(Tiếp theo) - Rời khỏi núi Bà Đen, bọn mình vẫn còn trong địa phận TP Tây Ninh.

Tây Ninh là thành phố tỉnh lỵ, trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị, hành chính của tỉnh Tây Ninh.

< Rời Ma Thiên Lãnh, rẽ phải đi Thạnh Đông. Đoạn đường DT785 lúc này vẫn chạy quanh núi Bà, rất nhiều vườn mãng cầu dai trồng quanh núi.

Thành phố Tây Ninh cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 100 km về phía Tây Bắc, có vị trí chiến lược quan trọng, là nơi giao nhau giữa các quốc lộ 22B, đường đi đến cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát.

< Mỏ đá ven chân núi vẫn gặm dần vào Núi Bà. May mà núi lớn chứ không thì như Đồng Nai, nhiều quả núi đã mất tiêu.

Thành phố Tây Ninh có khí hậu đặc trưng vùng Đông nam bộ, thời tiết tương đối ôn hoà có 2 mùa gió chính đông bắc và tây nam đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo ẩm.

Mùa khô bắt đầu tháng 11 đến tháng 4 năm sau , mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 năm sau, tháng 12 nhiệt độ có thể giảm dưới 20 °C và thường duy trì ở mức 17 đến 23°C vào ban đêm nhưng vào ban ngày có thể lên 30 đến 33 °C.

< Chợ Thạnh Đông đây, theo lộ trình thì bọn mình sẽ quẹo phải đi xã Suối Đá - lúc này là 10h ngày 19/8.

Thời tiết se lạnh và khô hanh đầu mùa và giữa mùa khô thường duy trì từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau đến tháng 3 đến tháng 5 thời tiết rất nóng khô và khó chịu rất dễ xảy ra hỏa hoạn. Mùa mưa thời tiết nóng ẩm mưa nhiều ngoài ra có nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan như: mưa đá, dông, lốc xoáy, bão...

< Chỉ mới rẽ qua một đoạn thì thấy cái chùa Khơme này...

Chút thông tin về TP Tây Ninh.
Một chút thôi vì bọn mình đã theo tuyến đường DT785 rời khỏi thành phố sau khi qua các xã Thạnh Tân, Thạnh Trung qua con đường Khédol - Suối Đá. Tại sao là Khedol? Đơn giản thôi, Khedol là tên một ấp - con đường nối từ địa danh này đến xã Suối Đá nên gọi là 'đường Khédol - Suối Đá', dễ hiểu ghê nghen!

< Đây là Chùa Botum Kirirangsay, không dám so với các chùa Khơme ở miền Tây nhưng cũng thật đẹp dù nhiều cong trình phụ vẫn còn xây dựng dang dỡ.

Rời Thạnh Đông, bọn mình bắt đầu vào địa phận huyện Dương Minh Châu - lại có chuyện để lè nhè rồi đây:

Dương Minh Châu là một huyện nằm ở phía đông tỉnh Tây Ninh.

< Đứng trước cổng chùa, nhìn mé trái thấy núi Bà Đen sừng sững.

Huyện được đặt cùng tên với Anh Hùng Lực Lương Vũ Trang Nhân Dân, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Tây Ninh ông Dương Minh Châu.

< Còn phía trái là đoạn đường Khédol - Suối Đá mà bọn mình vừa qua và rẽ vào đây.

Huyện được đặt cùng tên với Anh Hùng Lực Lương Vũ Trang Nhân Dân, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Tây Ninh ông Dương Minh Châu.

< Loanh quanh trong chùa chộp ảnh bằng cái điện thoại, quay lại thấy cái... cục cưng của mình đang chờ, he he - ta đi nào.

Về Địa lý:
- Phía Đông huyện giáp huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
- Phía Tây giáp thành phố Tây Ninh và huyện Hòa Thành.
- Phía Nam giáp các huyện Gò Dầu và Trảng Bàng.
- Phía Bắc giáp huyện Tân Châu.
Diện tích của huyện là 434,51 km2.

< Trước khi ra, chụp luôn cái cổng vẫn còn xây dở dang.

Năm 2009 (tại sao Wiki lại dùng những con số cổ lỗ sĩ này hỉ?), dân số khoảng 104.302 người đa phần là dân tộc Kinh, trong đó có 52.467 nam và 51.835 nữ. Dân số thành thị có 5.635 người và nông thôn có 98.667 người. Đến năm 2015, tổng dân số là 128.061 người.
Một phần hồ Dầu Tiếng nằm trên địa bàn huyện, cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trên toàn huyện.

< Đường Khédol - Suối Đá nhỏ thôi nhưng phẳng phiu, vạch kẻ nghiêm chỉnh. Những cái bảng đỏ ven đường ghi Cấm đổ rác. Pà kon có rác thì tự xử ở nhà chứ không đem ra đây à nghen! Cảnh vật hai bên đường đẹp thế này, đừng nỡ lòng nào vứt rác thải tùm lum.

