(Tiếp theo) - Và đến rồi, đây là phần giữa của dãy núi Minh Đạm (vị trí >). Gọi là giữa vì núi Minh Đạm chia làm 2 cụm, bị cắt đứt bởi một vùng đồng bằng là xã Phước Hưng có bề ngang nhỏ nhất giữa 2 cụm núi chưa đến 700 mét.

Ta hãy nói về núi Minh Đạm: Nằm cách thị trấn Long Hải 6km về hướng Đông Bắc và cách thành phố Vũng Tàu 30km, vị thế ba mặt hướng biển đắc địa, Minh Đạm là dãy núi thấp với độ cao chỉ khoảng 355m, dài 8km với nhiều hang động lớn nhỏ ẩn sau những rừng cây thơ mộng và vách đá hoang sơ.

Ta chạy lên thôi. Con đường vẫn như ngày nào, rất tốt.

Núi Minh Đạm được tạo thành bởi nhiều ngọn núi riêng biệt chạy dài theo hướng Bắc-Nam, ôm sát bờ biển Long Hải và Phước Hải bao gồm các chỏm núi: núi đá Dựng, núi Hòn Thung, núi Đá Ngang, núi Điện Bà, núi Châu Viên, núi Truơng Phi (còn gọi là núi Kỳ Vân hay Thùy Vân)... Những ngọn núi này hợp thành dãy Châu Viên và Châu Long - vốn là tên gọi từ cuối thế kỷ 20.

Và bắt đầu gặp cái cua đầu tiên. Giống như cũ mà...

Hệ sinh thái nơi đây đa dạng với nhiều loại cây lấy gỗ quý hiếm như gõ đỏ, gõ mật, cẩm lai, cây dược liệu và các loài động vật hoang dã chính là những yếu tố thôi thúc nhiều phượt thủ về đây để chinh phục đỉnh núi nhưng không nhiều.

Cái tảng đá to chảng sừng sững trên đỉnh nhìn thấy ở góc cua này. Cẩn thận nghen, dốc rất gắt đó. Không nhanh trả số thì ta có thể... kềnh!

Ven đường chỉ là cây bụi thấp, lên thêm nữa sẽ có nhiều cây to.

Còn bọn mình thì sao? Đã có một lần bọn mình đến và chạy xe lên đây hồi cuối tháng 7 năm 2020 (Chuyến 'Tam Phước, Long Mỹ là chốn vượt qua...'). Khi ấy, trên bản đồ vệ tinh chỉ thể hiện một con đường nhựa dẫn lên gần đỉnh và phía trên cùng chả có công trình gì cả.

Bạn thấy ảnh vệ tinh GoogleMap có thêm đoạn đường mới không? Chính đoạn đường mới thôi thúc mình ghé lại.

Rồi mới cách nay đôi tuần, xem bản đồ thì mình thấy nó đã cập nhật: họ đang làm tiếp đường cắt qua đỉnh núi! Quái vậy cà, trên núi cũng chả có công trình gì. Nếu có là chỉ một vách tường mục nát, ít bậc thang đá cheo leo và tấm bia đá ghi bằng sơn nguệch ngoạc 'Cổ tự - Chùa Cây Điệp - Núi Kỳ Vân'.

Qua nhiều con dốc gắt, ta đã gần đến cuối con đường đèo.

Và phía trên cùng đây: Có thêm cái lán dành cho những người xây dựng, chả thấy bóng ai.

Đó là lý do người ta làm nguyên con đường lên núi chăng? Mình cho rằng hoàn toàn không phải, không xác đáng vì cái ni đâu phải là di tích gì? Hay vì người ta xây chùa? Cũng không! Đã qua 2 năm rồi, nếu xây khi con đường lên núi đã hoàn hảo như thía thì đến nay, chùa cũng đã xong dăm ba phần rồi chứ?

Tấm bảng cảnh báo: 'Công trình đang thi công, đá lăn - Cấm vào'.

Nhưng ai cấm được mình? Tấm ảnh panorama toàn cảnh của con đường dở dang.

Vậy người ta làm đường để rút ngắn khoảng cách đi từ Long Mỹ qua Long Hải? Càng vô lý khi giữa 2 xã không có khoảng cách quá xa, trong khi làm đèo băng núi rất tốn kém, lại nguy hiểm khi giao thông vì những cua nơi này rất gắt, dốc rất cao...

Còn mé phải vẫn trống toát, chả có công trình gì cả.

Một ít hình ảnh hiếm hoi mà mình lấy được trên mạng của các bác Thuy Tien - Chu Nguyen và Vo Tuan Anh hồi tháng 1 và 3 năm 2022 (cũng mới đây thôi).

Nhưng nói gì thì nói, có đường thì ta... đi dù chả biết người ta thiết kế và làm để... làm gì. Cứ tạm cho là đường làm cho... bọn phượt ta đi dzị! ha ha... Nói thật, cứ có đường lên núi, đường đèo vòng vèo các núi chính là món 'khoái khẩu' của hai kẻ phẹc này. Trecking không nổi, ta chạy xế, thía thôi mà!

Chùa cổ ư? Chả biết, mình nghĩ cũng có thể người nào đó từ ngày xua đã ở đây một thời gian dài...

... và sau đó bị bỏ hoang, chỉ còn lại một vách tường đổ nát cùng những bậc thang tự tạo.

Dzị nên đến là cứ chạy lên. Chỉ mình bọn ta, chả có bóng dáng bất kỳ người nào - không nhà cửa, vô cùng hoang sơ, sự hiện đại thể hiện thấy chỉ qua một con đường nhựa.

Một số bậc thang xây bằng xi măng trên đá.

Một số tượng Phật đặt quanh đấy. Tượng hiện đại chứ không phải tượng cổ đâu, có lẽ do người dân đặt. Trên tảng đá lớn có khắc chữ 'Nam mô a di đà Phật', sơn màu vàng.

Máy thoạt đầu trả về số 3, số 2... rồi trả luôn số 1 khi ta bò đến những phần dốc gắt. Mà phải nhanh chân vì khựng một cái, xế có thể mất trờn tụt lui đó. 20 độ nghiêng ở một số đoạn? Có thể. Mình nghĩ rằng chừng ấy hoặc có thể hơn... nhưng cứ vững tâm mà chạy rồi ta cũng sẽ đến đỉnh thôi, quen rồi.

Và đây là táng đá rất to, đứng sừng sững mà từ dưới đường đèo chạy lên ta đã thấy.

Tất cả đó là chuyện núi, còn đây là chuyện ta: Dzợ hai với đôi túi treo xe phía sau, túi đeo vai để phía trước... vẫn cần mẫn đứng chờ.

Đến. Vẫn khung cảnh như ngày nào: Có thêm cái chòi nhỏ, không bóng người. Phía trước có thêm tấm bảng cảnh báo ngay đầu đường mé trái: con đường đang được làm tiếp, ngổn ngang đất đá, tít trên có chiếc xe ủi nằm chơi vơi - không một ai ngoài tiếng cây lá xào xạc. Dzị thì hiện tại, nơi ni là của ta! Hi hi...

(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần cuối

Điền Gia Dũng

Du lịch, GO!