(Tiếp theo) - Đi qua vùng đất này mà không nhắc đến Kênh Đông là một thiếu sót lớn. Do bài trước, mình đã đề cập đến vùng đất thép Củ Chi nên bài này sẽ có đôi dòng về Kênh Đông, một con kênh mà người ta ví như công trình “địa đạo nổi” đã làm thay đổi căn bản về kinh tế, đời sống của vùng đất địa đạo nổi tiếng.

< Trên đường Trung Lập, lúc này đã 7h kém 5 phút ngày 19/8. Vị trí lúc này ở đây >

Kênh Đông Củ Chi thuộc hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và hơn 1,5 triệu ngày công lao động xã hội chủ nghĩa của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Công trình hoàn thành cơ bản vào năm 1985 và hiện nay đã được bê tông hóa vững chắc. Kênh có chiều rộng trên 6m, tổng chiều dài các kênh tưới (kênh chính, kênh nội đồng) hơn 500 km và 200 km kênh tiêu.

< Rừng cây trồng xanh um hai bên, con lộ phẳng phiu, khá vắng xe.

Sau giải phóng, vùng đất Củ Chi gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nỗi lo thường trực là đói giáp hạt. Cứ khoảng độ tháng tư, tháng năm là người dân phải chạy lo từng bữa ăn. Dù đã có nhiều cố gắng, cật lực lao động, nhưng do đồng ruộng khô cằn, khi có mưa thì phèn dậy, sản xuất lúa chỉ một vụ, các loại cây trồng khác thì năng suất rất kém.

< Đường Trung Lập láng lẫy, khung cảnh 2 bên là đồng quê xanh mát.

< Thi thoảng lại băng ngang qua những xóm nhà lúp xúp, nhà nào nhà nấy rộng rãi, có sân vườn trước sạch đẹp. Có điều lạ này, những cột rào hoặc cổng đều có hình tượng chú chó trên đầu cột.

Mình chỉ biết rằng: Trong phong thủy, khi muốn hóa giải sát khí, người ta thường sử dụng tượng những con vật như kỳ lân, rồng,…Ngoài những loài vật kể trên, người Việt ta còn sử dụng tượng chó bằng đá để thờ với niềm tin về vị thần gác cửa. Ở Củ Chi, vùng đất mà bọn mình chạy ngang qua thì đặt biết là hầu hết nhà đều có hình tượng này trước cổng.

< Gặp cái chợ chổm hỗm phía trước có người buôn bán tấp nập.

Lão nông Tô Văn On, 75 tuổi, ngụ ấp Vân Hàn, xã Trung Lập Thượng, nhớ lại: “Thời ấy nhà nào có ruộng cò bay thẳng cánh mới có lúa gạo ăn quanh năm. Gia đình tôi đông con, ruộng ít nên cứ tới tháng năm, tháng sáu là phải ăn độn thêm các loại củ môn, củ mì (sắn). Không những vậy, khoảng đầu tháng tư nắng nóng, nước mạch tắc hết, nước giếng dùng cho sinh hoạt cũng không có, muốn có nước phải đào sâu vào lòng đất. Ăn uống thiếu thốn thì đừng có mong gì chuyện xa xôi khác, chuyện học hành của sắp nhỏ trong xóm, trong ấp cũng không tròn”…

< Dừng, móc bản đồ ra coi...
Hóa ra đây là ngã 3 Cầu Cát, vị trí lúc này ở đây >. Queọ phải là đến Đền Bến Dược - Địa Đạo Củ Chi còn rẽ trái là đi Sóc Lào. Bọn mình rẽ trái.

< Đường rẽ trái nó thế này đây. Hai bên có cơm tấm cơm phần, có sửa xe, có tiệm sơn, có tá lả...

Nguyên Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Văn Luân (Ba Luân) bồi hồi nhớ lại: Để giải quyết vấn đề lương thực, cho dân có cái ăn no đủ thì phải cần nước, tức là làm thủy lợi. Máy móc, thiết bị thì thời buổi mới giải phóng thiếu thốn, vậy là sức người được huy động tối đa.

