(Tiếp theo) - Bài trước đã đề cập đến Núi Dinh nhiều rồi thì bài ni lại BÀN đến một ngọn núi khác, khá gần đây là núi Thị Vải cũng gần đó. Bàn thôi nhé, tuần tự ảnh trong bài vẫn là núi Dinh, cứ xem như: 'đứng núi này trông núi nọ' nghen.

< Ngắm nghía cây cỏ, cọ quẹt cái điện thoại xem bản đồ cho đã rồi thì đi. Dĩ nhiên là đi theo con đường lùi xùi đất đá kia vì bi giờ muốn nhựa cũng chả có đâu!

Đẹp không kém gì Núi Dinh nhưng Thị Vải không có đường cho xe lên núi mà chỉ có những bậc thang bằng đá hoa cương dẫn lên với hai bên đường là những hàng cây rợp mát. Muốn lên thì dễ thôi, chỉ cần cặp giò cho phẻ, tim không lộ nhịp, phổi 'bự' là ngon ăn!

< Đá cha đá mẹ đá con đủ thứ hầm bà lằng, vừa chạy chở nửa kia phía sau, vừa căng mắt né - né cả đá né cả ổ gà ổ voi.

Đề lên núi Thị Vải, ta đi theo Quốc lộ 51 đến thị trấn Phú Mỹ thì rẽ trái khoảng 3 km để chạy theo đường mòn đến chân núi. Ta có thể gửi xe ở nhà dân dưới chân núi và bắt đầu hành trình đi bộ trên những bậc thang được xây bằng đá hoa cương dẫn lên núi...

< Trên núi Dinh bạt ngàn rừng tre trúc, rễ của loại cây này giữ đất khá tốt.
Dốc không quá nhiều trừ vài đoạn ngắn. Tuy nhiên, nhìn hình thì không thấy ghê lắm nhưng người trong cuộc thì ruột gan tanh bành cả. Bà xã thì thiếu sót không không chộp những cái ổ voi cẩn đá hộc, đơn giản là lúc đó ôm cứng mình - không không nó nẩy cái, rớt xuống đất là chắc rồi!

< Gặp cái ngã 3, mình cứ chạy bừa vào một nhánh (vị trí lúc này ở đây >).

Nơi đây còn có ba ngôi chùa chính là chùa Linh Sơn Liên Trì (chùa Hạ), chùa Linh Sơn Hồng Phúc (chùa Trung), và Linh Sơn Bửu Thiền (chùa Thượng). Còn lại là cả đống chùa 'phụ'... mà nói chung là chốn nao cũng có cảnh đẹp (trên núi mà), thích viếng nơi nào thì tùy pà kon.

< Đá vẫn lạo xạo dưới bánh xe. Trả số liên tục, đa phần chỉ chạy số 2 vì không thể nhanh được. Mà vội gì, he he...

< Dừng lại một phút xem bản đồ rồi lại đi. Xem chắc chỉ để biết nơi ni có sóng hay không chứ trên này có mấy đường mà lạc?

Tổng cộng hơn ngàn bậc thang (mèn ơi!) để lên vùng cao nhất của ngọn núi cao tầm 500m so với mực nước biển. Điều đặc biệt trên đỉnh núi, có mốc ranh giới giao nhau của ba đơn vị hành chính cấp xã là xã Tóc Tiên, xã Tân Phước và thị trấn Phú Mỹ của huyện Tân Thành, nơi được xem như đỉnh của ngọn núi Thị Vải.

< Lại đi! Giờ có ngưng chạy thì bộ đồ lòng cũng đã lộ tùng phèo hết rồi còn mô? Mai xuống biển tắm thì nó tự sắp xếp lại.

< Nói thiệt, từ hồi chạy lên núi đến lúc này: người duy nhất bọn mình thấy là chú tiểu 'trơ mắt nhìn lạ lẫm' trong chùa Diệu Linh. Vậy nhưng không hề thấy cô quạnh như hồi lên Núi Cậu ở Tây Ninh. Vì sao chả hiểu, có lẽ đầu óc lúc ni chỉ lo chạy né đá thôi nên chả quởn mà nghĩ càn.

