(Tiếp theo) - Về Long Hải, lại nói chuyện Long Hải.

< Lúc này đã vào giấc chiều ta, ngã 3 khá xôm tụ do bà con địa phương ra đây hóng mát, ăn vặt.

Hồi nhỏ, ba mình thường chở cả nhà đi Cấp vào kỳ nghỉ hè (cap, tiếng Pháp nghĩa là mũi đất, mũi biển - chính là Vũng Tàu ngày nay).

'Cấp' thông thuộc nằm lòng vì đi hàng năm, duy chỉ có một lần nổi hứng, ba thử đi Long Hải. Chỉ một lần duy nhất, có lẽ tầm khoảng năm 1966 hay 1967 gì đó... nên qua thời gian, ký ức phai nhòa, vả lại khi ấy còn quá nhỏ nên khó nhớ nhiều.

< Mé kè bên quán Zenna đông nghẹt, gió biển bắt đầu thổi mát rượi.

Chỉ còn nhớ biển Long Hải khi ấy vắng, chỉ có vài ba người ngoài gia đình mình. Đôi hàng quán lưa thưa ở đó cũng điều hiu hơn Vũng Tàu hồi ấy. Biển cát vàng sáng... và mình nhớ rõ nhất điều này là khi ấy sóng biển rất lớn nên ba không cho tắm, chỉ cho chơi giỡn với cát và quậy nước chút chút thôi...
Vài tiếng sau, cả nhà trở về Cấp - nơi quen thuộc.

< Còn dưới bãi người ta cũng tắm loi nhoi đông vui. Xứ yên bình.

Ngày nay, Long Hải phát triển mạnh, cứ mỗi lần bọn mình ghé là thấy khác đi một tý. Đó cũng là điều tốt vì nơi ni chia lửa với VT, chốn kia đông quá trong dịp lễ tết thì người ta tràn qua đây. Cái được khác là quán xá nhà nghỉ ở đây giá dễ chịu hơn bên kia nhiều. Thôi thì ai thích đi đâu thì đi: bên kia phố thị thì bên ni... tỉnh lỵ.

< Xế chiều rồi nên rời nơi ni. Có thể là mai bọn mình sẽ ghé nữa vì có một vài chốn tuyệt chiêu chưa đến. Đường trở ra, muốn lạ lẫm chút thì ta đi đường khác em...

< Đường khác là nhánh đường này (vị trí >). Tại Phước Tỉnh, đã có lần bọn mình rối như nồi canh hẹ khi chạy lang thang vào các hẻm tìm đường ra biển. Rối vì ngẫu hứng, rối vì không điều nghiên trước, cũng chả màng xem bản đồ...

Rồi lang thang trên net thấy bài nì nói về Long Hải của bác Vương Tâm nên bèn rinh về đây cho bà kon xem đỡ buồn nếu muốn đọc chữ, còn chuyến đi của mình vẫn chủ yếu thể hiện qua hình và ghi chú chữ xanh. Có điều bài đó dài quá nên mình phải cắt làm 2 phần, nửa bên ni, nữa còn lại trong bài sau nhé. Bài thía này đây: ...

< ... và khi ấy mù đường phải trở ra vì các hẻm teo nhỏ dần y chang như các ngách sâu ở thành phố. Tuy nhiên nếu nhìn trong GoogleMap thì không khó khăn gì lắm. Trong ảnh này, đoạn kè đá trông thật hay.

< Mé trái đất trống rào chắn, phía phải xanh um cây cỏ...

Chuyện lạ ở Long Hải

Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu) là huyện có hai thị trấn từ lâu đời. Đường phố thị trấn Long Điền liền kề bên thành phố Bà Rịa, còn thị trấn Long Hải chỉ cách Vũng Tàu chừng dăm cây số.

Đứng bên bãi tắm Thùy Vân có thể nhìn thấy mũi vịnh Long Hải. Nghe nói bên bãi biển Long Hải có một “biệt thự ma”. Tôi tò mò đi tắt theo con đường ven biển sang tận nơi xem sao. Một buổi chiều gờn gợn chân tóc khi tôi vừa bước chân lên đồi cao.

< Mé trái đường là Đền thờ Liệt sĩ Phước Tỉnh (vị trí >).

Ngôi nhà và cô gái xấu số

Trước mắt tôi là một ngôi nhà hoang với đúng nghĩa cho dù hiện nay nó vẫn đứng trên đồi cao nhìn ra biển. Gió rú gào luồn qua những căn phòng rỗng chơ vơ. Vừa hay có một ngư dân cũng nhanh chân đi lên trú mưa tại biệt thự bỏ hoang.

< Rồi mình rẽ trái, chạy ra con đường chính là Hương lộ 5, xem ra ta đã bỏ mất ngôi nhà thờ gì trông đẹp lắm ngoài kia (đó chính là Đài Đức Mẹ). Nhưng không sao, có thể ngày mai ta sẽ ghé.

Những đám mây đen kéo tới. “Biệt thự ma” như bị màn đêm buông sập xuống. Tia chớp của cơn dông bất chợt lóe lên. Tiếng sấm rền vang từ phía biển dội về. Thấy tôi hỏi về ngôi nhà này, người ngư dân ngồi co vào chân cầu thang còn loang lổ vết sơn đỏ như máu, rồi kể cho tôi nghe câu chuyện đã xảy ra hơn 100 năm qua.