< Lúc này đã 7h. Trong dự định trước khi vài ngày, nửa kia muốn chạy ngõ đền Bến Dược để đến Dầu Tiếng trước, sau đó sẽ đi Núi Bà. Sát sườn ngày đi, đổi ý thành ra đi 'Bà' trước, đi 'Dầu' sau. Mình thì sao cũng được, đi kiểu này thì trưa xực phàn ở Núi Lở rồi kiếm nhà nghỉ luôn.

Hàng trăm nghìn thanh niên trai trẻ được huy động, ngày ấy người ta gọi là 'đi thủy lợi'. Với phương tiện là cuốc xẻng và công cụ đặc chế là cái len (còn gọi là cây vá), ngày đêm họ đào kênh với khí thế như những năm đào địa đạo.

< Bảng phía trước ghỉ: quẹo phải là Trảng Bàng (15km), trái là Bùng Binh (2km). Chả biết Bùng Binh là địa danh gì nhưng xem bản đồ thì lộ trình ta vẫn phải chạy thẳng, tức là rẽ phải.

“Ngày xưa đào địa đạo thì phải bí mật vì sợ địch phát hiện, còn bấy giờ đào tuyến kênh Đông, tụi tui hát hò vui vẻ quên cả mệt nhọc. Đào kênh để ruộng đồng mát xanh, để quê hương đổi thay, thanh niên tụi tui thay nhau đào ngày này qua ngày nọ để sớm đưa nước về chân ruộng” - kiện tướng đào kênh Nguyễn Thị Ngỡ, ấp Lào Táo Thượng, xã Trung Lập Thượng kể lại chuyện xưa.

< Nhánh rẽ kia đây, bọn mình bỏ qua luôn.

Cái len có cán dài, người sử dụng xắn xuống phần đất sình rồi dùng chân đạp cho lút phần máng của len. Tay kia nắm phần tay cầm ngang, nhất đầu máng đưa phần đất tròn dài tung lên bờ. Dãy người còn lại chuyền tay nhau những thỏi đất đưa đến chỗ nào họ muốn đắp đê. Cứ thế, từng thỏi đất đưa lên trở thành những con đê, con kênh vững chắc và kéo dài hàng trăm cây số đưa nguồn nước mát lành đi khắp vùng.

< Bảng hạn chế tốc độ 50km/giờ là quá đủ cho dạng đường tỉnh lộ hay hương lộ. Xem ra, dầu gì cũng phải cảm ơn ông Đinh La Thăng vì trước khi có quyết định của ổng, giới hạn mấy đường này chỉ 40km, chán lắm!

< Ít xe, không phải yên hùng xa lộ nhưng cứ tốc độ làn tàng thì biết ba giờ mới đến. Năm mươi là vừa, sáu mươi là đủ (ý nói đường QL chứ không phải độ tuổi nghen - tuổi thì chỉ thích 25, he he).

Sau một thời gian dài thi công bằng sức người và cơ giới, năm 1985, công trình kênh Đông Củ Chi chính thức được đưa vào sử dụng, đưa dòng nước mát từ hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) về tưới cho 12.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của 12 xã phía bắc Củ Chi.

< Chuyến này đổ xăng đôi ba lần, mỗi lần châm đầy bình chỉ ba bốn chục gì đó - bình cỏn con của Sirius chỉ vỏn vẹn 3 lít hơn, không bỏ bèn gì so với 8L của chiếc Win100 ngày trước. Được cái, dòng Fi của Yamaha này tiết kiệm xăng dạng bà cố nên cũng đỡ.

Kênh Đông Củ Chi đã nhanh chóng khẳng định được vai trò phục vụ sản xuất, góp phần to lớn vào việc phát triển kinh tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nói chung và huyện Củ Chi nói riêng. Từ khi có nước kênh Đông, ngoài tác dụng thau chua rửa phèn, làm sống dậy những vùng đất hoang hóa như Tam Tân - Thái Mỹ, nguồn nước này còn giúp cho nông dân yên tâm sản xuất, không còn trông chờ vào “Ông Trời”.

< Bảng chỉ đường thể hiện ngã 4 phía trước. Thẳng là Bến Củi, quẹo trái là Trảng Bàng còn phải là... xuống sông (đúng nghĩa đen), sông đây hình như là đầu nguồn sông Sàigòn.

