(Tiếp theo) - Giờ ta sẽ lạm bàn đôi chút về ngọn núi này.
Núi Bà Đen là một quần thể di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng, từ lâu vốn là biểu tượng về đất và người Tây Ninh.

< Nhìn chỗ này, hướng này thì trông sắc đẹp của hồ... khấm khá hơn. Những hồ nước ven chân núi Bà có được do trước kia người ta khai thác đá sau một thời gian dài, tự nhiên tạo nên cảnh quan...

Núi Bà Đen đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Trông xa xa ngọn núi như chiếc nón bài thơ nằm úp giữa vùng đồng bằng trù phú với những cánh đồng lúa xanh bát ngát, cây cối tươi tốt quanh năm.

< Những hồ này thường rất sâu, có khi đến hàng chục mét... cho nên người ta khuyên: ngắm thì ngắm chứ không tắm, tắm dễ toi.

Quần thể núi Bà trải rộng 24km², là một quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh thắng, gồm cụm 3 ngọn núi là núi Bà Đen, núi Phụng và núi Heo, trong đó cao nhất là núi Bà Đen.

< Đường vô thía này đây. Chả thấy ai, có lẽ vì ngày thứ 2 đầu tuần.

Núi Bà Đen thu hút khách thập phương vì cảnh núi trời hùng vĩ, có nhiều hang động, có nhiều ngôi chùa linh thiêng vốn là nơi ẩn cư của nhiều sư sãi. Trên núi có một số hang động được các tăng ni, Phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà…

< Cái hồ hình ngũ giác khá vuông vắn này trông khá giống... ao cá Bác Hồ... nhưng nó cũng sạch sẽ đó chứ, nước trong trẻo - hồ no name còn 2 cái trong kia được người đặt tên.

< Trở ra, chạy xe một đỗi thì thấy bảng hướng dẫn này đây: Thôi thì ta đi Hồ Núi Đá trước vậy.

Ở đây khí hậu ôn hòa mát mẻ vì ngoài cánh đồng bát ngát, núi Bà Đen còn được bao bọc bởi hệ thống kênh đào dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng (nằm giữa vùng giáp ranh Tây Ninh – Bình Dương) là hồ thủy lợi nhân tạo lớn nhất miền Nam.

< Đường vào hồ Núi Đá cây cỏ xanh um, ổ gà lỏi ngỏi (vị trí ở đây >). Không bóng người, chính vì vậy mà bọn mình thích đi ngày thường, ở Sàigòn người đã lắm rồi còn chi!

Qua những tài liệu còn bảo lưu đến nay, người ta biết có đến 3 truyền thuyết về tên gọi Bà Đen. Truyền thuyết thứ nhất kể rằng:

< Cái ổ voi choáng hết đường, ta cứ chạy sát mép là xong. Bên phải có tấm bảng gì đó nhưng qua thời gian, chỉ còn cái khung.

Thuở xa xưa núi Bà Đen vốn có tên là núi Một. Sự tích núi mang tên gọi Bà Đen được truyền tụng vào thế kỷ XVIII về người con gái tên Lý Thị Thiên Hương có võ nghệ cao cường, nhan sắc mặn mà với làn da bánh mật nên gọi là Bà Đen...

< Rồi cũng đến hồ, muốn thấy rõ phải đi xuống đôi chút. Không có bậc thang, cứ chậm chậm mà đi.

< Điền Gia Dũng đây, bà xã chộp bằng cái Nikon thì ta chớp với điện thoại.

Người yêu lên đường vì nghĩa lớn, cô ở nhà sống trong vòng vây của cường hào ác bá nhưng vẫn một lòng chung thủy với người yêu. Nàng là một người mộ đạo, mỗi dịp Nguyên Tiêu, nàng thường vượt đường xa lên núi lễ Phật.

< Xiaomi chụp nè, cũng đẹp đó chứ. Đẹp đây là cái hồ đẹp.

