(Tiếp theo) - Lộ trình bọn mình lúc này sẽ đi từ Bình Giã đến Đá Bạc theo con đường cùng tên. Bình Giã là một xã thuộc huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

< Tới ngã 3, nửa kia báo 'chỗ này có tiệm tạp hóa, anh quẹo phải là đúng đường rồi đó - thẳng tiến đi anh'. Bảng ngay góc có ghi đường Bình Giã - Đá Bạc nhưng bị cái tấm bạt xâm lăng của tạp hóa che mất tiêu; rẽ rồi mới thấy chữ mé kia.

Xã Bình Giã có diện tích 18,93 km², có 6/7 ấp với khoảng 37km đường giao thông nông thôn đã được lắp đèn điện chiếu sáng với chi phí khoảng 400 triệu đồng do người dân đóng góp. Từ khi có điện chiếu sáng, việc đi lại của người dân thuận tiện, giảm thiểu tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông.

< Đường Bình Giã - Đá Bạc nó thía này đây (vị trí >): phẳng phiu ngon lành đó chứ. Cái 'hổng ngon' là mây đen tự nhiên kéo tới một tấn trên đầu nhưng vẫn không mưa!

< Đèn đường có nhé, nơi ni hẻm cũng có đèn đường luôn do người dân đóng góp.

Chủ tịch UBND xã Bình Giã cho biết, với mục đích đưa ánh sáng đến các thôn, ấp tập trung đông dân cư, nhưng phải dựa vào sự đóng góp của người dân, năm 2005, chính quyền địa phương bắt đầu triển khai thí điểm mô hình điện thắp sáng đường làng, ngõ xóm ở ấp Nghi Lộc...

< Trụ sở ấp Vĩnh Bình, ngon à nghen!

... Để giúp người dân hiểu đúng về mô hình, xã Bình Giã cùng ban điều hành ấp Nghi Lộc đã tuyên truyền, vận động người dân tham gia.

< Rồi trời bắt đầu mưa thiệt, bước đầu thì lất phất...

< ... và sau đó to hạt hơn. Vậy là phải ghé vào một ngôi nhà đóng cửa ta cùng trú mưa.

Trước những lợi ích mà mô hình mang lại, người dân trong ấp đã tự nguyện tham gia và đóng góp kinh phí kéo đường dây điện. Sau một thời gian đưa vào thử nghiệm, mô hình đã nhận được sự đồng tình của các ấp khác, bởi mang lại hiệu quả thiết thực trong việc đi lại, sinh hoạt của người dân. Từ đó, chính quyền địa phương nhân rộng mô hình đến 5 ấp khác.

< Đường đã vắng, cơn mưa khiến đường còn vắng hơn. Lúc này là 8h18 phút ngày 21 tháng 7.

< Mưa không lớn nhưng dai. Chờ một hồi rồi hai kẻ phẹc... móc áo mưa ra. Dạng áo mưa bộ này thì ta cứ mặc phòng thủ, trời có trút xuống thì vẫn không sao.

Đến nay, tất cả các tuyến đường giao thông nông thôn ở 6 ấp gồm: Nghi Lộc, Đông Linh, Lộc Hòa, Vĩnh Bình, Vĩnh An và Gia Hòa (trừ ấp Kim Bình chưa thể thực hiện mô hình bởi dân cư ở đây thưa thớt, chi phí kéo đường dây điện tương đối lớn), sự đóng góp của người dân đủ để lắp điện chiếu sáng ở các tuyến đường trên địa bàn ấp. 100% kinh phí mua dây điện, mua bóng đèn và đổ trụ xi măng để kéo điện chiếu sáng tại các ấp đều do các hộ gia đình đóng góp. Hiện nay, trên các tuyến đường được bật đèn chiếu sáng từ 18 giờ  tối đến 5 giờ sáng ngày hôm sau.

< Trùm kỹ rồi thì lại lên đường. Mưa làm ảnh chụp xấu hoắc nhưng phải chịu, ta đâu thể dùng lại hoài mà chụp choạt chứ?