< Quanh co, vặn vẹo - thỉnh thoảng thấy một lối mòn nhỏ nhưng cỏ cây um tùm... Lúc này đã 8h5 phút.

Đó là điều tốt đẹp, còn sự kinh khủng ở đây: vây quanh ngọn núi Thị Vải này là những mỏ đá hoạt động... hết công xuất! Những mỏ đá này ăn dần vào núi như kẻ đói cạp bánh bơ, thậm chí sắp sửa làm biến mất Núi Ông Trịnh (nằm ở phía Tây Nam núi Thị Vải), còn ngọn Thị Vải thì lốm đốm da beo vô cùng nham nhở...

< Rồi mình dừng lại, chả thấy thêm bảng bung hay chùa chiền gì. Sóng chập chờn, rêm lưng chưa chắc bằng con xế rêm máy. Vậy nên xì tốp.

< Nửa kia coi bộ khiếp đường cà tưng rồi nên rảo bước đi ngược lại - Coi chừng ông kẹ bắt đó em...

Bao lâu nữa thì các mỏ sẽ 'ăn' hết núi? Chả biết, tùy nhu cầu xây dựng của xã hội, có thể mười năm, 20 năm... và nếu các chùa trên núi còn tồn tại vững thì ta cứ hình dung ngọn núi này sẽ giống như núi Châu Thới ở Bình Dương. Tức là còn sót lại cái chùa Núi Châu Thới, còn núi đá chung quanh họ vét sạch - mặt bằng trở thành khu dân cư - nơi nào hố sâu thì thành hồ, thế thôi!

< Còn mình vẫn còn nghiên kiú cái lối mòn này, cây um tùm - hình như có tiếng róc rách ở trỏng. Nhưng thôi, trở đầu xe vậy!

< Xuống núi, vi vu nên chả xa - cột cây số báo chỉ còn 5km nữa là ra QL51. Nhưng bọn mình chưa vội ra đó đâu!

Núi Dinh cũng chả thoát đâu: Ở phía Bắc dãy núi là mỏ đá Châu Pha, miệt Tây Bắc là mỏ đá Tân Sơn tổ bà chảng đã đục khoét gần 3 cây số bề dài, sâu vào núi cả cây số...

< Một khoảnh khắc nhìn xuống thấy Làng Cát.

Còn ở góc Đông Nam gần địa danh Hang Dơi, một vùng rộng lớn của mỏ đá đã 'hoàn thành xuất sắc' nhiệm vụ bạt núi, một diện tích nhỏ trong đó nay trở thành 'hồ Đá Xanh' để làm cảnh cho các bạn trẻ chụp ảnh tự sướng, đa phần còn lại trở thành vùng đất khô cằn, trơ trọi sỏi đá và Bà Rịa đã biến nó thành con đường rộng rãi chạy sát núi nối Làng Cát với đường Mỏ Xoài (Tân Hưng).

< Bờ kè đá, đẹp đến mê! Trọn đoạn đường từ lúc lên đến xuống chả thấy bóng ai (ngoài chú tiểu trong chùa). Vậy mà bọn mình nghĩ rằng mồng 1 sẽ đông! Vắng thật thú vị.

< Xuống núi không chạy thẳng ra ngoài mà quẹo vô con đường khang trang mới mở: A ha, chỗ này có nhiều nhà vườn trồng kiểng.

Thôi thì cái 'quả đá' nó chình ình giữa trời, to tổ mẹ... trong khi nhu cầu đá xây dựng réo ì ầm - đẽo gọt vài miếng thì có mất quả núi mô? Dám chừng dân du lịch còn khoái chí tử giống như cái hồ Đá Xanh đấy - Tớ có đá - có tiền, tía có đường có ảnh, thía thôi!
(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!