(Tiếp theo) - Như thường lệ, mình sơ lược chút thông tin về vùng đất này.

Củ Chi là huyện ngoại thành nằm ở phía Bắc Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Có Sông Sài Gòn chảy qua. Huyện Củ Chi nằm trong vùng chuyển tiếp giữa miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ, với độ cao giảm dần theo 2 hướng Tây Bắc, Đông Nam và Đông Bắc, Tây Nam. Độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 8 m – 10 m.

< Vẫn là hương lộ 2, đường này sẽ kéo dài đến Lộc Hưng (Trảng Bàng) đấu nối vào TL787.

Củ Chi nằm về phía Tây Bắc Thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố khoảng 33 km theo đường Xuyên Á.

< Phía xa xa không phải là cầu đường mà là một nhánh của kênh thủy lợi Cầu Máng thuộc Kênh Đông, dẫn nước qua cầu nổi, từ hồ Dầu Tiếng đi khắp vùng (vị trí >).

Ranh giới huyện Củ Chi gồm:
- Phía Đông và phía Bắc ngăn cách với tỉnh Bình Dương (thị xã Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát, huyện Dầu Tiếng) bởi sông Sài Gòn.
- Phía Tây Bắc giáp huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.
- Phía Tây Nam giáp huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
- Phía Nam giáp huyện Hóc Môn.

< Về Củ Chi, nhớ chuyến 'Mồng 1 tết chơi làng an dưỡng Ba Thương' về thăm mẹ vợ, cũng đi QL22 và hành trình có cắt ngang HL2 - nay thì bà mất rồi.

Huyện Củ Chi có hệ thống sông, kênh, rạch khá đa dạng. Sông Sài Gòn chịu chế độ ảnh hưởng dao động bán nhật triều, với mực nước triều bình quân thấp nhất là 1,2 m và cao nhất là 2,0 m. Các hệ thống kênh rạch tự nhiên khác, đa số chịu ảnh hưởng trực tiếp chế độ thủy văn của sông Sài Gòn như Rạch Tra, Rạch Sơn, Bến Mương …

< Cây xăng khá nhiều ven đường, mình đã đổ đầy ở Petrolimex rồi, an tâm.

Riêng chỉ có kênh Thầy Cai chịu ảnh hưởng chế độ thủy văn của sông Vàm Cỏ Đông. Nhìn chung hệ thống sông, kênh, rạch trực tiếp chi phối chế độ thủy văn của huyện và nét nổi bậc của dòng chảy và sự xâm nhập của thủy triều.

< Vào địa phận ấp Gia Bẹ thuộc Trung Lập Hạ, lúc này là 6h25, đi sớm nên giờ vẫn còn sớm.

< Trường Tiểu Học Lê Văn Thế bên kia đường.

Thời nhà Nguyễn, Củ Chi thuộc huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Năm 1841, thuộc huyện Bình Long, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (huyện Bình Long do một phần huyện Bình Dương tách ra).

< Ngã 4 hương lộ 2 và tỉnh lộ 7, lúc này có cảm nhận đã sắp đến 'mục tiêu số 1' (vị trí lúc này tại đây >).

Năm 1911, Củ Chi là một phần của quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Năm 1957, Củ Chi trở thành quận của tỉnh Bình Dương, được thành lập trên cơ sở tách ba tổng: Long Tuy Thượng, Long Tuy Trung và Long Tuy Hạ, gồm mười bốn xã của quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định.

< Nhà máy Junsun Việt Nam bên kia đường, nơi ni sản xuất bóng đèn.

< Hương lộ 2 vẫn thênh thang, thẳng đuộc và rất mát, mát cũng phải vì bấy giờ chỉ mới 6h32 sáng.

Quận Củ Chi lúc ấy có ba tổng:
- Tổng Long Tuy Thượng có 06 xã: Phước Vĩnh Ninh, Tân Phú Trung, Bình Mỹ, Tân Hòa, Tân Thạnh Đông và Trung An;
- Tổng Long Tuy Trung có 04 xã: An Nhơn Tây, Nhuận Đức, Phú Hòa Đông và Phú Mỹ Hưng;
- Tổng Long Tuy Hạ có 04 xã: Tân An Hội, Phước Hiệp, Thái Mỹ và Trung Lập;
Quận lỵ đặt tại xã Tân An Hội.