< Một đoạn đồng ruộng trống cây, mưa vỗ vào mặt. Nửa kia vẫn cố bấm vài phát tèm lem - Coi chừng ướt điện thoại, nó theo ông bà đó em - em che rồi...

Còn xã Đá Bạc có diện tích 43,65 km², thông tin các xã này thuộc... hàng ít thấy nên chịu thua, thôi bà con coi tường trình chính của phụ chú những tấm ảnh nhé.

< Một đoạn đường đẹp quá nhưng do mưa nên không có ảnh nào ra hồn, mãi cho đến lúc gặp tấm bảng chỉ đường này: Sáu nhánh rẽ đi Long Đất, Long Tân, Tân Thành, QL51, Đồng Nai, Xuyên Mộc.

< Rồi bùng binh ngã 6 xuất hiện (vị trí >), đây chính là ngã sáu Đá Bạc, lộ trình của ta sẽ tìm nhánh đi hướng Long Tân.

< Qua bùng binh, mưa làm ta mất phương hướng. Vậy nên mình móc bửu bối ra coi cho chắc ăn. Ngó tới ngó lui rồi mình phán xanh rờn: rồi em ơi, ta đi nhánh này.

< Đường đi Long Tân nó thía ni đây, cũng rất là ok.

< May mắn một điều là lúc này mưa giảm dần và dứt mặc dù bầu trời vẫn đầy mây đen xám xịt.

< Thêm một đoạn thì qua cây cầu nhỏ có bảng tên là Cầu Số 1 (vị trí >). Đường vẫn phẳng phiu rất tốt, đây là điều bất ngờ vì trên bản đồ vệ tinh Google Map, quá nửa chiều dài phần đường này vẫn là đường đất - có lẽ họ tráng nhựa cho mình đi phẹc em ui, kha kha kha...
Dưới cầu này là kênh lấy nước từ hồ Đá Bàn kéo dài đến hồ Suối Rao (vượt hồ) nối đến tận hồ Sông Ray - một hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh và tuyệt hảo!

< Lúc này mưa dứt hẳn nhưng vẫn nhiều mây đen, thôi thì cứ mặc áo mưa phòng thân, khoan cởi vội.

< Bất chợt gặp con đường lớn bắt ngang, đây là trung tâm xã Long Tân. Mưa lại lất phất nên mình tấp qua mé trái đường, chỗ có cái quán cà phê mái hiên, có bố già tóc bạc ngắm nghía chờ mình hỏi đường. Nhưng không, ta có GoogleMap, lại truy cứu tìm đường đi và chỉ sau mươi giây là thấy: ta rẽ trái em ui, vị trí lúc này ở đây >.

< Đây chính là đường liên tỉnh 52 nối liền TP Bà Rịa - Long Tân - TT Đất Đỏ. Chạy thêm một đỗi thì thấy chợ Long Tân (vị trí >), đìu hiu quá... đã vậy còn có cái rào sắt bắt ngang...

< Trung tâm xã đây. Đường xá rộng rãi thẳng tắp, hai bên có cây xanh, các địa phương quanh ta đẹp quá em ơi... Mặt đường vẫn còn đọng nước, phía trước mây đen vẫn vần vũ - liệu có mưa nữa hay không thì... Trời biết mà thôi, ta cứ đi!

< DT52 này sẽ dẫn ta đến thị trấn Đất Đỏ. Nửa kia lúc này mới nói 'Đến Đất Đỏ, nếu ta chạy thẳng thì sẽ ra Phước Hải luôn' - 'Sao vậy em, ta đi Tam Phước mà?' - 'Em sợ mưa ở Tam Phước - Long Mỹ, mưa lầy là pó tay luôn vì đến đó mình sẽ đi đường... đất, anh tính sao đây?' - 'Ta cứ đi cái đã, chắc anh sẽ liều luôn!'. Dzị là cứ đi, hạ hồi phân giải... Cái khoái là lúc này đã dứt hẳn mưa nhưng chưa chắc là ổn.
Bạn chờ xem tiếp phần sau nhé.

(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!