(Tiếp theo) - Nhưng ở đây không chỉ là cao su, một số loài cây trái khác đã và đang được trồng theo chuẩn Vietgap tại đây, bạn có biết đó là cây trái gì không?

< Sương mù đỏ? Không phải, do một chiếc xe ben trong vườn cây chạy ra kiểu 'tốc hành' tung đất đỏ như sa mù.

Đây là miền đất thuộc huyện Bắc Tân Uyên: nằm ở phía đông bắc của tỉnh Bình Dương với địa hình thuận lợi khi có 2 dòng sông lớn là sông Bé và sông Đồng Nai chảy qua tạo nên nguồn đất phù sa màu mỡ và nguồn nước tưới dồi dào cho cây trồng. Từ những thuận lợi về địa lý, nơi đây đã hình thành vùng trồng cây ăn trái có múi cho hiệu quả kinh tế cao.

< Trang trại tổng hợp *** - Bưởi da xanh, cam sành, quýt đường theo chuẩn Vietgap. Đây mới chỉ là 1 trong hàng sa số trang trại Vietgap tại nơi ni. Dzị là bớt cao su rồi nhé!

Chỉ trong thời gian ngắn, diện tích cây có múi ở huyện Bắc Tân Uyên tăng nhanh tạo thành vùng chuyên canh.

Để nâng cao giá trị, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, tỉnh Bình Dương đã có nhiều chính sách hỗ trợ và giải pháp thiết thực nhằm giúp vùng chuyên canh cây có múi phát triển bền vững.

< Lúc này, bọn mình đang ở đây >, trên hương lộ 416 thuộc xã Tân Định - Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương.

< Tấp vào nhánh ngang ven đường để giải quyết cái nỗi sầu, uống nước, phì phèo điếu thuốc rồi điều nghiên luôn cái lộ trình - ta vẫn chạy đúng đường em ơi...

Cam sành đang trở thành cây trồng mũi nhọn phát triển kinh tế tại Bắc Tân Uyên. Loại cây có múi này được nhân rộng cách đây vài năm bên cạnh các giống bưởi da xanh, chanh không hạt.

< Xứ chi mà người hiếm ghê, chả bù ngựa xe tấp nập như chốn thị thành.

< Nghỉ tý rồi lại đi, nhoáng cái là vào trung tâm xã Tân Định. Bảng ghi chạy thẳng là đi Tân Thành, quẹo phải là xã Hiếu Liêm.

Diện tích canh tác cam sành hiện trên 15.000 ha, cho sản lượng nửa triệu tấn mỗi năm đó là chưa kể các loại cây có múi khác. Cây trồng chủ yếu tại các xã Đất Cuốc, Tân Mỹ, Thường Tân, Lạc An, Tân Định, Hiếu Liêm… của huyện Bắc Tân Uyên.

< Chợ Tân Định đây, đầy đủ cơm tấm đêm ngày, bánh mì heo quay, quầy thuốc..., nói chung là tá lả. Vị trí lúc này tại đây >. Qua chợ thì rẽ trái đi Hiếu Liêm.

< Uỷ ban xã Tân Định đây, liệu ta có cần vào đóng dấu chứng nhận rằng đã 'phượt' qua đây chăng?

Ở đây, những vườn bưởi, cam, chanh, quýt trĩu quả, phủ xanh bạt ngàn đã thay thế những ruộng mía, ruộng mì kém hiệu quả kinh tế ngày xưa.

< 7h20, nắng nhè nhẹ trên con đường ra khỏi trung tâm xã. Từ sáng đến giờ, đay là điều kiện rất thuận lợi cho những chuyến đi xa: Không quá nóng kẻ phẹt đỡ mệt sức, chả có mưa khiến dân gàn càng khỏe gân.

< Gió vi vu bên tai dù ta chỉ bò tầm 40 - 50km/h. Chả việc gì gấp, ta đi chơi chứ chả đi đua đâu nà.

< Ngã 3 đi Đất Cuốc, vị trí tại đây >. Riêng chốn Hiếu Liêm thì chỉ còn 8km nữa mà thôi.

< Rồi cái cổng xã Hiếu Liêm cũng lồ lộ ra, cái cổng đo đỏ... ở đây >. Khiếp thật, chỉ có cái cổng mà vệ tinh cũng rình mò chụp dính luôn. Mửng này, cặp nào mà xà nẹo linh tinh chỗ vắng - vệ tinh chụp dính một phát là cả thế giới biết đó nghen!

Các nhà vườn Bắc Tân Uyên chủ yếu nhân giống cam vô tính bằng phương pháp ghép gốc. Cây sinh trưởng tốt trên nền đất đồi, khí hậu nóng ẩm mưa nhiều của huyện. Với những vườn diện tích lớn, nông dân đầu tư lưới chăng nhằm hạn chế ánh nắng mặt trời chiếu vào, đảm bảo mẫu mã cam đẹp, không nám hay khô nước.

< Vùng đất nông nghiệp - trồng rừng có khác. Thành phố thì quảng cáo 2 bên là dầu gội đầu giúp tóc mượt, bánh sờ nách, khu nhà ở cao cấp mời đăng ký giữ chỗ, bảo hiểm nhân thọ... thì ở đây sẽ là thuốc bảo vệ thục vật, phân bón hữu cơ, vật tư nông nghiệp..., khoái nha!