< Ấp văn hóa Trung Hưng. Cũng là đoạn sắp hết tuyến xe buýt Củ Chi 107.

Năm 1963, tỉnh Hậu Nghĩa được thành lập, nửa quận Củ Chi vẫn giữ tên cũ, thuộc tỉnh Hậu Nghĩa, nửa còn lại gọi là quận Phú Hoà, vẫn thuộc tỉnh Bình Dương.

< 6h34 phút, mình đến chỗ này đây (vị trí >). Đấy chính là dòng Kênh Đông, một trong những con kênh lớn tiếp nhận nước từ hồ Dầu Tiếng. Trên cột điện, bạn thấy camera an ninh của UB xã Trung Lập Thượng chỉa tùm lum, nhánh xéo là đường Kênh, con đường mà bọn mình sẽ đi.

< Đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường hương lộ, đường hầm, đường đèo, đường ven biển, đường rừng, đường mòn... đều đã chạy tất tật nên bi giờ ta đi... đường kênh, ha ha...

Quận Củ Chi (mới) gồm 06 xã: Tân An Hội, Phước Hiệp, Thái Mỹ, Trung Lập, Phước Vĩnh Ninh, Tân Phú Trung. Năm 1973 lập thêm xã Tân Thông Hội từ một phần xã Tân An Hội.

< Thiệt lòng mà nói thì đường Kênh cũng đẹp thiệt, nó thẳng bon - bên phải là dòng kênh đào phẳng lặng nước trong trẻo chảy xuôi dòng, mé trái là rừng cây, mặt đường thì rất phẳng phiu...

< Thi thoảng có một nhánh rẽ vào xóm nhà dân và dốc rất cao. Dĩ nhiên vì bờ kênh cũng chính là con đê trông rất vững chãi. Tít phía xa, có cây cầu nhỏ vắt ngang. Để dễ thông thương, chắc do dân tự làm.

Quận Phú Hòa gồm 08 xã: An Nhơn Tây, Bình Mỹ, Nhuận Đức, Phú Hòa Đông, Phú Mỹ Hưng, Tân Hòa, Tân Thạnh Đông và Trung An. Quận lỵ đặt tại Bến Cỏ, xã Phú Hòa Đông, sau dời về xã Tân Hòa. Năm 1972 chia xã Tân Hòa thành hai xã: Hòa Phú và Tân Thạnh Tây.

< Sau khi chạy tầm 3 cây số, gặp một ngã 3. Ngã 3 kênh, cũng là ngã 3 đường. Trên nhánh rẽ có công trình cống đập (vị trí >).

< Nếu không qua cống, vào nhánh rẽ thì đường phía trước thía này đây: đẹp quá ta!

< Nhưng lộ trình đã tính trên Kênh Đông là quẹo phải, vậy thì quẹo thôi. Lúc này, đường không còn tráng nhựa nữa.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 quận Củ Chi của tỉnh Hậu Nghĩa hợp với quận Phú Hòa, tỉnh Bình Dương thành huyện Củ Chi, thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.[3] Đồng thời đổi tên xã Phước Vĩnh Ninh thành Phước Vĩnh An.

< Rẽ phải, nhưng chọn đường mé trái hay mé phải kênh? Bà xã chọn bên phải, vậy thì phải đường đây.

Ngày 20 tháng 5 năm 1976, chính quyền lập thêm hai xã mới: Phạm Văn Cội 1 (từ phần đất cắt ra của xã Nhuận Đức) và Phạm Văn Cội 2 (từ các phần đất cắt ra của các xã Phú Mỹ Hưng và An Nhơn Tây). Như thế huyện Củ Chi có 18 xã: An Nhơn Tây, Bình Mỹ, Hòa Phú, Nhuận Đức, Phạm Văn Cội 1, Phạm Văn Cội 2, Phú Hòa Đông, Phú Mỹ Hưng, Phước Hiệp, Phước Vĩnh An, Tân An Hội, Tân Phú Trung, Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây, Tân Thông Hội, Thái Mỹ, Trung An, Trung Lập.

