(Tiếp theo) - Rời khỏi trung tâm Long Điền, ta bắt đầu thấy thấp thoáng ruộng lúa. Không quá nhiều vì mình cốt ý đi Phước Hải chứ không phải thăm ruộng. Tuy nhiên đó là điểm xuyến cần thiết trong chuyến đi, nhìn nhà cửa hoài chán lắm. Núi, rừng, ruộng, biển, mây... Những thứ là ta bắt mê, trông thoả lòng mát ruột!

Đường cắt ngang kia chính là QL55, hai bên trồng cây thẳng tắp. Ta chạy cắt ngang chứ không chơi với QL nữa.

Giờ ta vào địa phận xã An Ngãi, mình sẽ có chút thông tin về nơi này.

Xa xa là núi Đá Dựng và núi Hòn Thùng. Núi Minh Đạm bị những dãy núi ni che khuất ở vị trí này.

Xã An Ngãi là đơn vị hành chính trực thuộc huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng diện tích đất tự nhiên là 1.741,4ha. Phía Bắc xã giáp Quốc lộ 55, phía Tây giáp thị trấn Long Điền, phía Đông giáp xã An Nhứt và xã Tam Phước, phía Nam giáp xã Phước Hưng và tỉnh lộ 44B.

Bảng chỉ đường phía trước: rẽ phải là đi Long Hải, rẽ trái là vô An Nhứt (Khu thị tứ giữa cánh đồng thẳng cánh cò bay - bọn mình đã có lần từ An Nhứt chạy ra đây) còn chạy thẳng là đi Phước Hải, ta chạy thẳng.

Và rồi ta tái ngộ lại con đường xưa, đường quê thân thương quá.

An Ngãi là xã có số dân thấp, mật độ dân cư thưa thớt, hiện tại trên địa bàn xã có  1912 hộ, 7403 nhân khẩu (trong đó 1878 hộ thường trú, 7297 khẩu, 34 hộ tạm trú có 106 khẩu) (Tính đến 31/12/2012). Địa bàn xã có 05 ấp: ấp An Hòa, ấp An Lộc, ấp An Bình, ấp An Phước, ấp An Thạnh, gồm có 45 Tổ dân cư.

Núi phía trước là một phần nhỏ của dãy Minh Đạm, trong đó có núi Châu Viên, hòn Chớp Mao (còn gọi là Hòn Vung), cao nhất là đỉnh Hòn Rồng. Bên phải đường này vẫn là núi Đá Dựng.

Nhà cửa lưa thưa, nhà nào cũng có vườn bao quanh, chả bù với 'tấc đất tấc vàng' ở thành phố.

Một điều ít ai biết: Đây là địa phương có làng nghề bánh tráng nổi tiếng gần trăm năm nay đấy.  Nghề làm bánh tráng tại đây có nguồn gốc từ miền Bắc và theo dòng người di cư vào Nam nên có mặt tại vùng đất này từ rất sớm.

Nhà cửa thưa dần qua từng đoạn đường. Vậy nhưng mặt lộ vẫn rất phẳng phiu, đường mới mà.

Nhớ lần trước, chạy một đoạn nữa đường sẽ gồ ghề đầy đá vì chưa làm xong, không biết bi chừ ra sao?

Không ai biết đích xác nghề làm bánh tráng ở xã An Ngãi có từ khi nào, chỉ biết rằng, những cụ bà già nhất ở đây đều biết tráng bánh từ hồi còn thiếu nữ và bánh tráng là món ăn không thể thiếu của người dân nơi đây, đặc biệt trong những ngày lễ Tết.

Cống không có nắp hè, cái này ban đên chạy lỡ ủi xuống thì có mà dập sườn bể phổi!

Một công trình gì đó đang xây dở dang, có vẻ như là cái chùa vì chính giữa có pho tượng đang phủ bạt kín.

Bánh tráng được làm ở An Ngãi chẳng khác gì so với các vùng khác. Vẫn là một chiếc lò đắp đất hoặc xây bằng gạch với ba phần liên thông, một phần để đưa củi, nhóm lửa, phần kia là chiếc nồi nước lớn có căng lớp vải mỏng bên trên để tráng bánh và phần cuối cùng là ống khói. Cùng với đó là chiếc nồi đồng hoặc nồi nhôm, cối xay chạy bằng điện để xay gạo thành bột lỏng, chiếc gáo tráng bột, chiếc đũa mỏng vớt bánh và những phên liếp bằng tre đan thưa để phơi bánh ngoài nắng.

Từ khi qua xóm làng, mình hoàn toàn không thấy bóng người. Trời không nắng thật sướng.

Ngõ rẽ lên núi đâu rồi ta? Chưa đâu anh, phải chạy qua nghĩa trang cái đã.

Đối với người dân An Ngãi, bánh tráng là nghề truyền thống, món bánh tráng không thể thiếu trong dịp Tết, nó là nguyên liệu để làm nhiều món ăn Tết như bánh nem để cuốn chả giò, bánh lớn thì cuốn dưa giá, thịt luộc… Vì thế, nên ngày Tết bánh tráng được tiêu thụ rất nhiều…

Khá quanh co, quẹo phải rồi rẽ trái liên tục...

Nguyên liệu chính làm bánh tráng là gạo tẻ ngâm rồi đem xay thành bột mịn. Sau đó, lọc đi nước chua và pha bột với nước sao cho vừa, không loãng cũng không được đặc quá. Để bánh thêm dai và không bị rách cần pha thêm một chút muối với tỷ lệ hợp lý.

Mửng này cho thêm một chút 'dốc' nữa là thành đèo. Nhưng không lo, rồi ta sẽ đến 'đèo'...

Lửa cho lò tráng bánh cũng phải chú ý, không được lớn, chỉ được để liu riu mà thôi. Tay tráng bánh phải nhanh, đều thì bánh mới tròn, mỏng. Người làm bánh  còn phải trông trời, canh cây cỏ, nhìn giọt sương để biết ngày mai nắng lớn hay âm u để tráng bánh trong đêm, rồi đem bánh phơi ngay khi nắng vừa lên.

... Mà 'đèo' sắp đến là đèo khủng nữa là đàng khác! Khủng vì một số đoạn có thể dốc hơn 20°...

Ở An Ngãi có trên 150 hộ làm bánh tráng, hầu hết là theo nghề “cha truyền con nối”. Bánh tráng An Ngãi hiện có các loại bánh tráng nem (loại lớn, nhỏ), bánh tráng ớt, bánh đa nướng, bánh tráng chuối…

Công viên nghĩa trang Kim Tơ đây (vị trí >). Hồi trước đã có ghé rồi thì bi giờ bỏ qua. Lần trước, đoạn đường này chưa làm xong thì giờ đây đã phẳng phiu.

Để có được những chiếc bánh tráng ngon, quan trọng nhất là công đoạn chọn gạo và xay bột. Phải chọn gạo ngon, xay bột phải thật mịn thì bánh mới dai và dẻo. Bánh tráng trong mâm cơm cúng tổ tiên ngày đầu năm mới của người dân An Ngãi thể hiện lòng thơm thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Bánh tráng được xem là món ăn dân dã, đồng quê không thể thiếu trong những ngày Tết.

Chạy thêm một tẹo là thấy đường cắt ngang, rẽ phải là đi Phước Hưng, trái là Phước Hải. Ta rẽ trái.

Chút thông tin về làng nghề bánh tráng trong chuyến đi thăm làng nghề... đánh cá (kha kha kha) xin chia sẻ cùng pà kon.

(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần cuối

Điền Gia Dũng

Du lịch, GO!