(Tiếp theo) - Tam Phước là một xã thuộc huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là một xã nông nghiệp được tách ra từ xã Tam An vào tháng 8 năm 1999 theo theo Nghị định số 57/1999/NĐ.CP ngày 23 tháng 7 năm 1999 của Chính Phủ.

< Rời An Nhứt, bọn mình hướng đến Tam Phước dưới một bầu trời phủ đầy mây đen. Phía trước tính từ trái qua là cụm núi Minh Đạm, núi Đá Dựng và núi Nứa trên đảo Long Sơn.

Xã Tam Phước nằm ở phía Đông Nam của huyện Long Điền, cách thị trấn Long Điền 3 km và cách thành phố Bà Rịa 8 km theo tỉnh lộ 44B. Tổng diện tích tự nhiên của xã là 1.373,09 ha. Phía Đông giáp xã Long Mỹ và thị trấn Đất Đỏ; Phía Tây giáp xã An Ngãi; Phía Nam giáp xã Phước Hưng và Long Hải; Phía Bắc giáp xã An Nhứt.

< Đồng ruộng xanh mướt, bao la giữa các kênh dẫn nước thủy lợi. Núi tít phía xa là núi Dinh - từ đây đến đó khoảng 6.5km đường chim bay. Chỗ núi ấy đang có mưa, mình thấy rõ.

Xã Tam Phước gồm ấp:Phước Hưng (Thủ Phủ), Phước Trung, Phước Trinh, Phước Nghĩa, Phước Bình, Phước Lăng (quê vợ của Công thần Châu Văn Tiếp Nhà Nguyễn).

< Còn mé trái, cụm núi Minh Đạm có vẻ quang hơn nhưng chưa chắc vì theo hướng gió bên này thổi qua.

< Còn phía trước mặt thì thía này đây: mưa hay không do ông Trời khiến... nhưng đã đến đây rồi thì mưa cũng vẫn đi dù sẽ tới đoạn đường đất; liều thôi!

Xã có diện tích đất tự nhiên là: 1.373,09 ha

- Đất nông nghiệp: 699,56 ha
- Đất lâm nghiệp có rừng: 415,62 ha
- Đất chuyên dùng: 209,65 ha

- Đất ở: 35,33 ha
- Đất chưa sử dụng 12,93 ha

< Chạy qua cây cần nhỏ Bà Nghè (vị trí >), không kịp chụp nên bà xã ngoái lại bấm một phát: nó tí sau cái xe máy cày to chà bá.

< Rồi bọn mình vào nội ô xã Tam Phước, đến ngã 4 thứ 2 thì gặp đèn đỏ (vị trí >): đường ngang là Phước Lăng - Phước Hưng. Bọn mình sẽ rẽ trái.

Theo sử sách, Bà Rịa là người có công lớn trong quá trình khai phá vùng đất Long Điền - Xuyên Mộc từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần. Hiện nay, mộ và miếu thờ Bà Rịa tọa lạc tại xã Tam Phước, huyện Long Điền. Địa danh này đã trở thành điểm tham quan của những du khách muốn tìm hiểu về đất và người Bà Rịa - Vũng Tàu.

< Đường sau khi rẽ nhánh thì thía này đây, khúc này đã bỏ qua mộ Bà Rịa, chỉ gần đây thôi... nhưng phải tranh thủ vì tiết trời xấu quá.

< Vạch phân làn, gờ giảm tốc đâu đó đàng hoàng, không phải muốn chạy sao thì chạy đâu nha.

Cổng của khu mộ được sơn màu vàng, với mái ngói đỏ tươi. Trên cổng có tấm bảng màu nâu với hàng chữ vàng nhạt: Mộ Bà Rịa. Bên trong khuôn viên khu mộ rộng lớn là những hàng trúc, tre đằng ngà, bồ đề cùng nhiều cây cổ thụ tỏa rợp bóng mát.

< Lại gặp tiếp một ngã 3 (vị trí >, ở chỗ này ta sẽ rẽ trái theo cái xe máy ủi.

< Lại ngã 3 nhưng ta bỏ nhánh rẽ này, vẫn đi thẳng.

Nằm giữa khu mộ là ngôi nhà hình lục giác có bia tưởng niệm bằng đá granit đen ghi công lao Bà Rịa được đặt trên mình con rùa bằng đá granit xám.