Về hành chính, huyện gồm 1 thị trấn Dương Minh Châu và 10 xã: Bàu Năng, Bến Củi, Cầu Khởi, Chà Là, Lộc Ninh, Phan, Phước Minh, Phước Ninh, Suối Đá, Truông Mít.

< Chạy mãi, chạy triền miên vẫn chưa hết núi. Nhìn trên bản đồ vệ tinh, núi nhỏ téo so với hồ Dầu Tiếng nhưng thật sự to bành ky!
Hai bên đường vẫn là các vườn mãng cầu dai, nhiều thiệt đó!

Nói về lịch sử:
- Giữa tháng 5 năm 1951, theo yêu cầu của cuộc kháng chiến, huyện căn cứ Dương Minh Châu được thành lập, huyện lấy tên đồng chí Dương Minh Châu.

Về mặt hành chính huyện căn cứ gồm 5 xã: Ninh Thạnh, Thạnh Bình, Chơn Bà Đen, Phước Ninh, Định Thành. Tỉnh uỷ Gia Định Ninh chỉ đạo tách một phần xã Ninh Thạnh nhập vào một phần xã Thái Bình, thành lập xã mới là xã Thạnh Bình...

< Gặp ngã 3 nên dừng lại xem đường cho ăn chắc. Thấy người ta bán mãng cầu, sản phẩm địa phương tùm lum nhưng không dám mua vì đang đi chơi mà, trái to trông ngon lắm.

Các xóm quanh núi Bà cùng các xóm dân cư trong khu căn cứ hình thành xã Chơn Bà Đen. Hai xã Lộc Ninh và Phước Hội nhập lại thành xã Phước Ninh; tách ấp Bến Buôn của xã Phước Ninh nhập vào một số xóm dân cư ven sông sài Gòn thành lập xã Định Thành. Dân số khoảng 10.000 người.

< Nghiền ngẫm bản đồ, ta chạy thẳng đi Suối Đá em ơi.

- Sau năm 1975, huyện Dương Minh Châu có 10 xã: Bàu Năng, Bến Củi, Cầu Khởi, Chà Là, Lộc Ninh, Phan, Phước Minh, Phước Ninh, Suối Đá, Truông Mít.

< Đã vào xã Suối Đá. Dự tính trước của bọn mình là sẽ theo tiếp đường Suối Đá - Phước Ninh qua Bàu Dài, Bến Củi... để đến Dầu Tiếng.

- Ngày 13 tháng 5 năm 1989, tách 2 vùng kinh tế mới Tân Thành và Suối Dây để hợp với 8 xã thuộc huyện Tân Biên thành lập huyện Tân Châu.

< Vậy nhưng Trời khiến: Vào trung tâm xã Suối Đá, thấy con đường DT781 đầy... thiên thời địa lợi nên dừng lại, uống nước nghỉ chân rồi tham khảo ý kiến cư dân loanh quanh, cốt yếu chỉ muốn biết cái đường đê ven hồ Dầu Tiếng có... ổn không thôi (ổn đây nghĩa là đừng quá 'lầy lội').
Mà lạ, người thì nói chạy vi vu, người khác bàn nó hơi... lưng tưng - đi đường khác xa hơn nhưng phẻ!


< Nghe xong nhiều ý kiến ý cò, cuối cùng bọn mình ra lộ và gút lại: Từ sáng giờ, đi đường lộ từa lưa rồi nên bi giờ phải... chiến đường đê - Dzị là đi - cứ chạy thẳng đường Nguyễn Chí Thanh này (DT781) là sẽ gặp hồ Dầu Tiếng.

- Ngày 13 tháng 1 năm 1999, thành lập thị trấn Dương Minh Châu - thị trấn huyện lỵ huyện Dương Minh Châu trên cơ sở điều chỉnh 465 ha diện tích tự nhiên và 7.985 nhân khẩu của xã Suối Đá.


< Đụng cái hồ thiệt! Đường cắt ngang Bàu Cỏ - Suối Đá phía trái, tức là rẽ vố đó thì đi Tân Châu, đường thấy tốt keng - lúc này vị trí bọn mình ở đây >

- Ngày 12 tháng 1 năm 2004, một phần diện tích và dân số của xã Suối Đá được điều chỉnh về huyện Tân Châu quản lý. Cụ thể:
* 7.433 ha diện tích tự nhiên và 1.104 nhân khẩu (các ấp Tà Dơ, Đồng Kèn) của xã Suối Đá được chuyển về xã Tân Thành, huyện Tân Châu quản lý.
* 7.930 ha diện tích tự nhiên và 1.775 nhân khẩu (ấp Suối Bà Chiêm) của xã Suối Đá được chuyển về xã Tân Hòa, huyện Tân Châu quản lý.
Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Dương Minh Châu còn lại 43.451 ha diện tích tự nhiên và 100.047 nhân khẩu, gồm 1 thị trấn và 10 xã.

