa nhập vào cộng đồng cư dân ở Phú Quý. Vào thế kỷ 17, một số quan lại nhà Minh sau khi chống nhà Thanh thất bại, đã phải trốn ra nước ngoài. Từng đoàn thuyền vượt biển tiến về phía nam, trong số đó có hàng chục thuyền đã quyết định dừng chân lập nghiệp ở Phú Quý. Người Hoa đến đây sống dựa vào các ngành nghề như dệt tơ lụa, buôn bán. Quá trình phát triển về sau, một số người do làm ăn trở nên giàu có đã lần lượt tìm vào các thành phố lớn ở đất liền, chỉ một số ít còn lại trên đảo.

< Tiếp tục những xóm nhà, nhưng chắc chắn mình đang hướng về mấy cái chong chóng khổng lồ kia. Ngập ngừng dừng lại, cúi nhìn bánh sau: nó vẫn căng tròn - hú vía một chút nhưng cứ ngẫm mãi vì sao nó lại xẹp? Ai xì bánh xe mình à? Tầm bậy, làm gì có chuyện đó! Vậy sao nó lại non hơi? Chả hiểu.

Khi dân cư ngày một đông hơn thì các hình thức tổ chức xã hội cũng dần dần được hình thành. Vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), chính quyền Đàng Trong đã tổ chức trên đảo thành từng hộ bạch bố đến đội bạch bố rồi dần dần trở thành ấp và làng.

< Đường đông nhà nhưng vắng người. Có lẽ còn khá nắng chăng? Xe gắn máy người ta cũng đậu từa lưa, sau này mình mới biết đa số xe người ta cũng bỏ qua đêm ở ngoài sân hoặc trong mái hiên vìa đâu có ai lấy - mà lấy thì đem đi mô?

Tuy số dân lúc bấy giờ chưa đông đúc nhưng Phú Quý có đến 14 làng và 1 ấp. Mỗi làng được lập trên cơ sở một nhóm nhỏ ngư dân, đôi lúc chỉ có từ 10 đến 12 tránh đinh và thường mang những tên cũ của địa phương trước khi đến đây lập nghiệp:

Thoại Hải, Thế Hanh, Thế An, Hội Thiên, Hội Hưng, Hương Lăng, Mỹ Xuyên, Phú Ninh, An Hòa, Hải Châu, Thương Hải, Triều Dương, Hội An, Mỹ Khê và ấp Quý Thạnh.

< Lại thấy cái 'quạt máy' trước mặt. Đường thật tế lúc này mang tên Hai Bà Trưng rồi đến Nguyễn Thị Minh Khai.

Từ niên hiệu Đồng Khánh - Đồng Khánh năm thứ 1 (1886), toàn đảo được tổ chức thành 11 làng và đến năm 1930 do sự sáp nhập ba làng Phú Ninh vào Phú Mỹ và Hương Lăng vào Quý Thạnh nên chỉ còn lại 9 làng: Long Hải, Phú Mỹ, An Hòa, Hải Châu, Thương Hải, Quý Thạnh, Triều Dương, Mỹ Khê và Hội An. Hiện nay, đảo được chia làm 3 xã: Long Hải, Ngũ Phụng, Tam Thanh.

< Tháp gió của phong điện đây, nhưng sao chỉ có 2? Hồi trên tàu cao tốc mình thấy những 3 kia!

Phú Quý trong một thời gian dài đã sống trong điều kiện khép kín tự cung tự cấp với những hoạt động kinh tế như trồng trọt, đánh bắt hải sản, một số ngành nghề thủ công như dệt vải, đan võng, ép dầu... Trong đó, ngư nghiệp đóng vai trò chủ đạo.

Ngày 27 tháng 4 năm 1977, huyện đảo Phú Quý chính thức được thành lập theo Quyết định số 329-CP của Hội đồng Chính phủ trên cơ sở đảo Phú Quý, khi đó thuộc tỉnh Thuận Hải, gồm 3 xã: Long Hải, Ngũ Phụng, Tam Thanh.

< Cứ ngỡ trụ cao thế nhưng không phải: diện tích đảo không lớn, không cần cao thế để truyền tải đi xa. Họa chăng lắm là trung thế rồi xuống hạ thế thôi. Mà cũng chưa chắc có trung thế vì ta cũng chưa thấy bình biến điện nào trên cột điện của những nơi đã đi qua. Thôi, đó là chuyện của ông điện lực!

Ngày 26 tháng 12 năm 1991, tỉnh Thuận Hải được tách thành 2 tỉnh là Bình Thuận và Ninh Thuận, huyện đảo Phú Quý trực thuộc tỉnh Bình Thuận.

Xung quanh đảo Phú Quý còn có những đảo khác gồm:

- Hòn Tranh: Cách cảng Phú Quý 600 m, nằm phía đông nam đảo Phú Quý. Hòn Tranh có chiều rộng nhất là 650 m về phía Bắc, nơi hẹp nhất 290 m, chiều dài 1.176 m, diện tích 55 ha. Trước đây là một hoang đảo chủ yếu là cỏ tranh, được nhân dân phá trồng hoa màu, hiện nay đang được trồng rừng phục hồi môi trường. Không có dân cư sinh sống. Hiện là nơi đặt trạm ra-đa quan sát biển của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam.

