(Tiếp theo) - Chợ Phước Hải nằm ngay trên đường Võ Thị Sáu, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách thành phố Vũng Tàu khoảng 30km và cách thị trấn Long Hải khoảng 10km.

Ly cà phê buổi sáng sớm. Thường thì tất cả mọi nơi mình đi dều 10k nhưng ở đây 14k, giá cho khách du lịch chăng?

Chợ Phước Hải rộng lớn gồm 3 dãy nhà lồng, chưa kể đến các dãy sạp phụ xung quanh và phía sau chợ, trong đó có riêng một khu vực bán hải sản, tôm cá nằm phía trong cùng. Nói về diện tích, chợ này còn lớn hơn cả chợ Bên Thành (chiều dài suốt khu chợ gần 200m) và rất nổi tiếng vì độ phong phú hải sản.

5h45 phút sáng, nước ròng.

Khi triều thấp, ta thấy rõ các ao, vụng... hiện ra. Lúc này nếu tắm thì người ta ra các mũi doi.

Hải sản  bắt từ biển, phần lớn do các tàu 'hơi xa bờ' (mình dùng từ này vì các tàu chỉ chạy ra mươi hải lý đánh bắt trong đêm) trở vào bờ. Khi trên bờ nhận được điện thoại, các thuyền thúng (có gắn máy) bắt đầu được các máy kéo lôi xuống biển - Thúng sẽ chạy ra đón, lấy hải sản bắt được trong chuyến rồi chở vào bờ cùng các ngư dân. Họ về nghỉ, còn vợ con lo chuyện phân loại, giao hàng.

Căn nhà mà bọn mình đã thuê đây, Vợ 2 phía trước, sau khi đi mua đồ ăn sáng về: bánh canh cá 20k, vừa miệng - có chả cá, có miếng giò heo.

Trên bãi đầy các cụm rong biển. Một số rong này được người dân thu nhặt đem phơi trên bờ kè. Cái nhà lầu phía xa là 'tổng hành dinh' của Friends House mới toanh, hai cái xanh xanh là Titi Homestay. Màu cam là một trong những cầu thang xuống bãi biển.

Tuy nhiên: đặc biệt là chủ yếu hải sản tại đây bắt được do chính các thuyền thúng, họ đánh bắt gần bờ. Đây là một điều vẫn còn rất may mắn đối với Phước Hải vì khu vực vẫn còn tôm cá, không hề cạn kiệt.

7h, bọn mình ra chợ Phước Hải (vị trí >).

Chợ khá đìu hiu, chỉ vì con Covid, khác hẳn trước kia - vô cùng sầm uất.

Những thúng này hoạt động tự do. Có thể họ ra biển trong đêm, sáng sớm hay thậm chí khi nắng đã lên. Những ngư dân hoạt động trễ thường là họ chỉ chèo thúng ra khơi, độ chừng hai tiếng sau là về. Thành quả có được là vài ký tôm, cá - đủ để bán một phần, còn lại dành cho bữa ăn gia đình hoặc trao đổi với những thứ khác.

Mình đâu xe nhìn ngắm, chờ. Hồi sau bà xã xách ra túi xoài. Xoài cát, chỉ 20k/kg (trưa ăn la sét mới thấy ngon tuyệt), mấy hủ thạch đủ màu - nhìn thôi cũng biết chắc chắn là béo ngậy.

Chuyên nghiệp hơn trong mùa cá, các tàu lớn có thể đi vài ngày mới trở về. Khi các tàu cá cập bến, cá được đóng trong các thùng đá được đưa ngay về chợ, lập tức cả khu chợ trở nên huyên náo với những âm thanh í ới gọi nhau, tiếng động cơ máy xay nước đá chạy phành phạch, tiếng những chiếc thau nhôm đầy cá được người ta kéo đi loẹt xoẹt, tiếng những chiếc thau rỗng được quăng vội xuống nền trông thật nhộn nhịp…

Dìa nhà, lúc này vẫn chưa nghĩ rằng bọn mình sẽ tự nấu nướng dù bếp được homestay trang bị rất đầy đủ. Cho tới khi ông bên hẻm cạnh nhà đi thúng về. Nửa kia hỏi, xem...