Một ngày kia, trên đường lên núi viếng chùa, nàng bị bọn cường sơn thảo khấu chặn đường uy hiếp. Thiên Hương chống trả rất quyết liệt, nhưng vì thân gái thế cô, nàng đành lao mình xuống vực sâu quyên sinh nhằm giữ tiết hạnh, quyết không chịu hoen ố thanh danh trong tay bọn chúng.

< Một đoạn vách hồ đầy đá lởm chởm. Thanh niên thì cứ leo trèo mà săn ảnh độc, còn thứ già ta chi ngồi trên đống đá, ngắm cho đã con mắt rồi phang thôi!

Đêm ấy, Thiên Hương về báo mộng cho nhà sư trụ trì ngôi chùa trên núi biết nơi thân thể cô đang bị gió sương bào mòn. Hôm sau nhà sư lần xuống vực sâu tìm xác nàng đi an táng. Tương truyền, Bà Đen lúc sinh thời thường làm phước, lập đức giúp đời, lúc chết rất hiển linh, vẫn ban an lành cho chúng sinh, thiện tính mười phương. Tin này lan rộng ra, từng đoàn người về tụ họp trên núi để chiêm bái và cầu nguyện vì sự linh thiêng của người con gái tiết hạnh, xin cô phù hộ độ trì.

< Ngắm nghía một hồi cho thỏa, bỗng nắng lên - bọn mình đi tiếp. Kề cận đó có tấm bảng kẻ tay nguệch ngoạc ghi 'Núi Đá', vậy là quẹo vào đó 'khám điền thổ'.

< Đường vào đoạn này tuyệt đẹp không thua cái hồ, chỉ ghét cái sợi đây điện giăng loằng ngoằng.

Nhà chùa đã lập điện thờ bà trên núi để mọi người cúng bái, từ đó núi có tên là núi Bà Đen. Khi chúa Nguyễn Ánh lên ngôi, vua nhớ lại khi bôn tẩu khắp miền Nam, lúc đến gần núi được bà mách bảo chỉ đường lánh nạn, liền sai Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng đốc thành Gia Định lên núi sắc phong cho bà, truy tặng cho bà danh hiệu Linh Sơn Thánh Mẫu, đặt tên chùa là Linh Sơn Tiên Thạch Tự và tạc tượng bà bằng đồng đen để cho nhân dân thờ phụng.

< Lo ngắm nghía, chút nữa đâm vào cái ổ khủng long to kềnh lầy lội.

< Vào đến phía trong: hóa ra chỉ có cái quán và một đoạn chỏm núi đá liêng xiêng. Trẻ thì có sức bèn leo, ta mô trèo nổi ngoắc đầu thoái lui, ha ha...

Truyền thuyết thứ hai thì cho rằng:

Trong thời gian đất miền Nam còn thuộc phần đất đai của người Thủy Chân Lạp, tại vùng Tây Ninh có một vị viên quan trấn thủ trong vùng sinh được một trai một gái: người con trai tên là Thạch Biên, người con gái là Thạch Nương còn được gọi là nàng Đênh, theo tiếng địa phương hồi bấy giờ.

< Càng nhìn, càng khoái xuống hồ lắm nha, hồi thanh niên thì mình cũng là tay lặn khá tốt - chỉ hít một hơi là lặn ra đến giữa dòng Kênh Tẻ. Bây giờ thì độc chiêu hơn, một hơi có thể lặn đến 3 ngày mới lên; vậy nên không xuống.

Khi nàng Đênh lên 13, một hôm có một nhà sư tên là Trung Văn (hay Vân) Danh, đạo hiệu Trừng Thanh, từ Quảng Đông theo thuyền buôn đến vùng này tìm một nơi để dựng chùa, thờ Phật và hoằng pháp độ sanh...

< Lót tót quay trở ra, đường đá lạo xạo cũng chả có bóng ai. Lúc này đã 9h20.

