(Tiếp theo) - Ngày cuối cùng ở Long Hải, tình cờ lục thấy thông tin lịch sử về địa danh Bà Rịa Vũng Tàu này. Vùng đất gần 400 năm tuổi ni có vô số thông tin cổ không dễ tìm nhưng đọc nó được thì nói thật: chỉ những người yêu Bà Rịa - Vũng Tàu lắm mới có thể ghiền ngẫm được vì nhiều quá, dài quá. Vậy nên mình chỉ trích một phần kiếm được từ thông tin lưu trữ, nếu bạn thích thì xem chữ đen, còn không thích thì đọc những dòng chữ xanh, tán phét của Điền Gia Dũng này vậy.

< Chiều chạy loanh quanh tìm cái... ăn vặt. Quẩy với bánh tiêu mới chiên nóng hổi ngay trên đường 44A, nhấm nháp dai dai giòn giòn... rồi vòng vo vào các khu dân cư mới còn trống hoác, đường mô cũng rộng thênh thang.

Địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu xưa là địa giới trấn biên của 2 vương quốc Chân Lạp và Chăm Pa. Chủ nhân đích thực của vùng đất này là những bộ tộc người Mạ, người Châu Ro (sử sách xưa thường nhắc tới vương quốc Mạ).

Bà Rịa thời đó gọi là xứ Mô Xoài, là vùng đất địa đầu mà người Việt vượt biển vào khai phá, lập nghiệp sớm hơn so với những nơi khác ở Nam Bộ. Từ năm 1623, vua Chân Lạp là Chey Chetta II đã chấp thuận cho người Việt vào làm ăn ở Đồng Nai, Bến Nghé, chấp thuận cho chúa Nguyễn đặt trạm thu thuế tại Preinokor (tức Sài Gòn) và lập khu dinh điền Mô Xoài (Bà Rịa).
Sử sách xưa thường gọi vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay bằng những cái tên Mô Xoài, Mỏ Xoài, Mỗi Xuy hay Bà Lỵ, Bà Lịa, Bà Địa, Bà Rịa, đó là những biến âm từ 2 cụm từ Mô Xoài - Bà Rịa mà ra.

Học giả Trịnh Hoài Đức đã viết trong cuốn Gia Định thành thông chí, biên soạn vào những năm 20 của thế kỷ XX: "Xét Bà Rịa xưa là đất Lục Chân Lạp. Tân Đường thư nói: Bà Lỵ ở phía Đông Nam Chiêm Thành, từ Giao Châu đi ghe theo biển, trải qua các nước Xích Thổ, Đan Đan rồi đến Địa Đại châu Đà Mã (cũng gọi là Mã Lễ, quốc tục xỏ tai đeo hoa, lấy một bức vải quấn ngang nơi lưng), phía Nam miền ấy có nước Thù Nại, sau niên hiệu Vĩnh Huy đời Đường (651-655) bị Chân Lạp thôn tính)".

< Rồi lại hưởng nhàn trong quán sân vườn. Cafe vẫn ngon, ly sinh tố bơ thì thua hàng Saigòn vì sữa nhiều quá, bơ không béo.

Các sử gia triều Nguyễn cùng một quan điểm như Trịnh Hoài Đức khi giải thích nguồn gốc vùng đất Bà Rịa, được gọi theo tên một vương quốc cổ xưa: "Bà Rịa ở đầu biên giới trấn Biên Hòa, là đất có danh tiếng, cho nên các phủ ở phía Bắc có câu ngạn rằng: Cơm Nai - Rịa, cá Rí - Rang là lấy Đồng Nai và Bà Rịa đứng đầu mà bao gồm cả Bến Nghé, Sài Gòn, Mỹ Tho, Long Hồ cũng ở vào trong đó".

