Lại tiếp theo những loạt bài nhiều tập 'Lang thang Sàigòn', 'Lang thang ngoại ô Sàigòn' phần Aphần B đã post, nay mình cũng theo cung cách ấy để kể cho các bạn xem về những vùng ven... mà đôi khi dù nó chả xa lạ gì nhưng bổng nhiên bạn nhận ra rằng: Ô, mình biết chỗ đó, mình có nghe qua chỗ đó nhưng... chưa từng chạy qua, chưa từng ghé vào lần nào!

< Rời nội thành bằng chuyến phà Bình Khánh lúc 5h40 sáng. Sự may mắn đầu tiên trong ngày: mình xuống pông tông ngay lúc phà đang chuẩn bị cất cầu, nếu trễ vài giây thôi thì phải đợi cả nửa tiếng nữa để lên chuyến phà sau. Phà sớm vắng heo, chỉ loe hoe chục chiếc gắn máy và 1 chiếc xe tải. Chả bù với những chuyến đông nghẹt người ban ngày, nhất là lúc cao điểm.

< Cũng như mọi lần: 'nửa kia' đeo cái Canon nhỏ, mình cái Nikon bự hơn. Cái máy nhí nhẹ nhành thật nhưng thiếu sáng thì cho ảnh rất xấu trong khi máy lấy nét chậm. Mà thiếu sáng thì chắc chắn rồi vì lúc này chỉ mới 6h thôi.
Muốn ảnh đẹp hơn thì sau này, nửa kia phải đeo cái bự hơn, sẽ đau vai đây!

< Vượt cầu An Nghĩa, trước cầu ni có nhánh rẽ vào Tam Thôn Hiệp mà hồi trước bọn mình đã đi. Qua cầu này rồi, chạy thêm một đoạn sẽ gặp ngã 3 An Thới Đông vào ấp Bình Hòa. Đây là vùng đất bán đảo vì 3 phía vây quanh bằng kênh Bà Tòng, sông Nhà Bè và con sông có cái tên là lạ là 'sông Kho Mắm'. Mình bỏ qua ngã 3 này do nơi muốn đến phía dưới kia...


< Rừng Sác phủ xanh hai bên đường, đây chính là 'lá phổi' của thành phố HCM. Tuy nhiên ngày nay nó đang dần bị xâm hại khi các ao tôm xuất hiện: um ba la ao tôm nhiều bao nhiêu thì rừng ngập mặn mất bấy nhiêu diện tích.

Bạn có biết xã An Thới Đông và Lý Nhơn? Đây là một xã vùng xa thuộc huyện Cần Giờ. Trong những chuyến lang thang trước, bọn mình đã ghé Bình Khánh, vào vùng đất an bình Tam Thôn Hiệp rồi vi vu trên bãi biển tại thị trấn Cần Thạnh.

< Bọn mình chạy qua cây cầu Rạch Đôn 2 (vị trí cầu ở đây), vắt ngang dòng tắc Ông Đĩa. Song song kề cận có cây cầu cũ nay không còn được lưu thông, trở thành cái lán trại gì đó.

Lần này, hai xã vừa nêu sẽ là đích đến trong chuyến đi nho nhỏ vừa trải qua này. Nhưng trước khi nói đến An Thới Đông và Lý Nhơn, mình xin đề cập sơ lược về huyện Cần Giờ cái đã. Sơ lược vì có lẽ mình đã nói đến huyện ni trong các bài trước, nay chỉ nhắc lại thôi.

< Đường Rừng Sác đi biển Cần Giờ vắng hoe nhất là trong ngày thường. Khi nào cây cầu Bình Khánh hoàn thành, chắc sẽ có một sự thay đổi đến ngạc nhiên... nhưng đó là chuyện tương lai.

Cần Giờ là một huyện ven biển thuộc thành phố Hồ Chí Minh nằm ở phía Đông Nam, cách vùng trung tâm khoảng 50km. Cần Giờ hiện này vẫn là một vùng đất xa cách vì nơi đây là đảo, giáp biển - một vùng biển duy nhất của thành phố lớn và phát triển nhất nước.

