Điền Gia Dũng: Có lẽ đi vùng biển khá nhiều nên chuyến ngẫu hứng này bọn mình trở hướng về miền Tây Bắc của TP HCM.

Rời nhà lúc 4h sáng ngày 19 tháng 8, tránh xa thành phố nhộn nhịp bằng con đường Trường Chinh, đường QL22 và cũng chính là con đường Xuyên Á.

Xuyên Á nhưng thực tế, bọn mình chỉ mượn nhờ con đường để rời thánh phố. Đến Tân Phú Trung (Củ Chi) thì lộ trình sẽ vào Hương Lộ 2 qua Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng. Sau đó vào đường Kênh để ra đường Trung Lập (Củ Chi) - TL6 - DT784 đi Núi Bà. Dự tính tiếp sau đó sẽ là Hồ Dầu Tiếng - thị trấn Dầu Tiếng - DT750, một số đường là lạ khác để đến Hiếu Liêm, Mã Đà... v.v.

< Trên QL22, lúc này chưa ra khỏi thành phố nhưng cũng sát rìa ngoại thành rồi. Thử cái điện thoại còi thì nó hiện mồn một bản đồ... vệ tinh (offline), thử luôn cái của nửa kia: wooh, nó cũng rõ tường! Phúc đức bảy đời dzị là chuyến này có 'vũ khí' đầy người rồi nghen!

< Trước đó, số công tơ mét đã chụp lúc còn ở tận Tân Bình. Số là 10251, vậy ở nhà trừ thêm khoảng 10km nữa.

Đường DT750 bà xã thích mê từ khi tự tìm trên bản đồ, DT746 cũng vậy. Mình thương vợ nên thích thì chiều, 'đồng tâm đồng lòng' thì chạy tới đâu cũng tới được cả bất kể hành trình có khăn gì.

< Rời nhà hơn 4h sáng, tới đây 5h; mình biết ý - đường này không đi sớm thì đến giờ cao điểm chật keng.

< Đồng ruộng ven bờ còn phủ sương mù lãng đãng, mong cho trời hôm nay được tốt. Mình đã xem bản đồ thời tiết hồi sáng rồi nhưng không có gì chắc chắn cả.

Nhưng trước tiên, nói về con đường Xuyên Á QL22 cái đã:
Tại thành phố Hồ Chí Minh, quốc lộ 22 có  có vị trí rất quan trọng trong mạng lưới giao thông miền Đông Nam Bộ, phục vụ cho  việc phát triển kinh tế, xã hội nội vùng mà còn mở ra khả năng giao lưu và liên kết giữa các tỉnh miền Đông Nam bộ đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh với nước bạn Campuchia, trong đó có thủ đô Phnôm Pênh.

< Bản chỉ đường đi Công Viên Cá Koi RinRin Park phía trước. Mình nghĩ rằng cây và cảnh của Nhật thì đẹp thiệt nhưng mấy con cá này không khác gì cá chép bự.

< Bản đồ điện thoại cả 2 cái đều ok. Cái Lumia có thể vuốt kéo đi mọi nơi vẫn cho ảnh tốt còn cái Xiaomi thì không - chỉ vệ tinh được một chỗ đang xem. Bù lại, Xiaomi xài GoogleMap chi tiết hơn, dẫn đường chắc cú hơn và màn ảnh cũng lớn hơn.

Quốc lộ 22 là con đường nối liền Thành phố Hồ Chí Minh đến cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, dài 59 km. Đây cũng là tuyến đường nằm trong dự án đường xuyên Á, nối Thành phố Hồ Chí Minh và Phnom Penh.

< Bản 'Chú ý, kiểm soát tốc độ'. Chuyến này, đa phần tốc độ mình chạy chỉ tầm trên dưới 50km/h, hiếm khi đến 60. Đường Xuyên Á giờ này vắng, chạy khá thoải mái.

< Ven đường vẫn ruộng đồng phủ sương, gió mát lạnh vù vù bên tai...