< Chạy huốt cái ngã 3 thứ nhì, lúc này xì tốp lại để cới áo mưa ra, ngắm hoa 10 giờ bên đường, uống nước, coi bản đồ cho biết chắc chắn rồi quay đầu xế tiến vô đường số 11 (vị trí >).

< Theo như Googlemap, một tẹo nữa thôi sẽ bò... đường đất nên ta chuẩn bị tình thấn - không xá chi, trời không mưa mà, kha kha...

Bên trái khu mộ là điện thờ. Bên cạnh điện thờ là nhóm tượng điêu khắc với những người đàn ông, phụ nữ đang chặt cây, bắc cầu, chèo thuyền vượt sóng… thể hiện cho công cuộc khai phá, mở rộng đất đai của người dân thời xa xưa...

< Đường... vắng teo, hai bên lưa thưa nhà - nhà cũ có, nhà mới xây cũng có, mình thấy liền liền các đống gạch ống đổ ven đường.

< Núi Đá Dựng mặt phía Đông hiện ra trước mắt, đường vẫn láng nhựa, sướng ghê ta!

Bên phải là khu mộ Bà Rịa, bên ngoài được xây bao phủ bức tường thành bằng đá ong mài, ngang 7m, dài 8,2m, tường dày 0,5m, cao 1m, bốn góc gắn bốn chiếc đèn trang trí hình tròn. Nằm thấp bên trong vòng thành là ngôi mộ Bà Rịa được xây theo bậc tam cấp. Bốn góc mộ có bốn trụ xi măng, được đặt hình bông sen. Ngôi mộ chính được sơn màu xanh da trời nổi bật lên giữa vòng thành đá ong màu nâu thẫm.

< Một ngã ba tư gì đó lại hiện ra. Đi lắt léo kiểu này, không có bản đồ thì dám chắc cả ngày chưa tới nơi! Mè trái có đường ximăng, trái xéo ngã rẽ đường nhựa, ta thì chọn mé phải (vị trí >). Trên GoogleMap, từ nãy giờ đường bọn mình đi hoàn toàn là đường đất, dzị nhưng chưa thấy, họ biết mình đến nên láng nhựa cho đi, he he...

< Đột nhiên hiện ra mớ nhà, cả 2 bên. Có điều 'người' vẫn hiếm. Phía phải, ta thấy cụm núi Đá Dựng đã dần trôi qua hết...

Theo sách “Gia Định thành thông chí” của Hiệp Tổng trấn Gia Định Thành - Trịnh Hoài Đức, ghi chép về Bà Rịa như sau: Bà Rịa người Phú Yên (1665-1759). Năm 15 tuổi (1680) thời Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), bà có mặt trong đoàn lưu dân từ Dinh Trấn Biên (Phú Yên) vào Nam lập nghiệp...

< Một mùi lạ thoang thoảng: múi nhựa đường! Mặt đường chỉ mới tráng một vài hôm thôi! Đường nhụa mới keng, sướng quá!

< Hai bên đường có vẻ đang làm cống thoát nước. Vẫn chả thấy bóng ai. Dzị chứ mươi năm nữa mà đến dám chừng không nhận ra 'cái thuở ban đầu' vì nhà cửa hai bên đầy nhúc hết.

< Rồi bổng nhiên 'một đống' gì đó lù lù xuất hiện trước mắt, gì đây chời?

... Nơi đến là vùng đất rộng lớn, có địa hình lồi lõm phức tạp, nổi tiếng là vùng nước độc, chướng khí, có nơi đầm lầy lau sậy mịt mù, có rất nhiều thú dữ.

< Nhắc 'người' hoài thì đây: Ngưới và cả đàn bò - dàn hàng ngang diễn binh hết cả mặt đường. Xe đến, ta cứ luồn lách qua các kẽ trống mà đi. Được cái, bò có tính 'nhường nhịn'; một con né, vài con né rồi cả đám cùng né, ta dzọt qua!

< Chạy thêm một đỗi rồi đừng lại, kiểm tra xem có thật chính xác đường không, sẳn WC luôn (đây không bị phạt). Cụm núi phía trước chính là núi Minh Đạm hướng Đông - Bắc. Lúc này, vị trí tầm chừng nơi ni >.