< Qua cầu Rạch Đôn tầm nửa cây số, bọn mình gặp nhánh rẽ vào Lý Nhơn bằng con đường cùng tên. Đường Lý Nhơn, đi Lý Nhơn nhưng nơi đây hoàn toàn thuộc xã An Thới Đông - huyện Cần Giờ.

Muốn đến Cần Giờ, ta bắt buộc phải qua một chuyến phà; đó là phà Bình Khánh nằm ven ngã 3 con sông rộng lớn Nhà Bè, nơi có nhánh nối vào sông Lòng Tàu...

< Con đường thật đẹp, nhất là những đoạn mà cả hai bên phủ đầy rừng đước - loại cây mà ngay phần gốc có rất nhiều những nhánh rễ xòe ra chung quanh như chân con nhền nhện rồi cắm tọt xuống vùng đất lầy khiến thân cây thật vững vàng trước mọi giông bão.

< Bình minh, mặt trời bắt đầu soi bóng đầu ngày bằng những tia nắng dịu vàng đỏ. Tít phía xa là chuyến xe bus đang chạy tới, có lẽ tuyến Bình Khánh - Lý Nhơn - Lý Hòa Hiệp.

Dự án cầu đã có và đã được  lãnh đạo TP HCM lên kế hoạch từ nhiều năm nay nhưng đến bây giờ mới thống nhất các yếu tố kỹ thuật về mặt thủ tục cho việc xúc tiến dự án.

< Bà xã ngắm những tia sáng đầu ngày, lúc này chỉ mới 6h20 - cà phê mình đã uống sớm ở nhà, vậy nhưng cái bụng đói - giờ lại 'no' cái cảnh quan.

Cái loại cây bụi màu đo đỏ hai bên đường phân làn ranh rạch ròi giữa: lộ và cây bụi, cây rừng như một vùng điểm xuyến thật thơ!

< Chiếc Win còi, con xế cũ kỹ mà mình đã chạy nó qua hơn hai mươi lăm năm rồi. Phúc đức bảy đời là nó vẫn tương đối ổn trong các chuyến lang thang.

Dự án 2 cây cầu nối vào vùng đất Cần Giờ nằm trên con đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ khởi công với việc làm trước hai cầu dây văng là: cầu Phước Khánh vượt sông Lòng Tàu (nối huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với huyện Cần Giờ, TP.HCM) và cầu Bình Khánh vượt sông Soài Rạp (nối huyện Cần Giờ với Nhà Bè).

< Một đám trẻ chuẩn bị đến trường. Rừng Sác đã lùi lại phía sau lưng, nhường đất ở cho con người.

< Con đường nho nhỏ nhưng láng nhựa tốt với nhiều khúc cong cong đưa bọn mình vào địa phận ấp Doi Lầu thuộc xã An Thới Đông.

< Cổng trường Tiểu học Doi Lầu, mấy đứa nhỏ túm tụm mua đồ chơi, ăn quà vặt.

Dự kiến, cầu mới sẽ nối đường Bình Khánh (đang xây dựng về hướng Cần Giờ) đến các tuyến đường Bắc - Nam như Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát. Đồng thời kết nối với những đường giao thông sẵn có ở Nhà Bè, Cần Giờ và đi qua khu đô thị cảng Hiệp Phước dẫn đến các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai. TP HCM sẽ huy động đầu tư trực tiếp nước ngoài cho dự án cầu Bình Khánh, với phương thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

< Rồi bọn mình thấy một chiếc cầu treo cao vút nổi bật giữa nền trời...

Riêng cầu Phước Khánh sẽ nằm trên đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có chiều dài toàn tuyến 58 km, đi qua Long An, Cần Giờ - TP.HCM và Đồng Nai. Tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 120 km/giờ, gồm tám làn xe (giai đoạn 1 làm bốn làn xe).

< Đây chính là cầu Vàm Sát bắc ngang dòng sông cùng tên (vị trí cầu tại đây) trước khi dòng nước cùng hòa nhịp với sông Nhà Bè.

Theo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC - chủ đầu tư), khoảng 1/2 tuyến đường được xây dựng trên nền đất yếu nên việc xử lý khá phức tạp, phải sử dụng cầu cạn. Riêng hai cầu trên vượt qua hai đoạn sông thường xuyên có tàu trọng tải lớn ra vào các cảng trên sông Sài Gòn và Soài Rạp nên phải bắc cao và làm trước.

