(Tiếp theo) - Đúng là ta đã đến đèo Tà Pứa. Lúc này mới hay: Phía phải ta là xã Mê Pu thuộc huyện Đức Linh còn phía trái là xã Đức Phú thuộc huyện Tánh Linh, cả hai thuộc tỉnh Bình Thuận - Ranh giới đoạn này giữa 2 xã là đường DT713. Ở mé xã Đức Phú có thác Trượt (xưa bọn mình đã vô rồi), vào sâu hơn nữa có thác Đầu Trâu. Giờ mình xin đề cập đến từng xã:

Tái ngộ Tà Pứa lần 3, có lẽ cũng là lần chót?

- Mê Pu

Mê Pu là xã trung du thuộc huyện miền núi nằm về phía Đông Bắc huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận cách trung tâm huyện lỵ (thị trấn Võ Xu) 9 km theo trục lộ ĐT 766. Phía Đông giáp xã Đức Phú và xã Nghị Đức, huyện Tánh Linh. Phía Tây giáp xã Sùng Nhơn. Phía Nam giáp thị trấn Võ Xu. Phía Bắc giáp huyện Đạ Hoai, tỉnh Lâm Đồng.

Ta có bạn đồng hành, mình phải chạy theo xe này suốt cả con đèo. 'Phải' vì chả có bóng râm chứ không cũng dừng lại một chút, chờ đi một mình... cho sướng.

Xã Mê Pu có tổng diện tích tự nhiên: 6.520,22 ha. Trong đó, đất nông nghiệp: 4.301,64 ha, đất lâm nghiệp: 1.755,73 ha, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản: 33,88 ha, đất chăn nuôi: 2,66 ha, đất phi nông nghiệp: 426,31 ha, (số liệu thống kê năm 2016).

Nắng thấy pà kố nhưng muốn uống nước phải chờ qua đèo cái đã. Nói thiệt nếu trời mát sẽ có khối cái đẹp, cái hay để xem để chụp choạc.

Tài nguyên: trên địa bàn xã có mỏ khoáng sản volfram, ngoài ra còn có đất sét, cát, sỏi bồi nền phục vụ cho sản xuất gạch xây dựng ở địa phương.

Ổ gà to nhỏ khá nhiều, không cẩn thận thì mặt ta sẽ giáp mặt... nền đường.

Trên địa bàn đã quy hoạch hình thành 1 cụm công nghiệp, 2 chợ đi vào hoạt động ổn định và phát triển..

Núi non xanh mướt mắt, thật nể 2 địa phương vẫn còn giữ được rừng, rừng thật chứ không phải rừng trồng. Lâm tặc thấy rừng này chắc thèm nhỏ dãi!

Nhân lực: Dân số có 3.427 hộ/14.338 khẩu, địa bàn xã hình thành 9 thôn, trong đó có 1 thôn là đồng bào dân tộc thiểu số K’ho với 107 hộ/473 khẩu. Lao động trong độ tuổi trên 8.000 người.

Trên đèo nhìn xuống thung lũng rộng lớn. Rất nhiều chỗ trên đây có thể nhìn bao quát, có điều nắng nóng muốn lột dên, pà kon thông cảm.

Kinh tế của xã chủ yếu là nông nghiệp, cơ cấu kinh tế của xã là “nông lâm nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại - dịch vụ”. Trong đó: nông lâm thủy sản, chiếm 60%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chiếm 23%; thương mại - dịch vụ, chiếm 17%. Năm 2014 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Đi những 3 lần, vẫn thấy đèo đẹp nhưng thời tiết chả đẹp chút nào. Đường cũng dzị, may mà bà xã né không chụp những cái ổ voi, ổ khủng long...

Với lợi thế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của miền Đông Nam Bộ, có đường ĐT 766 nối trung tâm huyện lỵ đi Đồng Nai, Lâm Đồng và thành phố Hồ Chí Minh; có đường ĐH Mê Pu – Đa Kai nối với Quốc lộ 20 đến huyện Tân Phú, Định Quán của tỉnh Đồng Nai.

Xe trước chở cây gì đó, tua tủa phía sau. Lỡ mà đâm đuôi xe ổng là thành 'xiên que' liền!

Với vị trí này, xã Mê Pu có nhiều thuận lợi trong mối quan hệ giao lưu phát triển kinh tế - xã hội - quốc phòng - an ninh với các vùng lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong hội nhập với nền kinh tế thị trường, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Cái cua gắt khiến ta xáp lại gần, hoá ra ổng chở 2 bó nứa (tre). Mé kia có xế hộp bò lên kia...

- Đức Phú

Đức Phú là xã miền núi nằm về phía bắc huyện Tánh Linh, cách trung tâm huyện trên 30km, phía đông giáp với xã Nghị Đức, phía tây giáp xã Mepu huyện Đức Linh, phía bắc giáp với xã Đoàn Kết huyện Đạ Hoai tỉnh Lâm Đồng, phía nam giáp với xã Gia An. Diện tích tự nhiên 4.034 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 2.331 ha.

Nhỏ nhưng có võ, đèo chút rí chứ độ vòng vo chả kém ai...

Toàn xã có 1.805 hộ /7.639 khẩu được phân chia thành 5 thôn 27 xóm, trong đó có thôn 5 Tà Pứa cách xa trung tâm xã gần 10km, là thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số K’ho có 89 hộ/334 khẩu.

Do đặc thù xã Đức Phú là xã miền núi ảnh hưởng khí hậu tây nguyên, có hai mùa mưa nắng rõ rệt, thời tiết tương đối thuận lợi, nhân dân trên địa bàn chủ yếu sản xuất cây công nghiệp, lúa và các loại cây hoa màu khác (trong đó có sầu riêng nổi tiếng).   

