(Tiếp theo) - thị trấn Dầu Tiếng thì lại bàn về thị trấn, bài sau ta lại lạm bàn về Núi Cậu, bạn nhé. Tuy nhiên, do khám phá Núi Cậu trước nên bài ni mình sẽ nói về lộ trình lên núi và chút thông tin về danh thắng này.

< Nghỉ đến 3h xế chiều, lại ra xách xe đi. Đường xá thị trấn Dầu Tiếng khang trang, sạch đẹp.
Việc đầu tiên khi chạy xế ra phố lúc này là tìm chỗ đổ xăng - lúc này cái Google map lại phát huy tác dụng. Cả thị trấn có một trạm xăng Petrolimex nằm trong nội ô, còn ngoại ô có 3 cái nằm ba góc - không tính cái trạm xăng Núi Đất mà khi vào Núi Lở bọn mình đã chạy qua, vậy là chọn cái gần nhất ở bùng binh đường Tự Do - Độc Lập (vị trí >).

< Trở ra đường Thống Nhất, nửa kia thấy quán chè bèn kêu tấp vô. Trời đang nóng tưng người, ngộp ngạt vì không có miếng gió nào thì nhâm nhi ly chè đá - trà đá... cũng thú đó chứ!
Cô hàng chè bưng bình nước đá đặt xuống bán, thấy cái Nikon liền hỏi 'Máy chụp hình hả cô', bà xã gật đầu cười, cô hàng lách chách thêm 'Chụp con đi cô' và ngỏn nghoẻn cười. Chừng bốc lên, mở nắp và mở máy thì con nhỏ đã đi ra trước quán. Vậy là chụp chú bé con ngộ nghĩnh bàn bên cạnh.

< 2 ly chè thập cẩm đá chỉ 14k, uống nước đá cho hả lòng dưới cái nóng rồi đi. Ra đường DT744 hướng về phía Núi Cậu.

< Tới ngã 3 có cái nhà nuôi chim yến thì chuẩn bị rẽ trái (vị trí >). Tổ yến có giá trị cao, vậy nên tít trong miệt núi rừng này cũng nuôi chứ không chỉ vùng ven biển, hay thiệt nghen!

Núi Cậu – Lòng Hồ Dầu Tiếng thuộc ấp Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Cách trung tâm thị trấn Dầu Tiếng 7km, Núi Cậu – Lòng Hồ Dầu Tiếng là di tích danh thắng đẹp hàng đầu của tỉnh Bình Dương, đã được công nhận di tích danh thắng cấp tỉnh, ngày 17/8/ 2007, một điểm đến hấp dẫn trong hành trình du ngoạn về nguồn, về với thiên nhiên.

< Lối vô thía này đây, đây là đường DH710, hai bên trồng rừng cao su xanh mướt.

< Chạy quá một ngã 3 nên quay đầu lại: cái bảng nhỏ ghi đây là nhánh đường vào Suối Trúc. Chỉ là tiện thể mà ghé thôi chứ cũng chả biết suối nó mô tê gì (vị trí >).

< Đường vô cũng xuyên rừng cao su. Mấy chuyến trước, chuyến nào cũng qua loại rừng này. Cao su với su cao... nhưng thiệt ra không ngán, nó đẹp và mát đó chứ? Cũng là một dạng tài nguyên lớn của VN.

Quần thể Núi Cậu với tổng diện tích hơn 1600 ha, gồm 21 ngọn (7 ngọn lớn và 14 ngọn nhỏ), ngọn núi có dạng hình chữ U.

Ngọn núi cao nhất là Núi Cửa Ông cao 295m, Núi Ông cao 285m, Núi Tha La cao 198m và núi thấp nhất cao 63m là Núi Chúa. Bốn ngọn núi này gắn liền với nhau tạo thành một dãy núi nhấp nhô kéo dài nằm chếch về hướng Bắc – Đông Bắc và Nam - Tây Nam.

< Rồi đụng đôi rào chắn: Bảng thứ 1 trên cây chắn ghi chữ STOP ngay chính giữa, cây chắn thứ 2 ghi: Dừng lại - Nơi gởi xe theo quy định. Chiếc xe chở cặp đôi chạy trước thấy bảng bèn thoái lui! Bọn mình cũng vậy, rất dị ứng với những cái này - Chả biết người ta làm đường làm gì? Để chạy xe? Nhưng ở đây cấm. Hay người ta lạm dụng cái sự thiếu hiểu biết của khách để kiếm ít thu nhập từ gởi xe và bán nước?
Cũng chả ngờ được, một tiếng sau thì bọn mình trong đó (đúng vậy, trong đó - sau các cây chắn đấy) chạy... ra! Nhưng đó là chuyện sau... 

