(Tiếp theo) - Vợ chồng sống với nhau mấy chục năm, đi mô cũng có đôi nhưng chừ bà xã muốn hưởng thú một mình ở bãi Nhỏ, nhường ta cái thú nhâm nhi tách cà phê sáng... thì thôi cũng chiều vậy. Thú thật, thấy cái bãi đẹp như thần tiên nhưng lại nằm tun hút tuốt phía dưới sâu thì cũng... dội, ngán cái lúc tắm xong phải lê cái thân... bò lên.

< Ta chạy xe hướng về Bãi Nhỏ.

Nhưng dzị cũng được, hẳn là nửa kia cũng muốn tranh thủ thời gian chứ ta chỉ còn ở nơi ni một ngày. Mất một tiếng cà phê cà pháo, chưa kể rủi mấy ông nụi bên sửa xe thấy mình xẹt qua tán dóc với mời phê pháo thì chắc đứt luôn cả buổi. Dzị nên đôi ta bèn: anh uống, em tắm là ok nhất.

< Bãi Nhỏ, bãi thần tiên đây (vị trí >). Hoàn toàn không có bóng ai. Nửa kia bước xuống dưới, ngoái lại nói 'Anh đi uống cà phê nghen, hồi tắm xong thì em gọi ĐT để anh tới đón'. OK em.

Đôi ta? đúng roài, ai mà không có đôi có cặp chứ? Đề cập đến lĩnh vực này, xin hỏi bà kon: Tục cưới - Hỏi ở đảo Phú Quý xưa và nay có gì khác nhau không? Vô tình xem được bài viết về phương diện ni, ta cùng xem nhé (những dòng chữ đen).

< Bóng 'một nửa của mình' xa dần, chậm chạp tìm đường xuống  qua các góc cua, vực sâu... rồi mất hút. Tự dưng có cảm giác thiếu an toàn: đi hai đứa, có té ngã hay gì đó thì cũng có người đỡ đần. Bà xã mình... ẩu lắm, không ngại chút gì trong những chuyến đi nhưng chính những điều đó khiến ta e ngại. Thôi thì chờ một chút, xuống tới dưới nhất định ta sẽ thấy trên bãi biển chứ?

Khi xưa theo tục cổ truyền “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “mai ước” để dựng vợ gả chồng. Khi “gả” rồi, sau 12 năm mới cưới, mỗi năm khi Tết đến chàng trai phải đi lễ một đầu heo. Chưa đủ 12 năm mà bỏ nhau, theo tục lệ làng sẽ bị đánh đòn, hoặc chưa đủ 12 năm mà đã ở với nhau sẽ bị bắt “phạt chay lễ” vì tội “thương vội”...

< 5 phút rồi mười phút, chờ hoài nhưng chả thấy ai dưới bãi cát. Tự dung mình đâm lo, không biết có té ngã gì không hè?  Dzị nên bóc ĐT ra gọi: gọi 2 lần, chuông đỗ nhưng không bắt máy... khiến mình lo lắng thật!

Vậy nên chạy xe qua cột cờ rồi leo ra ngoài nhìn xuống: cả bãi biển và một phần bãi đá... chả có ai! Đã có chuyện gì chăng? Gọi thêm vài cuốc ĐT nữa nhưng không được, đầu óc nghĩ quẫn rằng 'té vực, người một nơi ĐT một nẻo' thì sao? Thôi, mình trở lại Bãi Nhỏ vậy!

< Bỏ xế phía trên, mình... đi xuống dưới. Dốc, quanh co đầy đá. Thói quen khi lên hay xuống dốc dựng là đặt chân lên đá tảng (tảng nhé, đá lụn vụn là trượt đó) hoặc bụi cây cỏ giúp ta thuận lợi hơn. Rồi, cuối cùng cũng xuống tới phía dưới sau khi ngắm nhìn mọi ngóc ngách trên đường đi.

< Xuống cũng không đến nỗi quá khó, chỉ cần cẩn thận là được nhưng mình biết chắc khi lên sẽ rất chua, nhất là những người cao huyết áp, nhịp tim nhanh - Hạ hồi phân giải vậy, miễn là vợ ta yên bình, tỉnh cảm vợ chồng sâu đậm là như thía đó, già thật nhưng thương vẫn là thương, đi 2 thì phải về đủ 2 và nguyên vẹn chứ?

