(Tiếp theo) - Bài này đúng ra sẽ đề cập đến hòn đảo bọn mình đang ở, tức là đảo Phú Qúy. Tuy nhiên, do mình ghé danh lam thắng cảnh đầu tiên là Mộ Thầy cho nên ta sẽ nói về nơi ni trước tiên.

< Ăn xong, không nghỉ lại lang thang đi rong. Phía trước Mộ Thầy đây, lức này chưa đầy 1h. Giữa trưa nhưng may mắn là trời không nắng, chụp anh không đẹp nhưng đi chơi thì phẻ!

Tuy diện tích không to lớn gì nhưng người dân đảo Phú Quý luôn tự hào với bề dày lịch sử của mình, với hơn 30 di tích tín ngưỡng dân gian đủ mọi loại hình như: đình, chùa, đền miếu, lăng, vạn… cùng nhiều lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc khiến đời sống tâm linh của cộng đồng dân cư Phú Quý rất đặc sắc và là những chỗ dựa tinh thần cho người dân đảo.
< Chưa vội vào đền bọn mình ra ngách bên hông. Chỗ này nhìn ra bao quát một vùng biển.

< Nhìn ngược vào, ta thấy bãi biển của làng chài Long Hải (vị trí >) thuộc xã Ngũ Phụng. Núi kia chính là núi Cao Cát, trên đó có 2 tháp ăng ten truyền thông và truyền hình.

Dấu ấn của người gốc Hoa trên đảo Phú Quý còn lưu lại khá rõ nét với khá nhiều các cơ sở tín ngưỡng của được tạo lập và trải qua thời gian được người Việt kế tục thờ phụng như: lăng mộ và đền thờ thầy Sài Nại, thờ Quan Thánh đế quân, bài ni xin nói về Mộ Thầy.

< Theo lối mòn, ta cứ đi ngắm những phong cảnh tuyệt đẹp.

< Nửa kia nhanh chân đi mất hút phía trước. Mây đen quần vũ nhưng... không mưa!

Mộ thầy Sài Nại - Phú Qúy

Mũi Dinh Thầy hay Mộ Thầy Sài Nại nằm trên một ngọn đồi cao thuộc thôn Phú An, xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý, xây dựng từ thế kỷ 17. Qua hơn 3 thế kỷ tồn tại, đền thờ Dinh mộ Thầy Nại đã được UBND tỉnh Bình Thuận công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

< Từ đây nhìn ra thấy một trong những cái hồ mà người ta xây cạnh biển, cái này ở đây >. Có tất cả 4 cụm hồ chia ra làm 21 cái hồ lớn nhỏ. Hồ xây bằng đá gắn kết xi măng, có lỗ thông thương ra biển. Tại những lỗ thông này, người ta gắn lưới để tránh thất thoát hải sản. Thành hồ cao thấp nhiều chỗ, thường có bề dày  không đầy 2 tấc - khéo léo có thể đi vòng quanh ngắm nghía. Những hồ này là tài sản của nhiều người, hồ nì của anh ni, hồ răng của bà í...v,v.

< Một lối nhỏ giống như xuống hầm ngầm, chắc đã có từ thời xưa. Nay người ta lấy cây phủ lại chắc sợ người lạ... lọt hố. Ta lạ nhưng quanh quẩn ngắm ngó kỹ lắm.

< 'Nửa kia' đã tít ngoài kia, còn ta vẫn theo lối mòn ra mũi đá - đâu vội gì.

Dinh Thầy đối với người dân tại đảo Phú Quý là một nơi vô cùng thiêng liêng và kính trọng. Mỗi vùng đất đều có một người khai sinh ra và được người dân coi như vị thần che chở cho vùng đất đó. Và Mũi Thầy hay Mộ Thầy chính là nơi thờ cúng hay tổ chức lễ hội của người dân.

< Bạn để ý xem, ngoài khơi kề cận vẫn còn nhiều đảo đá nhỏ và rất nhỏ - tất cả nằm theo vành đá của Phú Quý.

< Một người dân đi từ dưới hồ đá lên, bổng thấy mình liền cười và vẫy tay chào thân thiện.

Theo truyền thuyết, Sài Nại vốn là một nhà địa lý tài ba người Hoa. Ông cho rằng đảo Phú Quý là vùng địa linh trong một dịp ghé thuyền vào nghỉ ngơi nên mong muốn sau này được an táng ở đây khi mất.

< Quanh co một hồi ra đến cái eo đá, chỗ ni nhìn xuống vực - trượt chân một phát là về đất liền trong áo quan ngay. Có điều từ nơi ni nhìn xuống thấy nước trong leo lẻo, nhìn thấu đáy.

< Mé phải cũng biển thì mé trái cũng vậy. Đá ở Phú Qúy là đá đen, dung nham của núi lửa xưa chăng?

Sau khi ông qua đời, mất 6 ngày 6 đêm để đoàn thuyền người Hoa đến đảo và an táng ông vào ban đêm nên không ai biết. Ngày hôm sau, dân trên đảo đi làm mới phát hiện hương đèn tại khu vực mộ ở thôn Đông Hải, xã Long Hải nhưng không thấy bóng người nào.

