(Tiếp theo) - Địa danh Sông Xoài bọn mình đã qua lại vài lần, cũng đã từng nhắc đến trong các bài 'Long Hải cũng có lắm cái hay! (P14)', 'Phượt vặt" sửa travel guide books (Phần 2)' nhưng tường tận thì chua bao giờ. Vậy thì:

< Rời rừng cao su, bọn mình vào địa phận xã Sông Xoài trên con đường Cẩm Mỹ - Cù Bị - Sông Xoài.

Sông Xoài là một xã thuộc huyện Tân Thành tỉnh BR-VT, phía Đông giáp xã Láng Lớn huyện Châu Đức, phía Tây giáp xã Hắc Dịch, phía Nam giáp xã Châu Pha, phía Bắc giáp xã Cù Bị. Được chia tách từ xã Hắc Dịch năm 1994, xã Sông Xoài có diện tích tự nhiên là 2.902 ha, với diện tích đất nông nghiệp chiếm 84,21 %.

< Hai bên đường là vườn cây lâu năm xanh um.

Vào thời điểm đó toàn xã có 1470 hộ, nhưng có đến 557 hộ nghèo, nhà tranh vách lá gần chạm con số tròn 500 và cả xã chỉ có 47 hộ sử dụng điện (năm 1996), quả là những con số gây bao trăn trở cho các cấp lãnh đạo. Xã có tuyến đường Mỹ xuân Ngãi giao đi qua khoảng 4 km, nhưng nhiều đoạn còn ổ voi ổ gà đi lại rất khó khăn, đường trong các khu dân cư hoàn toàn là đường đất, đường mòn.

< Văn phòng ấp Văn Hóa xã Sông Xoài.

Mười tám năm không phải là dài của một đời người, càng không phải là chiều dài của một địa phương. Nhưng Sông Xoài đã làm nên một kỳ tích. Trong mười tám năm, việc hoạch định các chiến lược về phát triển kinh tế xã hội của địa phương luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm chỉ đạo.

< Đường vẫn dài thăm thẵm, ít người vắng xe. Điều khiến mình hơi lo ngại là trời lúc này vần vũ mây nhưng không mưa hoặc chưa mưa.

< Những cụm cây xanh mướt thấy ham, thi thoảng vài căn nhà ven đường.

Đặc biệt là của Huyện Uỷ, UBND huyện,sự hỗ trợ của các ban ngành huyện. Xã Sông Xoài được xác định là xã nông nghiệp và định hướng phát triển kinh tế là phát triển nông nghiệp đi đôi với tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp. Nhờ vậy, tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội , an ninh quốc phòng đều từng bước phát triển vững chắc.

< Qua trường Mầm Non Sông Xoài, chừ mới ngộ ra mình đã vượt quá khúc cần rẽ (vị trí >) nhưng không sao, chạy thẳng cũng được.

< Đoạn ni nhà cửa sầm uất hơn, đường có vạch kẻ cho người qua đường.

Hệ thống giao thông toàn xã được nhựa hoá 90 %. Xã được đầu tư xây dựng một trụ sở UBND khang trang, bề thế đúng tầm cỡ. Một trường Tiểu học và một trường Trung học đạt chuẩn quốc gia được xây dựng, đáp ứng cho sự nghiệp giáo dục của địa phương.

< Ngã 3 (vị trí >) đã xuất hiện phía trước, rẽ phải là Mỹ Xuân còn trái là Ngãi Giao... và đây là con đường nối 2 xã này. Bọn mình sẽ rẽ trái đi Ngãi Giao. Trong thật tế, mình có thể rẽ phải cũng được: qua Hắc Dịch - Tóc Tiên - Phước Tân... nhưng những chốn này từng đã qua rồi, lộ trình rẽ trái sẽ xa hơn nhưng có chốn ta chưa qua, chơi không ngại đường xa mà!

< Trung Tâm Văn Hóa xả Sông Xoài đây.

Nhiều công trình phúc lợi được xây dựng như: Trạm y tế, Trung tâm văn hoá học tập cộng đồng, chợ mới… Nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân cũng được địa phương quan tâm. Trong xã có một nhà thờ Công giáo và 3 cơ sở thờ phượng của Phật giáo. Hiện nay toàn xã có 1.555 hộ sử dụng điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 98%.

