Tiếp theo loạt bài nhiều tập 'Lang thang Sàigòn', 'Lang thang ngoại ô Sàigòn' thì mình cũng lại theo cung cách ấy để kể cho các bạn xem về những vùng ven... mà đôi khi dù nó chả xa lạ gì nhưng bổng nhiên bạn nhận ra rằng: Ô, mình biết chỗ đó, mình có nghe qua chỗ đó nhưng... chưa từng chạy qua, chưa từng ghé vào lần nào!

< Rời nhà lúc hơn 15h, bọn mình chạy ngang ngã 3 khu chế xuất Tân Thuận. Đây là một trong những KCX lớn đầu tiên của thành phố, cũng là điểm khởi đầu của đại lộ Nguyễn Văn Linh để từ đây có thể chạy thẳng đến Bình Chánh...

< Vượt cầu Phú Mỹ, vào đường Vành đai 2 rồi rẽ qua Nguyễn Thị Định... cho đến khi gặp đường Mai Chí Thọ (xa lộ Đông Tây) thì mình thẳng tiến vào con lộ Lương Định Của. Từ ngã 4 lớn này, chạy tầm hơn cây số thì đến chúa Huê Nghiêm 2. Ghé vào không em? Vào chứ! Vậy thì vào...
Chính diện chùa Huê Nghiêm 2 đây.

Thành phố HCM, xưa đã từng mang danh 'Hòn ngọc Viễn đông', Sàigòn phồn hoa ngày ấy còn nhỏ lắm so với quy mô bây giờ.

< Khuôn viên nơi tượng Phật Bà Quan Âm - vị trí tại đây. Mọi ngưới thi nhau làm dáng chụp ảnh bên những luống hoa.

Sau nhiều chục năm thay đổi theo hướng phát triển mạnh, đô thị ấy ngày nay đã trở thành một thành phố lớn nhất và kinh tế năng động nhất nước - Từ dân số chưa đầy 2 triệu người ngày trước thì nay đã có tầm mười triệu dân cư sinh sống, chưa tính công nhân các tỉnh về đây làm việc và khách vãng lai. Nhà cao tầng, các công trình giao thông hiện đại mọc lên...

< Trong sân chùa có rất nhiều tượng đá như thế này, thật đẹp và ngộ nghĩnh.

Nếu theo cách nghĩ của vùng xa thì chính cái hiện đại này là cái đẹp tương ứng với sự phát triển. Vậy nhưng trong mắt kẻ chuộng chủ nghĩa 'xê dịch': khi bê tông dần chiếm chỗ thì thiên nhiên cũng sẽ hẹp dần, lấy gì để khiến kẻ phượt ham thích đây nếu không làm những chuyến phượt xa?

< Mồng 4, chùa Huê Nghiêm 2 vẫn khá đông. Vậy nhưng trong khuôn viên chùa vẫn có những góc yên tĩnh.

Vậy nên mới có chuyện phượt vùng xa, tán chuyện với người địa phương và nghe rằng: 'Hủm tết, lên SàiGòn thấy phát mê, đường xá rộng thênh, cầu vượt hầm chui với nhà nhà chọc trời giống như thấy trên TV trong chương trình nước ngoài, hiện đại đến hết cỡ thiệt đó!'... để rồi mình phì cười nói: 'Khi anh thấy cảnh kẹt xe thì anh sẽ hết ham... Sàigòn'.

<Những tượng chú tiểu đặt rải rác hai bên lối đi. Các tượng tạc theo lối thủ công nên không pho nào giống pho nào.
Phía trong là nơi bán và cho mượn (?) áo tu xám.

Vậy nhưng ở thành phố đông dân nhất nước này, nếu muốn truy tìm thì bạn vẫn sẽ thấy những chốn hay hay, thậm chí những nơi chỉ có mình ta với ta... mà trong suy nghĩ của nhiều bạn, đó chỉ là chuyện 'trong mơ' ở SàiGòn.

< Muốn có tràng hạt hay các thứ liên quan đến đạo pháp thì ghé vào đây. Mình lại thích những pho tượng nhỏ mang nhiều dáng vẻ khác nhau này...

Bài này mình sẽ kể tiếp những buổi chạy rông trong những ngày sau tết. Đúng lý ra, có cả 3 ngày đầu năm cũng tuyệt lắm - nhất là sáng mồng 1 ngay trong các công viên ở trung tâm thành phố. Vậy nhưng cái lỗi ổ cứng mà mình đã đề cập khiến hàng ngàn file hình phải mất, ít ra phải mất một năm nữa mình mới có lại cái cảm giác thoáng đãng tự do trên phố của ngày đầu một năm.

< Lựa một pho tượng nhỏ đem về ư? Khẹc khẹc, nặng lắm đó nha, bằng đá khối mà, dám còn nặng hơn cả 'nửa kia'.
Phải chi phía sau Quan Thế Âm Bồ Tát có những cây lớn thì sẽ 'tẩy' mất tòa cao ốc kia. Biết sao, thành phố đất chật người đông mà.