Khi đặt chân đến vùng rừng thiêng nước độc này, Bà Rịa cùng dân chúng lao vào công việc khai hoang mở đất, lập làng ở vùng Đồng Xoài (nay thuộc xã Hòa Long, TP.Bà Rịa), rồi dần mở rộng ra vùng Gò Xoài - Phước Liễu (nay thuộc xã Tam An, huyện Long Điền), tiếp tục khai khẩn đến đất Láng Dài (nay thuộc huyện Đất Đỏ) và hướng về vùng biển Xuyên Mộc.

< Rồi đàn bò... theo kịp, cuộc đua maratông đến hồi gây gấn, ta đi thôi em - Lúc này đã 9h17 phút sáng.

< Hết bò, chừ đến vịt, quá xá trời vịt luôn! Cả một trang trại cứ cạp cạp um lên...

< Đường vẫn đẹp quá xá, lúc này lại thấy thấp thoáng người xe. Ta không còn cô đơn!

Đặc biệt, Bà Rịa huy động dân chúng sửa chữa cầu cống, đường sá bị hư hỏng nặng do bão lũ, giúp đoàn quân của Lễ Thành Hầu - Nguyễn Hữu Cảnh hoàn thành nhiệm vụ mở đất phương Nam. Bà Rịa không rõ họ gì, nhưng có công lớn trong việc khai hoang lập ấp, là người đức độ có uy tín khắp cả vùng. Với những công trạng đó, bà được Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1752) phong tước Hàm Nghè và sắc phong cho mang họ nhà Chúa, từ đó bà có tên là Nguyễn Thị Rịa.

< Rồi lại qua trại vịt tiếp, lần này bên mé tay phải.

< Đường vẫn vòng vo, mặt nhựa thơm nồng, chắc vừa tráng hôm qua thôi. Lúc này không còn nhà cửa náo sất! Người cũng không...

Bà Nguyễn Thị Rịa sống qua năm đời Chúa Nguyễn và mất năm 1759 (thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát 1738-1765) tại Hắc Lăng, Phước Liễu hưởng thọ 94 tuổi. Bà Rịa không có chồng, con cái, nên 300 mẫu ruộng của bà khai khẩn được sung vào công điền chia cho người nghèo.

< Núi Minh Đạm hiện ra rõ ràng hơn, ở đây thì là rừng cây bụi thấp hai bên đường.

< Cống 2 bên là cống hở nha, tối lạng quạng đâm vô là sứt mỏ gãy gọng ráng chịu.

Nhằm ghi khắc công lao của bà, nhân dân địa phương đã lập khu mộ thờ cúng và tôn vinh trong câu đối: “Bà Rịa anh linh di vạn cổ - Nương nương hiển hách chứng thiên kim”. Phần bia mộ của bà khắc dòng chữ “Nguyễn Thị Rịa tiên nương”. Năm 1902, Trường Viễn đông bác cổ Đông Dương xây lại mộ Bà Rịa. Vào năm 1936 và năm 1972, chính quyền sở tại 2 lần cho trùng tu lại khu mộ của Bà Rịa.

< Có cảm giác như điều gì đó sắp xẩy ra. Đường vẫn vắng ngắt, ta vẫn chạy ro ro...

< Rồi gì sẽ đến cũng phải đến: Đường đất đây, nhắc đến hoài thì Trời cho đó, vừa dốc chúi nhủi, vừa có miệng hố lở, vừa lồi lõm, ôi hạnh phúc quá...

Tên Bà Rịa đã được ghép đặt cho tên của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khi thành lập tỉnh năm 1991; từ năm 2012, tên Bà Rịa được đặt cho thành phố trung tâm hành chính-chính trị của tỉnh là TP.Bà Rịa. Hiện nay, khu mộ và điện thờ bà Nguyễn Thị Rịa tọa lạc ở xã Tam Phước, huyện Long Điền. Giỗ bà Nguyễn Thị Rịa được người dân quanh vùng tổ chức vào ngày 16 tháng 6 Âm lịch hàng năm, lễ cúng lúc 12 giờ. Đây là phong tục đẹp mà nhân dân địa phương tiến hành thường niên, tưởng nhớ công ơn người phụ nữ có công khai hoang mở đất, lập làng năm xưa.
(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!