(Tiếp theo) - Trước khi có những chuyến tàu cao tốc ra đảo, người ta phải mất từ 6 đến 8 tiếng để ra đấy với điều kiện biển êm. Ngày nay chỉ còn mất hơn 2 giờ là có thể cập đảo. Tuy nhiên, 2h hơn trong cuộc sống sôi động hiện nay thì đó vẫn là khoảng thời gian khá dài nên với người dân đảo: cứ lên tàu, yên vị rồi là người ta lăn ra ngủ, không để uống phí.

< Khi đảo xa dần thì đất liền gần lại, ta đang hướng về TP Phan Thiết. Mở Googlemap, cái chấm 'vị trí của bạn' đang nhích nhích từng chút một về hướng Tây...

Trở về nơi mình đã rời đất liền: Thành phố biển Phan Thiết không quá xa Sàigòn nên mình dự định sau khi qua bữa trưa, mình sẽ chạy trực chỉ về nhà luôn.

< Cập bến Phan Thiết, chờ giữa trưa nắng để lấy xe. Lúc này mới biết là tiền bốc vác ăn cả 2 đầu, chẹp: Dzị là hồi ở đảo họ... quên thiệt!

Ghé quán Tư Minh qua bữa trưa nhưng kỳ này không dám uống lon bia nào: Ta còn chạy xe, có chút hơi men nếu xui xẻo sẽ bị phạt méo mỏ đấy!

Trong thực tế: bọn mình dự định chuyến này từ lâu nhưng chưa dứt khoát là sẽ đi trong ngày 8/9 đâu... nhưng sự việc ngẫu nhiên xẩy ra bất ngờ. Trước đó chỉ 2 ngày, mình vào Facebook của Superdong nhắn hỏi quy trình đặt vé (giờ khởi hành của từng ngày họ có đưa lên 'phây' hết rồi) 'Alô, nếu muốn ra Phú Qúy từ Phan Thiết thì đặt vé ra sao ạ?' - 'Dạ, anh đặt vé trước... 1 tuần lễ (trời đất!), sau đó ra phòng vé để nhận và trả tiền rồi đến ngày đi thì lên tàu'.

< No bụng, vào toilet rửa mặt xúc miệng sạch sẽ và ta 'Tiến về Saigòn', lúc này đã 12h30. Về cho nhanh, thôi ta cứ phang một đoạn trên QL1A vậy, hổng chừng sẽ rẽ vào tuyến đường cũ cho tối ưu nếu nhớ...

'Cái gì mà lâu dữ vậy, cả một tuần à??' - 'Dạ, anh đi bao nhiêu người?' - 'Chỉ 2 người, có thêm chiếc xe máy' - 'Dạ, quy trình nó như vậy, để em hỏi lại' - 'Dzị chứ tui muốn đi ngay ngày mốt thì có vé không?' - 'Dạ, em sẽ gọi lại sau báo anh biết. Số ĐT của anh là...?' - Mình cho số và chờ một hồi rồi... quên luôn, bỏ đi làm chuyện khác; trong đầu thắc mắc... cái quái quỷ gì mà phải đặt vé trước 1 tuần? Bọn này có... tỉnh táo không cà? Đâu phải ta đặt resort? Tỷ như ngày đó mưa bão ta cũng phải đi à? Thôi quên đi! 

< Nắng trưa đổ lửa, không còn cái nắng dịu ở đảo giữa biển... nhưng chả sao, đi riết quen rồi...

Nửa tiếng sau, điện thoại báo - nghe thì 'Anh đi mấy người? em đã test vé cho anh, ngày khởi hành là ngày mốt ạ?' - Bố tiên sư mi, dzị mà hù phải 'đặt trước 1 tuần' trong mùa heo hắt sau chuyện Covid! - 'OK, ngày mốt. Vậy thì mai tôi ra Phan Thiết, mốt 7h xuống tàu, chắc chắn nghen!' - Dzị là đi mà chưa hề nghiên kíu cái cóc khô gì ở đảo cả.

