(Tiếp theo) - Núi Lở? Đây không phải là một địa danh mà chỉ là... cái quán ăn. Tìm đến một quán ăn cũng phải vì lúc này đã quá 11h trưa rồi; bụng đói meo. Mệt thì không mệt vì đường dài mà chỉ khá oải vì nắng gắt mà thôi!

< Đang chạy trên đường Trần Văn Lắc, đến ngay cái ngã 3 có đường đất này (vị trí >), đường vô Núi Lở đây nè. Bố sư, cái bản đồ lợi hại thiệt nghen!

Còn lý do chui tọt vào Núi Lở thì qua thông tin mạng, chưa chắn chắn rằng món ăn ngon nhưng tại đây 'nghe đài nói' có một con suối cũng độc lắm, vậy là chấm trước và ghé.

< Ngoắc ngoéo vài lối rẽ trong con đường đất đầy mê hoặc này (không sợ lạc đâu vì Núi Lở cắm bảng chỉ chỗ của họ tùm lum), ta vào Lở Núi. À, Núi Lở!

< Quán đây. Ngày thứ 2 nên lượng khách không nhiều nhưng bọn mình thích như vậy. Đi chơi toàn là tránh lễ với cuối tuần không mà.

Quán nằm trên khu vực xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng - Bình Dương. Quán ở ven con suối, nguồn nước từ đập xả hồ Dầu Tiếng chảy ra qua một số ghềnh đá rồi vào thượng nguồn sông Sàigòn.

< Tìm một chỗ dựng con xế, tháo bỏ cái nồi cơm trên đầu đã phải đội suốt từ hồi sáng đến bi giờ rồi vào trong. Quán đơn giản, trên là mái che, bốn bề trống hoát. Bàn ghế được xếp gọn, khách chọn được bàn rồi thì kéo ghế ra mà thượng cái bàn tọa lên thôi, khỏi ai hầu.

< Bàn ghế ở các khúc trong, ngóc ngoắc ngoéo khá nhiều, thậm chỉ có thể lấy bàn xuống ven suối luôn cũng được nhưng bọn mình chọn ngay bên cạnh cái ghềnh nước giống như con thác nhỏ này - Ngồi nghe tiếng réo rắc rì rầm mới khoái chứ.

Đặc biệt, bên kia suối lại là địa phận của xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu - Tây Ninh. Cũng không lạ lắm vì chỉ riêng mặt nước mênh mông của hồ Dầu Tiếng đã có ranh giới giữa tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và cả một phần nhỏ thuộc Bình Phước.

< Nửa kia xem thực đơn, gọi món gọi bia. Còn mình thì đi loanh quanh 'khám điền thổ' con suối đẹp.

< Rồi leo xuống luôn dưới nghềnh đá. Tiếng rì rào của nước tông chảy thật êm tai, phong cảnh rất hữu tình.

< Trở lại, món ăn đã được dọn lên. Mèn ơi, đang đói cồn cào, măm mấy thứ này đang nóng hôi hổi nó sướng đời làm sao. Bánh xèo 50k to bành đủ 2 người ăn, ốc núi 100k ăn cho biết thôi vì thật tế, ốc núi (hay ốc suối gì đó) có hình dáng ngộ nhưng vị nó giống như... ốc bưu mà thôi, có điều thịt ốc nhiều hơn vì ốc bu có cái đầu to chần dần. Bánh xèo thì tuyệt, nhân có cả măng (miệt rừng núi mà), miệt này ăn xèo cuốn với bánh tráng.

< Vừa thưởng thức, vừa nghe tiếng hát từ dòng suối - tự nhiên thấy đời đẹp như mơ! 180 cây số có hơn chạy từ sáng đến giờ, chỗ ni là chỗ hả lòng nhất.

Đây lại nói đôi chút về các xã trên:

- Định Thành là một xã thuộc huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Xã Định Thành có diện tích 53,61 km².

< No rồi, vác cái bụng đi tham quan vòng vòng. Đây là cái bồn kính nhốt mấy con cá lăng, hồi mới vào nghe chào món lẩu măng + cá lăng nhưng nguyên con chà bá này bụng mô mà nuốt nổi, he he.

< Chệch vào phía trong có cái cầu nhỏ vắt ngang con rạch cũng nhò luôn. Có lẽ mùa nước nhiều sẽ có nước, còn bi chừ thì cạn veo.

- Còn Phước Minh là một xã thuộc huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Xã có diện tích 52,93 km².

< Dòng suối ở khúc trong đây, từ hồi ngăn đập thành hồ Dầu Tiếng, nước được điều tiết qua đây một lượng vừa đủ. Vậy nhưng nếu nước hồ tràn trề thì chắc mẫm nơi ni nước sẽ cuồn cuộn đó nghen.

< Còn chỗ này giống con rạch đá. Xem ra chỗ mình ngồi là đẹp nhất nhà hàng rồi.