< Chạy thêm một đỗi nữa thì thấy trụ phong điện thứ 3 (vị trí >). Tường vây quanh, không cửa - vào trong và ngắm cho tỏ tường cái trụ có cánh cao vút này. Điều là là cả 3 trụ không quay trong lúc này. Chắc mấy ẻn đang 'nghỉ phép'.

- Hòn Trứng: rộng 3.600 m2. Nằm phía tây bắc, là cửa ngõ ra vào đảo, là điểm tựa của nhiều loại ghe thuyền. Mùa gió Nam thuyền có thể neo đậu ở phía bắc. Mùa gió Bắc có thể neo đậu ở phía nam.

- Hòn Trứng nhỏ: rộng 2.000 m2, cách Hòn Tranh 100 mét về phía đông nam.

- Hòn Đen, Hòn Nghiên hay Hòn Mực, do đảo toàn đá đen. Nằm phía đông bắc Phú Quý, cách bờ 100 mét, diện tích 23.000 m2. Vào những lúc nước ròng có thể lội bộ ra Hòn Đen.

< Chân đế ẻn thía này đây, to bành chắc cũng tầm cỡ trụ gió của nhà máy điện gió Bạc Liêu.

- Hòn Giữa: đây là một dãy gành đá bén nhọn nằm cạnh Hòn Đen, nằm vắt ngang như một nhịp cầu nối liền Hòn Đen và Hòn Đỏ thuộc xã Long Hải. Diện tích 2.900 m2.

- Hòn Đỏ, Hòn Bút, Hòn Son hay Hòn Bút Nghiên: Nằm phía đông bắc Phú Quý, cách bờ khoảng 200 - 300 mét. Có tên là Hòn Đỏ vì ở đây toàn là đá màu đỏ. Diện tích hơn 28.000 m2.

- Hòn Hải hay Hòn Khám, Hòn Hài: cách đảo Phú Quý gần 65 km về phía nam, là điểm A6 đường cơ sở lãnh hải Việt Nam. Có hình dạng là một khối đá vuông cạnh mọc thẳng đứng, có chiều dài khoảng 130 m, bề ngang chỗ rộng nhất khoảng 60 m, điểm cao nhất là 113 m tính từ mặt biển, rộng 46.000 m2, là một trong các điểm cơ sở nằm trên đường cơ sở của Việt Nam.

< Ta lại chạy tiếp, đường từ đoạn này trở đây đầy đá xanh, có vẻ như bị thứ xe gì đó cày xới. Chạy lưng tưng, đá kêu rào rạo dưới bánh...

Hòn Hải và hai hòn đảo nhỏ lân cận tạo thành cụm đảo The Catwicks trong các bản đồ hàng hải phương Tây. Hòn Hải được gọi là Pulo Sapata, Poulo Sapate, hoặc Shoe Island. Hải đăng Hòn Hải được xây dựng năm 2004.

- Hòn Đồ Lớn hay Hòn Bố: Nằm phía đông nam và cách Phú Quý gần 60 km, có thể một phần hòn đảo này hình thành năm 1923 do hoạt động phun trào dưới lòng biển Đông. Lúc đầu có dạng hình tròn với đường kính 40 m, trên mặt có cát trắng và xung quanh có cạnh bậc thang thoai thoải. 

< Mặt đường ngày càng khiếp, bánh xe càn tới đâu đá lạo xạo văng tới đó. Cuối cùng, gặp bảng chắn ngang ghi 'Đang thi công', người và máy cơ giới rần rần. Thôi rồi, dzị là ta không thể chạy đánh vòng tròn quanh đảo. Trở đầu xe chạy ngược về, tự dưng nghĩ đến cái lằn tét do đá chém ở vỏ sau - đá nhọn mà xỉa thẳng vô tới cái ruột đang căng cứng thì... toi.

Hiện nay hình thành một bãi đá ngầm dài 700 m và rộng gần 500 m. Hòn Đồ lớn còn được hàng hải phương Tây gọi là Round Island hoặc Great Catwick.

- Hòn Đồ Nhỏ hay Hòn Trào: cách Hòn Bố 2 hải lý về phía đông, rộng chỉ có 50 m2. Hòn Đồ nhỏ còn được gọi là Little Catwick hoặc Pyramid trong hàng hải phương Tây. Little Catwick cách Pulo Sapata (hòn Hải) 2 dặm về hướng tây bắc.

- Hòn Đá Tý, Hòn Tý, Hòn Vung hay Hòn Tiền: cách đảo Phú Quý 80–100 m.

Vậy nên Phú Quý có thể gọi là một quần đảo.

(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21 - Phần 22 - Phần 23 - Phần 24 - Phần 25 - Phần 26 - Phần 27 - Phần 28 - Phần 29 - Phần cuối

Điền Gia Dũng

Du lịch, GO!