... và chọn mua: hải sản tươi quá mà! Dzị là ta đã nhất quyết sẽ tự nấu ăn trưa. Nửa ký tôm biển 140k, mua thêm mớ cá 10k, chị vợ ngư dân nói 'chị lấy hết mớ cá luôn đi' - ừa thì lấy hết. Chẹp chẹp, còn thơm mùi biển.

Những châu, những thùng cá đều có ghi sẵn tên chủ hàng rõ ráng. Người ta đến lấy đi, hồi sau hoặc ngày sau (nếu chở cho các địa phương khác) sẽ trả chậu, thúng lại. Tiền bạc thanh toán vào buổi trưa hoặc tối.

Không đồ 'tẩm liệm' lấy gì nấu? Dzị nên ta chạy ra Bách Hoá Xanh mua chai dầu nhỏ, ghé chợ mua ít rau xanh, bún - Ghé chị trong hẻm xin chút muối tiêu... Ta sẽ làm cái lẩu.

Ở đây, những chiếc cân cũng được đánh ký hiệu riêng để phân biệt chủ sở hữu, được đặt trong chiếc giỏ nhựa để di chuyển khắp chợ cho cơ động. Và cả những chiếc can đựng nước biển, thùng đựng cá bằng nhựa cũng được sơn những ký hiệu như vậy, chúng được đăt trong các túi xách lớn có quai.

Ngoài lực lượng buôn bán cá, tại chợ Phước Hải còn có một lực lượng các bà các chị ngồi miệt mài lạng phi lê cá. Những đôi tay cứ thoăn thoắt đưa lưỡi dao lọc xương cá rất điêu luyện, chỉ nháy mắt là những miếng thịt cá được thảy vào chậu đựng. Họ cứ thoăn thoắt đôi bàn tay mà gần như không cần nhìn, và dĩ nhiên, câu chuyện giữ họ luôn rôm rả ngay trong lúc đang làm việc.

Sau khoảng 1 giờ náo nhiệt, đợt cá vừa về chợ đã được xử lý xong, những người phụ nữ này lại tụm lại với nhau trò chuyện chờ đợt cá mới chuẩn bị đổ về. Có người đến giờ mới kịp tranh thủ sà vào một sạp đồ ăn, ăn vội tô bún, uống vội ly nước.

Và đây là chuyện trong bếp, mọi thứ đều sẳn sàng. Lặt bạc hà rau ôm ngò gai, luộc tôm cá...

Tuy nhiên, đó là chợ cá. Còn những gian hàng khác thì sao? Cung như bao chợ khác trên đất nước VN, từ hồi dịch Covid đến giờ: kinh tế chợ vẫn chưa thể phục hồi được như trước. Rất nhiều gian hàng tạp phẩm - vải vóc... vẫn đóng cửa hay treo bảng sang nhượng.

Tôm nè, con nào con nấy to kềnh. Thật ra tôm nuôi rẻ hơn nhưng hải sản miệt biển mà...

Covid đúng là loài quái vật hỉ, chúng không chừa bất cứ thành phần nào trong nền kinh tế nhân dân. Có lẽ chỉ có những CDC tay đã nhúng chàm trong vụ Việt Á là béo mập lên thôi... và bây giờ, họ đang phải trả giá.

Đây là buổi trưa: lẩu bún độn tôm thẻ biển (chỉ có một nắm bún thôi, còn lại toàn là tôm), cá luộc chấm muối ót. Ngon khỏi chê, ăn đứt cái lẩu trăm rưỡi hôm qua và no đến cành hông!

Mình ước mong rằng mọi việc sẽ trở về như xưa như chưa từng có một đại dịch thế kỷ.

(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần cuối

Điền Gia Dũng

Du lịch, GO!