< Thi thoảng, khung cảnh vạn dặm đường xa lại hiện ra hút lòng lữ khách.

Nông dân chỉ thu hoạch một vụ trong năm, thời gian bắt đầu từ khoảng tháng 9-10 dương lịch. Trọng lượng trung bình khoảng 350g mỗi trái. Người trồng dùng kéo để cắt cuống; nếu quả ở trên cao sẽ dùng vợt hay sào hái xuống.

< Đường thì dân Hiếu Liêm mình đơn giản lắm, cứ đường Hiếu Liêm 1, đường Hiếu Liêm 2... v.v.

< Rồi các dốc và những đường cong huyền thoại hiện ra trước mặt, mê hoặc lãng khách đường xa..., thích những cái đường vặn vẹo này quá đi thôi, ẹo qua ẹo lại khiến cái sườn xe cũng muốn vẹo.

Theo người trồng, mỗi ha cam sành có thể cho năng suất lên đến 40-45 tấn. Cam sành trồng theo chuẩn VietGap cho quả ngọt thanh, ruột vàng và mọng nước. Quả có vỏ dày xanh thẫm, hơi sần sùi, khi chín hơi ngả vàng.

< Chạy, ngắm và nhớ những đoạn đường trên cao nguyên Lâm Đồng, nhớ Tà Nung thuở ấy, nhớ Nam Ban...

< Như một khoảng lặng để ta định thần, chờ những đổi thay bất ngờ.

Để chọn được quả ngon, người tiêu dùng nên chọn loại bóng vỏ, cầm nặng tay, cam chín tự nhiên có màu hơi vàng dưới đáy quả. Tránh mua những trái có màu vàng tươi vì có thể là quả rụng sớm, vị nhạt và chua.

< Những sườn đồi với cây ăn trái phủ kín, trồng thei chuẩn Vietgap; người ta phủ bạt che kín nền đất: để giữ đất giữ nước chăng? Thấy hay hay nên bọn mình tấp xế lại ven đường - vị trí lúc này ở đây >.

< Đường và triền đất ven đường thì trên cao, phía dưới là những thung lũng phủ đầy những vườn cây trái.

Người trồng cam Tân Uyên có cách bảo quan cam khá đặc biệt: Cam sau khi chín tới vừa kịp lúc thu hoạch, nhà vườn thường bôi chút vôi vào cuống trái hoặc vùi cam trong cát. Trái cam sành được bảo quản theo cách này có thể để lâu tới 2 - 3 tháng mà không bị hư úng hay 'lại đường' hoặc bị chua.

< 'Nửa kia' tấn công liền bằng cái Nikon. Còn mình xà quần với chiếc xe, cũng móc cái Redmi chấm quẹt bậy vài tấm.

< Ảnh hướng ngang, hóa ra bà xã chụp sự việc này đây: nhóm nông dân đang chăm sóc đường ống tưới.
Mình ở phía trên, không biết có người chứ không thì cũng lân la lại tán phét với họ rồi: có những điều họ biết mà đố ta biết, ví dụ như lĩnh vực cây trồng hay chuyện tiêu thụ sản phầm. Ta chỉ biết một điều chắc chắn: đây là vườn cam sành trồng theo chuẩn Vietgap.

< Nhìn phía tay phải là vườn cam nghút ngàn, chỉ 2 năm nữa nó sẽ cho trái.

Cam sành Bắc Tân Uyên từ năm thứ 3 đã có thể cho trái đều và ngon. Trọng lượng trái vào khoảng 259gr đến 350gr/trái, đây là giống cam cho trái lớn. Trái cam sành nơi đây có đặc điểm da xanh bóng, hơi sần, vỏ dày, múi cam màu vàng tươi. Loại cam sành này khi vắt cho ra nước màu vàng nhạt và trong, tép cam sóng sánh, ít hạt. Vị nước cam thơm mát, ngọt hơi chua. Nước cốt có mùi thơm nhẹ, tinh dầu trong vỏ nhiều và có vị cay đặc trưng.

< Cứ ngỡ bà xã đã chụp nát cái thung lũng sâu hun hút dưới kia, ai ngờ dìa coi lại chỉ thấy nhiêu thoai! Hỏi, hóa ra bà đầm nhìn xuống thấy sâu hút, sợ té nên chỉ dám đứng nép mé đường mòn phía trên, không muốn bước sát ra ngoài, he he. Nhưng thôi, cái đẹp ta thấy như em nói cũng đã nằm trong dầu của ta rồi phải không cưng?



< Còn Điền ta đây, vẫn còn lui hui với vợ 2 ngoài kia, ông này chậm chạp khiếp! xẹt vô ngó được một cái, chớp được một phát thì nửa kia kéo đi, kha kha...

Đến nay, thương hiệu “Cam Bắc Tân Uyên” và “Bưởi Bắc Tân Uyên” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận thương hiệu, nhãn hiệu tập thể ở nhiều trang trại, vườn cây được trồng theo mô hình VietGap ở Bắc Tân Uyên.

Hiện cam sành Bắc Tân Uyên chủ yếu được thương lái thu mua tại vườn, còn lại bán tại các chợ đầu mối. Ngoài địa bàn Bình Dương, trái cây còn tiêu thụ tại TP HCM, Hà Nội… và chuẩn bị xuất ngoại với những hợp đồng kinh tế lớn.
(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!