< Cảnh đẹp nên hai đứa chụp lia lịa. Chộp điện thoại, chấm chấm tha hồ chứ có phải tốn gì đâu. Về, load và chọn ảnh mới lòi phèo, lại phân vân không biết lấy cái nao, bỏ cái nao?

< Cái hồ ngoài cùng đây (vị trí >).

Truyền thuyết khác kể rằng thầy Nại là một thương gia đồng thời là một thầy thuốc giỏi đến đảo trong một trận bão. Sau khi kết nghĩa chị em với công chúa người Chăm là Bàn Tranh, thầy Nại sinh sống trên đảo làm nghề bốc thuốc chữa bệnh, cứu giúp dân đảo. Sau khi mất, thầy Nại được người dân chôn cất rồi đắp nên khu dinh mộ vào năm 1665.

< Đã tới rìa ngoài cùng chưa? Chưa đâu, ta cứ nhẫn nha mà đi mà ngắm, một tỷ cảnh đẹp đang chờ nghía. Tuy nhiên, so với những ngày sau nữa thì nơi ni chả bỏ bèn gì...

< Có những đụn đá to, cẩn thận trèo lên thấy cả một khoảnh trời. Đi không muốn trượt thì cứ đạp lên cỏ nhé.

< 'Kẻ tiên phong' - nửa kia ở ngoài kia, có lẽ sắp đến rìa đá ngoài cùng rồi.

Trải qua hơn 300 năm tồn tại, đền thờ thầy Sài Nại được các thế hệ người người Chăm rồi đến người Việt trên đảo kế tiếp nhau trông nom, tôn tạo, thờ phụng và thực hiện các nghi thức tế lễ theo đúng tập tục xưa.

< Điền ta vẫn thong dong nghiên kiú, coi chừng lọt vực đó ông, hi hi...

< Dải sóng ngộ đang lùa vào bờ, dưới là những đàn cá tung tăng - Bạn thấy cá không? Mình cũng không thấy nhưng chắc nó ở dưới đấy! Nơi này, vẫn nhìn thấy đáy biển với đá và các chòm san hô.

< Đúng 1h, bà xã làm 'hòn vọng phu'. Phía dưới chân là đá, bạn thấy đá ở Phú Quý diệu kỳ chưa?

Giá trị, tầm quan trọng và tính linh thiêng của đền thầy được thể hiện rõ qua tập tục được nhân dân 9 làng ở 3 xã luân phiên nhau gìn giữ, thờ phụng. Mỗi làng được luân phiên thay nhau lưu giữ sắc phong, trông nom đền thờ và cúng tế thầy Sài Nại trong một năm.

< Trên này nhìn xuống vùng biển phía Đông đảo - nhanh lên anh ơi!

< Cột mốc phía ngoài cùng vỉa đá đảo Phú Quý đây, trên ghi CK09 - 4 + VKHTL.

Lễ cúng thầy diễn ra vào 4/4 âm lịch hàng năm (người dân trên đảo gọi là lễ Giao phiên kỵ Thầy) là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng lớn nhất của người dân trên đảo với những nghi thức cổ truyền mang đậm bản sắc văn hóa vùng biển nhằm nguyện cầu trời yên biển lặng, đất thái dân an.

< Trên ni nhì ra vùng biển phía Đông - Bắc đảo, nơi có một đảo đá nhỏ nhưng khá cao.

< Hả hê rồi thì vào, bà xã xuống biển cạnh đó tắm (khi này có đem theo khăn) còn mình vào viếng Mộ Thầy. Nơi ni sạch bóng đến không ngờ, đố bạn tìm ra một rẻo rác.

Những ngày lễ này, dân trong 9 làng trên đảo tụ tập về rất đông đủ vì đây là lễ hội truyền thống của người dân trên đảo. Không ai bảo ai, người già thì lo việc cúng tế, các mẹ, các chị  thì lo việc nấu nướng, thanh niên trong làng thì chuẩn bị cờ làng đi hai bên để rước sắc về.

< Từ phía hông phải đền nhìn ra các hồ nuôi, kề cận các vỉa đá.

Đây là một tập tục, một nghi thức lạ lẫm, độc đáo và rất có ý nghĩa ở Phú Quý mà những nơi khác chưa hề có, bởi đây là tài sản vô giá và thiêng liêng, là tài sản chung của người dân toàn đảo chứ không phải của riêng ai. Đặc biệt là đến nay nhân dân Phú Quý còn lưu giữ 8 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn ban tặng cho thầy Sài Nại.

< Chợt nhìn thấy bàn Thổ Địa sáng đèn thì giật mình: có điện rồi kìa, he he. Mình xuống bãi, bà xã cứ tắm biển còn anh dìa trước nghen, có điện rồi - anh phải vào mạng.
Vậy nhưng, ta lại lầm!

Lễ hội diễn ra tại đền thờ hàng năm thu hút đông đảo các cộng đồng người dân trên đảo tham gia với tinh thần, thái độ thành kính và là chỗ dựa không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh từ xưa đến nay của nhân dân trên đảo.

(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21 - Phần 22 - Phần 23 - Phần 24 - Phần 25 - Phần 26 - Phần 27 - Phần 28 - Phần 29 - Phần cuối

Điền Gia Dũng

Du lịch, GO!