... Nếu sau khi đã nhận đủ 12 đầu heo mà nhà gái “trở hôn” thì phải “bồi công trả của” cho đàng trai. Nếu đi đủ 12 đầu heo mà người con trai đổi ý thì bị phạt, phải đi đủ đồ cưới sang nhà gái như quần áo, bông tai như ngày cưới. Luật làng hồi ấy rất nghiêm, ai cũng phải chấp hành. 

< Bãi đá đây, nhìn quanh quất nhưng chả thấy bóng một ai...

< Còn ni là bãi biển, không một bóng người. Lúc này, 'Thưởng ngoạn cái đẹp chả là gì, ta cần đảo mắt kiếm cái chi... (Chi là tên ở nhà của bà xã).

“Đi cho đủ lễ sanh kỳ

Rượu thì 9 chén, heo thì 4 con

Một con cất đạt sanh kỳ

Một con trả gởi nàng thì ra đi

Một con trả hiếu ông bà

Một con trả thảo mẹ với cha sanh thành…”

< Rồi mình đi về phía bãi đá bên phải, hướng cột cờ.  Cũng không thấy giày dép, khăn tắm. Dzợ răng mô?

< Và ni là bãi đá. Ông cố nội tui nhìn cũng hổng thấy nhưng sau này ta phóng lớn ảnh lên sẽ lộ ra người đang ngâm mình trong hốc đá. Có điều lúc ni, ta dáo dác ngó quanh chắc như nai vàng ngơ ngác... và bỗng một bóng người vẫy tay ra dấu trong cụm đá...

Cách thức hỏi vợ ở 3 xã không giống nhau. Ở xã Long Hải và Ngũ Phụng, ngoài mâm trầu, hũ rượu, đến ngày cưới còn có lễ cúng ông bà (gọi là “phạt bàn thờ”) một cỗ xôi, một con gà luộc. Lễ bên nhà gái còn phải sắm thêm một khay trầu thứ hai, một đôi đèn, một xị rượu bưng tới ấp gọi là nộp lễ “làng nhà” với 100 đồng bạc (thời trước). Việc lập hôn thú được tiến hành trước sự chứng kiến của 2 họ và ông “Mai” trước khi đưa cô dâu về nhà chồng. Đặc biệt nhà gái lo đãi tiệc cả 2 họ.

< Hóa ra nửa kia đang ngâm mình trong cái bồn tắm thiên tạo này đây! Trời hỡi, đúng là em trong chốn địa đàng... trong khi ta vừa thoát khỏi địa ngục, người cứ lo canh cánh, lo bò trắng răng!

< Nước mát,  trong vắt không khác gì nước suối La Vie, lại cuộn và quậy theo các cơn sóng như kiểu massage nước vô tận bên những đàn cá nhỏ bơi tung tăng, thiệt đúng không phải là chốn phàm trần!

Gia đình nào không khá giả thì chỉ cần cỗ xôi, con gà luộc. Cúng xong, chặt nhỏ mời ông “Mai” cùng gia đình cha mẹ hai bên, như vậy cũng đủ lễ. Riêng ở Tam Thanh, nhà gái còn thách nhà trai phải “chịu lời” bằng đôi bông tai hoặc sợi dây chuyền và quần áo mặc. Khi phạt bàn thờ còn thêm mâm trầu hũ rượu, ngoài ra có 2 lọng che ông “Mai” và ché rượu khiêng qua nhà gái. Tại đây có tổ chức tiệc trà khoản đãi. Cuối cùng cô dâu chú rể phải tới nhà lạy tạ ông “Mai” và ông Thầy coi ngày cưới, sau đó mới được về nhà chồng.

< Phía trong 'bồn tắm' nhìn ra thía này đây, còn ta đi xuống ở dốc núi, ngược chiều nắng nên nhìn qua đây không thấy gì cũng là phải! Nửa kia gọi: thôi anh lỡ xuống thì tắm luôn đi, ở đây đã lắm!