Từ chỗ chỉ sản xuất được một vụ lúa với các giống địa phương năng suất thấp, bà con đã sản xuất được bốn vụ/năm. Năng suất lúa từ 1,2 - 1,5 tấn/ha/vụ (trước năm 1985), tăng bình quân lên 4,5 tấn/ha/vụ. Đậu phộng (lạc) từ 0,8-1,2 tấn/vụ/ha, tăng bình quân lên 3,2-3,5 tấn/ha/vụ...

< Bún riêu cua bên trái, ai ăn hông? Ở Sàigòn, tìm chỗ riêu cua thiệt cũng hiếm, toàn là giả cua thôi.

Cứ như thế, sản xuất nông nghiệp của huyện Củ Chi liên tục phát triển. Không dừng lại ở cây lúa, đậu, hoa màu, nông dân Củ Chi còn tận dụng nguồn nước để nuôi trồng thủy sản với diện tích hơn 1.000 ha. Kênh Đông còn tạo ra mạch nước ngầm phục vụ cho đời sống dân sinh và sản xuất công nghiệp, đa dạng môi trường tự nhiên cho các loài thủy hải sản sinh sôi phục vụ cho đời sống con người và cân bằng môi trường sinh thái.

< Hai lữ khách không cô đơn nhưng thấy cô đơn trên con đường vắng vẻ, nhưng vậy mới thích. Đường xôm tụ quá, ở thành phố có đầy!

Cũng nhờ có công trình thủy lợi này, TP Hồ Chí Minh đã chủ động được nguồn nước, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản; cấp nước sinh hoạt cho khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi. Công trình còn có vai trò quan trọng trong việc đẩy mặn khu vực ven sông Sài Gòn, gồm Củ Chi, Hóc Môn, quận 12 và khu vực bắc Bình Chánh với hơn 20.000 ha và phòng, chống cháy rừng.

< Qua cây cầu Cả Chúc trên TL6 thuộc Trảng Bàng, vị trí cầu này ở đây >.

Ngày nay, Củ Chi đã bê-tông hóa 575 tuyến kênh tưới, 78 tuyến kênh tiêu với chiều dài 582 km. Ngân sách thành phố đã đầu tư xây dựng hai nhà máy nước Tân Thông Hội với công suất 240 nghìn m3 /ngày đêm và khu công nghiệp Tây Bắc 150 nghìn m3. Nhà máy nước Tân Thông Hội đang cung cấp 180 nghìn m3 /ngày đêm cho TP Hồ Chí Minh. Sắp tới, để bảo đảm nước sạch cho người dân sử dụng theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh, huyện Củ Chi và Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), đang xúc tiến đầu tư công trình để 100% hộ dân ở Củ Chi có nước sạch sinh hoạt vào năm 2020.

< Lại dừng chút đinh dưới bóng cây, ngắm nghía đường đi: ta vẫn đúng hướng rồi anh ơi, sắp tới Sóc Lào.

Ngày qua ngày, hệ thống kênh Đông Củ Chi mang dòng nước ngọt từ hồ Dầu Tiếng về tưới mát ruộng vườn, cho lúa thêm trĩu hạt, cây trái trĩu cành. Trong dòng chảy ấy có cả mồ hôi, nước mắt của bao thế hệ người dân nơi đây đã lao động đêm ngày cho dòng kênh mãi xanh.

< Ngã 3 Sóc Lào đây! Nơi này có chợ cùng tên thuộc ấp Sóc Lào Xã, Đôn Thuận, Trảng Bàng, Tây Ninh (vị trí >). Lúc này cũng chỉ mới 7h18 phút thôi. Nhưng đây vẫn chưa là đích đến, đường con xa lắm anh ơi...

Củ Chi anh hùng trong kháng chiến đang đổi thay từng ngày. 40 năm sau giải phóng, Củ Chi đã có nhiều công trình quan trọng phục vụ quốc kế dân sinh. Trong đó, kênh Đông Củ Chi là công trình được nhắc đến nhiều nhất vì đã góp phần làm đổi thay căn bản về đời sống kinh tế ở địa phương, tạo tiền đề để Củ Chi ngày càng giàu đẹp.
(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16Phần 17 - Phần 18 - Phần 19

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!