< Cứ thấy khi nào ông mê (ê mông) hoặc chân mỏi thì tấp vào nơi nào có bóng mát nghỉ mươi phút. Ta bỏ khầu trang để thở, ta uống nước để đã khát, ta hút thuốc để thỏa, ta xem bản đồ để biết đến đâu, ta ngắm cảnh vật cho... sướng mắt... rồi hồi sức cái vèo!

Ghé ven đường mua cặp bao tay loại thường thôi để mu bàn tay khỏi phỏng nắng. Mình có đôi găng xịn lắm, mới mua ở Laz nhưng nó bó quá nên cho hắn de. Sau này về nhà cho thằng nhỏ giao hàng ở Laz, nhỏ mừng rơn.

< Cây cao bóng cả mát rượi. Nhờ tấm bảng mà sau này mình biết lúc đó đang ở đây > cách trung tâm Phan Thiết tầm 60km, nhanh quá hè?

Việc nhà lu bu, thu xếp mất bén một buổi. Buổi còn lại soạn hành lý, thuốc men tọng vô cái balô. Rồi mình load sẳn cái bản đồ khu vực từ Phan Thiết tới tận đảo Phú Qúy - Không ba bốn gờ thì mất công kéo quẹt tới lui cái bản vệ tinh cho nó nhớ, hén sẽ lưu giữ được vài ba ngày - Sáng hôm sau dậy là khởi hành. Không có thời gian xem tường tận trên máy tính bàn (màn hình bự mới nhìn thấy các nơi cần đến chứ màn hình trên ĐT chán lắm), không có kế hoạch sẽ ghé nơi đâu, xoẹt cái là dzọt nên cũng chả trách bọn mình bỏ qua vài điểm cần đến và phải đến dù nó ngay ở đó, kề cận đó.

< Tái ngộ lại con đường Xuân Đông - Xuân Tây khi bọn mình chọn đúng ngã rẽ: chạy đường làng sướng hơn QL1A nhiều. Qủa núi nhỏ bên trái nó nằm ở đây >.

Nhưng cũng được dù phải mất cả 1 ngày ở Phan Thiết. Ta cũng có dịp thăm lại phố biển này và thưởng ngoạn cái hiu hắt của Mũi Né thời gian sau dịch xem nó thía nào.

Nhưng tại sao lại gọi là 'Phan Thiết'? Ta xem thông tin sau nhé:

< 1h40, gió vù vù bên tai thổi bay cái nóng. Dăm ngày qua thời tiết thật tuyệt, bọn mình mà chờ thêm 1 tuần nữa mới đi thì sẽ gặp mưa bão  liên miên, cũng hên!

< Hai bên liên tiếp những rừng cây trồng, gió xào xạc cành lá.

Có một số giả thiết về tên gọi của Phan Thiết và phần lớn đều chấp nhận rằng, "Phan Thiết" không phải là một cái tên thuần Việt:

< Đất rơi đầy đường từ nhiều chiếc xe ben nào đó. Ở thành phố sẽ bị truy dấu vết và phạt lút cán cho chừa nhưng nơi ni, ráng chịu...

- Khi chưa có người Việt định cư, người Chăm gọi vùng đất này là "Hamu Lithít" - "Hamu" là xóm ruộng bằng, "Lithít" là ở gần biển. Khi bắt đầu có người Việt định cư, vẫn chưa ai có ý định đặt ngay cho vùng đất này một tên gọi mới bằng tiếng Việt. Lâu dần, âm cuối "Lithit" lại được gắn liền với âm "Phan" tách từ phiên âm của tên hai vùng Phan Rang, Phan Rí mà thành ra Phan Tiết (tên gọi ngày xưa) và sau này người ta gọi chuẩn với cái tên là Phan Thiết.