< Chùa Huê Nghiêm nhìn từ góc phải. Có điều lạ này: phía trái chùa, nơi có tượng Phật Bà, bãi đậu xe... thì lúc nào cũng đông người. Thang lên chính điện cũng vậy dù cửa chính không mở...

< Còn khuôn viên phía phải chùa thì vắng, chỉ thấy bóng đôi ba người nếu tính... cả mình.

Trong loạt bài này, chốn mình qua sẽ là quận 9. Sáng ngày rằm tháng giêng, mình có dịp viếng qua đình Phong Phú, chùa Phong Linh, chùa Bửu Long và cảm nhận được không khí nô nức của ngày rằm lớn nhất trong năm.

Nhưng trước đó, mình cũng sẽ đề cập tới lần viếng chùa Huê Nghiêm 2 trong ngày mồng 4 tết. Đây là thứ duy nhất còn sót lại trong thẻ nhớ của máy ảnh dăm ngày đầu xuân.

< Rải rác trong vườn là những đá tảng khắc thơ, cây cỏ mát rượi.

Nằm trên đường Lương Định Của - phường Bình Khánh - quận 2, chùa Huê Nghiêm 2 là công trình mới được xây dựng theo phong cách giao hòa giữa kiến trúc Nhật Bản và Việt Nam với hàng nghìn tấm đá hoa cương được lắp ghép lên. Chùa Huê Nghiêm 2 phát xuất từ Tổ đình Huê Nghiêm ở Thủ Đức.

< Chụp ngang hông. Thi thoảng tiếng chuông vang như một bài nhạc thánh thót, đây là tiếng chuông gió được treo ở 4 góc chùa; bạn nhìn thấy những bộ chuông gió đong đưa trong ảnh không?
(Open new tab để có ảnh lớn).

< Vác gạch xây chùa, một trong hàng trăm chủ đề khác nhau của những pho tượng nhỏ.

Tổ đình Huê Nghiêm do bậc danh Tăng là Tổ Thiệt Thụy Tánh Tường khai sáng cách nay trên 300 năm. Trong những vị Tổ kế nghiệp, nơi đây đã từng một thời vang danh với công đức giáo hoá của Tổ Huệ Lưu. Hoà thượng Thích Trí Quảng - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự cũng xuất thân từ Tổ đình Huê Nghiêm và hiện Ngài đang là Viện chủ Tổ đình Ấn Quang và Tổ đình Huê Nghiêm.

< Bọn mình đi giáp vòng huê viên quanh chùa, bên này vắng hoe.
Có lẽ đường bên kia có giăng sợi xích ngang nên không ai đi tiếp, còn phía trước có thể đi giáp vòng chùa.

Chùa Huê Nghiêm 2 được khởi công xây dựng từ năm 2005 với quy mô kiến trúc lớn và được hoàn thành cách nay không lâu. Chùa theo hệ phái Bắc tông, trụ trì hiện nay là hòa thượng Thích Trí Quảng. Các ngày lễ lớn trong năm nhằm vào ngày 8-12 ÂL - lễ Phật thành Đạo.
< Sau khi khoác áo nâu sòng viếng Phật, 'nhóc' ra cùng với mẹ.

Chùa đã từng đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghé thăm nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập giáo hội Phật Giáo VN. Pháp hội Dược Sư Tiêu tai tăng diên thọ - Kỳ quốc thới dân an do Ban Trị sự THPG TP.HCM tổ chức lần đầu tiên cũng diễn ra (26, 27 và 28-2-2013) tại chùa Huê Nghiêm 2.

< 17h30, mình ra lấy xe rồi chuẩn bị rời chùa. Giữ xe miễn phí, muốn có phí thì cứ bỏ vào thùng 'Tùy hỉ'.

Lúc này có mấy cặp Tây phi xe đạp vào. Áo pull, quần lửng, áo đầm ngắn củn cỡn. Mình nghĩ thầm: ăn mặc thía này thì làm sao vào viếng Phật nhỉ?
Vậy nhưng những người trong ban trị sự đến và đưa mời ngay những bộ áo tu để tạm mặc vô. Cha, khách ngoại được 'đặc cách' nha.

< Nắng chiều đỏ rực. Lỡ đang đẩy xe ra nên không thể trở vào góc cuối vườn để lấy ảnh ngược sáng, tiếc.
Nhưng hôm nay chỉ mang cái máy nhỏ thôi...

Mình đến trong ngày mồng 4 nhưng thông tin biết được thì từ 4h sáng ngày mùng 1 Tết Giáp Ngọ, hàng ngàn Phật tử từ khắp nơi đã tập trung về chùa Huê Nghiêm 2 và xếp hàng trong trật tự, lên chánh điện đảnh lễ đức Phật và đón mừng xuân Di Lặc.

< Trở ra đường Lương Định Của, bây giờ sẽ hướng thẳng về Trần Não phía dưới kia...
Nghe 'đồn' rằng, lẫu dê Q2 vừa ngon vừa rẻ. Vậy sẳn dịp này ta thử nghiệm luôn xem sao.

