(Tiếp theo) - Ai đã từng đi qua nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước, hãy thử một lần dừng chân ghé lại và cảm nhận vẻ mộc mạc của làng chài Phước Hải, huyện Đất Đỏ - tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Giữa cung đường uốn lượn một bên là biển và một bên là núi, ở đó có một làng chài nho nhỏ đã tồn tại từ rất lâu rồi.

2h trưa hơn, bọn mình ghé quán cà phê cóc ngay gần đó làm một ly cho nó tỉnh táo và đốt thời gian đang chói chang. Phía trước là biển, hôm nay trời lặng gió.

Theo lời các bậc cao niên nơi đây thì làng chài Phước Hải đã tồn tại ít nhất một trăm năm, hình thành theo bước đường của bà con ngư dân từ các tỉnh miền Trung dọc theo bờ biển về đây lập nghiệp sinh sống.

Ông chủ quán đang đứng, mấy bàn kia dĩ nhiên toàn là dân chài, bàn chuyện rôm rả. Không khẩu trang (mình cũng bỏ túi luôn, uống thì làm sao bịt cái mỏ được?), xem ra Covid như đã chấm hết ở đây rồi sao? Chủ quán hỏi 'Anh là bà con của anh Lễ?' (Lễ là chủ homestay) - 'Không, chỉ thuê ở vài ngày thôi'. Cà phê đá và chanh muối, ngồi chờ phin nhỏ giọt, nghe chuyện bàn tán của ngư dân.

3h20 trưa, đợi nắng dịu bớt thì ta lại đi. Du lịch mà, nằm trong phòng cho mát thì thà ở nhà sướng hơn.

Có lẽ Phước Hải cũng sẽ chẳng khác gì các làng chài nằm dọc theo chiều dài đất nước nếu như nơi đây vẫn giữ những nét đặc trưng của mình, của một làng chài quê bình dị nằm êm ả bên bờ biển.

Đây là con đường mòn ở phía Bắc Phước Hải, chạy dọc theo biển. Nhà máy phía xa kia là CTy giống hải sản (vị trí >).

Rẽ phải, ta vào thêm một đoạn thì thấy bờ biển. Có vài căn nhà chòi và rất nhiều dàn phơi nhưng không bóng người. Có lẽ chỉ xôm tụ trong mùa thu hoạch hải sản.

Mặc cho phía dưới là biển Long Hải với các khu du lịch, bãi tắm nhộn nhịp, mặc cho sát phía trên là bãi biển Hồ Tràm với những resort và khu nghỉ dưỡng cao cấp thì làng chài Phước Hải vẫn nằm đó, mộc mạc, thân thương.

Biển đây, nhưng đốm sẫm màu sát mép sóng là các chùm rong biển dạt vào. Người ta thường nhặt rồi phơi khô để nấu nước uống, làm thuốc.

Rác trên bờ có, hầu như tất cả là mốp xốp từ các thùng xốp, phao... bị biển nghiền nát rồi gió đưa lên. Cái này lỗi tại người dân, phải mất dăm bảy chục năm nó mới phân huỷ được.

Người dân ở đây hầu hết đều làm nghề biển, có gia đình đã là truyền thống đến tận 4 - 5 đời. Hằng ngày đàn ông thường ra biển đánh bắt vào buổi sáng, phụ nữ ở nhà làm các công việc nhà và phụ gỡ lưới, làm cá, làm khô…

Không bóng người, chỉ có bọn mình. Phía phải xa xa là vài căn chòi cùng rất nhiều những giàn phơi bằng gỗ, trống không. Trong mùa, có thể trên những giàn ấy đầy mực.

Nửa kia đây, chụp choạc xong rồi đứng ngắm biển trong tiếng sóng rào rạc phủ bờ. Biển Phước Hải có hơi bị thiếu cái này: cây. Cần có nhiều cây chịu măn, giữ đất hơn nữa.