Tháng 5 năm Kỷ Mùi (1679), một số tướng cũ của nhà Minh là Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Tấn Tài và Trần An Bình không chấp nhận triều đình Mãn Thanh, đem 3.000 quân thuỷ binh cùng gia quyến tới Hội An xin cư trú. Chúa Hiền Vương cho phép họ tới định cư ở khu vực Đồng Nai. Tới Cần Giờ, họ chia làm 2 nhóm: một nhóm do Dương Ngạn Địch dẫn đầu về Mỹ Tho, một nhóm do Trần Tấn Tài lên Biên Hòa lập nghiệp. Nhóm người Hoa (Minh Hương) ở Biên Hòa sau đó mở rộng địa bàn tới Sài Gòn, Bình Dương, Bà Rịa.

Công cuộc định cư, khai khẩn vùng đất Bà Rịa được đẩy mạnh. Ngoài lưu dân, những người lao động nghèo khổ từ miền Trung vào đây khai phá còn có các bộ tộc người thiểu số tham gia khai khẩn theo chế độ mua bán nô tì, được nhà Nguyễn khuyến khích và có cả lực lượng binh lính của triều đình mở mang đất đai, lập đồn điền[3]. Binh lính Triều đình được tổ chức thành các "Đạo", đơn vị hành chính - quân sự tương đương cấp huyện. Sử sách thời ấy thường nhắc đến Đạo Đồng Môn (Long Thành), Đạo Mô Xoài (Bà Rịa, Long Điền), Đạo Nục Giang (Đất Đỏ, Xuyên Mộc), Đạo Cần Giờ (bao gồm cả Vũng Tàu)…

< Giấc xế chiều: định ghé quán Cây Dừa thử nghiệm nhưng quán vẫn đóng cửa. Vậy là Cây Nhãn kề cận thôi, làm cái lẩu hải sản.

Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Thống suất Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý, lấy đất Nông Nại lập phủ Gia Định, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Khi đó, dân số xứ Mô Xoài - Đồng Nai đã lên đến hơn 40.000 hộ, đất đai khai phá đã mở rộng 1.000 dặm. Huyện Phước Long bao trùm địa bàn các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, gồm bốn tổng: Phước Chính, Bình An, Long Thành và Phước An.

Tổng Phước An là vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay, lỵ sở đặt tại thôn Long An, nay là khu phố Long An, thị trấn Long Điền. Dân cư thời đó tập trung đông đúc ở các làng Long Điền (nay là thị trấn Long Điền), Chợ Bến (làng Long Thạnh, thuộc huyện Long Điền), Phước Hải (nay thuộc huyện Đất Đỏ), Long Lập (nay là xã Long Phước, thuộc thành phố Bà Rịa)…Có 2 chợ được ghi trong sử sách là chợ Bến và chợ Hắc Lăng. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: "Chợ Long Thịnh: ở thôn Long Thịnh, huyện Phước An, tục gọi chợ Đò, quán xá liền nhau, đường thủy đường bộ đều tiện. Chợ Hắc Lăng: ở thôn Hắc Lăng, huyện Phước An, gần chợ có núi Bà Rịa nên lại có tên chợ Bà Rịa".

< 160k cho cái lẩu hải sản, bia thì 12k + 2 tầy, đá cả thố. Chất lượng ư? 'dở ẹc' là cụm từ không có ở đây mà phải nói là tuyệt hảo! Lẩu có khứa cá bốp to, có chả cá, có nghêu, tôm bự thì lỏi ngỏi, ăn đáng đồng tiền bát gạo! Bạn sẽ thắc mắc vì sao không có mực...

Hắc Lăng nay thuộc xã Tam Phước, huyện Long Điền. Chợ Hắc Lăng là chợ trung tâm buôn bán của dân cư trong vùng. Sau này, khi Dinh Phủ chuyển về Phước Lễ (Bà Rịa), chợ Hắc Lăng vẫn thu hút sự quan tâm của các bạn hàng từ Phước Hải, Long Điền, Chợ Bến. Thời kháng chiến chống Pháp, Hắc Lăng là vùng căn cứ cách mạng bị tàn phá nặng nề. Bạn hàng vẫn còn đến nhưng thưa dần, bởi sự phong toả và khủng bố của thực dân Pháp.

