(Tiếp theo) - Rời con đường DT19 (tức là Hùng Vương), mình vào con lộ không tên hướng thẳng phía Nam. Chừ thì nhà cửa thưa thớt, hai bên chỉ còn là rừng cây bụi, rừng trồng hoặc ruộng lúa xanh mướt.

< Lại những đám cỏ đuôi chồn nhưng không nhiều, không đủ để trở thành thơ, thành mộng được.

Nếu nhìn trên bản đồ, bạn sẽ thấy con đường này dẫn vô một số khu du lịch sinh thái như: Bằng Lăng Tím, Bò Cạp Vàng, đảo Hoa Gió... Những điểm này có lợi thế sông nước, nước đây chính là con sông, rạch Ông Kèo. Sông hay rạch? Thôi thì ta gọi là 'sông' vậy.

< Qua ngã 3, chạy vào một đoạn ngắn là bắt đầu thấy đồng lúc xanh rì.

< Nhiều trụ cao thế phía trước. Không có gì lạ vì trong ni có Công ty Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch khá là bự. Còn cắt ngang phía dưới là nền dọn sẳn của đường cao tốc Bến Lứt Long Thành (vị trí >).

Sông Ông Kèo (còn gọi là sông Cái) là một nhánh sông nối từ con sông lớn Soài Rạp ngay xã Đại Phước - chạy về hướng Nam qua xã Phú Đông. Khi đến Giồng Sắn, sông tách thành 2 nhánh: nhánh trái chạy theo hướng Tây Nam và rộng dần, lại nối vào dòng Soài Rạp ở gần phà Bình Khánh. Còn nhánh kia chảy về hướng Đông Nam qua xã Vĩnh Thanh, Phước Khánh rồi hoà vào dòng sông Đồng Tranh.

< Đường vắng teo như... chuồng heo mùa dịch tả lợn, phù hợp với cặp đôi thích các chốn hóc bà tó này.

Do nối vào các sông lớn lại không qua các khu đông dân cư nên rạch có dòng nước sạch, điều kiện tiên quyết cho các khu du lịch sinh thái phát triển.

< Cái alô của Điền đây: Hén đã phù đít, có nổ thì cũng không... cháy quần, không trực chỉ bịnh viện... nhưng hiện tại, nó vẫn phát huy vai trò chỉ đường rất tốt - nhất là ta còn chục bữa xài chùa sóng 4 gờ, sướng phát rồ!

Trong thật tế: không ba bốn gờ nó vẫn có thể chỉ đường được nhưng không có ảnh vệ tinh... và có thể chậm chạp cho biết vị trí hơn, thía thôi!

< Nắng à? Không nhiều vì chỉ mới 7h12 phút sáng. Đường đẹp, chả có gì phải chê nhưng chút nữa thì sao? Đi mới biết được, có khi đất đá xấu lòi phèo.

< Có cái trùng hợp ngẫu nhiên khá ngộ là những con đường bọn mình chọn đi lần đầu thường vắng teo. Vậy nhưng dăm mười năm sau, nó đổi thay hoàn toàn, có khi trở thành phố thị dám chừng. Hồi đó, đi đường Nguyễn Văn Linh vắng pà kố, cái thuở mà nhiều đoạn còn hộ lan chận kín cả 2 bên, cỏ cây um tùm. Dzị mà giờ đây ôi nhà là nhà, người xe tá lả...

< ... Hay như trên đường vành đai 2 (nay là Võ Chí Công) cái thuở mới xây dựng tới Rạch Chiếc rồi dừng: Tía ui, 9h đêm mà còn đứng hóng gió trên cầu Ba Cua (lúc ấy mới chí có một cầu, sau này có thêm con nữa song song) hay cầu Phú Hữu dở dang trên con Rạch Chiếc. Đường không bóng người, phúc đức là cướp của lưu manh gì đó ngày ấy không... tồn tại nên bọn mình vẫn bình yên, nay vẫn ngồi tỉ mẩn gõ máy tính nói hưu nói vượn.

Nhưng cũng xá gì nếu so với các cung đường đã đi, ví dụ như QL14 đoạn A Sờ - Thạnh Mỹ lúc hoàng hôn... Mạng Điền... trâu bò, có lẽ do Trời thương. Thương Điền, xin thương cả pà xã vì lúc nào đi có cặp có đôi...

< Lúc này đột nhiên thấy cái cổng ghi 'Công trình Thuỷ lợi rạch Ông Kèo'.

< Qua cổng thuỷ lợi, bi chừ là trạm điều hành (vị trí >).

Vậy bạn có thắc mắc vì sao có tên Ông Kèo?