< Mặt trời sớm bắt đầu ló dạng bên đường chân trời. Vẫn như mọi lần, bà xã ngồi phía sau làm phó nháy - chộp ảnh. Vẫn cái Nikon Coolpix L120 hồi xửa. Em nó chụp cũng tốt, nghẹt cái nếu thiếu sáng khi đang chạy xe thì còi lắm vì mình không có thời gian canh chỉnh từng chút. Sau chuyến này, mình có thêm kinh nghiệm chụp thiếu sáng trên đường.

< 5h18, bọn mình đã vượt qua cầu An Hạ thuộc địa phận Ấp Chợ, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Tìm thứ gì măm buổi sáng hỉ, nhưng hãy gượm đã...

Quốc lộ 22 bắt đầu tại ngã tư An Sương, quận 12, nơi có cầu vượt An Sương trên quốc lộ 1A giao căt lập thể tại cuối đường Trường Chính với đầu tuyến quốc lộ 22. Cầu do công ty cầu 75 thuộc TCT XDCT giao thông 8 xây dựng sau năm 1999 và hoàn thành vào tháng 7 năm 2002 cùng với tuyến quốc lộ 22 được mở rộng để trở thành đường Xuyên Á, cũng do các đơn vị thuộc TCTXDCTGT8 thi công.

< Chỉ 2 phút sau đó, bọn mình tới nhánh rẽ này đây (vị trí >). Thẳng đi Trảng Bàng (22km), rẽ phải là đi Thủ Dầu Một (25km). Bọn mình rẽ phải nhưng không phải đi Thủ Dầu Một. Mà cái bảng này cũng kỳ, TDM không phải là hướng chính mà con đường này hướng đến. Thôi, họ ghi gì thì ghi, ta cứ theo lộ trình tính sẳn.

< Đường bọn mình rẽ thía này đây: này là hương lộ 2. Con đường nhỏ nối từ đường Xuyên Á ở Tân Phú Trung, kéo dài Phước Vĩnh An, Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng, Lộc Hưng (Trảng Bàng), điểm cuối gặp đường DT787.

< Dừng đèn đỏ (vị trí >), đường cắt xéo ngang là Hồ Văn Tăng. Đấy mới chính là hướng đi Thủ Dầu Một. Riêng bọn mình thì vẫn chạy thẳng.

< 5h rưỡi, ghé quán phở nạp năng lượng - quán đông ghê nha.

< Tô đặc biệt tái nạm gàu gân 35k (thường 30), chất lượng ok - bác nào muốn thử thì ở đây >.

Tuyến quốc lộ 22, hay còn gọi là đường Xuyên Á, đi qua các xã: Tân Thới Nhì, Tân Phú Trung, giao với tỉnh lộ 8 tại Củ Chi.
Củ Chi là một huyện ngoại thành của Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ. Nơi có sông Sài Gòn chảy qua và có hệ thống sông, kênh, rạch khá đa dạng.

< Hành trang bọn mình mang theo chỉ như vầy đây, vô cùng gọn nhẹ: Túi đeo đựng nước uống, túi máy ảnh, thuốc thang, linh tinh. 2 cái áo mưa nhét dưới baga còn vài bộ đồ, khăn... thì bỏ cốp xe - bốn tay bốn chân nhẹ nhàng thoải mái!

< Hành lý gọn cũng do sau này xài điện thoại di động, nó nhỏ téo, cái sạc cũng vậy - 2 máy 1 sạc là đủ, đem nhiều thêm rối dễ quên. Chả bù hồi xài netbook: máy nặng cả ký lô, thêm cái cục sạc to nữa! Mà so ra, nó chạy chậm rì, thua xa mấy cái điện thoại smartphone bây giờ.

< Hương lộ 2 như bạn thấy đó: đường tốt, thưa xe và thi thoảng 2 bên có những khoảng vườn, đồng... chạy sướng.

Vùng đất Củ Chi có Đường Xuyên Á nối với Campuchia qua Cửa khẩu kinh tế Mộc Bài của tỉnh Tây Ninh nên giao thương phát triển cả nông nghiệp, công nghiệp và du lịch. Riêng khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư trong và ngoài nước với tỷ lệ thuê đất đạt 98%.

