(Tiếp theo) - Biển và các địa danh đẹp ở Long Hải thì mình đã đề cập nhiều, lần này: bài viết sẽ nói về một làng chài lâu đời tại đây nhé.

Nếu có ai hỏi cảng cá nào lâu đời nhất, rộng nhất ở Vũng Tàu thì nhiều người dân địa phương sẽ không đắn đo mà trả lời ngay đó là Long Hải.

Cho đến tận bây giờ, không ít người biết được sự tồn tại của cảng cá này đã bao lâu. Chỉ biết đời này qua kiếp khác, người dân biển Long Hải cứ theo tổ nghiệp cha ông mà giữ gìn cho cảng cá vẫn tấp nập người qua kẻ lại.

< Lối xuống bãi tăm nhưng buổi xế trưa không muốn... bơi.

Đã từng có thời gian người ta đề cập đến việc di dời cảng nhưng rồi vài năm sau đó, cảng cá Long Hải vẫn tồn tại như một nét truyền thống bao đời nay.

< Xế chiều, đi loanh quanh phố xá Long Hải.

Ít ai biết rằng, có một không gian cũng nhộn nhịp, tất bật chẳng kém Sài Gòn nhưng lại đáng yêu đến mức khiến người ta say lòng ngay khi vừa mới gặp. Không chỉ có người lữ hành trong nước mà ngay cả du khách nước ngoài cũng trầm trồ vẻ đẹp miền biển khơi ở cảng cá Long Hải khi có cơ hội ghé thăm.

Đây là biển, kia là bờ,
Cá tôm chất nặng đợi chờ người mua.
Bận rộn dù nắng hay mưa,
Đời người cảng cá vẫn đều vòng quay.

< Cá về bờ bằng các tàu nhỏ hoặc thúng, được chuyển lên bờ cho cá chị phân loại ngay.

Cảng cá Long Hải nằm ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, không quá xa lạ với du khách yêu thích thành phố biển và luôn bị hấp dẫn bởi hương vị hấp dẫn của hải sản tươi ngon.


< Cá phân loại xong xếp từng chồng chờ các xe đông lạnh chở đi.

Nhắc đến cảng, người ta sẽ nghĩ ngay đến bến cầu thật lớn và chiếc cần cẩu khổng lồ được dùng để dỡ hàng trên tàu xuống. Thế nhưng đó là nơi khác, còn cảng cá Long Hải là một thế giới ngược hoàn toàn.

Nơi đây chỉ là khoảng đất trống khá rộng và nằm ngay mép nước biển giống như bất kỳ bãi biển nào khác. Ngư dân làng chài dùng nó để họp phiên chợ cá hằng ngày để phân phối sâu vào trong đất liền và đi đến những tỉnh thành khác.

< Chán đường, chán cá rồi thì vào quán sân vườn uống cà phê. Ở Sàigòn, mình chỉ uống... quán cóc nhưng biết uống 1 ly thía này phải 35k còn ở đây 13k, quán lịch sự.

Kề cận bãi là những ngôi nhà nhỏ được dựng san sát nhau tạo nên một làng chài thứ thiệt, lặng lẽ vô cùng. Để phục vụ cho nhu cầu của du khách, một số quán nước nhỏ đã được hình thành. Song có lẽ, đôi mắt của kẻ du hành chỉ đăm chiêu vào không gian rộn ràng đang hiện ra trước mắt. Vừa bình dị lại thu hút đến thế.

< Tự chộp phe ta một cái, kha kha...

< Đấy là cà phê Quỳnh Anh nằm trên đường số 4. Cà phê ngon, dĩ nhiên ròi.

Cảng cá họp rất sớm, chỉ chừng 3 - 4 giờ sáng, khi nhiều người vẫn đang say giấc nồng và cả bóng đêm vẫn còn thèm ngủ, người dân bến cá đã mang đèn ra bãi để chờ thuyền tàu báo tín hiệu và bắt đầu một ngày làm việc mới. Bãi đất rộng vốn dĩ im lìm bỗng dưng xôn xao, nhộn nhịp hẳn lên. Tiếng cười nói, chuyện trò xuyên vào bóng tối tĩnh mịch, mang đến vẻ đẹp mộc mạc, thuần khiết của làng chài ven biển mà chẳng mấy khi, ta mới có dịp tận mắt nhìn thấy và cảm nhận.