Chợ Long Thịnh (Long Thạnh) còn gọi là Chợ Đò, Chợ Bến thuộc địa phận làng Long Thạnh (vị trí gần mé sông, thuộc xã An Ngãi, huyện Long Điền ngày nay, giáp xã Phước Hưng, Phước Tỉnh), là chợ đầu mối, đông đúc nhất. Ở đó có bến đò, có trạm (giao thông đường thủy), có lính trạm chuyển tiếp, chạy thư từ Kinh đô vào xứ Đồng Nai - Gia Định. Năm 1947, thực dân Pháp đã đốt chợ, đốt cả làng để trả thù cho những trận thua đau trên chiến trường, làng Long Thịnh (Long Thạnh) bị xoá trắng.

Vũng Tàu cũng là nơi người Việt dừng chân khá sớm. Trong Phủ biên tạp lục (1776), Lê Quý Đôn chép: "...Đến đầu địa giới Gia Định là xứ Vũng Tàu, nơi hải đảo có cư dân. Tới đây, người ta thu xếp thuyền buồm để nghỉ ngơi và để hỏi thăm nơi được mùa, mất mùa như thế nào. Sau khi đã biết chắc địa phương nào được mùa lúa thóc, những người buôn mới cho thuyền vào nơi ấy".


< Thì đây: cô bé phục vụ hồi đưa thực đơn ra, bà xã dặn kỹ 'Lấy mực chứ không lấy bạch tuộc nha con. Hôm qua gọi 2 món xào trong đó có bạch tuộc chứ hổng phải mực'. Chả hiểu con nhỏ vô trong nói gì nhưng đưa ra cái lẩu tuyệt chiêu trên. Hồi đầu không thấy cay, hồi cuối mới thấm: cay bắn khói. Nước lẩu ngon ngọt quá vì cả đống hải sản trong đó, bỏ thì tiếc nhưng húp hết chắc cháy mỏ! Hồi trả tiền, nửa kia bo cho con bé 10k, nhỏ mừng rơn thấy thương!

Cuối thế kỷ thứ XVIII, sau khi triều đình Tây Sơn sụp đổ, vùng đất Mô Xoài tiếp đón một số lớn dân từ Bình Định, quê hương của Nguyễn Huệ vào, tránh sự khủng bố của triều Nguyễn - Gia Long. Lớp dân cư này đã để lại nhiều dấu ấn trong đời sống kinh tế xã hội ở vùng này, nhất là trong số thợ thủ công và ngư dân trong các làng chài ven biển. Việc điều động quân đội đến đồn trú, khuyến khích quân đội khai khẩn đồn điền (chính sách "ngụ binh ư nông") trong thời kỳ này đã góp phần đẩy nhanh tốc độ khẩn hoang, nhiều làng xã được hình thành trên vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay. Đầu đời Trung Hưng (1788), chúa Nguyễn đã cho lập Phong hỏa đài ở núi Ngọa Ngưu để bảo vệ cửa biển.

Năm Gia Long thứ 7 (1808), triều Nguyễn đổi dinh Trấn Biên thành trấn Biên Hòa thuộc Gia Định thành, nâng huyện Phước Long lên phủ, lập huyện Phước An với 2 tổng Phước Hưng và An Phú. Lị sở đặt tại thôn Phước Lễ (nay là địa bàn các phường trung tâm thành phố Bà Rịa).


< No phểng bụng, ghé quán chè đá nhưng xơi không nổi nữa nên biến ra bãi đá đèo Nước Ngọt.

Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), lập phủ Phước Tuy với hai huyện Long Thành và Phước An, tách phần đất phía bắc của hai huyện này để thành lập huyện mới Long Khánh gồm 6 tổng (người dân tộc thiểu số) là Long Xương, Long Cơ, An Trạch, An Viễn, Tập Phước và Khánh Nhân. Dinh Phủ đặt tại Phước Lễ. Dân tụ cư về Long Hương, Phước Lễ, Long Kiên, Long Xuyên (nay là xã Hoà Long), Long Lập (nay là xã Long Phước) ngày càng đông hơn. Con sông Xoài[6] xưa, dân gọi là sông Dinh, ngọn núi (núi Ông Hựu) dân gọi là núi Dinh, chợ Phước Lễ dân gọi chợ Dinh.