Nói thiệt, mình hơi bực một tí nhưng vui cũng nhiều (vì không có tai họa gì xẩy ra, dĩ nhiên)... và lắc đầu: anh không mang đồ tắm, thôi anh lên trước, nắng quá. Dzị anh lên đi, em sẽ lên liền... Hay anh tới cái chòi đàng kia tránh nắng vậy?

< Mình lại lắc đầu và đi lên bãi cát. Mệt nên thiếu lời, vợ chồng hiểu nhau tất tật nhưng nay không hiểu rõ điều này... khiến hồi sau lắm chuyện vui.

Qua nhiều thập kỷ, các tục lệ cưới hỏi truyền thống cũng bị mai một nhiều. Các đám cưới trên đảo hiện nay diễn ra đơn giản hơn, trai gái yêu nhau và đến với nhau ít bị những tục lệ xưa chi phối, nhất là giai đoạn sau ngày cách mạng giải phóng 1975 đến năm 2000, do điều kiện kinh tế khó khăn của đại đa số người dân trên đảo, nên việc dựng vợ gả chồng cho con cái cũng đơn giản...

< Và mình trở lên thật, rời chốn thần tiên thay vì cứ cởi áo mặc quần dài xuống tắm đại. Chừ dìa, ngẫm lại cứ tiếc nuối: Mồ hôi đầm đìa, bảo đảm xuống vài phút thôi là khỏe khoắn, thừa sức để... bò lên dốc, he he...

Con cái quen biết nhau hoặc do cha mẹ sắp đặt đều được cha mẹ cậy người mai mối dạm hỏi, nhưng không tổ chức cưới hỏi linh đình mà chỉ sắm lễ cưới, đôi bông tai vài con gà và cỗ xôi, đại diện ông “Mai” cùng hai tộc họ gia đình gặp nhau làm quen, giới thiệu cho con cái biết dòng họ hai bên là đủ. Trong giai đoạn này một số gia đình trên đảo có điều kiện kinh kế khá giả cũng đã tổ chức lễ cưới linh đình, nhưng cũng chỉ khoản 3 đến 5% trong các cặp vợ chồng.

< Đi một đoạn trên bãi biển, nhìn cái chái lá phía xa rồi... lười - Lội cát thêm một khoảng dài để đến đó, thôi thì ta lên trên luôn cho roài! Dzậy nhưng hồi lên mới khủng: mồ hôi ướt đẫm, nhịp tim đã cao, chừ đập loạn xạ. Thuốc huyết áp chưa uống do định uống chung cà phê... Được nửa đường, ngồi bẹp bên tảng đá to nghỉ và... thở! Thở như muốn hốt hết không khí của trời đất vào người, kha kha...

Giai đoạn từ sau 2000 đến nay, do có điều kiện phát triển về kinh tế gia đình nên tục cưới hỏi tại đảo được bà con quan tâm chú trọng hơn, họ muốn khi con cái lấy chồng - hỏi vợ cũng nên công bố với bà con hàng xóm để cha mẹ, con cái được nở mặt nở mày...

< Ở dưới, bà xã hiểu lầm là... mình bỏ lên đi uống cà phê nên... tắm tiếp. Dễ gì có được dịp Trời cho này chứ? Lại còn quay cả video cái... bồn tắm đã được thụ hưởng, hê hê...

Đồng thời hiện nay, trong đội ngũ cán bộ nói chung khi lấy nhau đa số 90% cặp vợ chồng đều tổ chức lễ cưới, hơn nữa số cặp vợ chồng trong nhân dân có khoản 50% cặp cũng đã tổ chức lễ cưới đúng quy trình thủ tục theo 3 lễ (lễ dạm ngỏ, lễ hỏi và lễ cưới).

Một điều chúng ta cũng quan tâm hơn nữa là trước đây (trước năm 2000), đa số các cặp vợ chồng khi cưới nhau ít khi đến cơ quan chính quyền để đăng ký kết hôn nên đã xảy ra một số vụ ly hôn nhưng các cấp chính quyền không thể đứng ra xử lý được (giai đoạn này chỉ có khoảng 25% hộ gia đình có đăng ký kết hôn).