< Quán nhậu Cây Nhãn ở đường Lê Duẩn (vị trí >). Gọi là 'nhậu nhưng mình ghé ăn buổi chiều.

Không giống như trước đây, tàu thuyền vào sát bờ rồi mới bắt đầu mang hải sản xuống. Bây giờ, chỉ cần đến giờ thì những chiếc xuồng nhỏ hay thúng sẽ bắt đầu lướt êm trên làn nước mặn ra thuyền mang cá tôm để phân phối mà chẳng cần phải đợi chờ. Vì xuồng gỗ và cả thùng hải sản chất lên khá nặng nên cần đến tận 5 - 6 người đẩy chúng.

< Lề đường 2 bên rộng rãi nên bọn mình ngồi kiểu 'đầu đường xó chợ'. Menu của quán đây.

Trên bờ, những người phụ nữ cũng bận rộn với công việc phân loại hải sản theo yêu cầu của khách hàng thành nhiều mặt khác nhau tùy thuộc vào giá cả, trọng lượng, kích thước,... Tất cả đều nhanh tay và phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng. Tựa như một mô hình dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp vậy. Để khi những chiếc xe hàng vừa đến, tất cả mọi thứ đã sẵn sàng để mang đến cho tất cả mọi người nguồn hải sản phong phú và tươi ngon nhất.

< Đi vùng biển là nửa kia khoái mực nhất, nhưng cái nì là bạch tuộc - hai thứ tương tự nhau mà em, ke ke... Bia chỉ 12k/chai + tẩy, mì hải sản 70k/dĩa, mực xào 50k... Giá mềm quá em hè!

Có một điều đặc biệt ở đây mà du khách đều ngưỡng mộ, đó chính là dù đôi vai có mệt mỏi hơn, vầng trán có lấm tấm mồ hôi thì nụ cười của những người ngư dân vẫn hiền lành mọi lúc. Họ yêu công việc hàng ngày này như môt phần dòng máu đang chảy trong người mình vậy. Ấy thế nên nếu muốn tìm hiểu thêm về cuộc sống làng biển thì hẳn du khách đã tìm đến đúng nơi rồi đấy! Tìm đâu ra những người chân thành và nhiệt tình đến thế này chứ?

< Ăn no, lại long rong phố phường. Long Hải ngày nay thay đổi khá nhiều, khang trang và rộng rãi hơn...

< Trên đèo Nước Ngọt lúc hoàng hôn, gió mát rượi.

Công việc cứ thế tiếp diễn, đến khi nắng ban mai bắt đầu hửng lên mạnh mẽ, xua đi màn đêm và cả hơi sương ẩm ướt, người ngư dân mới bắt đầu thư thái xếp gọn lại tất cả và thư thái dùng bữa sáng cho mình. Nhiều nhóm tụ tập lại trong những quán nhỏ để uống cà phê, bàn tán về khoảng làm việc cùng nhau trước khi trở về nhà, nghỉ ngơi để lấy lại năng lượng cho ngày làm việc mới.

< Tối, ra khu vực Hai Bà Trưng ăn vặt, ăn chè đá rồi trở về công viên Mộ Cô hóng gió, gió lồng lộng. Hết một ngày thưởng ngoạn vùng biển thân thương.

Cảng cá Long Hải không chỉ là nơi có tiềm năng để phát triển kinh tế, tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân mà còn là điểm du lịch độc đáo ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến cảng cá Long Hải, du khách có cơ hội để vừa chiêm ngưỡng biển trời bao la lại hiểu thêm về nét văn hóa vùng biển mà bấy lâu vẫn tò mò và muốn khám phá (My Tour).
(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!