Biết rõ lợi thế địa bàn này từ những năm lưu vong chống lại nghĩa quân Tây Sơn, các đời vua triều Nguyễn đều quan tâm chỉ đạo và đầu tư khai khẩn vùng đất trù phú nguồn lợi và đắc địa về mặt dụng binh. Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển XXVII, Tỉnh Biên Hòa, mục Núi Sông chép rằng: "Sông Xích Lam: ở cách huyện Phước An 31 dặm về phía đông, đoạn giữa qua sông có cầu dài 70 trượng 5 thước là chỗ đường bộ đi qua: ở hạ lưu cầu, sông chảy ngoặt sang phía nam 3 dặm làm hải cảng Xích Lam...Ở bờ phía Đông trước kia bị úng hủy, không tiện cho việc nông, năm Minh Mệnh thứ 19 mới khơi cho nước úng theo sông mà tiêu, khẩn được hơn 300 mẫu ruộng hoang làm ruộng công cho các xã thôn phụ cận."

Theo mô tả của Đại Nam nhất thống chí thì sông Xích Lam là sông Ray mà hạ lưu phía đông của nó bao gồm các xã vùng Long Điền, Đất Đỏ. Khu vực này xưa nhiều bàu trũng với câu ca trao duyên "Bao giờ Bưng Bạc hết sình, Bàu Thành hết nước chúng mình hết thương". Khu vực này đã được cải tạo thành cánh đồng lúa trù phú và tập trung 300 mẫu đất công ở đây.


< Một nơi đẹp thía này nhưng không được sự chăm chút của địa phương nên rác nằm rải rác.

Trong mục Từ Miếu (đền miếu), Đại Nam nhất thống chí chép, ông Hộ phủ Phạm Duy Trinh là người đào sông Xích Lam (khơi úng thủy). Ở đấy, còn dấu tích là ngôi đền Hiên Ngọc Hầu thuộc địa phận thôn Phước Bảo Tây, huyện Phước An, thờ Tổng binh Hồ Văn Hiên, thời đầu Trung Hưng, theo cha là tổng binh Hồ Văn Quý tập chức đồn binh ở đạo Nục Giang, sau mất ở đấy, được hiển linh, thôn dân cầu khẩn việc gì đều linh ứng. Năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), Hộ phủ Phạm Duy Trinh khơi úng sông Xích Lam, đêm nằm mơ thấy, bèn lập đền thờ. Việc khơi úng khẩn hoang ba trăm mẫu đất công còn dấu tích một làng mang tên Bờ Đập (nay thuộc xã Hội Mỹ, huyện Đất Đỏ), còn dấu tích một con đập được tu bổ và củng cố thường kỳ trong nhiều thập kỷ sau.

Bến Đá, Bến Đình (Vũng Tàu) là những địa danh xuất hiện vào thời Minh Mạng. Trước đó Vũng Tàu đã có dân cư ngụ làm nghề chài lưới nhưng chưa lập làng. Bởi nơi cửa quan xung yếu, vua Minh Mạng phái vào đây ba đạo quân trấn giữ, gọi là Tam Thoàn (Thoàn là thuyền); Thoàn (thuyền) cũng là phiên chế của một đơn vị thuỷ binh thời ấy. Nhờ có Tam Thoàn, nạn cướp biển yên, vua cho khẩn đất, lập làng, đổi Tam Thoàn thành Tam Thắng. Ông đội Phạm Văn Dinh lập làng Thắng Nhất, ông đội Ngô Văn Huyền lập làng Thắng Tam, ông Đội Lê Văn Lộc lập làng Thắng Nhì. Bây giờ, bài vị của ba ông được thờ trong ba ngôi đình làng ấy. Ngoài đánh cá, dân còn khẩn đất làm rẫy, nên có Xóm Rẫy, Xóm Vườn, Xóm Lưới…


< Nửa kia tấn công ra các hòn đá liền, to bé đủ cỡ...