Ông Kèo là một địa danh từ xưa, đến ngày nay: tên Ông Kèo vẫn còn thể hiện qua tên con sông, tên miếu Ông Kèo và cả tên cho một khu công nghiệp lớn mang tên này: Khu công nghiệp Ông Kèo.

< Còn đây là cống, cũng vừa là cầu nhỏ. Cống này giúp ngăn mặn xâm nhập vào đồng ruộng ven rạch Ông Kèo, kết hợp với cửa cống ở xã Đại Phước. Nước mặn xâm nhập đây là từ sông Đồng Tranh. À, bạn nhìn thấy không: nhánh rẽ phải là vô khu du lịch Bằng Lăng Tím đấy.

< Còn đây là KDL Bò Cạp Vàng với nhiều trò chơi trên nước.

KCN có tổng diện tích 855,6 ha - điều kiện giao thông thuận lợi, đặc biệt là giao thông đường thủy. Khu công nghiệp thuận lợi cho các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ có nhu cầu sử dụng bến cảng tại chỗ. Hiện nay, đã có 12 nhà đầu tư đăng ký thuê hơn 50% diện tích đất khu công nghiệp.

< Cổng vô Bò Cạp đây. Có vài bạn trẻ chạy vô... nhưng bọn mình thì không Bò Cạp cũng chả Bằng Lăng mà chạy thẳng...

< Nói 'chạy thẳng' nhưng thiệt ra là chạy... cong, chạy thẳng xe nó xuống ruộng à?

Trở lại cái địa danh Ông Kèo - Tâm lý người xưa thường kiêng kỵ, tránh nói đến những điều được xem là xúc phạm, thiêng liêng... cũng được biểu hiện qua cách đặt địa danh này. Cái thuở vùng Đồng Nai còn hoang sơ, con người đến khai phá đã gặp nhiều thú dữ đe dọa cuộc sống của họ, đặc biệt là cọp, sấu và voi.

< Từ Bò Cạp trở đi thì người xe trở thành của hiếm dành chỗ cho cỏ cây, nhưng đây là ý thích của bọn mình mà?

< Nói người hiếm thì đây: một bóng xe chạy ngược lại, chỉ thấy cái vù thôi là mất hút.

Một mặt, con người tiêu diệt chúng, mặt khác lại sợ chúng. Chính vì vậy họ cũng xem những con vật ấy là những con vật linh thiêng, có tính thần thánh, ma quái... ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên. Vậy nên người xưa tin rằng dùng một cái tên khác để gọi tên những con vật hung dữ như vậy sẽ giúp họ có cuộc sống tốt hơn, tránh những điều rủi ro vì phạm huý.

< Hết trụ điện mé trái thì bi chừ trụ nhảy sang phải. Lúc này, chỉ còn nó để biểu hiện ánh sáng văn minh. À, cả con đường trải nhựa, hai bên kè bê tông nữa chứ?

< Một nhánh đường đất vào rẫy, không bóng nhà.

Một số địa danh minh họa cho điều này đó là núi Bồ (Định Quán), núi Tượng (Tân Phú), trong đó các từ Bồ, Tượng dùng để chỉ con voi. Trong rạch Ông Kèo (Nhơn Trạch), từ Kèo nghĩa là kèo nèo (lôi kéo) người đi ghe xuồng té xuống sông để cá sấu ăn thịt. 

< Tạm dừng làm ngụm nước mát, gió vẫn hiu hiu - lúc này là 7h15 phút.

Người ta dùng từ Ông đi trước để thể hiện thái độ kiêng dè, lại đề cao đối với những con vật to lớn, hung dữ như cọp và cá sấu ở chốn sơn lâm và vùng sông nước. Tránh Ông chả xấu mặt nào mà.

< Rồi ta vào một khúc quanh gấp, xem bản đồ ở nhà thì chắc chắn nó ở đây >. Cách ta 100m bên trái là rạch Ông Kèo.

< Qua góc cua, bất chợt thấy cái công trình này tít phía xa: Đó hẳn là Công ty Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch. Dzị nên hồi nãy thấy cả đống trụ cao thế ngoài kia....

Bàn chuyện địa danh xưa chả biết đúng hay sai nhưng đó là cái thú vị khi khơi lại cội nguồn. Lắm khi, nó trở thành lịch sử luôn đó.

< Hai nhà dân xuất hiện.

< Sau đó là ngã 3 (vị trí >), đây là đường vô cái CTy  điện dầu khí kia. Bóng bọn mình in hằng trên đường kìa, hẳn ta là cặp bài trùng, hê hê...

Sẽ còn tiếp gì nữa? Bạn chờ xem tiếp phần sau nhé, bài đã dài rồi.

(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần cuối

Điền Gia Dũng

Du lịch, GO!