< Bức tường bên trái thật dài, trông khá quen. Hình như đây là chốn quân đội...

- Người Việt đã phiên âm lại cách gọi tên của người Chăm trước đó: Mang-lang (Phan Rang), Mang-lý (Phan Rí), Mang-thít (Phan Thiết). Ba địa danh này được gọi chung là "Tam Phan".

< Nhớ roài, đây là Bệnh xá Trung đoàn 3 thuộc sư 9 (Quân đoàn 4) đóng ở xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

- Po Thit (hoàng tử em của công chúa Po Sah Inư, con của vua Chăm Par Ra Chanh, tức Trà Chanh) đóng đồn trấn ngữ vùng đất này vào thế kỷ XIV được người Việt đọc trại ra mà thành Phan Thiết.

< Và ni là cổng chính (vị trí >) vào tổng hành dinh của họ đây.

Ngày nay, yếu tố "Phan" còn xuất hiện nhiều trong các địa danh ở tỉnh Bình Thuận như: Sông Phan, Phan Rí Cửa, Phan Rí Thành, Phan Lâm, Phan Sơn...

< Vườn thanh long, thấy lại nhớ Bình Thuận dù ở đây trồng không nhiều.

Phan Thiết hình thành như thế nào?

- Vùng đất này khi xưa thuộc vương quốc Chămpa, sau này sáp nhập vào Đại Việt. Hành chính được xác lập cùng thời gian hình thành tỉnh Bình Thuận ngày nay, nhưng khi ấy nó chưa được xác định địa giới và cấp hành chính gì.

< Vô số những thùng ong mật. Tại các vùng chuyên canh cây trái ở các xã Xuân Tâm, Xuân Phú, Bảo Hòa và Xuân Định huyện Xuân Lộc: cây trồng phát triển tốt và trong kỳ đơm hoa kết trái, ăn theo đó là nghề nuôi ong lấy mật.

- Năm 1697, Bình Thuận lần lượt được đổi từ một trấn lên thành phủ, rồi lên thành dinh, thì Phan Thiết chính thức được công nhận là một đạo (cùng một lượt với các đạo Phan Rang, Phố Hài, Ma Ly vùng Tam Tân). Tuy nhiên, đạo Phan Thiết lập ra nhưng chẳng có văn bản nào chỉ rõ phạm vi lãnh thổ.

< Cứ tình bình quân mỗi năm 200 thùng ong có thể đem lại cho người nuôi từ 300 đến 400 lít mật tự nhiên. Gặp thời tiết thuận lợi, năng suất mật có thể đạt  trên 500 lít. Với giá thành hiện nay, thu nhập từ bán mật ong của người nuôi khoảng trên 100 triệu đồng/năm. Đó là chưa kể thu nhập từ nghề bán ong giống, sáp ong...

- Từ năm 1773 đến năm 1801, nơi đây thường diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa các lực lượng quân nhà Nguyễn và quân nhà Tây Sơn.

< Ngắm ong ngắm bà cho thỏa rồi thì đi.

- Năm 1825, thời Minh Mạng, khi Bình Thuận chính thức trở thành tỉnh, đạo Phan Thiết bị cắt một phần đất nhập vào một huyện thuộc Hàm Thuận (năm 1854, thời Tự Đức, huyện này được đặt tên là huyện Tuy Lý).

- 1835, tuần vũ Dương Văn Phong thỉnh cầu vua Minh Mạng chuyển tỉnh lỵ của Bình Thuận ở gần Phan Rí (huyện Hoà Đa) lập từ thời Gia Long về đóng ở vùng Phú Tài - Đại Nẫm, huyện Hàm Thuận nhưng vua chưa đồng ý.

< Qua cây cầu nhỏ có tên là cầu Sông Ray (vị trí >). Cả nước chắc cũng khá bộn cầu mang cái tên này nhưng ở đây là Lý trình KM4 + 600 made in Xuân Đông.