Khi đến nhà quan trấn thủ, vị sư hỏi thăm về việc truyền đạo và dò la kiếm nơi trú tạm để truyền đạo. Quan trấn thủ mời nhà sư tạm nghỉ tại nhà mình để tiện việc học đạo Phật. Nhà sư bằng lòng và nhân đó thường giảng kinh sách cho gia đình quan trấn và đội cơ vệ. Trong dịp này nàng Đênh cũng theo học đạo. Sẵn trí thông minh, lòng mộ đạo cho nên nàng lĩnh hội rất nhanh chóng, chẳng bao lâu trở thành một môn đồ chân chính của nhà sư Trừng Thanh.

< Ra đường vòng quanh núi, thẳng tiến đi Ma Thiên Lãnh. Xem tên địa danh này ngầu thiệt, hổng biết chốn ấy có cái chi chi, liệu có hợp nhãn bọn sồn này không hỉ?

< Đường lên Ma Thiên Lãnh đây, vị trí >.

Quan trấn cũng cho lập một ngôi chùa ở phía đông chân núi Bà Đen gần làng Phước Hội, mà dân chúng trong vùng thường gọi là chùa Ông Tàu. Nàng Đênh càng lớn lên càng xinh đẹp tuyệt trần. Quan trấn thủ vùng Trảng Bàng liền cho người đến mai mối để xin cưới nàng Đênh cho trưởng tử của mình. Thân phụ nàng Đênh chấp thuận và hai bên chuẩn bị cho hôn lễ.

< Dốc chỉ đôi chút thôi, vài chỗ quanh co như đường đèo.

Nhưng khi đó, nàng Đênh đã quyết xuất gia tầm đạo, nên bỏ nhà ra đi, biệt tăm tích. Gia đình hai bên cho người tìm kiếm khắp nơi nhưng không tìm thấy, sau cùng chỉ tìm được một khúc chân bỏ lại mà mọi người cho là của nàng Đênh. Khúc chân này được mai táng ở chân núi Bà Đen.

< Tiếng gió vi vu bên tai, lá xào xạc. 'Ma' nếu có thì xin mời, Điền này chỉ sợ 'quỷ' sống thôi!

Khi nhà sư Trừng Thanh trở lại đã làm lễ siêu độ cho nàng Đênh. Nàng cũng ứng mộng cho những người trong gia đình biết là nàng đã được hiển thánh. Từ đó, dân chúng trong làng lập miếu thờ cúng nàng. Bất cứ ai có khó khăn, bệnh tật gì, đến cầu khẩn, cúng bái đều được giải trừ tai kiếp.

< Một đoạn cua nhỏ đường te tua, trồi sụt đá lởm chởm, bà kon chạy cẩn thận nghen vì sẽ không thấy sau đường cong trước mặt có gì.

< Một nhóm thanh niên túm tụm chụp ảnh ven đường, ta áo dài học sinh tha thướt giống như những cô người mẫu nhỏ. Cuối đường gặp barie chặn ngang, muốn vô thì gởi xe - Bọn mình không muốn vô nên quay đầu!

Khi chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi, chạy đến vùng này thì hết lối, liền cầu khẩn đền nàng Đênh (Linh Sơn Thánh Mẫu) thì Thánh Mẫu báo cho biết con đường sang Thái Lan để cầu viện và đã cầm chân được binh sĩ Tây Sơn. Khi vua Gia Long lên ngôi, nhớ đến ơn cứu tử, liền sai quan quân đến vùng này để trùng tu và cúng bái đền Thánh Mẫu rất trang trọng. Tờ sắc phong ngôi Quốc tự này đến nay vẫn còn được bảo lưu tại chùa Linh Sơn Tây Ninh.

< Chạy xuống lại gặp nhóm trẻ giờ đã chụp xong, túm tụm ngồi tán dóc.

