(Tiếp theo) - Trưa mới quá 2 giờ lại xách xe đi. Nắng lúc này còn đổ lửa nhưng trong phòng biết làm gì chứ, cái chân là cái chân lang bang - nằm phưỡng coi phim hay lướt web chơi game thì ở nhà thụ hưởng chứ phẹc lên đây làm gì. Dzậy là đội nắng, ta lại rong xe về hướng Phước Tỉnh.

< Trong khuôn viên Đài Đức Mẹ (vị trí >)thía này, mình bỏ xe cạnh cổng, khóa cổ lại rồi đi tham quan.  Vài giáo dân đang ngồi ghế đá nghỉ chân hoặc cầu nguyện...

Nơi mình dự định sẽ ghé là Đài Đức Mẹ Ban Ơn nằm trên một quả đồi nhỏ. Tại Phước Tỉnh, các thông tin về những giáo xứ không nhiều và riêng đài Đức Mẹ này thì không có luôn. Chỉ biết rằng xã có 3 giáo xứ: Giáo xứ Tân Phước, Giáo xứ Phước Tỉnh và Giáo xứ Phước Bình.



< Trên quả đồi thấp kia là Đài Đức Mẹ...

- Nhà thờ Giáo xứ Tân Phước ở ấp Tân Phước, xã Phước Tỉnh, Long Ðất, Bà Rịa Vũng Tàu.

Năm 1954, một số rất đông di dân gốc giáo phận Bùi Chu và Thái Bình vào tạm cư tại xứ Lạc Long, Trảng Bàng, Tây Ninh. Họ phần đông sống bằng nghề đánh cá và làm muối nên cha Đaminh Vũ Xuân Huyên và cha Vinhsơn Đoàn Kim Thanh quyết định dẫn giáo dân rời nơi tạm cư tìm vùng đất mới. Ngày 16.08.1955, hai cha dẫn giáo dân mình về Phước Tỉnh, nhưng vì đất hẹp, nên sau đó cha Vinhsơn Đoàn Kim Thanh dẫn khoảng 1.000 người về Cù Mi, Bình Châu, Xuyên Mộc lập cư.

< Phía trong bên trái có nhà điều hành có lối lên riêng.

300 gia đình với khoảng hơn 1.500 người ở lại cùng với cha Đaminh Vũ Xuân Huyên lập nên giáo xứ Tân Phước, với các chi nhánh được được phân chia và gọi tên theo các xứ gốc miền Bắc: Hạ Trại, Xuân Đài, Kiên Chính, Cồn Tròn, Quất Lâm.

Năm 1969, cha Giuse Trịnh Quang Cảnh được bổ nhiệm làm chánh xứ với châm ngôn: “Sống vì, sống với và sống cho anh em”. Ngài thành lập các họ Mông Triệu, Mân Côi, Kitô Vua, Anrê Dũng Lạc, Lộ Đức thay cho 10 chi nhánh trước đây.

< Mình bước theo những bậc thang lên đài.

Ngày 02.05.2009, cha Giuse Trịnh Quang Cảnh về nghỉ hưu và Đức Giám Mục giáo phận đã đặt cha Matthia Huỳnh Ngọc Luận làm chánh xứ kế nhiệm. Giáo xứ lập thêm họ Thăng Thiên và vẫn duy trì các sinh hoạt đạo đức truyền thống theo tinh thần mới “Giáo xứ là một gia đình – Gia đình của Chúa”.

< Nửa kia ở dưới chụp thành Giuse và Chúa Hài Đồng.

Ngôi nhà thờ hiện nay được khởi công xây dựng vào tháng 05.2007 và khánh thành vào đầu năm 2009. Ngoài Thánh đường là trung tâm đời sống phụng tự, theo thời gian,giáo xứ cũng đã xây dựng những công trình khác: đài Đức Mẹ Ban Ơn, đài Mẹ Sầu Bi, tượng đài Thánh Cả Giuse và 2 nhà sinh hoạt.

< Hết thang, nhìn xuống khung cảnh dưới sân: mé kia là những hàng ghế đá, rất nhiều.

Giáo dân Tân Phước phần lớn làm nghề biển, một số ít buôn bán. Đời sống đạo được xây dựng rất nề nếp. Những chương trình bác ái như xây nhà tình thương, quà giúp người nghèo, quỹ khuyến học, luôn được quan tâm cổ vũ và thực hiện rất tích cực. Sinh hoạt các giới, các đoàn thể luôn sinh động đem lại nhiều thiện ích cho giáo xứ và cho mỗi người.

