(Tiếp theo) - Hồi đi, cứ ngỡ đường này sẽ nhìn thấy rõ dòng sông Đồng Tranh và cả con sông to chà bá Lòng Tàu nhưng bi giờ coi lại, sông cách bên trái ta tầm hơn... trăm thước! Hi hi, ta phẹc gì - phẹc cả... khu công nghiệp nữa đấy!

< Bên trái có vẻ là nơi nhận khí đốt cho CTy Điện Lực Dầu Khí (vị trí >).

Có điều chả sao cả, cứ nơi vắng người là có thể đi rồi. Ngán thành phố thì nơi ngoại ô là điểm đến, dám chừng hồi nữa có lắm cái độc chiêu đó chứ? Khu công nghiệp biết đâu có cái đẹp của nó. Ta đi, ta hiểu thêm không cái này thì thứ khác - Dzị nên cứ chạy.

< Còn mé phải đường là các bồn chứa khổng lồ và nhà máy. Bồn ni chạy cho cái bếp ga ở nhà chắc nấu 'cháy bếp' cũng không hết, hi hi...

< Chạy thêm đoạn nữa, con đường mình đi vẫn vắng teo, mé trái đầy cây bụi, cỏ um tùm.

Hồi Khu chế xuất Tân Thuận mới hình thành thì bọn mình đã từng đi. Thuở ấy cũng chỉ một nhúm nhỏ CTy đóng đô phía ngoài, mé trong còn rất hoang vắng.

< Và mình gặp ngã 3: Đây là nhánh rẽ phụ vào nhà máy điện khí.

Thuở đó trong các KCN, ngoài những chỗ chưa xây dựng thì các cổng CTy của họ cũng đẹp lắm đấy nhá vì người ta cũng biết chăm chút cho diện mạo dung nhan phía ngoài của cái 'máy đẻ tiền' cho chính mình. Còn những khu đất chưa xây thì sao? Đó là những hàng cây rợp bóng mát hai bên đường, lại hiếm người nên cảnh rất rất thơ mộng.

< Tạm dừng ngay ngã 3 để biết mình đang... ở đâu - hoá ra ta đang... trên đường! Giỡn hoài anh, ai không biết trên đường, hi hi... Em lên xe bọn mình chạy tiếp nghen...

Mé phải lúc này chắc chắn sẽ là dòng sông Lòng Tàu, ta sẽ có chút thông tin về nó đây:

< Bất chợt, sự thần tiên của con đường biến mất - ta đang chạy trên con lộ đất đá, xe nẩy nhoi trời! Phía trước có mấy lối rẽ, toàn là đường kiểu 'kháng chiến' dzui ghê.

< Bổng thấy hai anh thanh niên chạy đến, họ vừa đi vừa alô, chạy vượt ra phía trước và... mất hút. Bọn mình bắt chước chạy theo...

Sông Lòng Tàu, còn được gọi là 'Lòng Tảo' là một phân lưu của sông Đồng Nai chảy qua huyện Cần Giờ và đổ vào vịnh Gành Rái.

< Và tự nhận ra... có vẻ như đường ta đi không đúng.

Sông Đồng Nai sau khi nhận nước của sông Sài Gòn xuôi xuống Nhà Bè thì chia làm hai. Nhánh phía tây là sông Soài Rạp chảy ra cửa biển Soài Rạp. Nhánh phía đông là sông Lòng Tàu chảy ra vịnh Gành Rái.

< Nhưng không sao, mình có cái alô. Chỉ nhấn và quẹt nó đôi cái thì thấy rằng ta đã đi... trật đường. Nhưng sai chỉ một tẹo thôi (vị trí >). Chỉ bên kia cái mớ cây bụi sẽ là khung cảnh khác hẳn...

< Dzị nên quanh lại, trở ra cái ngã ba tư năm 'kháng chiến' gì đó khi nãy...

Sông Lòng Tàu có độ sâu trung bình là 15m, chảy quanh co cắt ngang rừng Sác trước khi đổ ra Biển Đông.

< Bà xã khoái cái... núi này, leo lên chiếm hữu nó liền! Thiệt ra, đây chỉ là những khối bê tông dằn móng, dằn cẩu tháp... nhưng qua bao năm tháng, rêu phong bám đầy nên trông cũng ngộ...

< Còn đây là lối ta sẽ đi tiếp đây: một xa lộ hoành tráng... hứa hẹn sẽ nảy lưng tưng một chút...

Sông Lòng Tàu chảy đến xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch thì chia làm hai nhánh. Nhánh về phía tây là sông Đồng Tranh chảy về phía cửa Soài Rạp, còn nhánh về phía đông tiếp tục mang tên Lòng Tàu chảy xuống Ngã Bảy nơi sông Dừa đổ vào.

< Trả lại 'ngọn núi' cho Thổ Địa, đi dzợ ơi. 'Anh cứ chạy qua đoạn này trước đi, đường xấu quá'...

Tính từ ngã ba nơi sông Lòng Tàu tách ra khỏi sông Đồng Nai đến chỗ sông Ngã Bảy tách ra, Lòng Tàu dài khoảng 75 km. Từ Ngã Bảy ra biển, khúc hạ lưu sông này còn được gọi là sông Ngã Bảy.

< Xấu mô mà xấu, thía là ta tự chạy lưng tưng...

Đến xã Thạch An, Cần Giờ, sông Đồng Tranh và sông Ngã Bảy lại hợp lưu rồi đổ ra vịnh Gành Rái.

