(Điền Gia Dũng) - Nhớ loạt bài bọn mình đưa lên từ nhiều năm trước, ví dụ như 'Lang thang ngoại ô Sàigòn', 'Lang thang Nhơn Trạch', 'Phượt hẻm, viếng nhà thờ'.v.v..., lần này cũng là một cuộc lãng du nho nhỏ ở vùng kề cận Sàigòn, đó là xã Phước Khánh - Nhơn Trạch.

< Hôm ni phà đông, không ế như những lần trước (do Covid). Nhưng đông thì đông, ta vẫn cứ qua ok.

Không xa xôi gì, chỉ qua phà Cát Lái rồi phi thôi. Loanh quanh chỉ để biết xóm làng, vùng đất quanh nơi ta sống có gì hay hay không. Nếu đơn thuần ta chỉ biết xa, biết nhiều địa danh du lịch của VN mà bỏ quên cái thật gần, những chốn kề cận quanh nơi mình sống thì thật là... uổng phí cái sự đời đúng không? Dzị là 5h30 sáng ngày chủ nhật 6/12/2020, bọn mình xách xế ra đi.

< Bà xã có thói quen vào cổng phà là xuống xe liền, trả tiền vé cho cả 2 xong là... lập tức biến mất, chắc đâu đó trên đường dẫn phà, ở tầng trên phà... hay ở đâu đó. Dzị nên cái cảnh 'anh đi phà này, em lên phà kia' rất thường xẩy ra... nhưng chả sao, phà nào cũng dìa... La Mã cả!

< Ra cổng phía Nhơn Trạch đứng chờ, còn mình vẫn còn trong dòng xe tấp nập xuống bến.

Vẫn như mọi khi, ta qua phà Cát Lái. Theo thống kê của Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong TP.HCM: trong thời gian qua, lưu lượng người dân qua phà Cát Lái liên tục tăng, cao điểm lên tới một trăm ngàn lượt/ngày - còn trung bình ngày thường khoảng một nửa. Do người dân đi lại nhiều, một số thời điểm xảy ra 'ùn ứ', đặc biệt là khu vực bên bờ Nhơn Trạch, Đồng Nai.

< Rời bến phà, dĩ nhiên là ta phon phon trên đường 769, lúc này là 6h12 phút. Hẳn nhiên ta sẽ ghé quán phở quen thuộc em hén?

< Cái thòm thèm của hương vị phở quen thuộc nhanh chóng biến mất vì quán... đóng cửa! Tại ta quen thôi, chứ đoạn ni có cả... tỷ quán nhưng dĩ nhiên không phải quán nào cũng ngon, vừa ý. Lắm lần cứ thử nghiệm quán mới, quán lạ nhưng thất vọng tràn trên - Nói chung thì thử một chục chỗ, có một chỗ ngon là ok rồi... nhưng dâu có dễ vậy. Dzị nên bi giờ ta cứ đi, điểm tâm hãy chờ đó, rồi cũng sẽ có thứ bỏ vào bụng mà.

< Cái ngõ con con mà bọn mình vẫn thường đi (Lý Thường Kiệt - vị trí >), đường này dẫn ra cống Ông Kèo.

Từ nhiều năm qua, người dân hai bờ TP.HCM và Đồng Nai đều muốn sớm xây cầu Cát Lái thay thế phà nhưng đâu phải cứ muốn là được mô? Trước kia, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020 được Thủ tướng phê duyệt năm 2013, kết nối giao thông giữa TP.HCM và Đồng Nai hướng vào trung tâm đô thị mới Nhơn Trạch vẫn giữ nguyên như phà y như hiện hữu.

< Cống phía trước (vị trí >), trên trảng cỏ xanh đổi màu vàng đỏ giấc bình minh đầy những bông hoa. À, nhìn kỹ chả phải hoa mà là... rác, chả hiểu sao rác hôm nay lại nhiều kinh thía này, toàn là các bọc xốp. Bà kon ơi, giảm sử dụng cái thứ vật liệu ác ôn này, nó tồn tại cả trăm năm đấy! Nói thật, nếu nhà mình ngay đây thì chắc chắn nửa kia và mình sẽ nhặt sạch hết và đặt một cái thùng gần đó cho pà kon bỏ vào - cỏ đẹp thía này mà?

< Chạy qua cống Ông Kèo, lúc này mặt trời đỏ rực.