< Còn mình, bò dần cũng lên hết dốc, đến ngồi bên dzợ 2 đốt thuốc chờ. Mồ hôi nhỏ giọt, lấy cái khẩu trang lau luôn cho đến khi nó ướt sũng thì mở cốp, may rằng có mấy cái khăn ướt thơm, ta xé bọc xài luôn.

Lúc này hai mẹ con bán hàng bên cột cờ đi qua nhìn thấy nên mời 'Anh qua đây uống nước tránh nắng'. Mình lắc đầu bảo 'Bà xã lên liền chị ơi, cảm ơn'. Lên liền đâu không thấy, chỉ thấy đốt điều thứ 2, thứ 3 rồi... mình cũng ghé quán thiệt vì nắng đổ hết xiết, he he.

Từ sau năm 2000 và nhất là giai đoạn năm 2005, thực hiện chủ trương chung của nhà nước cho đăng ký lại giấy chứng nhận kết hôn, thì đại đa số các cặp vợ chồng trên đảo tuổi từ dưới 60 tuổi đều có giấy đăng ký kết hôn, số còn lại trên 60 tuổi thì có khoảng 50% cặp vợ chồng không có giấy đăng ký kết hôn.

< Kêu chai Coca, còn nước chai mình đem theo để rửa mặt giảm nóng cho đã nư! Hỏi vì sao này gọi được còn bi giờ không, chị bán hàng nói 'Ở dưới không có sóng ĐT đâu anh ơi'. Hỏi chị 'Mùa Covid đã qua nhưng vẫn vắng hả chị' - 'Đúng anh, mọi năm đông lắm, khách nườm nượp. Mà năm ri vắng, vài bữa nữa tui cũng phải nghỉ luôn vì chuyển mùa, bảo tới ở đây gió ghê lắm, bay nóc vách hết trơn'..., Hỏi chị người gốc ở đâu, chị nói gốc ông nội Bình Định. Một số dân ở đảo cũng vậy, gốc từ thời ông, thời cố. Vậy rất có thể văn hóa 'gùi Tây nguyên' mà mình thấy tại đây bắt nguồn từ người Tây Giang ở Tây Sơn - Bình Định.

Một điều về khía cạnh mặt đạo đức theo phong tục địa phương, tuy trước đây chưa có luật hôn nhân gia đình, nhưng khi đã chung sống với nhau rồi thì ít có trường hợp ly hôn, chỉ sau giai đoạn 2000 đến nay, việc ly hôn đã xảy ra và có dấu hiệu xấu bởi những vụ, việc ly hôn đi ngược với đạo đức xã hội (Như kinh tế gia đình chật vật, khó khăn dẫn đến ly hôn; nạn tảo hôn cũng đã dẫn đến ly hôn…).

< Một hồi lâu sau thì... điện thoại reo 'Em lên, anh tới đón nghe'. Đón rứa mà đón? Anh vẫn còn trên ni, bên cái quán. 'Ủa, mà em gọi điện không được anh ơi, lên đến nữa đường mới alô được', Hi... có sóng mô mà gọi. Rút cuộc, ta chờ mỏ méo... lại bỏ mất dịp tắm biển thần tiên. Thui kệ, ngồi uống nước, chốc nữa ta về.

Những nạn ly hôn này đòi hỏi các cấp chính quyền các đoàn thể cần có một lộ trình thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân thì mới có thể giảm dần, đem lại sự cân bằng mặt đạo đức trong giai đoạn hiện nay (Nhất Huy - Tập san Phú Quý 40 năm).

Xưa hay hơn nay? Có thể. Nhưng nay lại có những điều khác hay hơn xưa mà bắt buộc phải có khi xã hội phát triển. Thôi thì phải chấp nhận vậy vì chẳng có chi là hoàn hảo, cũng chả phải ai cũng là thánh thần. Amen.

(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21 - Phần 22 - Phần 23 - Phần 24 - Phần 25 - Phần 26 - Phần 27 - Phần 28 - Phần 29 - Phần cuối

Điền Gia Dũng

Du lịch, GO!