Truyền thuyết thứ ba thì không kể đến sự tích của vị thần núi mà là sự tích của hòn núi.

Ngày xưa, người Khmer không xác định được là theo phụ hệ nay mẫu hệ. Bữa nọ, có một người con gái tên là Rédeng đến rủ một chàng trai trong thôn cùng nhau thi tài về cách đắp thành hòn núi: nội trong vòng một đêm, ai đắp xong trước sẽ được thắng cuộc, người thua cuộc sẽ phải chịu đứng ra cưới người kia. Họ đồng ý tham dự.

< Bọn trẻ túm tụm thì bọn mình cũng 'họp chợ' cách vài mươi thước, dưới bóng mát cây xanh.

Chàng trai ỷ mình có sức khoẻ, cho nên lần chần đã không chịu làm. Trong khi đó thì nàng Rédeng cần mẫn, đắp xong ngọn núi trước và thắp đèn báo hiệu cho biết là mình đã thắng cuộc. Khi đó, chàng trai mới chợt tỉnh và biết là mình đã thua cuộc. Chàng liền sai con voi trắng đến phá núi, nhưng con voi đã bị nàng Rédeng làm phép biến thành voi đá. Chàng trai không chịu nhượng bộ, liền cho bầy lợn, gà trống đến phá; nhưng rồi tất cả đều bị biến thành đá. Chàng trai tự mình đến phá núi cũng không thành tựu được. Núi ấy còn lại cho đến ngày nay tức là núi Bà Đen. Thật ra, tên là Rédeng, nhưng người địa phương gọi tắt là nàng Đen hay Bà Đen.


< Uống nước, chụp choạc đã rồi thì hạ sơn. Đường lúc này vẫn vắng teo.

Những người đam mê leo núi thường chinh phục đỉnh núi Bà theo hai con đường mòn chính. Một đường mòn nằm sau lưng Điện Bà ở lưng chừng núi, đường này gập ghềnh, khó đi với vách núi dựng đứng, những tảng đá lớn xếp chồng lên nhau ngổn ngang. Một đường mòn khác bắt đầu từ Đài Liệt sĩ dưới chân núi, đi men theo các trụ điện lên thẳng đến đỉnh. Cả hai con đường lên đỉnh đều quanh co khúc khuỷu.

< Một quán nhỏ ở đầu ngoài ngã 3 đường vào Ma Thiên Lãnh, có cả xăng chai.

Người leo núi có thể dừng chân nghỉ ngơi dưới những tán lá xum xuê, nếu may mắn có thể thấy được những chú khỉ hoang dã sống trên núi. Hai bên đường, tiếng chim hót véo von và tiếng nước chảy róc rách hòa cùng nhau tạo thành bản tình ca trong trẻo của núi rừng. Lưng chừng núi có nhiều hang động, có những mạch nước rỉ nhỏ ra. Chốc chốc lại gặp am thờ, khách thập phương dừng lại dâng hương. Gần đến đỉnh là lãnh địa của cỏ tranh, tre, trúc, hoa ngũ sắc và bạt ngàn cỏ lau. Những cánh rừng cỏ lau rậm rạp liêu xiêu trong gió làm cho cảnh chiều tà trên đỉnh núi thêm huyền ảo.

< Bọn mình chạy thẳng ra con đường cắt ngang bên ngoài, đó chính là TL785. Đoạn này sẽ chạy quanh núi, hướng đi Thạnh Đông.

Việc hành hương về viếng chùa trên núi Bà Đen vào mùa xuân từ lâu đã trở thành tập tục quen thuộc với người dân Tây Ninh và các tỉnh lân cận.

Tháng Giêng hàng năm, dân chúng thập phương đổ về núi viếng bà, cầu tài, xin lộc rất đông. Từ những ngày tết cho đến suốt tháng Giêng, ngày nào cũng có hàng vạn người đến vãn cảnh núi Bà.
(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16Phần 17 - Phần 18 - Phần 19

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!