(Tiếp theo) - Đây là Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên (còn gọi là Chùa Cây Khô) thuộc xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Là một ngôi chùa ẩn mình trong rừng cao su bạt ngàn, một thiền viện yên tịnh cách xa nơi ồn náo nhiệt của cuộc sống đô thị phồn hoa.

< Xin trình trước là bọn mình không phải tín đồ Phật giáo dù các chuyến đi từ trước tới này thường ghé thăm nhiều chùa. Đơn giản do điều này: những nơi đó thường có kiến trúc đẹp, nhiều cây cỏ và quan trọng nhất là thanh tịnh. Vậy nên thích ghé để 'nhẹ lòng theo hương khói bay xa', thưởng lãm cảnh đẹp, nói nôm na là... nghỉ chân giây lát.

< Đường vào chùa thía này đây, nhìn sâu thẫm. Hai bên trồng rất nhiều cây đẹp. Mà chùa cũng nằm giữa rừng mà (vị trí >).

Chùa được xây giữa rừng, bên cạnh dòng Sông Bé: Thanh tịnh, thoát tục, quy củ đúng hệ phái Thiền viện Trúc Lâm. Trúc Lâm Thanh Nguyên là ngôi thiền viện đầu tiên của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tại tỉnh Bình Dương.

< Cổng Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên được xây dựng theo cung cách Cổng tam quan với 3 lối đi, mái lợp ngói đỏ gạch, cầu trúc gỗ, rất đẹp.

Khởi đầu của ngôi thiền viện là vào năm 2002, gia đình Phật tử Từ Vân đã phát tâm dâng cúng khu đất tại Ấp 7, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương lên Hòa thượng Thích Thanh Từ, với tâm nguyện là Hòa thượng sẽ tạo lập nơi đây một ngôi thiền viện, một đạo tràng tu học trang nghiêm cho từ chúng cùng về đây tu học.

< Trong khuôn viên chùa rất rộng lớn, giữa là Đại Hùng Bảo Điện, chung quanh có nhà khách, Phật đài Quan Âm, Phương trượng..., tất cả đều toát lên vẻ uy nghi nhưng thanh thoát.

< Cột của cổng là cột gỗ quý, rất lớn, bóng lưỡng.

Kể từ đó, do chưa hội đủ duyên lành nên khu đất đó vẫn tồn tại dưới dạng nông thiền.

< Không thấy bất kỳ ai nên cũng chỉ dám quanh quẩn phía trước thôi. Vậy nhưng cảnh vật này cũng đủ làm ta quên đi cái mệt đường dài.

Vào giữa năm 2013, khi duyên lành hội đủ, được sự cho phép của chính quyền sở tại và sự hỗ trợ của Phật tử gần xa, Ban quản trị thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã khởi công xây dựng ngôi thiền viện trên khu đất ấy và đặt tên là Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên.

< Nghỉ ngơi mươi phút rồi lại trở ra HL502 tiếp tục cuộc hành trình. Lúc này đã 7h kém 5. Chạy trăm mét, thấy cái cổng phụ của chùa bên trái.

< Đường vẫn khá vắng, lâu lâu mới thấy một chiếc xe. Vậy nhưng từ đoạn chùa trở đi, ta thấy có đèn đường còn con lộ vẫn nhiều ổ gà.

“Mái Chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ tông…”

< Qua ngã 3 phía trên thì gặp đường phẳng phiu, cây cỏ mát lạnh. Buổi sáng thích đi như vậy đó vì không nắng, vả lại, hôm nay trời khá âm u.

Sáng ngày 7/9/2014 (Nhằm ngày 14/8/Giáp Ngọ), lễ khánh thành Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên và an vị tượng Phật đã được diễn ra long trọng và trang nghiêm, dưới sự chứng minh của chư tôn đức lãnh đạo giáo hội, chư tôn đức tăng ni tại các tự viện thuộc tỉnh Bình Dương và các tỉnh thành lân cận, chư tôn đức tăng ni trong thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, cùng với sự hiện diện của các cấp lãnh đạo chính quyền cấp trung ương và địa phương và đông đảo đồng bào Phật tử từ khắp nơi về dự lễ.

< Nơi này vẫn trong địa phận xã Tam Lập nhưng có lẽ chút nữa thôi thì bọn mình sẽ vào xã Tân Định, hai xã cách nhau một dòng sông...