Tuy nhiên, trên cơ sở đề xuất của các nhà đầu tư, TP.HCM đã báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây cầu thay phà Cát Lái, giao TP.HCM triển khai đầu tư giai đoạn 2017 - 2020.

Trên cơ sở đó, có một số nhà đầu tư và liên danh cũng đề xuất dự án theo hình thức BOT kết hợp với BT nhưng cuối cùng thì thỏa thuận liên danh... hết hiệu lực mà không tới đâu.

< Đường ni sẽ thông ra đường 19, ngay cái chợ tạm Phước Lý. Hồi đó đi phượt về thường ghé chợ ni mua ít rau, thịt để về bắt nồi cơm, lúc ấy chỉ loe hoe ít người bán còn bi chừ thì khủng hoảng, nó còn hơn cả cái chợ!

Vì sao cái chợ Đại Phước to đùng gần đó nhưng bà con mình không vào bán hỉ? Và chính quyền sao pó tay? Chỉ thấy: giờ họp chợ chạy qua lại rất chua...

< Bỏ chạy khỏi cái chợ tạm... to hơn chợ, ta trên đường Hùng Vương hướng về xã Vĩnh Thanh.

Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai đã chủ động làm việc với Sài Ghềnh và đề xuất Thủ tướng về việc đứng ra chủ trì xây cầu. Tháng 8-2019, Thủ tướng đã giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái trên cơ sở đề xuất của tỉnh ni.

< Mình chạy, còn bà xã vừa chộp vừa ngắm tìm chốn kiếm thứ... bỏ bụng. Quán phở kia được không? Hay bánh canh chỗ nì?... Không, em có chỗ rồi, anh cứ chạy đi, em chỉ cho. Lúc này chỉ mới 6h40 phút thôi.

< Nhơn Trạch đất rộng bao la, đã từng có thời kỳ sốt đất ì ầm nhưng nay êm ả rồi bất kể thương lái đất nổ đùng đùng theo cái dzụ cầu Cát Lái... giống như là mai sẽ xây. Còn bàn dân, người ta ngộ ra cầu vẫn còn xa tít mù... 

Dự kiến rằng cầu Cát Lái sẽ khởi công trong năm 2020 - cầu có chiều dài 3.782m, phần cầu chính dài 650m, kết cấu bằng dây văng hai trục tháp. Do tổng mức đầu tư bự, việc triển khai theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) cho toàn bộ dự án sẽ không khả thi nên Đồng Nai kiến nghị tách dự án xây dựng cầu Cát Lái ra làm 3 dự án thành phần...

< Ở đoạn này trước kia có cái quán phở rộng rãi, có lavabô rửa mặt phía trước nhưng nay sập tiệm rồi. Phở không ngon, thịt lèo tèo đôi miếng, nước lèo cũng nhạt nhẽo nhưng bằng giá phở Thuỳ Trang nên càng bán càng ế, sập tiệm là phải. Dzị đó, kinh nghiệm phải mua phải thử mới có, qua mười quán, biết được 1 quán ngon, giá phải chăng thì hể hả lắm bạn ơi, chắc chắc bọn mình sẽ còn ghé lại còn bằng không thì vĩnh biệt đường ai nấy đi...

< Đường Hùng Vương qua nhiều khoảng đất gò: thường thì mé Đông cao, mé Tây thấp, độ cao có khi đến 5 mét nghĩa là cao như một tầng nhà.

Cuối cùng bọn mình cũng tấp vô một quán bình dân, quán xóm làng. Mươi cái bàn con xập xệ với các ghế nhựa cũ mèm nhưng gọi bánh canh, ăn ngon phê! Chả biết ngon vì đói hay ngon vì cái khung cảnh nhà quê nhưng ấn tượng nhất là cay... tiêu, cay đến phê lòi!

< 20k tô bánh canh xóm làng, hủ tiếu, mì, miến vịt cũng dzị, đồng giá. Xong, suýt xoa cái mỏ vì tiêu và ớt rồi đi, tự nhiên thấy ấm cả người... dù hồi sáng đến giờ trời se se lạnh.

Phần cầu chính sẽ do tỉnh Đồng Nai phụ trách theo hình thức BOT, phần đường dẫn phía phà Cát Lái Đồng Nai sẽ dài 263m rộng 56m do tỉnh Đồng Nai phụ trách. Riêng phần đường dẫn phía thành phố (dài 623m) được giao cho UBND TPHCM tiến hành xây dựng.