Xã đảo Long Sơn nay thuộc thành phố Vũng Tàu xuất hiện trong sách xưa với tên gọi là Núi Nứa. Núi Nứa là tên núi, tên làng, tên gọi cả vùng đất Long Sơn thời ấy. Công dân đầu tiên của làng Núi Nứa là những người lính đồn trú tại Bến Đá, Bến Điệp vào thời Minh Mạng (1820-1840). Họ được phép đem theo gia đình, khai hoang, lập ấp, lúc thanh bình thì cầm cuốc cầm cày, khi có biến thì cầm gươm, cầm giáo. Năm đầu của thế kỷ XX, làng Núi Nứa có 3 ấp: Bến Đá, Bến Điệp, Rạch Già, dân số có đến 1107 người, là một làng đông dân ở tổng An Phú Hạ.

Cũng vào thời điểm ấy, vùng đất này bắt đầu được mang tên gọi kép: Núi Nứa - Bà Trao, và sau này thường gọi hơn là Bà Trao - Núi Nứa, khởi đầu vào năm 1900, ông Lê Văn Mưu, thường gọi là Ông Trần đã đưa gia quyến đến khai phá phía Đông Núi Nứa, lập ấp Bà Trao. Ông Lê Văn Mưu, sinh năm 1855 tại làng Thiện Khánh, tổng Hà Thanh, quận Giang Thành, tỉnh Hà Tiên. Ông là tín đồ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, theo Quản cơ Trần Văn Thành (1818-1873), thủ lĩnh của nghĩa quân vùng Láng Linh (Bảy Núi - An Giang) đồng thời là thầy dạy đạo của ông. Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa - Láng Linh (1867-1873) thất bại, ông Lê Văn Mưu lánh nạn tại làng An Định.

Năm 1887, thực dân Pháp triệt phá làng An Định - thánh địa của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Ông phiêu bạt nhiều nơi rồi đưa gia quyến đến khai phá ấp Bà Trao vào đúng năm đầu thế kỷ. Ông giấu kín tung tích, sinh sống bằng nghề buôn muối về miền Tây đổi gạo, khẩn hoang lập ấp, chiêu dân, tụ nghĩa, chờ cơ hội mới. Cái tên Bà Trao - Núi Nứa trở nên gần gũi, thân thương với những "cư dân Đạo Ông Trần" cần cù lao động và có đời sống tâm linh, trọng đạo nghĩa nhân.


< Nữ chúa đảng á? Sao cũng được, he he... nhưng nếu vắng người, bọn mình sẽ nhớ đến biển Bình Tiên hồi mấy năm đầu thập kỷ này...

Sau Hòa ước Nhâm Tuất (1862), thực dân Pháp bỏ cấp phủ, huyện và tỉnh, chia 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ thành 13 địa hạt (arrondissement), trong đó địa bàn tỉnh Biên Hòa được chia thành 5 địa hạt là Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Long Thành, Bảo Chánh và Bà Rịa. Hạt Bà Rịa là địa bàn huyện Phước An cũ. Đứng đầu mỗi địa hạt là một viên quan người Pháp gọi là Giám đốc Bản xứ vụ (Directeur des affaires indigènes).

Năm 1867, sau khi chiếm trọn 6 tỉnh Nam kỳ, người Pháp chia Nam kỳ thành 24 đơn vị hành chính gọi là hạt Thanh tra. Đứng đầu mỗi hạt là viên Thanh tra (Inspecteur), sau đổi là Tham biện (Administrateur), trụ sở gọi là Tòa Tham biện (Tòa bố). Hạt Bà Rịa bao gồm phần đất huyện Phước An cũ, có 7 tổng, 57 làng. Phủ Phước Tuy của nhà Nguyễn trước đây trở thành sở tham biện Bà Rịa.