< Tượng Đức Mẹ đây. Ta vẫn còn có thể đi lên tiếp nữa bằng một nhánh thang khác.

- Nhà thờ Giáo xứ Phước Tỉnh ở 153 Phước Hiệp, xã Phước Tỉnh, Long Ðất, Bà Rịa Vũng Tàu.

Năm 1954, một số dân vùng biển từ Bùi Chu di cư vào Nam và định cư trên các vùng Bời Lời, Tây Ninh, Hố Nai…Vì điều kiện sinh sống không phù hợp nên họ về Sài Gòn gặp cha Giám Đốc Chủng Viện G.B.M Trần Ngọc Hưởng để xin ngài lo liệu cho được về miền biển sinh sống.

< Ở đầu nhánh thang bên trái nhìn xuống thấy rõ nhà cửa trong nội ô Phước Tỉnh.

Cha Hưởng cùng người em là cha GioanB. Trần Ngọc Hương đã đi thăm dò các địa điểm và cuối cùng chọn vùng đất Phước Tỉnh. Lúc ấy, ở vùng này đã có khoảng 60 gia đình sinh sống bằng nghề đánh bắt cá ven bờ và đốn củi. Sau khi được chính quyền địa phương chấp thuận, ngày 13.12.1954, di dân đã quy tụ về đây với con số ban đầu khoảng 1.200 người. Giáo xứ được thành lập từ đó.

< Bước lên tiếp, cuối cùng thì gặp một khoảng bằng phẳng hình bầu dục, giữa là chóp đỉnh đồi.

Cha G.B.M Trần Ngọc Hương đã bắt tay ngay vào việc tổ chức xứ đạo và lo kế sinh nhai cho con chiên. Ban đầu, các tên xứ đạo gốc được giữ lại như sau: Phạm Pháo, Nghĩa Dục, Tang Điền, Xuân Hà, Thức Hóa, Thịnh Long, Lác Môn, Hạ Trại, Quất Lâm, Quần Vinh, Phát Diệm và Thái Bình. Đến năm Thánh Mẫu 1958, số giáo dân đã tăng, nên cha cố đã dựa theo khu vực địa dư để chia thành 5 họ: Thăng Thiên, Toàn Mỹ, Lộ Đức, Mân Côi, Sao Mai.

< Mình đi vòng ra phía sau, chỗ ni có gió mát... và nhìn kìa, ta thấy biển - đó chính là huóng bờ kè.

Ngay từ những ngày đầu lập xứ, một ngôi nhà nguyện nhỏ đã được hình thành để có chỗ sinh hoạt phượng tự. Vài năm sau, nhà thờ được xây dựng kiên cố hơn và được đặt dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, còn giáo xứ vẫn nhận Thánh Phê-rô làm bổn mạng theo truyền thống của những người dân vùng biển.

< Mồ hôi lúc này ướt áo nhưng gió biển làm giảm ngay thân nhiệt, chả muốn quay ngươc lại.

Khi đời sống giáo dân đã ổn định và phát triển, cha cố quyết định xây dựng một thánh đường khang trang hơn. Lễ khởi công được cử hành vào ngày 15.8.1963 và Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã về làm phép ngày 26.7.1964. Ngôi thánh đường này bên ngoài vẫn còn nguyên trạng cho đến ngày nay nhưng bên trong đã được trùng tu, tôn tạo.Một bàn thờ bằng đá được thánh hiến ngày 28.2.2008 thay cho bàn thờ cũ.

< Bà xã cũng đi lên, dừng ngay tầng 1, chụp cảnh núi Minh Đạm xa xa...

Ngày 01.05.1971 giáo xứ đã khánh thành ngôi trường tiểu học Mẫu Tâm, nay là nhà giáo lý của giáo xứ. Khu vực nhà xứ được sửa chữa nhiều lần, lần cuối là vào năm 1994, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập giáo xứ.

< ... rồi không tìm thấy đường lên tiếp nên chụp ảnh tượng Đức Mẹ và các phù điêu.

Trong khuôn viên nhà thờ có một hang đá Đức Mẹ Lộ Đức do cha cố G.B.M Trần Ngọc Hương xây dựng cùng với hoa viên. Khu vực này vừa được trùng tu. Đài Đức Mẹ mới, nơi cử hành Thánh Lễ vào mỗi thứ Bảy đầu tháng, được làm phép vào ngày 02.02.2008.