Một ngư dân sống với nghề biển đã gần 20 năm tại đây, chia sẻ: "Nhà mấy đời đi biển, gia đình, vợ con mình cũng sống nhờ biển, giờ cho lên bờ biết làm gì đâu. Chỉ mong cho mỗi ngày đều trúng được cá, tôm kha khá đủ sống, đủ nuôi vợ con là tốt lắm rồi”.

Chắc chắn là trong mùa bội thu cá, các giàn phơi trên bờ sẽ như thế này đây (ảnh internet).

... Và các cô các chị sẽ liên tục gánh cá từ thúng lên bờ... Nhưng hiện giờ không phải lúc đó (ảnh internet).

Điều đặc biệt ở làng chài Phước Hải là đa số các chuyến biển đều không đánh bắt xa bờ bằng tàu thuyền lớn mà chỉ chủ yếu bằng thuyền thúng. Mỗi chuyến biển thường bắt đầu từ 2 - 3 giờ sáng, ngư dân chỉ đánh bắt trong phạm vi khoảng 3 hải lý gần bờ và trở về ngay trong buổi sáng. Ngoại trừ vào mùa cá, các tàu đánh băt xa hơn ghé vào: Lúc ấy thúng trở thành thứ trung chuyển để đem hải sản vào bờ.

Chơi một hồi, lại trở ra con đường ngoài. Ta đi tiếp chứ em? Đi anh.

Có chứng kiến khung cảnh bãi biển Phước Hải vào mỗi buổi sáng sớm, mới cảm nhận hết được cái đẹp nơi đây. Mỗi chiếc thuyền thúng nhấp nhô vươn mình ra biển mỗi sớm mai, tựa như những thân phận người ngư dân, tuy nhỏ bé, bấp bênh mà vẫn kiên cường vượt qua bao sóng gió.

Chạy thẳng vào khu rừng dương. Tĩnh lặng, chỉ có tiếng đá lạo xạo dưới bánh xe.

Mỗi ngày, mỗi thân phận ấy, mỗi chuyến biển ấy đều đang tiếp tục viết nên những câu chuyện của riêng mình.

Còn đường đất đúng nghĩa với 2 bên là cây dương và cây bụi.

Mùa lưới thuyền thúng có thể diễn ra quanh năm, nhất là những khi biển động, tàu lớn không thể ra khơi thì thuyền thúng chính là phương tiện  đánh bắt và cung cấp hải sản sản tại chỗ chủ lực, đảm bảo đời sống... nên dần dà đánh bắt bằng thuyền thúng đã trở thành nét riêng, độc đáo của nơi đây và cũng chính vì thế nhiều người vẫn quen gọi là làng thúng Phước Hải.

Một cái nhà kho bỏ hoang, chả thấy bóng người. Ta chạy thẳng hay rẽ phải đây? Rẽ vậy...

Vì đánh bắt gần bờ nên hải sản tại đây luôn tươi ngon. Tuy nhiên do sản lượng đánh bắt theo từng hộ gia đình chỉ vừa đủ nên hải sản đa phần chỉ để tiêu thụ tại chợ địa phương hoặc một số vùng lân cận.

Khoảng này trông có vẻ sáng sủa hơn nhưng nắng, cũng may đã xế tà.

Riêng hải sản khô và nước mắm nguyên chất lại trở thành đặc sản được đông đảo du khách yêu thích vì có thể bảo quản được lâu và mang về làm quà cho người thân, từ đó khô và nước mắm Phước Hải cũng trở nên nức tiếng gần xa.

Những đụn cát phủ cây dại, rồi xe tắt máy.

Ngày nay, Phước Hải bắt đầu chuyển mình sang du lịch làng nghề. Các homestay dần mọc lên với trang bị rất đầy đủ với giá cả phải chăng. Do tự phát, chưa có một hướng đi và sự chỉ đạo rõ ràng của chính quyền nên sự thay đổi khá chậm. Nên chăng cần có sự quyết liệt của địa phương, nhất là về vệ sinh môi trường, cứu hộ bãi biển để làng chài Phước Hải trở thành một điểm đến tuyệt với của du khách.

(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần cuối

Điền Gia Dũng

Du lịch, GO!