(Tiếp theo) - Hồ Dầu Tiếng là một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất của Việt Nam và Đông Nam Á. Hồ Dầu Tiếng không chỉ có vai trò quan trọng về thủy lợi là  điều phối nước cho sông Sài Gòn mà  đây còn là một điểm du lịch thu hút nhiều du khách đến với Tây Ninh.

< Đoạn đường đầu tiên ven hồ Dầu Tiếng, khúc đầu khá xấu... rồi đến đoạn tốt, đoạn bê tông cũng tốt luôn. Thông tin về phần đưởng 781 này mình sẽ đề cập bên dưới bài.

Hồ có diện tích trải dài trên địa phận ba tỉnh: Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh. Trong đó, khu đầu mối nằm tại huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương và huyện Hớn Quản tỉnh Bình Phước song lưu vực chủ yếu nằm trên địa phận huyện Dương Minh Châu và một phần nhỏ trên địa phận huyện Tân Châu, thuộc tỉnh Tây Ninh nằm cách thành phố Tây Ninh 25 km về hướng đông.

< Từ trên đường này, vẫn thấy núi Bà Đen ở chân trời dù bọn mình đã cách núi hơn chục cây số đường chim bay.

Hồ Dầu Tiếng có diện tích mặt nước là 27 km², diên tích luu vực là 270 km2 và 45,6 km² đất bán ngập nước, dung tích chứa 1,58 tỷ m³ nước.

< Chạy qua một cống xả nước ven hồ, vị trí ở đây >. Nước từ đây chảy ra dòng Suối Đá và Kênh Tây. Lúc này, con lộ 781 mà bọn mình đang đi trở thành đường đất lôm côm.

< Sắp hết đoạn đường đất đỏ rồi, xung quanh vẫn vắng teo - Đã 10h40 phút rồi đó em ơi. Nắng lúc này gắt, khá là nóng. Bên phải cây cối um tùm thì phía trái vẫn là con đê cao, dài ngút tầm mắt, thi thoảng có một dốc chạy lên.

Hồ được cung cấp nước bởi nguồn nước sông Sài Gòn và sông Bé điều sang bằng kênh Phước Hòa (Bình Dương, Bình Phước).

< Một đoạn cong trên đường đã láng nhựa phẳng phiu. Vậy đấy, khúc tốt khúc xấu, ai ngờ có khúc còn tệ hại hơn nữa kia!
Nhưng không sao, đoạn xấu thì ta căng người né lỗ, đoạn tốt lại xé gió vi vu... bù lại thời gian đã bò.

< Chạy một hồi, có luôn sự hiểu biết: Những đoạn láng o là người ta vừa tráng (có thể là vài ngày trước, vài tuần trước hay cả... vài tháng trước) - Đoạn đất là cũng còn may mắn vì đất vừa đổ trên lớp đá, lu lèn che lấp cái đường tan nát cũ để chuẩn bị láng nhựa.

Được khởi công xây dựng và hoàn thành sau 4 năm, công trình này hầu như đã huy động gần hết nhân dân ở độ tuổi thanh niên ở tỉnh Tây Ninh thời ấy tham gia đào hồ Dầu Tiếng.

< Bất chợt gặp nhánh rẽ đi Cầu Khởi: đây là một xã của huyện Dương Minh Châu. Mình chọn đi hướng Đập Chính.

Ngày ấy là một sự kiện lịch sử tạo ra bước ngoặt quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Tây Ninh và các tỉnh, thành lân cận, đó là luận chứng kinh tế kỹ thuật công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng được Chính phủ phê duyệt với kinh phí đầu tư lên đến gần 110 triệu USD thời bấy giờ.

< Chạy ngang qua Di tích Lịch sử Dương Minh Châu. Căn cứ Dương Minh Châu hay còn gọi là căn cứ Trà Vọng, sau năm 1949 đổi tên thành Dương Minh Châu, tọa lạc tại ấp Phước Tân, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), được công nhận Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia ngày 13/9/1999 của BVHTT.

Dương Minh Châu là tên gọi của đồng chí Chủ tịch Uỷ ban hành chánh tỉnh Tây Ninh đầu tiên anh dũng hy sinh trong trận càn của Pháp vào căn cứ bến Cây Chò (nay thuộc xóm Mía, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh). Ngày 7 tháng 2 năm 1947, để khắc ghi công ơn và tưởng nhớ đồng chí, tỉnh đã lấy tên Dương Minh Châu đặt tên cho căn cứ.

< Lúc này, lộ 781 vẫn là đường đất. Nói chính xác hơn đây là đoạn đường còn nguyên thủy, origin: đường nhựa nhưng lòi phèo đầy đất và ổ gà ổ voi. Xế chạy nẩy tưng người...

< Than thở thầm trong lòng một hồi thì lại thấy lạc vào... tiên cảnh: kha kha, đoạn ni có vẻ mới tráng nhựa thì phải!

Sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 29.4.1981 tại huyện Dương Minh Châu, Phó Thủ tướng Chính phủ Huỳnh Tấn Phát đã đặt nhát cuốc đầu tiên phát lệnh khởi công công trình thuỷ nông có quy mô lớn nhất nước này. Chỉ 4 năm sau, ngày 10.1.1985, hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng chính thức mở nước phục vụ tưới tiêu cho hàng chục ngàn ha đất ruộng đồng ở Tây Ninh.

< Mà đúng thiệt, xe lu xe tráng làm việc hà rầm - hết phần đường bên này rồi đến bên kia. Ôi các tía ơi, phải chi các tía tráng liền một mạch cho thiên hạ chạy sướng một lèo rồi chịu khổ một tăng cũng được... chứ gì mà lúc... xung lúc xìu thía này thì hồi hộp quá, ha ha...

< Vừa nói xong thì tới ngay khúc lưng tưng, ngoáy đầu nhìn lại bấm một phát. Bên phải hình vẫn là con đê cao và dài như bất tận...

Nhớ lại những năm đầu sau khi khởi công xây dựng hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng cách nay gần 40 năm, nhiều người lớn tuổi ở Tây Ninh không khỏi cảm thấy tự hào bởi thời ấy, phong trào làm thuỷ lợi với khẩu hiệu “Ta đi xây dựng công trường, công trường xây dựng ta” diễn ra vô cùng sôi động. Thanh niên thời ấy hầu hết đều tham gia làm kênh trên toàn hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng.

< Đàn bò nhơi cỏ, phía trong là nhà dân. Bò thì không quan tâm đến đường tốt xấu, bọn nó chỉ chú ý đến cỏ có nan hay không thôi - bọn người thật lộn xộn!

< Than thầm nhưng cứ chạy thôi, đất đá này không sắc cạnh. Vả lại trước chuyến đã có miếng lưới treo, đến lúc này miếng lưới đã khá te tua nhưng vẫn còn tác dụng.

Có nhiều thanh niên coi công trường thi công như là nhà bởi quanh năm suốt tháng luôn có mặt đào, đắp các tuyến kênh. Những lúc cần đẩy nhanh tiến độ, nhiều nơi thanh niên thắp đèn làm cả ban đêm, tiếng cuốc xẻng đào đất, tiếng đầm nện nén đất đắp bờ kênh hoà quyện tiếng cười đùa, hò hát vang vọng trong đêm khuya, tạo thành không khí vui tươi như ngày hội.

< 11h kém 10, sau một quá trình lưng tưng rêm cả mình mẩy, mình buộc phải 'dòm ngó' các con đường nối vào đường dân sinh phía trong... xem nó có đỡ hơn không.

< Hoặc ta có thể thử đường đê trên cao? Vậy là chạy lên đỉnh đê! Ít ra cũng có nhiều lựa chọn, sướng nhé.

Thời đó, đoàn viên - thanh niên đóng vai trò nòng cốt trong việc thi công công trình thuỷ lợi này. Đến ngày công trình đưa vào vận hành, Tây Ninh và các tỉnh, thành lân cận đã huy động được hơn 450 ngàn lượt đoàn viên - thanh niên tham gia; thực hiện gần 15 triệu ngày công lao động; đào đắp được hơn 11,6 triệu m3 đất, xây lắp gần 54 ngàn m3 bê tông và đá xây... để xây dựng nên hàng ngàn km kênh và hàng ngàn công trình trên kênh.

< Đỉnh đê có đường chạy thẳng xuống lòng hồ. Dưới đó là những hố khai thác cát đất hay nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên nếu mực nước hồ dâng thật cao sẽ phủ lấp hết những nơi này.

< Đường đê trông còn... phát bịnh hơn đường dưới, vậy nên mình trở xuống ngắm nghé đường dân sinh, he he...

Từ phong trào làm thuỷ lợi, hàng trăm đoàn viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 1.450 kiện tướng lao động; hơn 430 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng, hơn 10 ngàn thanh niên được kết nạp vào Đoàn...

< Lối vào đường dân sinh phía trong đây, phải qua một cây cầu cây ọp ẹp nhỏ...
Lúc này, vừa chạy vào vừa để ý tấm bảng đỏ của UBND xã Phước Minh ghi: "Cấm đổ rác - Phạt từ 3.000.000 đến 10.000.000 đồng về hành vi không đổ rác đúng nơi quy định...". Vậy nhưng ngay trước bảng thấy những bao rác to đùng. Thiệt là gan trời, chắc hổng ai bị phạt cả nên lờn!

< Đường đất dân sinh nhỏ hẹp, lại từa lưa xe tải nhỏ, xế gắn máy đậu chạy tá lả. Phần khác phải tránh người đi bộ, trẻ nhỏ cvui chơi... nên xem bộ không ổn, vậy là kiếm đường... chạy ra! Kia có lối qua cầu ra ngoài kìa em ơi.

... Bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều đơn vị điển hình làm thuỷ lợi có năng suất cao, chất lượng tốt như xã Hiệp Tân (Hoà Thành), xã Hảo Đước (Châu Thành), xã Cẩm Giang (Gò Dầu), xã Lộc Ninh (Dương Minh Châu), xã Tân Hưng (Tân Biên), xã Bình Minh (Thị xã - bây giờ là thành phố Tây Ninh). Riêng 2 huyện Châu Thành và Hoà Thành thì nhiều năm liền giữ lá cờ đầu trên công trường, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

< Thôi thì có lưng tưng ầm ầm thiệt nhưng ta đây cũng một mình một chợ, thoải mái hơn nhiều cái đường dân sinh!

< Qua nhà máy tinh bột Miwon VN, vị trí lúc này ở đây >.

Đầu năm 1985, nguồn nước từ hồ chứa Dầu Tiếng bắt đầu tuôn ra, theo 2 tuyến kênh chính Đông và Tây với tổng chiều dài hơn 80km, đổ vào cả ngàn km các tuyến kênh cấp 1, 2, 3 rồi lan toả ra kênh nội đồng đưa nước đến hàng chục ngàn ha đồng ruộng đã tưới mát những cánh đồng mì, mía, lúa không chỉ ở Tây Ninh mà còn ở Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), Đức Hoà (Long An) và một phần tỉnh Bình Dương.

< Cuối cùng cũng gặp ngã 3 phía trước: chạy thẳng là lên đập chính, rẽ phải là thị trấn Dầu Tiếng. Bọn mình chọn rẽ phải nhưng chưa vào thị trấn đâu, lúc này đã 11h trưa rồi - nắng 'điên con'!

< Có vẻ vào xóm làng rồi đây. Đường vắt ngang là 'Suối Ông Hùng - Lòng Hồ' (vị trí >), bọn mình bỏ qua.

Không chỉ là hồ thủy lợi chỉ cung cấp nước cho ruộng đồng, hồ còn cung cấp nước cho nhà máy lọc nước sinh hoạt ở Hóc Môn. Ngoài ra, hằng năm, hồ Dầu Tiếng còn cung cấp cho ngư dân cả ngàn tấn thuỷ sản, giúp hàng trăm hộ có cuộc sống ổn định.

< Thẳng tiến luôn thì đường thế này đây: thưa người, đường tốt, 2 bên cây cối xanh um.

< Trước mặt là cây cầu bắt qua dòng Kênh Đông, kênh này nối vào một trong những cửa chính của hồ Dầu Tiếng. Lúc này, con lộ vẫn mang tên DT781.

Hồ có phong cảnh hữu tình và hệ sinh thái độc đáo. Cảnh quan hai bên bờ thơ mộng lại thêm mặt  hồ trải dài trên một diện tích lên tới 27.000 ha tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Với diện tích lớn như vậy, hồ Dầu Tiếng còn được gọi là “Biển Hồ” của Tây Ninh.

< Dòng kênh lớn, phía dưới nước vẫn chảy êm đềm xuôi về hạ lưu nuôi sống đồng ruộng.

< Gặp ngã 3. Sau khi coi lại bản đồ, bọn mình rẽ trái.

Trong lòng hồ còn có nhiều ốc đảo với tên: đảo Xỉn, đảo Trảng, đảo Đồng Bò… tạo nên hệ sinh thái đa dạng cho khu vực hồ. Chính vì vậy người dân quanh đây còn có thêm nghề đánh cá ở hồ.

< Chạy thêm một đỗi lại qua cây cầu khác, hẳn là vị trí ở đây >, cầu ni bắt ngang thượng nguồn sông Sàigòn.

Lại nói về con đường DT781 (con đường bọn mình đang đi) chạy dọc hướng Tây Nam hồ Dầu Tiếng:
Đây là con đường kép gồm đường chính 781 + đường trên đê bao và một số đoạn còn có cả đường dân sinh cũng chạy song song với đường chính.

< Lúc này đường mang tên DH703, một con đường của huyện. Dường như phía trước là ngã 3...

< Đúng rồi, ngay ngã 3 có cây xăng Cầu Đất. Chạy thẳng vẫn là DH703 vô trung tâm thị trấn Dầu Tiếng.

- DT781 là đường nhựa. Do lòng hồ có nhiều trại khai thác cát nên các xe ben chuyên chở loại vật liệu xây dựng này đã liên tục ngược xuôi - chở quá tải, qua năm tháng cày nát và biến con đường nhựa trở thành đường đất. Trời nắng phải hít bụi, trời mưa lội bùn là một phần nỗi cơ cực của người dân dọc đường DT781 sát hồ Dầu Tiếng trong suốt hàng chục năm qua.

< Bọn mình không chạy thẳng mà quẹo trái, theo đường Trần Văn Lắc để đến nơi này đây: Núi Lở.

Từ cuối năm 2018, Sở Giao thông vận tải Tây Ninh đã cho thi công  mặt đường bê tông xi măng đoạn lý trình km2+340 đến km2+960 (cống số 2 – Hồ Dầu Tiếng).

Những đoạn còn lại đang được nâng cấp, tổng chiều dài con đường khoảng 14km, thiết kế gồm 2 làn, mặt đường láng nhựa rộng 7m. Tổng mức đầu tư dự kiến trên 86 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 70 tỷ đồng... dự kiến hoàn thành năm 2020.
(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!