- Năm 1836 (năm Minh Mạng thứ 17), Thị Lang Bộ Hộ là Đào Tri Phủ được cử làm việc đo đạc, lập địa bạ trong số trên 307 xã, thôn thuộc hai phủ, bốn huyện và mười lăm tổng của tỉnh Bình Thuận để chuẩn định và tiến hành đánh thuế. Đo đạc xong ước định vùng Phan Thiết (thuộc tổng Đức Thắng) có chín địa danh trực thuộc. Bên hữu ngạn sông (sông Cà Ty ngày nay) là các xã Đức Thắng, Nhuận Đức, Lạc Đạo và các thôn Thành Đức, Tú Long. Bên tả ngạn là xã Trinh Tường và các thôn Long Khê, Long Bình, Minh Long.

< Rời rừng, ta bắt đầu vào phố với nhà cửa lưa thưa...

- Qua nhiều lần thay đổi các đơn vị hành chính, một số thôn nhỏ sáp nhập thành làng lớn, một số địa danh cũ biến mất như Minh Long, Long Bình (thuộc phường Bình Hưng ngày nay), Long Khê (thuộc phường Phú Trinh ngày nay). Một số thôn, xã khác của tổng Đức Thắng như Phú Tài, Phú Hội, Xuân Phong, Đại Nẫm được xem là ngoại vi của Phan Thiết. Một số địa danh thuộc khu vực Phố Hài (phường Phú Hài ngày nay) như Tân Phú, An Hải, An Hoà, Tú Lâm, Sơn Thủy, Thiện Chính, Ngọc Lâm... thuộc về tổng Hoa An (sau đổi lại là tổng Lại An) của huyện Tuy Định. Một số thôn, xã dọc bờ biển như Khánh Thiện, Thạch Long, Long Sơn (thuộc khu vực Rạng - Mũi Né ngày nay) thuộc tổng Vĩnh An của huyện Hòa Đa.

< Phố thì phố những buổi trưa khá vắng người và xe, chạy phẻ... Vừa chạy vừa nghe nửa kia chỉ đường theo... trí nhớ vì lười coi bản đồ.

- Gần cuối thế kỷ 19, Phan Thiết vẫn chưa được công nhận chính thức là một đơn vị hành chính (cấp dưới) trực thuộc tỉnh Bình Thuận.

- Năm 1898 (năm Thành Thái thứ muời), tỉnh lỵ Bình Thuận được dời về đặt tại làng Phú Tài ở ngoại vi Phan Thiết. Ngày 20 tháng 10 cùng năm, vua Thành Thái ra đạo dụ xác lập thị xã (centre urban) Phan Thiết, tỉnh lỵ của Bình Thuận (cùng ngày thành lập các thị xãHuế, Hội An, Quy Nhơn, Thanh Hoá, Vinh).

< Phía trước là đường rẽ cong, lúc này đã gần 2h trưa. Rẽ cong 90 độ, chắc là cái góc Bánh bèo Huế đây!

- Năm 1905, thị xã Phan Thiết cũng vẫn chưa xác định rõ ranh giới. Tòa sứ Bình Thuận (bộ máy thống trị của Pháp) do một công sứ (résident) đứng đầu đặt thường trực tại Phan Thiết.

< Mới dăm bữa trước nhưng nhớ từng con đường cũng mệt, bà xã giỏi quá! Dzị nhưng cũng có lúc lầm nhưng không sao vì ta đã có cái alô...

- Ngày 4 tháng 11 năm 1910, viên toàn quyền Đông Dương A.Klobukowski ra quyết định về Phan Thiết. Lúc này Phan Thiết chính thức bao gồm 16 làng xã. Bên hữu ngạn sông: Đức Thắng, Thành Đức, Nhuận Đức, Nam Nghĩa, Lạc Đạo, Tú Long; bên tả ngạn sông: Long Khê, Phú Trinh, Trinh Tường, Đảng Bình, Quảng Bình, Thiện Mỹ, Thiện Chánh, Xuân Hoà, An Hải, Sơn Thuỷ (năm làng sau trước đây là thuộc khu vực Phố Hài). Có thêm địa danh mới như Nam Nghĩa, Quảng Bình (dân Quảng Nam, Quảng Nghĩa, Quảng Bình di cư vào Phan Thiết).