Viếng thăm chùa này, nếu bên ngoài huê viên thì việc ăn mặc không có vấn đề gì. Duy, nếu bạn muốn vào chánh điện chùa lễ Phật thì phải mặc áo tu xám. Áo này có thể mua hay mượn (tại chùa), xe thì có bãi gởi miễn phí (tùy hỉ, cho tiền cũng được mà không có cũng chả sao).


< Gặp đường Trần Não mình liền quẹo phải, mắt đá ngang đá dọc tìm 'quán dê'! Một quán, hai quán...
À, kia rồi... do thấy quán rất đông nhưng xem cũng tương đối bình dân.
Dựng xe hẻm bên, vào bàn chờ. Đông khách nên chưa ai hỏi gì tới, vậy là mình lấy quyển Menu xem trước.

Bọn mình không phải đạo Phật, vậy nhưng vẫn thường viếng các chùa, chủ ý chỉ vãn cảnh do các chùa thường có kiến trúc đẹp, sân vườn rộng.

< Cuốn menu, còn gọi là 'thực đơn' có khá nhiều trang nhưng trang nào cũng dán chi chít 'giá mới' đè lên giá cũ...
Thì ra đây là giá 'tết', giá cả vào dịp đặc biệt này biến 'quán thịt dê' thành quán 'nhìn giá thấy tê', còn ước muốn 'ăn dê' trở thành 'hổng dám mê'.

Lẳng lặng như lúc vào, bọn mình nhỏm dậy bước ra - hẹn nếu có duyên sẽ gặp lại trong mùa hết tết, mùa hổng lễ... hay trong ngày thường hoặc ngày siêu ế.

< Hoàng hôn đang phủ dần xuống thành phố.

Giá ghê nên khách chê, vậy nhưng khách khác vẫn đông hà rầm chứng tỏ là người ta thường phóng khoáng trong những ngày đầu xuân, bi nhiêu thì bi!

Phẹc, mình cũng bán hàng: những mùa tết này có tăng giá khác ngày thường thêm xu nào đâu! Thậm chí có những món mua trữ nhiều dịp tết còn giảm giá thấp hơn ngày thường kia...

Vậy như tết nào cũng bị 'đâm chém' trong 'tiệc' đầu năm, thiệt xúi quẩy. Cũng may là hôm nay 'đào thoát' ra kịp, hi hi...

Lúc này mặt trời ửng đỏ, hoàng hôn đã xuống phía chân trời thành phố hoa lệ. Ảnh 'nửa kia' chụp tại vị trí này đây, chỉ bằng cái Canon cóc con cũ kỹ.

Đường Trần Não đoạn từ cầu Sàigòn đến Lương Định Của rộng bao la, còn từ L.Đ.Của thông ra đường Mai Chí Thọ thì teo nhỏ lại, vậy nhưng đầy cây xanh và bụi rậm. Buổi tối có đèn đường nhưng vắng lắm nghen.

Vượt cầu Kênh 1 hướng đến công viên đầu hầm với cái bụng rỗng.
Về nấu bún nhà măm cùng chả, thịt quay bia bọt à? chán chết!
Hạ hồi phân giải, chuyện đó tính sau, hi hi...

< Công viên đầu hầm sông Sàigòn khá thưa vắng chiều mồng 4.

Công viên đầu hầm vắng người do hôm nay mới chỉ mồng 4 tết. Hôm mồng 1 còng vắng 'kinh' hơn nữa kia, chỉ do người ta về quê, người ta đi chúc tết hay du lịch hết rồi.

Chơi một đỗi, gió hoàng hôn khiến cái lạnh tăng dần. Bao tử 'thoi thóp' một hồi lại nảy ra ý hay...
Thôi về Tâm Ký làm một bữa no vậy. Tâm Ký có trên đường Nguyễn Duy Trinh, có cả trên Nguyễn Thị Định nữa.

Quán 1 đóng cửa nghỉ tết, quán 2 vẫn bán bình thường: mì giòn bò, giòn hải sản, hủ tiếu xào bò, cơm chiên gà... chế biến ngay tại chỗ với dĩa chà bá: mọi thứ vẫn đổ đồng 30k/dĩa cộng thêm 2k phụ thu tết, chả bù với cái quán 'khỉ gió' khi nãy, nếu chấp nhận 'đớp hít' thì không thể nào dưới 300k cho 2 người. Mà kiếm tiền đổ mồ hôi, sôi con mắt mới có chứ phải từ trời rớt xuống đâu?

Giàu tiền, dành của này mua quà cho trẻ vùng cao trong chuyến phượt còn xác đáng hơn để chúng chặt chém trong chuyện ẩm thực quán ở mấy ngày xuân này.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Lang thang Sàigòn (Phần 1)
Lang thang ngoại ô Sàigòn (P1)
Lang thang Nhơn Trạch.
Mồng 1 tết chơi làng an dưỡng Ba Thương