< Trở đầu, chạy ra ngã rẽ khi nãy để đi tiếp con đường.

Đặc biệt, dãy núi Cậu có hình dáng như 2 yên ngựa nên người dân địa phương còn gọi là Yên ngựa 1 (Núi Cửa Ông và Núi Ông), Yên ngựa 2 là ( Núi Tha La). Vùng Núi Cậu có trữ lượng cao nên thảo mộc thiên nhiên trù phú và ở đây còn có các loại gỗ quý như: gõ, căm xe, giáng hương, bằng lăng và nhiều loại thảo mộc khác… nơi sinh sống của nhiều loài động vật như: Nai, mễn, heo rừng...

< Chạy một đỗi, lại gặp ngã 3: Xem bản đồ thì nếu rẽ trái, ta lại ra đường Trần Văn Lắc. Vậy nên ta quẹo phải ra đường ven hồ.

< Ra đường Bờ Hồ rồi lại rẽ trái lần nữa đi Đập Xả, không có cái bản đồ chỉ có nước mà đui.

< Đập Xã đây (vị trí >), qua rồi mới ngoáy lại chụp một phát. Nhưng chỗ cần tham quan phía trước nữa.

Khu vực núi Cậu còn có suối Trúc uốn lượn theo những triền đá, dòng nước trong xanh chảy róc rách hòa với tiếng chim hót líu lo, tiếng lá rừng xào xạc, tạo thành một âm thanh du dương, ngân nga giữa núi rừng sơn thủy hữu tình, làm cho tâm hồn du khách trở nên thư thái, bình an, dễ chịu đến lạ thường. Trèo lên đỉnh núi ở độ cao khoảng 284.6m, ta thấy cảnh trời đất xung quanh hiện ra trước mắt, xa xa là thị trấn Dầu Tiếng sầm uất, đang hối hả nhộn nhịp.

< Đường ven hồ chạy dài theo đập đây, do còn nắng từa lưa nên không chạy lên đập nữa. Bên cạnh là nhà điều hành với khoảng sân thông thoáng xung quanh như một công viên.

< Phía trong khu điều hành thoáng mát, rất nhiều cây xanh thuộc hàng 'ông cố, ông nội'. Nhiều ghế đá, có thể ngồi tán phét đến cháy ghế.

< Vị trí mà mình nghĩ rằng ai ai đến đây cũng phải chụp vài tấm: phía trái là thủy đài, xa xa chính là núi Bà Đen và nền là hồ Dầu Tiếng (vị trí >).

< Bà xã giữ cái Nikon chớp lia lịa, còn mình, móc cái alô của pà xã ra chộp thôi, cũng đâu kém cạnh? Đây là cái Remi 7, còn Lumia chán lắm.

< Thử là dáng đôi chút, trong giống núp nắng hay trốn nợ hè!

Dưới chân núi có ngôi chùa Thái Sơn do hoà thượng Thích Đạt Phẩm (thế danh: Đinh Văn Trên - Thầy sáu) xây dựng vào năm 1988, tổng diện tích trên 5 hecta gồm các hạng mục như: cổng Tam Quan, ngôi Đại Tháp cao 36m có 9 tầng, tượng quan Thế âm cao 12m, chánh điện, điện ngọc cũng được xây đựng theo lối kiến trúc cổ lầu, bên trong chánh điện thầy trụ trì và chư tăng phật tử thường xuyên gõ mõ tụng kinh nên khu vực này tăng thêm phần linh thiêng tín ngưỡng của du khách thập phương.

< Gần 4h thì trở ra, chạy ngã ngược lại đến ngã 3 khi nãy... tìm đường lên núi. Bản đồ trên ĐT chỗ Núi Cậu này cũng chả tỏ tường lắm, ta liệu mà đi.

< Chùa ngoài, cũng là chùa Thái Sơn Núi Cậu - vắng người nhưng mình thấy rất đẹp (vị trí >).