< Một lối nhỏ vào chợ Hoà Bình, lối hẻm (vị trí >) còn lối chính đi đường Phạm Thái Bường. Có điều, hum nay ta không đi chợ, hi hi...

< Xe vẫn vi vu, điểm cần ghé kế tiếp sẽ là GX Bắc Thần.

Có điều đã sắp hết năm rooòi nhưng đến nay, TPHCM vẫn chưa thể xác định được điểm nối vào cầu Cát Lái vì nó sẽ ảnh hưởng đến các đồ án quy hoạch được duyệt trước đây, các dự án đầu tư đã và đang triển khai trong khu vực cũng như làm thay đối phương án kết nối giao thông các tuyến đường trong khu vực nút giao Vành đai 2. Làm không chuẩn, sau này nẩy ra cả núi rắc rối, một đống kẹt xe thì lại khổ.

< Và chính nơi này đây, bọn mình đã từng ghé lại đôi lần trước (vị trí >).

< Đối diện là nhà thờ Bắc Thần, đang có lễ sáng Chủ Nhật.

Dzị nên hãy cứ chờ đó, Sàigòn cũng không vội được mô. Chừ thì cứ qua phà như bao năm ta vẫn qua, có chết ai đâu nà? Phà đi mãi, tự dưng thấy thân thương - Phà đi hoài, ta bổng nhớ đến lời chúc tết của chị bán vé hồi đâu năm ngay sáng mồng một khiến mình nhớ hoài.

< Ghé không phải để cầu nguyện hay tham quan mà đơn giản là ở đây có vòi nước sạch có thể rửa mặt, xúc miệng như một số khuôn viên nhà thờ khác. Tạ ơn Đức Mẹ vì người đã giúp kẻ lỡ độ đường.

< Một chú ong nhỏ cẩn mẫn hút mật. Có ngờ đâu vài tiếng sau, ta hội ngộ con ong khác lớn hơn nhiều...

Cát Lái cũng có cái để tán phét được đấy. Bạn biết không, từ 'Cát Lái' là địa danh - tại TP HCM, địa danh liên quan gồm: ngã ba Cát Lái, phường Cát Lái, bến phà Cát Lái, cảng Cát Lái, sông Cát Lái... (quận 2) và rạch Cát Lái Lớn, rạch Cát Lái Bé (xã Lý Nhơn, huyện Nhà Bè). Nhưng tại sao lại là 'Cát Lái' chứ?

< Tiếng hát văng vẳng của ca đoàn một bài nhạc rất xưa "Trời cao, hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tôi..." - bi chừ đang là mùa vọng... Không bao bữa nữa sẽ đến Giáng Sinh.

< Thoải mái rồi thì lại đi, lúc này đã là 7h.

Theo các nhà nghiên cứu về Sàigòn, viết như dzị là... trật lất! Với các ông, ở các vùng kể trên ngày xưa lái buôn tụ về buôn bán nên dân gian gọi là vùng của các lái (lái buôn).

Trong dân gian vẫn còn lưu truyền những bài vè về các lái buôn ghe bầu từ miền Trung vào Gia Định với hai bài 'Vè Lái vô' và 'Vè Lái ra' (những bài vè này bạn có thể tìm thấy trong web cadao.me). Vì vậy phải viết là 'Các Lái' mới đúng. Có lẽ đúng nhưng người ta đã gọi quen 'Cát Lái' đến chết cả tên rồi còn đâu, răng mô mà sửa, thôi thì cứ 'Cát Lái' dzị cũng không hại ai...

(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5Phần cuối

Điền Gia Dũng

Du lịch, GO!

Lang thang ngoại ô Sàigòn (P1)

Mồng 7, lết thếch về Cần Giuộc (P1)

Lang thang Sàigòn (Phần 1)

Lang thang ngoại ô Sàigòn (B - P1)

Lang thang Nhơn Trạch (P1)

Mồng 1 tết chơi làng an dưỡng Ba Thương (P1)

Đón gió sớm ở Q2 (P1)

Lang thang qua cù lao Ông Cồn

Đi chợ hơn mươi cây số, đâu gọi là xa?

Lang thang ngoại ô Sàigòn (C - P1)

...