< Dừng xe trên cầu thường là điều cấm nhưng trong hoàn cảnh này: cảnh đẹp và xe lưu thông ít nên không có gì cấm cản được bọn mình dừng lại thưởng ngoạn tí chút.

< Bà xã chộp bên kia thì mình chớp bên này. Bình minh thật đẹp nhưng vẫn thiếu vài áng mây...

Dự án sẽ nối liền một huyện cuối cùng vẫn còn ngăn cách bởi sông nước với thành phố và vẫn qua lại bằng phà giúp phát triển một vùng đất rộng lớn đầy tiềm năng về công nghiệp và du lịch. Tuy nhiên, bây giờ thì ta cứ qua lại bằng... phà cái đã vì chờ khởi công, xây dựng và hoàn thành có lẽ còn lâu.

< Mình chụp từ bên kia. Bạn thấy 2 cái chỗ phình rộng ở đầu cầu không, nơi hóng gió à? Không, có vẻ như đây là chỗ cho 2 xe tránh nhau vì bề ngang mặt cầu khá nhỏ.

< Nhân viên gác cầu là người đàn ông áo cam: hít, thở, hít thở... là cái sự tập thể dục mà ông đang làm.

Lại đề cập về vùng đất này: Huyện Cần Giờ tiếp cận với biển Đông hiện hữu một khu rừng ngập mặn đan xen với hệ thống sông rạch dày đặc chứa đựng các hệ sinh thái mang tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động thực vật đặc hữu của miền duyên hải Việt Nam, đó là khu rừng ngập mặn Cần Giờ.

< Bạn đoán xem là gì: Nhà dân bên kia sông? hay cơ quan, trường học?
Không phải, đó là những nhà nuôi yến - những căn nhà rỗng, nhiều tầng, không cửa sổ mà chỉ có các lỗ tròn, lỗ vuông ở cả 4 phía. Nhìn kỹ có thể thấy những con chim yến bay lượn chung quanh. Phong trào nuôi chim yến đã lan rộng khắp Cần Giờ, có người thành công nhưng cũng có nhà thất bại.



< Khung cảnh bên kia cầu, khúc sông sẽ đổ ra dòng Nhà Bè ngoài kia, ngay sau cua quẹo. Còn mé trái ảnh có bến đò Cần Giờ đi Tân Tập - Nhà Bè.

Cần giờ là huyện biển duy nhất của Thành phố Hồ Chí Minh, nằm ở phía Đông Nam, cách trung tâm thành phố khoảng 50 km đường bộ. Cần Giờ giống như một hòn đảo tách biệt với xung quanh, bốn bề là sông và biển.

< Trên cầu thi thoảng có xe chạy thì dưới dòng Vàm Sát cũng thế thôi: kia là chiếc tàu gỗ chở hàng hóa vừa từ sông Nhà Bè rẽ vào.

- Phía Bắc huyện ngăn cách với huyện Nhà Bè bởi sông Soài Rạp.
- Phía Nam giáp biển Đông.
- Phía Tây ngăn cách với huyện Cần Giuộc và huyện Cần Đước của tỉnh Long An, huyện Gò Công Đông của tỉnh Tiền Giang, ranh giới là sông Soài Rạp.

< Còn đây là chiếc tàu nhỏ kéo theo chiếc thuyền con xuôi dòng ra Nhà Bè, trên nóc phơi lổn ngổn nhiều loại cá vừa bắt được trong đêm.

- Phía Đông Bắc ngăn cách với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai bởi sông Lòng Tàu.
- Phía Đông Nam tiếp giáp với huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ranh giới là sông Thị Vải.

< Ngắm cho thỏa rồi lên xe, nổ máy đi tiếp. Lúc này vẫn chỉ mới 6h44 phút ngày 7/3/2014 - bọn mình đang trong địa phận ấp Lý Hòa Hiệp thuộc xã Lý Nhơn.