< Mặt đường không hẳn là tuyệt hảo nhưng thía này đã quá tuyệt vời rồi phải không? Giấc trưa, bọn mình cày những đoạn đường khủng hoảng lắm nhưng đó là chuyện sau.

< Những rẫy đầy các giàn khổ qua, bí... bên đường.

Củ Chi còn nổi tiếng với địa đạo Củ Chi. Đây là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất, cách Thành phố Hồ Chí Minh 70 km về hướng tây-bắc. Hệ thống này được quân giải phóng  và nhân dân đào trong thời kỳ Chiến tranh chông Mỹ và chính quyền Sài Gòn.  Hệ thống địa đạo dài 200km dưới lòng đất có bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc.

< Hành vi rải vàng mã nơi công cộng phạt tiền từ 5 đến 7 triệu. Đó là nội dung tấm bảng đỏ này.

< Ngã 3 phía trước, rẽ trái là đi huyện Đức Hòa, phải là Thủ Dầu Một. Mình rẽ trái nhưng chỉ để tránh cái trại lính. Chuyện cái 'trại lính' này cũng vui: Ở nhà, coi bản đồ, lộ trình bà xã tính là 'xuyên tâm' cái trại cho tiện (lúc đó đâu biết là doanh trại QĐ đâu). Nửa kia ngồi máy, mình xem ĐT, phóng to thấy đoạn sau đầy ổ voi nên nói vui, chắc mình phải đi bằng xe tăng em ơi. Nửa kia bàn thôi đến đoạn xấu, mình rẽ nhánh ra ngoài HL2...

< ... Bàn tính cho đã đến khi đến đây thì thấy cái cổng doanh trại quân đội chành oành, cổng có lính gác - Ai cho vào mà 'xuyên tâm'? 
(Đây chính là doanh trại, thao trường của sư đoàn 9). Vậy là rẽ trái theo bàn dân thiên hạ để chạy đường vòng (vị trí >).

< Đường vòng cũng chính là hương lộ 2.

Trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã sử dụng hệ thống địa đạo này để tấn công vào Sài Gòn. Địa đạo Củ Chi được xây dựng trên vùng đất được mệnh danh là "đất thép", nằm ở điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh. Hiện nay địa đạo Củ Chi được bảo tồn ở hai khu vực: Bến Dược (thuộc xã Phú Mỹ Hưng), Bến Đình (thuộc xã Nhuận Đức).

< Mé phải vẫn là tường của doanh trại. Ngoài ni cây ven đường xanh um.

< Mé phải, ngoài doanh trại QĐ có đoạn cũng toàn là nhà dân từa lưa.

Quốc lộ 22 đi qua xã Tân An Hội, huyện Hóc Môn và thị trấn Hóc Môn. Huyện Hóc Môn là một huyện ngoại thành của Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây còn nổi tiếng với tên gọi Mười tám thôn vườn trầu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

< Bảng chỉ đường đi Địa Đạo Củ Chi, có lẽ chính là ngã 3 mình sẽ rẽ.

< Để chắc chắn, không gì bằng điều nghiên bản đồ. Đúng rồi, ta rẽ trái thôi em (vị trí >).

Vào thời chúa Nguyễn khi phá vùng đất Tân Bình, phủ Gia Định này vào thời điểm 1698, nơi đây dân cư thưa thớt, đất đai còn hoang vu, địa danh "Hóc Môn" lúc đó chưa có tên gọi.

< Đây lại chính là HL2 đoạn thẳng tiến - thuộc xã Tân An Hội, huyện Củ Chi. Lúc này đã 6h17, đường vẫn còn xa lắm, xa mút mùa...

Sau đó có một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung chạy loạn lạc, đã đến vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp; lập ra những thôn ấp và nông trại, lúc đầu hình thành 06 thôn dần dần phát triển thành 18 thôn. Đến đầu thế kỷ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn những nét hoang dã, có nhiều đầm môn nước mọc um tùm, nên trong dân gian gọi vùng này có nhiều hẻm hóc lại có nhiều cây khoai môn vì vậy địa danh "Hóc Môn" có tên gọi từ đây (CauduongVN).
(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16Phần 17 - Phần 18 - Phần 19

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!