(ĐGD) - Chuyện 'đi chợ' thì nhà ai cũng vậy, ngoại trừ một số kha khá các gia đình trẻ ngày nay thích đến các siêu thị mua thực phẩm cho bữa cơm hàng ngày, đa phần còn lại cũng đều đặn đến chợ gần nhà hàng ngày.

< Buổi đi chợ sáng của bọn mình có thể bắt đầu từ 5h sáng, thường thì sẽ qua cầu Phú Mỹ. Buổi bình minh tuyệt đẹp: sương mù phủ kín các chòm cây xa xa, trông chập chùng không khác gì vùng cao nguyên. Đáng tiếc là chụp bằng cái Lumia 530 cùi bắp. Vậy thì cảnh đẹp chỉ còn tồn tại trong não thôi chứ ảnh chả diễn đạt được cho ra hồn!


< Khu vực Thạnh Mỹ Lợi buổi ban mai còn phủ sương mù lãng đãng trên những bãi cỏ.

Theo xu hướng chung của thế giới, các kênh bán lẻ hiện đại sẽ ngày càng thâm nhập vào thị trường. Việt Nam xuất hiện ngày một nhiều hơn các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini hay các siêu thị lớn.

Tuy nhiên, những kênh mua sắm hiện đại vẫn thưa thể thay thế các kênh mua sắm truyền thống.

< Chợ Cây Xoài thuộc Q2. Xa xôi gì đâu, chỉ chạy mươi kilomet là đến, đi và về gấp đôi. Chợ ni có rau cá tươi rói lại rẻ so với các chợ trong nội thành, nhất là cái chợ Tân Thuận của tui. Cái hàng rau đầu đường là bà xã khoái nhất, những trái đậu que non xèo hay các bó mồng tơi ngọn nho nhỏ được mua từ đây.

Ngành bán lẻ thế giới đã và đang có những bước chuyển mình lớn. Họ càng ngày càng đưa đưa ra nhiều ý tưởng mới, sử dụng công nghệ để đưa vào vận hành nhằm mang đến cho người tiêu dùng những lợi ích tốt và nhanh nhất...

< Còn thịt heo thì nhất định phải mua ở Vissan. Từ hồi hàng Vissan ở Thạnh Mỹ Lợi dời đi, bọn này phải chạy mãi lên Chợ Chiều trên đường Nguyễn Thị Định - Q2. Đối diện có cửa hàng Vissan (vị trí >).

Ấy vậy nên một số bạn vẫn có thể ngồi tại nhà, bên máy tính hay tay cầm cái điện thoại: nhấn nhấn quẹt quẹt vậy là xong buổi 'đi chợ' vì vài tiếng sau, có người sẽ mang đến tận nhà.

Tuy nhiên đa số người dân vẫn đến các kênh truyền thống để mua sắm.

< Vậy nhưng cũng nhờ mua thịt tại đây mới ngứa chân, chạy vào con đường Bình Trưng ngoắc ngoéo bé teo... khám phá ra quán phở 39 khá là ngon (35k - vị trí >)) và nửa kia kết model luôn vì gân bò ở đây tuyệt cú mèo.

Với thói quen, tâm lý, văn hóa lâu nay của người dân Việt Nam đó là mua sắm gần nhà, tham khảo những mặc hàng đa dạng, có mặc cả và trong đó còn có cả sự giao lưu hàng xóm láng giềng… thì chợ truyền thống vẫn là lựa chọn của nhiều người dân.

< Mình tái nạm gầu, nửa kia tái nạm gân, gân bò nó cứ sần sật, gàu dai dai beo béo. Xong có trà đá free uống mát tự dưng thấy đời lên hương!

Có chị cứ đúng 7h sáng lại lót tót xách giỏ ra chợ, có bữa chỉ mua nhúm rau hay chút hành ngò vì thực phẩm bữa chợ trước vẫn còn. Hỏi vì sao không gọi con nhỏ chạy ù ra chợ mua giúp thì chị nói: đến giờ, không đi chợ lại thấy nó thiêu thiếu cái gì đó, vậy là lại xách giỏ đi thôi.