Tự dưng lại nghĩ đến đèo Mẻ Pia, tức là Khâu Cốc Chà. Chẹp, mê còn đèo quắn quéo này lắm nhưng nó tận Cao Bằng. Biết bao giờ ta mới có dịp ra đó và tự chạy lên xuống còn đèo đó hỉ?

Sản lượng lương thực bình quân đầu người hàng năm đạt 1.100kg - thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/năm. Hệ thống giao thông nông thôn, GTTL nội đồng được quan tâm đầu tư nâng cấp hàng năm thuận lợi cho sản xuất.

Lúc này đúng 12h trưa, chính ngọ trên đỉnh đèo. À không, đã sắp hết đèo rồi còn gì? Ta đã thấy khung cảnh phía dưới gần lại.

Sự nghiệp giáo dục, y tế không ngừng được đầu tư phát triển. Đến nay xã có 5 đơn vị trường học, 5/5 đơn vị trường được đầu tư kiên cố, có 2/5 trường đạt chuẩn quốc gia. Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, hàng năm 5/5 đều đạt thôn văn hóa. Đến cuối năm 2016, xã Đức Phú hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông chở tre vẫn chạy vèo vèo phía trước. Rồi qua cái cua cuối đèo này thì ổng biến mất, chắc rẽ vô nhánh đường nào đó.

Xã là vậy, còn đèo Tà Pứa thì sao? Có lẽ ta cũng nên nhắc lại:

Đèo Tà Pứa (đèo Bà Sa) là con đèo nhỏ trên đường tỉnh 713 ở vùng giáp ranh xã Mê Pu huyện Đức Linh và xã Đức Phú huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận. Tại đây đoạn đường tỉnh 713 nối vào ngã ba với đường tỉnh 717 và đi lên tỉnh Lâm Đồng nối vào quốc lộ 20 tại thị trấn Đạ M'Ri.

Tấp vào cái vườn cây dưới chân đèo nghỉ mát. Nước đá uống... phê lòi, ta lại đổ vào chai nước thứ 2. Cái bình hai lớp hiệu nghiệm lắm, giữ lạnh vài ba tiếng không si nhê dù trời nắng nóng. Đây là quà tặng của phường nhà cùng với bằng khen lúc vừa qua đỉnh dịch Covid, kiểu 'Người tốt việc tốt'.

Trước đây đèo được đặt tên là đèo Bà Sa, tên có gốc từ tiếng K'Ho Lạch là "B' Sar". Sau này đèo được đặt theo tên suối Tà Pứa, là suối chảy lên hướng bắc đổ vào sông Đa Huoai trong hệ thống sông Đồng Nai. Cũng có một số người đi du lịch gọi là đèo Tà Pao, do trên đèo có cột km ghi "Tà Pao 33 km" báo khoảng cách đến cầu Tà Pao. Cầu này ở thôn Tà Pao xã Đồng Kho huyện Tánh Linh, nơi có tượng Đức Mẹ Tà Pao trên núi Tà Pao.

Giảm cái sự nóng rồi, nhìn xung quanh thấy toàn là sầu riêng. Mà suốt đoạn đường từ Đoàn Kết tới giờ, sầu riêng là cây vô địch ở đây mà.

Tuy là con đèo ngắn nhưng Tà Pứa có những khúc cua rất gắt, nếu nhìn tứ trên cao ta sẽ thấy hình đạng đèo như con rắn đang bò. Trên đèo có nhiều chỗ ngắm cảnh đẹp.

Nghỉ mươi phút, ta lại đi. Sắp đến Võ Xu. nơi em chọn rồi đây.

Lần đầu tiên bọn mình đi con đèo này là vào tháng 8/2011 - Lúc ấy cũng giữa trưa nhưng rất mát vì vừa có mưa, mây lốm đốm. Đường đèo khi đó tốt tuyệt hảo!

Đường vẫn lổn ngổn các ổ. Kha kha, ngắn và ít hơn nhiều so với cái đoạn xuống hồ Tà Đùng. À, bạn nhìn kỹ tấm ảnh phía bên trái: trên cột cổng có đôi chó đá - Hồi đi Dầu Tiếng thấy thứ trang trí trên đầu cổng này nhiều lắm..., kiểu nhà dân miền Tây.

Lần thứ nhì, ta qua đèo trong chuyến 'Từ Vạn Giã: gió biển, mưa dầm lên Đạ Sar' tháng 3/2012 thì lúc ấy đường đèo đã đầy ổ gà, rất te tua. Đến chuyến đi lần này, đường đèo đã tan nát - chằn chịt đầy ổ đại bàng, ổ khủng long do các xe quá tải trốn CSGT chạy càn.

Chừ thì ta ra thị tứ Mê Pu, ngay ngã 3 (vị trí >) - chiều nay sẽ ngồi ở nhà... rung đùi.

Riêng mình, cảnh đèo bây giờ vẫn đẹp nhưng điều trùng hợp kỳ lạ: cả 3 lần ta đều qua Tà Pứa... giữa trưa: 2 lần trước rất mát mẻ thì lần này được thụ hưởng cái nắng nóng nung người nên chả còn tý hứng thú nào mà ngắm cảnh vật nữa, chỉ muốn thoát qua cho lẹ thôi!

Nhất quá tam, có lẽ khó mà có dịp chạy ngang đèo Tà Pứa nữa rồi, ta sẽ hướng đến vô vàn những con đường đèo khác vậy.

(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21 - Phần 22 - Phần 23 - Phần 24 - Phần 25 - Phần 26 - Phần 27 - Phần 28 - Phần 29 - Phần 30 - Phần cuối

Điền Gia Dũng

Du lịch, GO!