(Tiếp theo) - Bàu Cạn trong các chuyến đi trước mình đã đề cập đến rồi nay không nhắc lại; đây là tên của một xã thuộc huyện Long Thành - Đồng Nai.

'Bàu' ám chỉ một vùng trũng có thể có nước hay sau này không còn. Trong thật tế thì 'bàu' là từ của người miền Trung. Vậy nhưng ở Đồng Nai vẫn có nhiều địa danh mang tên chữ đầu là 'bàu', ví dụ như Bàu Thành (hồ nước), Bàu Xéo (Khu Công nghiệp, vùng đất), Bàu Hàm (địa danh, xã), Bàu nước nóng Thác Mai... v.v. Vậy xem ra từ 'bàu' không còn độc quyền của một vùng miền nào đó chăng? Mà từ 'bàu' nghe ngồ ngộ, cũng hay thật đó chứ!

< Chỉ là đường liên xã nhưng đường khá tốt như bạn thấy đó. Và quan trọng nhất là ít xe, cảnh vật hai bên đường đẹp, xanh mát.

< Đoạn này vá víu đôi chút nhưng chạy xe vẫn ok. Cây xăng hiếm, không như ngoài quốc lộ nhưng mình đã đổ đầy lúc ở Long Phước, tha hồ chạy.

< Bảng chỉ đường trước một ngã 3 (vị trí >): Trái là Hồ Cầu Mới, phải là Suối Đá. Hồ Cầu Mới có lần mình đã đề cập rồi, hồ này có nhà máy nước cùng tên cung cấp nước sinh hoạt trong vùng. Còn Suối Đá thì mình nghĩ đó là tên ấp.

Với Bàu Cạn, ta có thể hiểu đây là vùng đất trũng, khi xưa có thể là một hồ nước lớn nhưng nay không còn. Vì vậy, cạn có nghĩa là hết nước, cạn nước - Bàu Cạn là bàu khô, thế thôi.

< Đường quê, chạy thật sướng. Cứ là tà bốn mươi, nghía ngắm cảnh vật!

< Đoạn ni bọn mình từng qua một lần nhưng vẫn thấy lạ, lạ cảnh lạ đường. Vậy nhưng không lo vì đã có cái GoogleMap trong tay, chấp hết.

Vậy Tam Phước, Long Mỹ là đâu? Đó chỉ là vùng đất bọn mình sẽ qua, sẽ thưởng lãm cảnh vật nơi ấy nhưng đó là chuyện sau. Còn trong giai đoạn này, mình giới thiệu về giáo xứ Thiên Long, nơi bọn mình qua nhé.

< Cánh đồng mì, phía xa là cây công nghiệp nhưng không phải cao su, su chưa tới đâu.

< Đoạn cong có gờ giảm tốc đàng hoàng nhé, nhưng mà nó mòn hết rồi.

Giáo xứ Thiên Long thuộc ấp 8, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Đông giáp xứ Truyền Tin; Tây giáp xứ Thừa Đức; Nam giáp xứ Phaolô; Bắc giáp xứ Vô Nhiễm (GP Bà rịa).

< Ngõ vào Nhà Văn Hóa ấp Suối Cá.

< Đường nhánh từa lưa, nhà cửa lưa thưa... nhưng ta không sai lộ trình - cứ theo đường nhựa 'lớn' mà đi thôi.

Năm 1978, khoảng 500 giáo dân gốc Giáo phận Bùi Chu đến Bàu Cạn, Long Thành khai phá rừng, lập nghiệp. Hai năm sau, cộng đoàn này thành lập Giáo điểm Giuse. Từ năm 1983, Cha Antôn Nguyễn Văn Huề, chánh xứ Long Phước vào dâng thánh lễ cho Giáo điểm mỗi năm hai lần vào dịp lễ Giáng Sinh và Phục Sinh.

< Những vườn tiêu xanh mướt.

< Thi thoảng hai bên đường thấy bóng nhà.

Bảy năm sau, Giáo điểm Giuse xây dựng nhà nguyện tạm và Cha Giuse đến dâng lễ mỗi tháng một lần. Cùng năm, Giáo điểm Giuse được nâng lên thành Giáo họ và trực thuộc Giáo xứ Long Phước.

< Đường nơi ni phải vạt đồi, bạn nhìn thấy hai bên có taluy đất khá cao.

< Đổ dốc đồi, cả một đoạn dài không thấy bóng người và xe.

Năm 1996, Giáo họ Giuse được tách khỏi Giáo xứ Long Phước và sáp nhập vào Giáo xứ Thiên Ân dưới sự coi sóc của Cha Đaminh Trần Văn Nguyện. Lúc này, Giáo họ Giuse mỗi tuần có 3 thánh lễ (Chúa Nhật, thứ Ba và thứ Năm). Một năm sau, cộng đoàn Giuse xây nhà thờ bằng vật liệu kiên cố và được sử dụng cho đến nay.

< Đường dây cao thế vắt xéo ngang, vậy là lúc ni bọn mình đang ở đây >, vừa qua nhà máy nước Hồ Cầu Mới.

< Trời phủ mấy đen, nhưng mình đoán không mưa đâu! Chuyến này phòng hộ kỹ, có mưa cũng không ngại.

Hai năm sau, Cha Đaminh Đỗ Hữu Nam về làm phó xứ Thiên Ân và ở thường trực trong Giáo họ Giuse. Bắt đầu từ ngày đó, thánh lễ được cử hành mỗi ngày. Năm 2006, Cha Simon Lê Thanh Thăng được bổ nhiệm làm phó xứ Thiên Ân, đặc trách Giáo họ Giuse.

< Dừng xe coi đường, 4 cây số nữa là sẽ vào rừng cao su. Đường phía trước...

< ... và phía sau thía này đây, cũng vắng teo, kha kha...

Hai năm sau, 2008 Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh nâng Giáo họ Giuse lên thành Giáo xứ, đồng thời bổ nhiệm Cha Simon Lê Thanh Thăng làm chánh xứ tiên khởi. Bốn năm sau, Đức Cha Đaminh quyết định đổi tên Giáo xứ Giuse thành Giáo xứ Thiên Long. Năm 2013, Cha Bênađô Tô Ngọc Hân kế nhiệm Cha Giuse phụ trách Giáo xứ. Nhờ ơn Chúa và dưới sự hướng dẫn của Cha Bênađô, các sinh hoạt mục vụ dần đi vào nề nếp và đời sống đức tin của cộng đoàn ngày càng vững mạnh cho đến ngày nay.
(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10.

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!