Hạt Bà Rịa quản địa giới của huyện Phước An xưa, lỵ sở tại Bà Rịa, gồm 4 tổng Việt: An Phú Thượng (11 làng), An Phú Hạ (8 làng), Phước Hưng Thượng (8 làng), Phước Hưng Hạ (10 làng) và 3 tổng Thượng là An Trạch (7 buôn), Long Cơ (7 buôn), Long Xương 6 buôn). Ruộng muối có 371,0495 ha. Dân số có 20.543, trong đó người Việt có đăng tịch là 1.545 người, người Việt không đăng tịch 18.796 người, 132 người Hoa, 56 người Minh Hương, 5 người Ấn, 9 người Âu. Thống kê của người Pháp năm 1876 cho biết dân số hạt Bà Rịa có 21.188 người; đất trồng trọt: 3.808,67 ha (trong đó có 2.500 ha ruộng lúa).


< Bóng hoàng hôn rơi trên những triền đá. Trời sẽ tối nhanh, tháng 10 ta rồi mà? Tháng 5 chưa nằm đã sáng, tháng 10 chưa cười đã tối. Mà thật, lúc này mới 5h20.

Ngày 1-5-1895 Thống đốc Nam kỳ ra nghị định tách thị xã Cap Saint Jacques (Vũng Tàu) ra khỏi Tiểu khu hành chính Bà Rịa, lập thành phố tự trị. Ngày 20-1-1898, lại nhập về Bà Rịa và gọi là khu Cap Saint Jacques.

Ngày 14-1-1899, khu Cap Saint Jacques được thành lập tổng, gọi là tổng Vũng Tàu, có 7 xã (gồm ba xã trên bán đảo Vũng Tàu và 4 xã rừng Sác, Cần Giờ). Ngày 11-11-1899, Toàn quyền Đông Dương lại tách Bà Rịa và Cap Saint Jacques thành hai đơn vị hành chính độc lập. Ngày 20-12-1899, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đổi tất cả các đơn vị hành chính tương đương với tỉnh, trong đó có cả các Tiểu khu hành chính ở Nam kỳ thành tỉnh, đứng đầu là một viên Tham biện, thường gọi là Chủ tỉnh (Chef de la Province). Tên gọi tỉnh Bà Rịa xuất hiện từ khi đó.

Theo thống kê năm 1901, tỉnh Bà Rịa có 7 tổng, 62 làng, 49.212 dân, trong đó có 42 người Âu, người Việt có đăng tịch là 44.405, người Việt không đăng tịch 428, người dân tộc thiểu số là 3.659…


< Bãi đá kéo dài đến tít đàng kia, nơi ấy có bãi cát - nơi này có vài người thả câu...

- Tổng An Phú Thượng có các làng Long Điền, Long Thạnh, Long Hải, An Ngãi, An Nhứt, Hắt Lăng, Phước Tỉnh.
- Tổng An Phú Hạ có các làng Núi Nứa, Hội Bài, Mỹ Xuân, Phước Hòa, Phước Hội, Phú Thạnh, Thạnh An, Long Hương, Phước Lễ, Phước Hữu, Long Lập, Long Nhung, Long Xuyên, Long Kiên.

- Tổng Phước Hưng Thượng có các làng: An Thới, Hội Mỹ, Lộc An, Long Mỹ, Phước Hải, Phước Trinh, Phước Hưng, Phước Liễu.
- Tổng Phước Hưng Hạ có các làng Giả Thành, Hiệp Hòa, Long Hưng, Long Thới, Phước Bửu, Phước Hiệp, Phước Lợi, Phước Thọ, Phước Tụy, Thạnh Mỹ, Hưng Hòa, Xuyên Mộc.
- Các tổng Long Xương, Long Cơ, An Trạch đều là người dân tộc thiểu số (dân tộc Châu Ro).

Nghị định ngày 1-4-1905 bãi bỏ thành phố Cap Saint Jacques, cải thành Đại lý hành chính thuộc tỉnh Bà Rịa. Ngày 7-11-1905, đem phần đất Khánh Sơn và ba xã Hưng Nhơn, Nhu Lâm, Thừa Tích của tỉnh Bình Thuận nhập vào tỉnh Bà Rịa[10]. Nghị định ngày 7-5-1919 thành lập quận Xuyên Mộc.