< Qua ngã 3 là thấy chợ Láng Me (vị trí >). Chợ xã nên buổi trưa đã tắt đài. Có lẽ bọn mình đã qua 2 phần ba đường rồi.

- Ngày 6 tháng 1 năm 1918, Khâm Sứ Trung Kỳ Charles quyết định Phú Hài (tên gọi mới của Phố Hài) tách ra khỏi Phan Thiết để nhập về lại tổng Lại An của huyện Hàm Thuận. Pháp bắt đầu thiết lập bộ máy chính quyền ở Phan Thiết. Thị xã Phan Thiết liên tục làm tỉnh lỵ của tỉnh Bình Thuận từ đó.

- Sau khi Việt Nam thống nhất (1975), thị xã Phan Thiết được chọn làm tỉnh lỵ của tỉnh Thuận Hải, gồm 9 phường: Bình Hưng, Đức Long, Đức Nghĩa, Đức Thắng, Hưng Long, Lạc Long, Phú Thủy, Phú Trinh, Thanh Hải.

< Nhà thờ giáo xứ Xuân Đông (vị trí >).

- Ngày 15 tháng 12 năm 1977, chuyển xã Phú Hài thuộc huyện Hàm Thuận về thị xã Phan Thiết quản lý.

- Ngày 13 tháng 3 năm 1979, thành lập 2 xã Tiến Lợi và Phong Nẫm.

- Ngày 30 tháng 12 năm 1982, sau khi chia huyện Hàm Thuận thành 2 huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam, chuyển xã Hàm Tiến và thị trấn Mũi Né (nay trở thành phường Hàm Tiến và phường Mũi Né) thuộc huyện Hàm Thuận cũ về thị xã Phan Thiết quản lý.

< Ngọn núi ở kia cao tầm 200m, nó ở đây >.

- Ngày 28 tháng 11 năm 1983, thành lập xã Tiến Thành.

- Sau khi chia tách tỉnh Thuận Hải đầu năm 1992, thị xã Phan Thiết vẫn giữ là tỉnh lỵ của tỉnh Bình Thuận ngày nay.

- Ngày 25 tháng 8 năm 1999, chính phủ Việt Nam quyết định nâng cấp thị xã Phan Thiết thành thành phố Phan Thiết trực thuộc tỉnh Bình Thuận.

- Ngày 22 tháng 11 năm 2001, chia xã Phong Nẫm thành ba đơn vị hành chính là xã Phong Nẫm, phường Phú Tài và phường Xuân An; chia xã Hàm Tiến thành hai đơn vị là phường Hàm Tiến và xã Thiện Nghiệp; chuyển xã Phú Hài thành phường Phú Hài.

< Lúc này, có lẽ tỉnh lộ 765 đâu đó ở phía trướx, ta sắp rời địa phận xã Xuân Đông và sê vào xã Xuân Tây thuộc huyển Cẩm Mỹ. Đường về nhà không còn quá xa...

- Ngày 24 tháng 6 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 890/QĐ-TTg công nhận thành phố Phan Thiết là đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh Bình Thuận.

Tuy là một thành phố trẻ nhưng theo các nhà nghiên cứu thì "phố cổ" Phan Thiết hình thành trước Nha Trang và Phan Rang (TTĐTTPPT).

(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21 - Phần 22 - Phần 23 - Phần 24 - Phần 25 - Phần 26 - Phần 27 - Phần 28 - Phần 29 - Phần cuối

Điền Gia Dũng

Du lịch, GO!