< ... rồi có vẻ niềm hy vọng lộ ra trước tầm mắt...

Sông Lòng Tàu là một tuyến giao thông đường thủy rất quan trọng ở miền Đông Nam Bộ, nơi các tàu biển từ Biển Đông đi qua cửa sông Ngã Bảy vào cập Cảng Sài Gòn.

< Và rồi 'nó' đây: Con đường cái quan trong khu công nghiệp Ông Kèo (vị trí >)... và ta đang ở phần đường nghịch chiều.

< Nghịch chiều nên phải chạy cả trăm mét nữa, đối đầu với 2 chiếc xe tải bành ky phóng vun vút... mới có lối qua đúng chiều, kha kha...

So với sông Soài Rạp, tuy bề ngang rộng hơn sông Lòng Tàu nhưng lòng sông lại cạn vì hay bị cát lấp nên về mặt giao thông, sông Lòng Tàu là thủy lộ chính nối liền Sài Gòn và biển.

< Vi vu thêm một đoạn rồi dừng lại... nghiên kiú đường! Quy hoạch có khác, có cả trụ cứu hoả. Chừ nơi ni chưa có CTy nào nhưng rùi sẽ có đó chứ?

Ta lại đề cập đến một cái lạ khác ở đây, bạn có nhận ra không?

Cái lạ ở đây là mặt đường ở đây được thảm bê tông chứ không là đường nhựa thông thường. Vậy, bạn có biết sự khác nhau của đường nhựa và đường bê tông, tại sao người ta lại làm như vậy không?

< Ni là một cơ ngơi đang xây dựng, hén nằm mô (vị trí >). Đối diện là sông Lòng Tàu cách ta 275m, xa hút lại vướng cây bụi nên chả thấy.

Nói về ưu điểm:

- Đường bê tông có tuổi thọ bốn mươi năm, trong khi đường nhựa kéo dài khoảng mười năm. Ngoài ra, trong suốt thời gian phục vụ, con đường bê tông này không yêu cầu sửa chữa hoặc vá thường xuyên như đường nhựa.

< Lại đi, thấy một nhúm lục cục gì đó tít phía xa. Cao ốc liên kết liền kề ư? Không, nơi ni là khu công nghiệp mà, xây cao ốc làm chỉ?

- Đường bê tông chịu được sự cố tràn nhiên liệu ô tô và thời tiết khắc nghiệt tốt hơn: Không giống như đường nhựa, đường bê tông không bị hư hại do dầu rò rỉ từ các phương tiện hoặc bởi các điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa quá mức hoặc nhiệt độ quá cao.

< Đến độ gần đủ cho con mắt tỏ tường hơn thì bọn mình mới nhận ra đó là những cái bồn chứa khổng lồ: ni là CTy TNHH Vopak VN (vị trí >) và đó là những bồn xăng dầu.

- Xe chạy trên đường bê tông tiêu thụ ít nhiên liệu hơn 15-20% so với đường nhựa.

< Những rặng núi phía xa à? Lạ hè, nơi mô răng có núi? Đúng lúc này, mình thấy nhói đau trên cánh tay trái khi nghe cái bộp! Nhìn xuống thấy con ong, chạy xe đụng nó, nó độp một phát liền! Phủi nó đi, vẫn còn dính cái vòi ong. Lại phủi thêm một phát thì thoát nạn... nhưng chỉ thoát lúc đó thôi. Ngày sau, dấu ong chích bắt đầu sưng đỏ, rất ngứa và kéo dài đến hôm nay vẫn chưa hết. Con ni chằn tinh thiệt nghen!

- Đường bê tông tốt cho môi trường hơn: Asphalt (bitum - nhựa đường) tạo ra rất nhiều khí gây ô nhiễm cao tại thời điểm nấu chảy nó để lát đường. Ngoài ra, tiêu thụ nhiên liệu ít hơn bởi chiếc xe chạy trên đường bê tông có nghĩa là ít ô nhiễm hơn.

< Dừng xe... mừng ong chích ư? Không, chỉ cốt để uống nước thui, lúc này vết đốt chưa si nhê. Mà vắng thiệt hè, chả thấy bóng ai...

- Đường bê tông tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên hơn. Nhựa đường được sản xuất từ ​​xăng dầu nhập khẩu, trữ lượng đang giảm mạnh. Còn bê tông (xi măng) được sản xuất từ ​​đá vôi có sẵn rất nhiều.

Nhược điểm của đường bê tông là:

- Chi phí lát đường của bê tông cao hơn một chút so với lát nhựa đường.

< Lại đi, lúc này mấy 'ngọn núi' lộ nguyên hình, có cả xe tải đang bò trên đó: Đây là Cảng Than Long Thuận, những cái đống đen đó chính là than đá (vị trí >).

- Trong trường hợp đường bê tông bị vỡ, toàn bộ tấm bê tông cần được đúc lại.

- Trong mùa mưa và mùa đông, xe có xu hướng trượt trên đường bê tông do nước và tuyết.

Rất có thể có vài sự khác nhau nữa ở nền đất thi công đường, ví dụ như độ nén, độ lún trên nền đất yếu nhưng đôi điều phân tích trên cũng cho ta thấy khác biệt giữa 2 loại đường. Bê tông muôn năm!

Bài lại quá dài rồi, hẹn bạn tiếp phần sau nghen, sẽ có tí cái hay...

(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần cuối

Điền Gia Dũng

Du lịch, GO!