< Chưa đến sông, chưa qua cầu nhưng đoạn đường nì cũng đẹp như mơ, cũng chả thấy bóng người - xe,,,

Đây là tin vui cho Tăng, Ni Phật tử nói chung và thiền phái nói riêng, từ đây Phật tử Phú Giáo có thêm một ngôi nhà tâm linh để trở về sau những bôn ba dong ruổi với cuộc mưu sinh, cùng nhau tu tập tạo duyên lành để bớt khổ thêm vui. Thiền phái Trúc Lâm, có thêm một đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh, là nơi tu học cho Tăng Ni, Phật tử hữu duyên với thiền tông.

< Nhắc hoài thì cầu đây: Cầu Tam Lập nối liền đôi bờ hai xã Tam Lập và Tân Định (vị trí >).

Rất nhiều Phật tử đến đây đều phải thốt lên rằng vào thiền viện thật không muốn ra - vì sự yên tĩnh và trang nghiêm cộng thêm sự mát mẻ của thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên - Bình Dương.

< Phía dưới là dòng sông Bé đỏ ngầu phù sa, nước chảy cuộn...

Tại đây, cây xanh chiếm đến 70% thiền viện, giúp cho không khi trong lành.Giúp cho bạn cảm thấy mình đang sống hòa mình với thiên nhiên quên đi các lo âu vội vã của cuộc sống tất bật hằng ngày.

< Đứng giữa cầu mà chụp choạc nghênh ngang, có ai mô mà ngại?

Lại nói về một địa danh khác mà bọn mình sắp đi qua, đó là cầu Tam Lập.

< Bạn biết không, trước khi có cầu thì muốn qua lại, người ta phải đi bằng những chuyến đò ngang. Sông thì rộng, bờ cao và nước chảy cuồn cuộn: hiểm nguy khôn lường.

Cầu Tam Lập được khởi công vào ngày 28-4-2009, bắc qua sông Bé thuộc khu vực ấp Đuôi Chuột, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, nối liền với ấp Vườn Ươm, xã Tân Định, huyện Tân Uyên.

< Bà xã chộp bằng cái Nikon, vậy mình chộp với cái điện thoại. Vậy nhưng về rồi cũng chả biết những tấm ảnh nằm nơi mô, nằm trong máy nào - lãng!

< Quậy cho đã giữa cầu rồi thì đi, chạy một đoạn thấy có bóng người xe rồi.

Trước đây, người dân 2 xã Tam Lập và Tân Định muốn đi qua địa bàn của nhau phải đi đò trên dòng sông Bé (Bến đò Cây Khô). Đoạn sông chảy qua 2 xã có bờ dốc, nước chảy xiết rất nguy hiểm đặc biệt là mùa mưa. Nhằm tạo điều kiện cho nhân dân 2 huyện Tân Uyên và Phú Giáo có thể qua lại, thông thương và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, dự án cầu Tam Lập đã ra đời.

< Chiếc xe tải phía trước bò, chiếc xế con nối đuôi cũng... bò theo, kiên trì cả một đoạn dài.

< Mãi cho tới 1 ngã 3: tải quẹo phải, xế con rẽ trái - Còn ta? Ta cũng quẹo phải luôn!

Cầu Tam Lập có kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực gồm 5 nhịp, dài 165m, rộng 10m trên hệ thống cọc khoan nhồi đường kính 1.200mm được xây dựng cùng hệ thống đường dẫn 2 đầu cầu và hệ thống báo hiệu an toàn giao thông, hệ thống chiếu sáng đường bộ. Tổng mức đầu tư 65,7 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí xây dựng hơn 40 tỷ đồng.

< Đường cắt ngang chính là hương lộ 416, một dạng đường liên xã (vị trí >).

< Không phải nói, hai bên đường lúc ấy cũng là những vườn cao su non tầm một năm tuổi. Bạn chán rừng cao su chưa? Mình thì chưa vì không ngờ, thêm một đoạn đường nữa bọn này sẽ thấy một khung cảnh tuyệt vời tựa như miền cao nguyên Lâm Đồng.

Tháng 1 năm 2014, cầu được khánh thành đã góp phần vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Việc đưa cầu Tam Lập vào sử dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là tuyến giao thông huyết mạch giữa huyện Phú Giáo và Tân Uyên. Với người dân sống tại 2 xã Tam Lập và Tân Định, cây cầu được đưa vào sử dụng trước tết đã đáp ứng được sự mong mỏi bấy lâu nay bởi giờ đây họ qua sông mà không còn phải “lụy đò” nữa.
(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!