Ngày 5-7-1928, Thống đốc Nam kỳ ra nghị định tách phần đất tổng Vũng Tàu gồm xã Sơn Long, ba xã Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam của Đại lý Cap Saint Jacques và quận Cần Giờ gồm các xã Cần Thạnh, Đồng Hòa, Thạnh An, Tân Thạnh, lập tỉnh Cap Saint Jacques.

< Cái cơ ngơi kinh doanh chụp ảnh cưới ở Đèo Nước Ngọt. Chả biết còn kinh doanh gì không nhưng bầy hầy quá...

Nghị định ngày 22-1-1934 xóa bỏ quận Xuyên Mộc, cải thành Đại lý hành chính, xóa quận Long Lễ, thành lập quận Long Điền gồm 5 tổng Kinh và 2 tổng Thượng[12]. Quận Long Điền khi đó bao gồm phần lớn địa bàn của tỉnh, trừ Vũng Tàu.

Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng được thành lập ở Bà Rịa và Vũng Tàu. Tháng 12-1945, Xứ ủy quyết định thành lập tỉnh Bà Rịa gồm cả Vũng Tàu. Tỉnh Bà Rịa lúc đó có các quận (từ năm 1948 đổi là huyện) Long Điền, Đất Đỏ, Cơ Trạch và Vũng Tàu. Quận Vũng Tàu lúc ấy bao gồm cả thị xã Cấp, một phần của thành phố Bà Rịa ngày nay (năm 1950 mới thành lập thành phố Bà Rịa) và các xã Nam - Bắc lộ 15 (nay là quốc lộ 51), các xã Rừng Sác, Cần Giờ.

Trong kháng chiến chống Pháp, về địa giới các xã có nhiều thay đổi. Từ tháng 5 năm 1951, tỉnh Bà Rịa và các huyện Long Thành, Cần Giuộc, Cần Đước, Nhà Bè được sáp nhập thành tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn (gọi tắt là tỉnh Bà - Chợ). Cuối năm 1953, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh quyết định giải thể xã Cơ Trạch, thành lập lại các xã Quảng Giao, Bàu Lâm và thành lập thêm xã Tân Hiệp.

< Cả cái sườn cầu sắt này nữa! Nếu không còn 'làm ăn' nữa thì nên nhổ quách nó đi, cái nhà nhỏ kia làm WC. Còn tỉ như vẫn đang 'hốt hụi' vào ngày lễ hay cuối tuần thì hãy dọn sạch rác, làm ơn!

Đến thời Mỹ - Nguỵ, ngày 22-10-1956, Ngô Đình Diệm ra Sắc lệnh 147/NV thay đổi địa giới và tên gọi các tỉnh, tỉnh Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu hợp nhất thành tỉnh Phước Tuy. Nghị định ngày 3-1-1957 sắp xếp lại các đơn vị hành chính tỉnh Phước Tuy, gồm quận Phước Lễ, quận Xuyên Mộc, quận Long Điền, quận Đất Đỏ, quận Vũng Tàu, quận Cần Giờ.

Sắc lệnh ngày 8-9-1964 cải quận Vũng Tàu thành thị xã Vũng Tàu. Nghị định ngày 13-8-1964 nhập xã Hội Bài (tổng An Phú Tây, quận Long Lễ) vào xã Phước Hòa quận Long Lễ.

Sắc lệnh ngày 30-3-1965 và nghị định ngày 13-4-1965 chia các xã của thị xã Vũng Tàu thành 5 khu phố.

Nghị định ngày 6-9-1973, sáp nhập các đảo thuộc quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.

< Rào chắn bán vé, mình dị ứng nhất với những cái này! Đất bãi biển có phải là của riêng ai?

Về phía chính quyền cách mạng, từ cuối năm 1954 đến ngày cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi, địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều lần tách nhập cùng với tỉnh Biên Hoà, Long Khánh với nhiều tên gọi khác nhau. Năm 1955: tỉnh Bà Rịa; năm 1963: tỉnh Bà-Biên; cuối năm 1963: tỉnh Bà Rịa; từ 1966-1967: tỉnh Long - Bà - Biên; tháng 10 năm 1967: tỉnh Bà Rịa - Long Khánh; tháng 5 năm 1971: Phân khu Bà Rịa, tháng 8 năm 1972: tỉnh Bà Rịa-Long Khánh.