< Mình ở tầng trên chụp ảnh Đức Chúa Trời.

Đa số giáo dân Phước Tỉnh chuyên nghề biển, một số ít buôn bán. Đời sống kinh tế khá ổn định đã phần nào giúp giáo xứ dễ thực hiện các chương trình Bác Ái. Mọi hoạt động mục vụ và tổ chức các giới, các đoàn thể được duy trì và phát triển cách tốt đẹp với sự cộng tác đắc lực của quý nữ tu dòng Đaminh Thánh Tâm.

< Loanh quanh thêm một hồi, mình tìm thấy góc khuất của đài: Một góc khuất... bỏ rác thờ cúng, tức là hoa héo, bao, giấy, chai nhựa... linh tinh lang tang. Chẹp, đúng ra người trông coi nơi ni sau khi thu dọn phải đem xuống phía dưới bỏ vào thùng rác chứ? Đây cũng do chữ 'lười', Chúa sẽ phạt đấy!

< Trở ra phía ngoài, trên này nhìn thấy toàn cảnh đài nhưng chả thấy chiếc xe của mình đâu vì nó bị che khuất! Thôi kệ, chốn ni an bình - không phải là chỗ cho kẻ xấu. Mà kẻ xấu vào đây cũng tự khắc trở thành người lành, mình tin vậy!

- Nhà thờ Giáo xứ Phước Bình ở 22.3 Phước Bình, Phước Tỉnh, Long Điền, BR-VT.

Vào năm 1959, khoảng 30 gia đình thuộc giáo xứ Tân Phước không làm nghề biển, đã lên rừng phá rẫy để mưu sinh. Ngày 12.6.1960, được phép Đức Cha Simon Hòa Hiền, Cha Đaminh Phạm Đức Sự, chánh xứ Tân Phước lúc ấy, đã thành lập Họ Tân Phước II.

< Đỉnh cao nhất trên đài có cây thánh giá.

Ngày 01.10.1970, qua văn thư số 177/70, Đức Cha Giuse Lê Văn Ấn đã nâng họ Tân Phước II lên hàng giáo xứ với tên gọi Phước Bình, nhận Thánh Phanxicô Xaviê làm bổn mạng và bổ nhiệm cha Đaminh Phạm Đức Sự làm chánh xứ tiên khởi. Cho đến năm 1974, số giáo dân trong xứ vẫn chưa tròn 700.

< Ngắm cho thỏa rồi ta trở xuống, đầu thang tầng 2 thấy nửa kia đang ngồi chờ ở dãy ghế đá tầng 1.

Sau năm 1975, dân miền Bắc ồ ạt di cư vào Nam, trong đó có nhiều anh chị em gốc Giáo phận Bùi Chu tìm đến đây lập nghiệp. Số giáo dân gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2002, hiện đã lên tới 7.692 người.

< Bà xã chộp mình lù lù xuất hiện ở tầng 1, hóa ra ông này đi lối ni.

Thánh đường giáo xứ hiện nay, với kích thước 22m x 48m x 15m, được đặt viên đá đầu tiên vào ngày 16.07.1999 do Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm chủ sự.

< Xuống tầng 1 lại ngồi hóng, chỗ này bị quả đồi che mất gió nên mồ hôi mồ kê chảy ròng ròng. Sao hôm nay nóng dữ vậy cà?

Sau 7 tháng xây dựng, ngôi nhà thờ kiên cố đã hoàn tất. Đức Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc đã làm phép nhà thờ mới và thánh hiến bàn thờ ngày 04.01.2000.

< Ngắm nhìn lần nữa núi Minh Đạm và núi Đá Dựng, sau đó ta xuống. Con xế vẫn yên vị tại đó dưới bóng cây mát rượi. Quay xe trở đầu ra, ta sẽ đi tiếp. Đi mô? Vẫn còn chốn để đi nếu ta muốn, lúc này đã 3h...

Sau khi khánh thành nhà thờ, cũng trong năm 2000, giáo xứ tiến hành xây dựng nhà xứ, nhà giáo lý và một tháp chuông kiên cố cao 25m. Giáo dân Phước Bình đa số làm nghề biển, chỉ một số ít buôn bán, kinh tế khá ổn định.

(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!