Từ phía sau chánh điện chùa Thái Sơn có một con đường lên núi hơn 1.000 bậc tam cấp đá. Đỉnh núi Cậu có một am miếu nhỏ hai tầng, dưới thờ tượng "cậu Bảy" mặc áo nhà võ, thủ tấn, đi quyền trông rất oai phong.

< Chùa Thái Sơn phía trong, nằm cuối đường và khá đông người. Dĩ nhiên phải xì tốp, bên trái là bãi gởi xe, phải là hàng quán còn chung quanh là... cò mời chào: Nào là mời mua nhang, mời đồ cúng. Anh khác thì nói 'Cô chú lên chùa không, con chở lên 50k/n'. Chẹp, bọn mình chạy xe mà phải để cho người khác 'chở' à - hổng lẽ nãy giờ mình đẩy xe vào? Dzị là cười, từ chối rồi đi ra.

< Lúc vào đã để ý mấy cái đường nhánh rồi nên quành ra, rẽ vào đó (vị trí >).

< Đường lên núi có khác, cũng sẽ vòng vo và có nhiều dốc. Ở đường này có thanh chắn bảo hộ đàng hoàng và đặc biệt là ở Núi Cậu có rất nhiều tre trúc, tre cả rừng!

< Đa phần đường tre mọc kín cả 2 bên. Hèn chi mà dưới phố thấy bán măng tre rất nhiều, măng từ núi trong mùa mưa...

Tương truyền, xưa kia "cậu Bảy" là bộ tướng của ngài Tả quân Lê Văn Duyệt, đã từng đi chinh phục và bảo hộ xứ Chân Lạp thời nhà Nguyễn và lập nhiều công lao. Chính ngài là một trong những người đầu tiên đã "chinh Bắc phạt Nam", đặt chân khai phá vùng đất này.

< Và cũng chính do tre trúc nhiều nên chốn này cũng có dòng suối được định danh từ xưa là Suối Trúc.

< Mê ba cái đường đèo, đi đến đây lại gợi nhớ những chuyến đi xưa. Ham đến quên cả thời gian, chỉ thấy còn nắng là ta cứ đi...

Sau khi đến đây, tuổi già không thoát khỏi vòng sinh - lão - bệnh - tử, ngài đã mất tại một ngọn núi ở đây. Từ đó, dân làng nơi đây luôn kiêng cữ, tôn kính, thường khấn vái cậu mỗi khi có sự chẳng lành. Và họ gọi tên ngọn núi đó là núi Cậu.

< May mà mùa này ngày dài đêm ngắn nên phượt lời!
Các bảng báo đường quanh co liên tục xuất hiện nhưng chả ngại. Sirius không tay côn như Win100 những cũng leo dốc thật ngọt ngào.

< Kèn bấm liên tục ở các khúc quanh dù mình không muốn phá tan sự bình lặng nơi này. Có điều không thấy cóc khô gì phía trước nên buộc lòng phải bấm. Bấm để cảnh báo xe khác nhưng thiệt ra, từ dưới lên đây có thấy ai đâu? Hoàn toàn không bóng người.

< Những đường cong liên tục, lúc thì hướng trái, lúc khác hướng phải - quanh co giữa núi rừng thiên nhiên.

Trong kháng chiến vùng núi hiền hòa nầy đã che chở cho hòa thượng Đạt Phẩm và các đồng chí hoạt động cánh mạng. Có lẽ đây là một phần trong nhiều nguyên nhân khác về mặt tâm linh đã làm cho Hoà Thượng quyết tâm xây đựng chùa Thái Sơn trên mảnh đất năm xưa núi cậu.

< Và cho đến lúc này, đường lên Núi Cậu vẫn rất tốt, không chê được chỗ nào.

< 'Hả dạ' vì leo đèo! Mèn ơi, vậy mà mấy thằng cha phía dưới dụ khị chở bọn này lên viếng Miếu Cậu!
Có điều, ai cũng như bọn mình thì người ta mất hết nồi cơm rồi còn gì? Đâu phải ai cũng biết lối lên, đâu phải ai cũng dám chạy vào chốn hẻo lánh này nhỉ?