< Đường đất rải đá, ổ gà loi nhoi... nhưng khéo tránh thì cũng ổn. Tháng rồi, chạy gần nhà cán trúng mảnh đá có cạnh sắc: bánh trước cán nẩy lên rồi lụi thẳng vào bánh sau. Còn trước kia, cán đá chém tét bánh sau cũng đã gặp đôi lần. Vậy nên trước chuyến này, mình đã treo mành lưới sắt bảo hộ dưới gầm máy. Về nhà: lưới sắt te tua phía rìa dưới - hai thanh chì dằn cũng văn mất tiêu... thì cũng đủ biết bao nhiêu thứ trên đường đập vào đó rồi!

< Trại nuôi vịt nè: cả sư đoàn vịt trắng đồng vui đáo để! Mà không phải chỉ một trại thôi nhé, chắc mua vịt ở Củ Chi rẻ hơn à nghen.

Ngày 11 tháng 7 năm 1983, huyện Củ Chi chia xã Trung Lập thành hai xã: Trung Lập Thượng và Trung Lập Hạ, chia xã Phước Hiệp thành hai xã: Phước Hiệp và Phước Thạnh, đổi tên xã Phạm Văn Cội 1 thành Phạm Văn Cội và xã Phạm Văn Cội 2 thành An Phú.

< Bà xã chụp vịt còn mình coi bản đồ. Coi cho ăn chắc thôi chứ cũng biết tầm tầm đường lối sẽ đi. Cẩn thận vẫn hơn, mấy chuyến trước chạy quá tầm từa lưa hà!

Ngày 1 tháng 2 năm 1985, huyện Củ Chi lập thị trấn Củ Chi từ phần đất cắt ra của xã Tân An Hội. Như thế huyện Củ Chi có 01 thị trấn và 20 xã, phân chia đơn vị hành chính này giữ ổn định cho đến nay.

< Coi vịt, coi đường đã rồi thì đi. Đường Kênh vẫn vậy thôi, ổ gà tá lả nhưng vẫn chạy tốt. Nhìn đường bên kia, hóa ra đường đất đỏ nhưng bằng phẳng hơn.

< Chỉ một thoáng sau là đến cái này đây: Một con đường khá rộng cắt ngang đường Kênh, vắt qua kênh bằng một cây cầu vững chãi.

Huyện gồm có 1 thị trấn Củ Chi và 20 xã: An Nhơn Tây, An Phú, Bình Mỹ, Hòa Phú, Nhuận Đức, Phạm Văn Cội, Phú Hòa Đông, Phú Mỹ Hưng, Phước Hiệp, Phước Thạnh, Phước Vĩnh An, Tân An Hội, Tân Phú Trung, Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây, Tân Thông Hội, Thái Mỹ, Trung An, Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng.

< Bọn mình rẽ trái vượt qua cầu, đây chính là đường Trung Lập thuộc Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi.

Huyện Củ Chi có địa đạo Củ Chi nổi tiếng trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Củ Chi cũng có Đền tưởng niệm Bến Dược - Củ Chi. Hiện nay địa đạo Củ Chi được bảo tồn ở hai khu vực: Bến Dược (thuộc xã Phú Mỹ Hưng), Bến Đình (thuộc xã Nhuận Đức). Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi, cách Thành phố Hồ Chí Minh 70 km về hướng tây-bắc.

< Đường thưa thớt xe, hai bên đầy cây xanh mát rượi. Nhưng ta sẽ chạy đến đâu đây?

Hệ thống này được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đào trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam. Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất. Hệ thống địa đạo dài khoảng 200 km và có các hệ thống thông hơi vào vị trí các bụi cây. Địa đạo Củ Chi được xây dựng trên vùng đất được mệnh danh là "đất thép", nằm ở điểm cuối Đường mòn Hồ Chí Minh. Trong Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã sử dụng hệ thống địa đạo này để tấn công vào Sài Gòn.
(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16Phần 17 - Phần 18 - Phần 19

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!