Ngày 8 tháng 4 năm 1975, Vũng Tàu được tách riêng, trở thành thành phố trực thuộc Khu miền Đông.

Sau thắng lợi của cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, thi hành Nghị quyết của Bộ Chính trị, tháng 2-1976 Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra nghị định về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam, theo đó các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa, Long Khánh, thành phố Vũng Tàu được hợp lại thành tỉnh Đồng Nai.


< Tối dần, người cũng thưa dần nhưng sóng biển vẫn rào rạc đổ tung vào những tảng đá, đều đều như những nhịp thời gian...

Ngày 30-5-1979, kỳ họp thứ 5, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa VI đã quyết định thành lập Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo, bao gồm thị xã Vũng Tàu, xã Long Sơn và huyện Côn Đảo.

Nghị quyết của Quốc hội khóa VII, kỳ họp thứ 9 ngày 12-8-1991 thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm Đặc khu Vũng Tàu -Côn Đảo và ba huyện của tỉnh Đồng Nai là Long Đất, Châu Thành và Xuyên Mộc. Diện tích: 2047,66km2; Dân số lúc ấy là: 720.000 người; Mật độ dân số: 356 người/km2. Tỉnh lỵ đặt tại thành phố Vũng Tàu.
Nghị định 45/CP ngày 2-6-1994 của Thủ tướng Chính phủ chia huyện Châu Thành thành ba đơn vị hành chính: thành phố Bà Rịa, huyện Châu Đức và huyện Tân Thành.

Nghị định số 152/2003/NĐ ngày 09/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính, chia huyện Long Đất thành huyện Long Điền và Đất Đỏ. Huyện Long Điền có 7699,36 ha diện tích tự nhiên và 110,485 nhân khẩu, có 7 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các xã An Ngãi, Tam Phước, An Nhứt, Phước Hưng, Phước Tỉnh và các thị trấn Long Điền, Long Hải. Huyện Đất Đỏ có 18957,63 ha diện tích tự nhiên và 62830 nhân khẩu, có 8 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các xã Phước Long Thọ, Phước Thạnh, Long Tân, Láng Dài, Lộc An, Phước Hội, Long Mỹ, Phước Hải.


< Gần 6h thì chạy về, phố xá chợt lên đèn. Tối, ngồi ăn phở trước Đình Thần Long Hải rồi lại ra Mộ Cô hưởng gió lộng. Mai bọn mình rời Long Hải rồi, chiều có dặn trước cô chủ nhà nghỉ là bọn mình sẽ đi sớm làm cô đứt giấc thêm 1 ngày nữa. Thúy An Guesthouse là một chỗ ở tốt với cô chủ dễ chịu và con cho nhỏ dễ thương. Về, dĩ nhiên sẽ theo lộ trình là lạ rồi, bạn đón xem phần sau nhé.

Ngày 28-8-2012, Chính phủ đã có Nghị quyết về việc thành lập thành phố Bà Rịa, trực thuộc tỉnh, trên cơ sở diện tích, dân số của thành phố Bà Rịa gồm 9.150ha diện tích tự nhiên và hơn 122.400 nhân khẩu với 11 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 8 phường Phước Hưng, Phước Trung, Phước Hiệp, Phước Nguyên, Long Hương, Kim Dinh, Long Toàn, Long Tâm và 3 xã: Hòa Long, Long Phước, Tân Hưng.

Như vậy, tính từ khi chúa Nguyễn mở khu dinh điền Mô Xoài (Bà Rịa) năm 1623 đến nay, vùng đất này đã 390 tuổi. Trung tâm dinh điền Mô Xoài xưa và nay là thành phố Bà Rịa, trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong quá trình phát triển, Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương sớm phát huy lợi thế riêng để trở thành những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, nhưng xứ Mô Xoài - Bà Rịa luôn là địa đầu, là hậu thuẫn cho những bước phát triển của vùng đất Nam Bộ.
(Trích lục từ bản lưu của Cổng TTĐT TP Bà Rịa).
(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!