Lòng hồ là một công trình thủy lợi lớn với diện tích rộng trên 27000 hecta và 1,5 tỷ m3 nước phục vụ nông nghiệp. Những nhà quản lý công trình, những kỹ sư và công nhân ngành thủy lợi đã đầu tư trí tuệ, sức lực và lòng quyết tâm đạt được mục tiêu hồ có khả năng tưới tiêu cho hơn hàng trăm ngàn hecta đất ruộng và hoa màu của một vùng rộng lớn từ Tây Ninh đến Bình Dương qua Long An về thành phố Hồ Chí Minh.

< Đang chạy phon phon lên dốc thì bổng giật mình: chiếc xế hộp lù lù xuất hiện, đang vi vu đổ dốc xuống núi; không chỉ một chiếc mà đến 2 chiếc lận. Chiếc thứ 2 choáng hết cả lòng đường, mình buộc phải lách sát vào bên phải tránh, các cành tre quất rát mặt - Bà nội nó! than vắng người xe, thôi thà vắng vậy sướng hơn gặp con quái vật không biết điều này, ke ke...

< Gặp ngã 3, bọn mình rẽ đại bên mặt (đang leo, không thể coi bản đồ được), còn bên trái cứ để dành đó, chút nữa xử sau - quyết không bỏ đường nào cả!

Núi Cậu – Lòng Hồ Dầu Tiếng là một danh thắng được kết hợp Sông - Nước – Núi – Đồi quả thật là phong cảnh đẹp, một địa thế tiền thủy, hậu sơn đã tạo nên nét hiền hòa, êm ả của dòng nước lòng hồ trong mát, bên cạnh một bức bình phong hùng vĩ của rừng núi thiên nhiên như một vị thần che chở bảo hộ sự bình an cho mọi người.

< Rẽ phải chạy một đoạn, vào các cua lung tung thì gặp chuyện quái chiêu: Ngay đường cong khuất tầm mắt, mình nghe tiếng xe gắn máy rú ga theo chiều đổ xuống. Chỉ kịp nép qua phải thì chiếc gắn máy trên kia ù xuống, người lái là một thanh niên chừng ba mươi. Lái một tay, tay kia ẫm đứa trẻ chắc chưa đầy tuổi!
Ông nội mẹ ơi, thằng này bồng con nhỏ mà nó điên à? Chả kịp phản ứng gì thì nó đã mất hút sau khúc quanh.

< Cuối cùng thì hết đường, đây là một khoảng rộng như một bãi xe, có thể đậu cả chục chiếc 4 bánh nhưng chỉ có bọn mình thôi. Phía trái có cái đường đi xuống với tay vịn sắt, các bậc thang xi măng vỡ loang lỗ rêu phong bám đầy...

Đặc biệt, vùng rừng Núi này còn là rừng phòng hộ – Nước lòng hồ này còn là nước tưới tiêu xả lũ cho các vùng ven sông. Núi Cậu – Lòng Hồ Dầu Tiếng là một thắng cảnh – du lịch ngoạn mục là địa điểm nổi tiếng mà nhiều khách thập phương trong và ngoài nước đã đến đây với tấm lòng ngưỡng mộ và thích thú.

< Mình bước xuống các bậc thang, cây bụi phủ đầy, lối xuống sâu hút. Có lẽ đây là đường mòn đến miếu Cậu. Ngày lễ cúng thì chắc không đến nỗi còn ngày thường thì vắng teo. Sự yên ả bao trùm đến mức mà một chiếc lá rớt xuống cũng phát ra âm thanh thì cũng biết tĩnh lặng đến mức nào. Nửa kia ở trên hoảng, kêu lên. Thôi chạy xuống anh ơi, thấy ghê wá! Tía má ơi, bà xã gan gấu trong các chuyến hồi xưa chứ biết sợ là gì đâu chời?

Bảo tồn danh thắng núi và lòng hồ là bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, gìn giữ một cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái lý tưởng. Hiện nay, Núi Cậu là khu rừng phòng hộ nên chi cục kiểm lâm – Hạt kiểm Lâm Dầu Tiếng đang bảo vệ rất nghiêm ngặt. Khu vực chùa Thái Sơn có trụ trì Đạt Phẩm, cùng một số phật tử sớm tối kinh mõ cầu an cho mọi người. Riêng phong cảnh của Lòng Hồ cũng được Phòng quản lý nước của Công ty khai thác thủy lợi quản lý theo dõi nước lên, nước xuống mà có biện pháp khắc phục nhằm ổn định cho sự hiệu quả và an toàn của Hồ nước.
(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!