< Cũng quán này nhưng giấc chiều lại bán mì xào bò, gân bò xào cải chua (50k), lẩu bò, gân bò xào sa tế (50k)... nhưng có vẻ dai, không hảo. Chắc lần sau sẽ thứ cái lẩu bò, chỉ 150k cái lẩu nhỏ.

Quan hệ giao tiếp là quan hệ chủ đạo tại các mô hình chợ truyền thống. Trong đó chủ yếu là quan hệ giữa người mua và kẻ bán. Ngoài ra còn thường xuyên tồn tại những quan hệ ăn theo khác như những người ăn xin, hát dạo, những người quản lý trật tự, người thu thuế...

Người ta đi chợ mua mớ rau, con cá nhưng lại thu được rất nhiều thông tin về chính trị, thời sự, y tế, hay cả những vấn đề về tâm linh, tín ngưỡng...v.v...

< Xong bữa sáng, xong cả bữa chợ: cá rau trái treo đầy ở hai cái móc baga, mình xe chạy theo Lê Văn Thịnh, nếu hứng ghé công viên trước bệnh viện Quận 2 rảo bộ ít vòng cho tiêu phở rồi về. Xem ra có gì xa đâu, đi về chưa tới 25km thì có gì là quá lạ?

Tóm lại chợ truyền thống không chỉ để mua và bán, bất luận người ta có muốn hay không thì sự giao tiếp chủ động và bị động vẫn xảy ra và qua đó những hình thái biểu hiện về văn hóa diễn ra hết sức đa dạng, phức tạp và nó chính là một trong những đại diện tiêu biểu cho bộ mặt văn hóa. Vậy nên chợ truyền thống vẫn tồn tại và không dễ gì bị thay thế hoàn toàn bằng những dạng chợ hiện đại khác trong một tương lai gần.

< Tụi này hay... tò mò. Đi về ngõ cầu Phú Mỹ cứ thấy cái quán phở Xương bò Phú Mỹ đông nghẹt... nhìn thấp thỏm chịu hổng xiết! Vậy là cứ nhủ thầm sẽ có ngày ghé. Mà ghé thiệt: hơn 6h sáng còn vắng hoe, vô làm mỗi người tô tái nạm (40k). Nói dở thì cũng chả phải nhưng so sánh với tô phở 39 quận 2 thì thua xa - nước lèo không ngọt bằng, thịt ít hơn mà lại dai dù chủ quán đã dần trước miếng thịt dữ dội.

Vậy còn bữa điểm tâm sáng thì sao? Nếu là một công nhân hay viên chức, có lẽ bạn sẽ tấp vào đâu đó trên đường làm một tô hủ tiếu, người khác bận rộn hơn thì mua và bỏ túi ổ bánh mì thịt... còn muốn ít tốn kém hơn nữa là một gói xôi dăm bảy ngàn là xong bữa.

< Với tầm tiền đó (40k) và không muốn đi xa thì tô phở Mùi ở Tôn Đản - Q4 ăn đứt. Phở xương bò Phú Mỹ chỉ được cái khung cảnh là vườn rộng, thoáng mát thôi... nhưng ăn vừa xong là họ dọn tô cái rẹt, xong rồi thì trả chỗ chứ mô mà dây dưa.

Với người ở nhà, cách thuận tiện nhất là ghé một quán gần nhà: có thể là tô phở, tô mì... hay món gì khác. Lười nhưng gọn hơn nữa là bốc cái alô lên và gọi một phát, mươi phút sau đã có tô bún bò huế bốc khói nghi nghút được đưa đến tận nhà, sướng chưa?

Vậy còn bạn thì sao? Bạn có đi chợ hàng ngày không? Bạn có qua bữa điểm tâm sáng như các trường hợp như trên không? Chắc là có và cũng có thể là không. Mỗi người mỗi ý thích - mỗi cái ngông, người ta như thế, mình có khác cũng chả sao đúng không bạn?

Bọn mình có những điều có thể khác hay giống người chả biết nhưng tự ta nghĩ là ngồ ngộ, thôi thì tán phét một tý cho đời thêm vui...
(Còn tiếp)
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!

Lang thang Sàigòn (Phần 1)
Lang thang ngoại ô Sàigòn (B - P1)
...