< 5h20, giờ ni là thời điểm dành cho cái bao tử. Ta ăn ở đây hay dìa Long Hải? Long Hải đi anh. Dzậy thì đi, nửa kia vẫn khoái cây nhãn cây xoài gì đó. Bùng binh Phước Tỉnh phía trước, ta sẽ rẽ phải...

Đây là biệt thự nghỉ dưỡng của một gia đình giàu có người Hoa trên Sài Gòn. Ông ta là Hứa Bổn Hỏa (1845-1901) - 1 trong 4 người lắm tiền nhiều của nhất ở Sài thành từ thời thực dân Pháp sang xâm lược nước ta. Ông có 4 người con: 3 trai 1 gái. Cô con gái tên là Hứa Tiểu Lan. Cô tiểu thư nhà họ Hứa xinh như mộng nhưng lại bị bệnh phong ở tuổi dậy thì. Hứa Bổn Hỏa đưa con chữa khắp nơi nhưng các thầy thuốc đều bó tay.

< Đường Quy Hoạch số 7 rộng rãi ngay ngã 3 có tiểu đảo (vị trí >).

Ngày ấy, bệnh phong (hủi) là nan y không thuốc nào chữa trị được. Người cha đành đưa con gái về nhà tự chăm sóc và làm lễ cầu giời cứu giúp mà thôi. Gia đình Hứa Bổn Hỏa ở một biệt thự lớn, số 97 Phó Đức Chính (Q1,  TP.HCM). Ông đưa con gái lên ở riêng một căn phòng trên tầng ba và cho người hầu kẻ hạ suốt ngày đêm. Bệnh tình của cô con gái mỗi ngày một trầm trọng và khó qua khỏi. Mỗi khi côn trùng gặm nhấm từng ngón chân, cô gái lại gào thét trong cơn tuyệt vọng. Ông chủ sợ tai tiếng ảnh hưởng tới chuyện làm ăn nên đã đưa con gái ra Long Hải để tiếp tục chữa bệnh và chăm sóc. Ngôi biệt thự 3 tầng này chính là nơi cô sinh sống trong năm tháng còn lại.

< Và đây, chốn cũ tại Long Hải, trên lề đường nhín theo hướng này thấy quán Cây Dừa mà hồi trưa bọn mình đã viếng măm cái lẩu...

Ngôi nhà rộng trên biển vắng lại càng trở nên ghê rợn mỗi khi có tiếng cô gái gào khóc vì đau đớn. Người ngư dân kể lại rằng, xưa các gia đình trong bản người Mạ quanh vùng đều đóng cửa chặt, không dám nghe tiếng khóc của cô gái trong những đêm trăng. Họ thương cô lắm nhưng không biết làm cách nào. Mà kỳ lạ, cứ mỗi lần như thế, biển lại yên lặng. Trăng càng sáng cô gái lại khóc than ai oán. Ai cũng xót xa cho phận đau đớn của người con gái.

< Còn đối diện là Cây Nhãn. Nhớ hồi trưa ngồi nhơi cái lẩu bên quán Cây Dừa, thấy con bé tròn tròn (trước kia hay bưng bê phục vụ cho bọn mình ở quán Cây Dừa) đi ngang, thấy bọn mình ngồi ăn nên trố mắt nhìn. Nhìn vì khách quen bỗng chừng bữa ni lại ngồi quán khác. Thì đây: Trưa Cây Xoài thì chiều Cây Nhãn được chưa?

Tháng ngày trôi qua. Những đêm trăng biển cũng trôi qua. Tiếng khóc của cô gái mỗi ngày một lịm dần vì đói khát. Nỗi dày vò thể xác cũng câm lặng. Cô gái qua đời tại ngôi nhà lộng gió trong cô đơn. Ông chủ cho chôn con gái ngay tại nơi đây. Từ đó, ngôi nhà trở nên hoang vắng. Mọi người đều gọi là “biệt thự ma”.

< Thành phẩm của quán Cây Nhãn đây: mì xào hải sản nhấm nháp với bia - bảy tám mươi ngàn gì đó. Tuy nhiên, so với trước kia cũng made in ở đây thì... có vẻ thua xa về cái khoản tôm mực - Ôi, thời oanh liệt nay còn đâu, hic...
Có lẽ lần sau sẽ ghé lại Cây Xoài.

Nghe chuyện, tôi bỗng nhớ đến những câu thơ dóng diết cay đắng của thi sĩ Hàn Mặc Tử trong cơn đau của mình. Ông cũng bị căn bệnh quái ác này hành hạ. Đó là nỗi đau: “Ta vẫn còn đây hay ở đâu? Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu. Sao bông phượng nở trong màu huyết. Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu” (Những giọt lệ). Và lại nữa, có lúc ông than: “Ta sầu lắm, một thứ sầu vô cớ. Cất cao lời gọi giật tiếng ma kêu. Đường xáng mạnh vào trong sườn núi lở. Làm giật mình mây nước cũng phiêu diêu” (Say máu ngà)... (còn tiếp). Theo Vương Tâm - Sức Khỏe Đời Sống

(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!