< Còn nếu quẹo phải theo dự định đường đê của bọn mình thì thía này đây, khá là lôm côm vì các ổ gà.

Hệ thống đường giao thông của huyện tương đối hoàn chỉnh, đảm bảo được yêu cầu giao thông trong huyện. Phía Bắc huyện có đường tỉnh 781 trải nhựa, từ thành phố Tây Ninh đến đập chính Hồ nước Dầu Tiếng dài 30 km. Dọc theo phía Tây huyện có đường tỉnh 784 từ Bàu Năng qua ngã ba Đất Sét xuống Bàu Đồn (Gò Dầu) dài 20,7 km. Phía Đông huyện có đường tỉnh 789 dài 18 km từ Bến Sắn đến Củ Chi (TP HCM). Ngoài ra, còn có các đường trải sỏi đỏ, đường đất nối huyện lỵ với tất cả các xã.

< Nhưng đường khá xấu thì cũng mặc, ta vẫn chọn thôi. Nhưng trước tiên phải chạy lên bờ đê xem một tý đã - Vững tay lái mà trườn lên dốc thôi!

Hệ thống đường giao thông được nâng cấp thuận tiên cho việc chuyên chở hàng hoá và đi lại thường ngày.

Về tín ngưỡng tôn giáo, cư dân trong huyện chủ yếu theo đạo Cao Đài và đạo Phật.

< Trên đỉnh con đê cao dăm bảy mét này, nhìn thấy đường thẳng tiến xuống một góc nhỏ của lòng hồ... thiếu nước - có lẽ do năm nay ít mưa thì phải!

Trước Cách mạng tháng Tám, phần lớn, đất huyện Dương Minh Châu là rừng và đồn điền cao su. Thêm vào đó, là công trình thuỷ lợi Lòng hồ Dầu Tiếng được khởi công từ cuối năm 1979. Diện tích mặt hồ khoảng 27000 ha, có sức chứa 1,45 tỉ m3 nước. Đây là  nguồn nước cung cấp cho việc sản xuất nông nghiệp và dân sinh của toàn tỉnh.

< Còn đây là đường đê, bọn trẻ chạy xe đi học được thì chả nhẽ mình không chạy được hay sao? Tuy nhiên, trẻ đi học chỉ vài cây còn bọn mình cày từ sáng sớm đến giờ chắc cũng tầm đôi trăm cây rồi còn gì!

Bên cạnh đó, đất đai huyện gồm hai loại đật chính là đất xám và đất phù sa, với hệ thống thuỷ lợi Hồ Dầu Tiếng, huyện rất có tiềm năng cho việc phát triển nông nghiệp thuỷ sản và kinh tế du lịch. Chính vì thế mà ngày nay, những địa danh như: Nông trường cao su Dầu Tiếng, Nông trường cao su Bến Củi, Cầu Khởi, Hồ Dầu Tiếng, cầu Kênh Tây, cầu Tân Hưng,… là niềm tự hào một thời của người dân Dương Minh Châu.

< So đo nhìn đường đê đất đỏ rồi nhìn con lộ DT781 dưới kia, dưới tráng nhựa dẫu có te tua ổ voi gà một tý nhưng vẫn đỡ hơn trên này. Dzị là xuống dốc đê, chạy theo 781.

Hệ thống thuỷ lợi tưới, tiêu ngày càng hoàn chỉnh và phát huy hiệu quả. Hệ thống lưới điện quốc gia đã toả về khắp 10 xã trong huyện. Các công trình phục vụ dân sinh như bệnh viện, trạm xá, trường học, chợ huyện, bãi hát... đã được xây dựng.

< Chỉ nhoáng vài trăm mét vừa chạy vừa né ổ thì đến đoạn láng o, mới làm. Ôi chao, cuộc đời vẫn đẹp sao... Liệu có nên vội mừng không? Bạn chờ tiếp phần sau nhé.

Về giáo dục:
Hiện nay Huyện có 21 trường tiểu học, 11 trường Trung học cơ sở, 2 trường Trung học phổ thông và 1 cơ sở trung tâm giáo dục thường xuyên.

Du lịch:
Huyện Dương Minh Châu có 2 địa điểm du lịch là: chiến khu Dương Minh Châu, Hồ Dầu Tiếng.

Hồ Dầu Tiếng được xây dựng vào những năm 80 là hồ nước ngọt có diện tích lớn nhất Việt Nam, phần lớn nằm trong huyện Dương Minh Châu, còn lại một phần nhỏ ở huyện Tân Châu và hai tỉnh Bình Dương, Bình Phước.
(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16  - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!