Về hành chánh, hiện nay huyện bao gồm thị trấn Cần Thạnh và 6 xã là: xã Bình Khánh, xã An Thới Đông, xã Tam Thôn Hiệp, xã Thạnh An, xã Lý Nhơn, xã Long Hoà. Ngoài ra, huyện này có khoảng 69 cù lao lớn nhỏ.

< Áp góc 90° với cây cầu mình vừa qua có một cây cầu nữa: cầu Rạch Đồn, bọn mình bỏ qua.

Theo Wikipedia thì trước năm 1975, địa bàn huyện Cần Giờ gồm hai quận Cần Giờ và Quảng Xuyên thuộc tỉnh Phước Tuy. Quận Quảng Xuyên được thành lập ngày 29 tháng 1 năm 1959, gồm các xã Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, và Lý Nhơn. Ngày 9 tháng 9 năm 1960, chính quyền VNCH chuyển hai quận này sang tỉnh Biên Hòa. Năm 1970 thì hai quận này nhập vào tỉnh Gia Định.

< Qua khỏi cầu là thấy các xóm nhà dân.

Về phía chính quyền Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì huyện Cần Giờ thuộc tỉnh Gia Định cũ. Sau khi đất nước thống nhất, huyện thuộc tỉnh Đồng Nai (1976–78) với tên gọi là huyện Duyên Hải.
Ngày 28 tháng 12 năm 1978 huyện Duyên Hải được sáp nhập vào Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 18 tháng 12 năm 1991 huyện lấy lại tên cũ là Cần Giờ.

< Rồi chạy ngang qua một khu chợ nhỏ buôn bán tấp nập, đông vui: chỗ ăn sáng đây rồi.

Huyện Cần Giờ có 8 ngôi chùa; 2 chùa thuộc phái Tịnh Độ Cư sĩ; chỉ có Chùa Hải Đức (xã Cần Thạnh), Chùa Quang Minh Như Lai (xã Bình Khánh) và Chùa Nhơn Hòa (xã Lý Nhơn) là có tu sĩ trụ trì. Chùa Thạnh Phước (Chùa Cây Me) ở xã Cần Thạnh là chùa cổ hơn cả.

< Do còn khá sớm nên chưa vội gì, bọn mình vẫn chạy thẳng. Bạn nhìn xem: ven đường là các thùng rác xanh xanh cam cam, tìm rác vứt bừa bãi xem ra khó ở chốn ni.

Chả bù khu đô thị hiện đại ở Phú Mỹ Hưng: có chỗ tìm nỏ mắt không ra cái thứ để bỏ đồ thừa ngoài cách bỏ... vào túi mang về!

< Chạy thêm một đoạn nữa thì mình đến ngã 3 này: Đường ngoài đây là Lý Nhơn, còn nhánh rẽ trái trên bảng chỉ đường ghi 'đường Đê Gốc Tre'.

Lý thú đây, có điều bây giờ phải tính chuyện ăn sáng chứ không, rất có thể 'chả có gì ăn' do quá trễ buổi sáng tại vùng quê này...

< Vậy nên mình trở ra khu xôm tụ khi nãy, đối diện trường tiểu học Vàm Sát - một ngôi trường khang trang và rất đẹp.

Huyện Cần Giờ tiếp cận với biển Đông hiện hữu một khu rừng ngập mặn đan xen với hệ thống sông rạch dày đặc chứa đựng các hệ sinh thái mang tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động thực vật đặc hữu của miền duyên hải Việt Nam, đó là khu rừng ngập mặn Cần Giờ. Do vậy, huyện có nhiều khu du lịch sinh thái mà nhiều người biết đến nhất là KDL Vàm Sát, KDL Đảo Khỉ... ngoài KDL 30 Tháng 4 ven biển Cần Giờ.

< Cái quán mình măm đối diện trường này, khá là đông khách. Tại đây có thể ăn cháo lòng, bánh canh, bún giò... thậm chí cả cà phê nước ngọt ở quán kề bên.
Bọn mình chọn bún thị nướng. Tô bún thừa sức làm no, lại khá ngon nhưng giá chỉ 15k/tô.

Ghé quán là điều chí lý vì từ giờ đến khi rời đây sẽ chả thấy hàng ăn nào.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!