- Riêng Tân Hiệp là một xã thuộc huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Xã Tân Hiệp có diện tích 70,52 km². Huyện Hớn Quản có 13 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Tân Khai (huyện lỵ) và 12 xã: An Khương, An Phú, Đồng Nơ, Minh Đức, Minh Tâm, Phước An, Tân Hiệp, Tân Hưng, Tân Lợi, Tân Quan, Thanh An, Thanh Bình.
Cả 3 huyện đều giáp giới với hồ Dầu Tiếng trong hàng 'đống' huyện bao quanh diện tích hồ.

< Xích đu miễn phí, kính mời pà kon!

< Đá tảng đá bành ky quanh đây khá nhiều. Chỗ này nhìn thấy cái vila lộng lẫy ngoài kia. Bọn mình đoán hưu đoán vượn rằng bên này và bên ấy chung khu đất, bên ấy chắc của nhà chủ còn quán bên này cho thuê thành Lở Núi, à: Núi Lở...

Nhắc lại đôi chút về hồ thủy lợi này:

Hồ Dầu Tiếng là một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất của Việt Nam và Đông Nam Á.

< Trở ngược ra. Nơi này giúp người ta phép lịch sự, bạn có tin không? Đúng vậy, muốn bước qua cầu thì phải cúi đầu (tập chào), không cúi thì đầu u bởi các cây ngang, ráng chịu nghen.

Hồ Dầu Tiếng nằm chủ yếu trên địa phận huyện Dương Minh Châu và một phần nhỏ trên địa phận huyện Tân Châu, thuộc tỉnh Tây Ninh nằm cách thị xã Tây Ninh 25 km về hướng đông, với diện tích mặt nước là 270 km² và 45,6 km² đất bán ngập nước, dung tích chứa 1,58 tỷ m³ nước. Được khởi công xây dựng vào ngày 29/4/1981 và hoàn thành vào ngày 10/1/1985.

< Trước khi rời quán, nhá thêm tấm ảnh chia tay cái thác nghềnh con con tuyệt đẹp.

Công trình này hầu như đã huy động gần hết nhân dân ở độ tuổi thanh niên ở tỉnh Tây Ninh tham gia đào hồ Dầu Tiếng. Với một đập xả lũ ra đầu nguồn sông Sài Gòn ngoài ra còn có hai kênh Đông và kênh Tây đã tưới mát những cánh đồng mì, mía, lúa ở Tây Ninh mà còn ở Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh). Ngoài ra còn cung cấp nước cho nhà máy lọc nước ở Hóc Môn.

< Biến ra khỏi quán, bọn mình theo đường Trần Văn Lắc theo hướng vào thị trấn Dầu Tiếng.

Có thông tin cho rằng đây là một công trình dự tính có từ thời Việt Nam Cộng Hòa (lúc này chỉ là dự án nằm trên giấy tờ). Sau đó được chính quyền Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục xây dựng. Hiện nay hồ Dầu Tiếng là công trình thủy lợi đắc lực cho tỉnh Tây Ninh đồng thời là một khu du lịch rộng lớn.

< Dự định nghỉ tại nhà nghỉ Thanh Thảo, bảng chỉ đường của nó đây. Lúc này đã 12h35.

Sau nửa ngày lái xế, vòng vo nhiều chốn để đến được nơi ni, dĩ nhiên bọn mình sẽ chọn thị trấn Dầu Tiếng làm nơi nghỉ qua ngày. Dầu Tiếng là một thị trấn thuộc huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Thị trấn Dầu Tiếng có diện tích 29.88 km², chính quyền Thị trấn Dầu Tiếng hiện này đang tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại, từng bước tạo diện mạo mới cho thị trấn để phấn đấu đưa thị trấn Dầu Tiếng trở thành đô thị loại IV vào năm 2020.

< 250k/ngày, có vẻ như mới xây chưa lâu nên phòng sạch đẹp, trắng toát như... BV. Tiện nghi khá đầy đủ, có cả nước nóng nhưng dùng năng lượng mặt trời, tắm trễ quá có thể không còn nước nóng nữa (mà cái xứ này nóng kinh, có lẽ chả cần). Ổ điện tá lả, tha hồ sạc pin máy ảnh và mấy cái điện thoại, wifi mạnh, phòng đầy đèn sáng sủa.

Chỉ oải cái máy lạnh: loại inverter đàng hoàng nhưng chỉ là... máy mát thôi nên mình bật thêm quạt! Các nhà nghỉ nên coi lại vụ này: sạc ga hay làm vệ sinh máy cho nó chạy đúng hiệu xuất của nó chứ không thì khách đặt nhiệt độ thấp lút ga (vì nó có đủ lạnh đâu?), vừa tốn điện nhiều hơn, vừa giảm tuổi thọ lốc máy. Lưu ý là muỗi nhiều lắm nhé, muỗi nhỏ rí, ở mươi tiếng đập chắc tầm 2 chục con - sát sinh dữ dội nhưng cả một sư đoàn muỗi, không đập thì phù mình mất.

Mình sẽ còn đề cập đến thị trấn trong các bài sau, bây giờ phải thụ hưởng cái đã.
(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!