< Chợ Sông Xoài đây (vị trí >), khang trang nhưng sao vắng quá hè? Chạy quanh một tua nhìn, không nhiều hàng hóa nhưng cũng đủ cho cuộc sống người thôn quê. Chợ chỉ bán từ sáng đến trưa, chiều nghỉ.

< Rời trung tâm xã, ta lại vi vu trên đường thiên lý.

Số hộ gia đình chính sách, gia đình nghèo được xây mới 258 căn nhà. Số tiền hỗ trợ, trợ cấp giúp đỡ cho các đối tượng lên đến hằng chục tỷ đồng, tạo mọi điều kiện cho 557 hộ thoát nghèo. Đời sồng kinh tế vật chất  cũng như mức sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Năm 2007, xã được công nhận xã văn hoá, và hiện nay cán bộ và nhân dân xã Sông Xoài đang quyết tâm thực hiện xây dựng xã văn hóa nông thôn mới.

< Mây đen vẩn vũ nhưng chả có hạt mưa nào, lúc này chỉ mới 7h50 phút sáng thôi.

Xã Sông Xoài cũng đã thu hút một số nhà đầu tư về tại địa phương như Công ty phân bón Huy Bảo, Công ty Năng lượng xanh, Công ty chăn nuôi Phú An Sinh, hai Công ty nguyên liệu giấy, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho nhân dân trong xã. Nhiều doanh nghiệp nhỏ của bà con trong xã cũng bung ra làm ăn với những cửa hàng kinh doanh mua bán và dịch vụ, tạo cho bộ mặt của xã Sông Xoài hôm nay có dáng dấp của một phố thị trong một tương lai rất gần.

< Đường phẳng phiu, quanh co uốn lượn - những con đường xứng đáng để bỏ công đi. Mà có đèn đường đàng hoàng đó nha, đi đêm không tăm tối.

Với mình, mình biết tại Sông Xoài có nhiều vườn bưởi da xanh thuộc hàng chất lượng. Mỗi vườn bưởi khoảng 2.500 cây,  trung bình mỗi năm, vườn bưởi đạt năng suất 60 tấn, trong đó vụ Tết đạt hơn 30 tấn, giá bán từ 60.000-70.000 đồng/kg, người dân thu tiền tỉ đấy!

Tổng diện tích bưởi da xanh tại Sông Xoài khoảng hơn 160ha, trong đó trọng điểm là ấp Phước Bình với 150ha, còn lại là các ấp Sông Xoài 1, Sông Xoài 2, Cầu Ri, Cầu Mới, ấp 3. Diện tích đang cho thu hoạch khoảng 60ha. Trái bưởi da xanh Sông Xoài được nhận xét chất lượng ngon, vị ngọt thanh, tép bưởi to, màu hồng đậm, khô ráo.

< Ngã 3 phía trước, có cây xăng chình ình (vị trí >). Cũng là đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao nhưng chừ là đường lớn bốn làn, phẳng phiu, Ta sẽ rẽ trái đi thị trấn Ngãi Giao em nghen.

Trong vụ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, xã Sông Xoài đã cung cấp cho thị trường 1.000-1.500 tấn, riêng HTX Bưởi da xanh Sông Xoài khoảng 250-300 tấn bưởi. Với mô hình VietGAP, nông dân tại đây quen dần với hình thức ghi chép trong sản xuất, sử dụng phân, thuốc theo đúng thời gian, liều lượng nhằm đảm bảo an toàn cho sản phẩm sau khi thu hoạch. Hiện nay, sản phẩm bưởi da xanh Sông Xoài đã đạt được 4 tiêu chí theo tiêu chuẩn VietGAP đề ra gồm: tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất; an toàn thực phẩm; môi trường làm việc an toàn; truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhờ vậy HTX nhận được nhiều đơn đặt hàng ngoài nước.

Và, nhận xét giản đơn nhất của bọn mình là Sông Xoài trong lành, cuộc sống thật bình yên.
(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!