(Tiếp theo) - Đồng cừu Suối Nghệ mình đã nhắc đến nhiều lần rồi, nay không đề cập tới nữa. Vậy nhưng chạy ngang, dù khá xa, cách đến một quả núi nhỏ - không nói đến xã Suối Nghệ hay đồng cừu thì nói gì? 

< Đến bùng binh bự Bình Ba, mình đánh gần giáp vòng và rẽ trái, theo con đường số 1 (vị trí >). Number one là 'tên đường', qua khỏi vòng xoay thì nó có tên Suối Nghệ - Bình Ba vì nối 2 địa danh này với nhau.

Vậy, ta có bài viết sau: nói về những người nuôi cừu chứ không bàn tới những người khách du lịch cứ tìm tới những chốn lạ để săn ảnh với sống ảo!

< Đường số 1 này mình nhớ đã đi rồi, trong chuyến nào đó nên chuyến ni chỉ chạy tạm một đoạn của nó thôi. Ảnh là trường mầm non Hoa Đào.

Chả phải vùng thảo nguyên rộng mênh mông nắng gió Ninh Thuận, nhiều năm qua, các hộ dân ở vùng bán sơn địa xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức đã nuôi những đàn dê, cừu. Hàng ngày, họ lùa hàng trăm chú cừu, dê này đi ăn cỏ trên những cánh đồng đất đỏ bạt ngàn nơi đây như những người du mục thực thụ.

< Đường số 1 đúng là number one: phẳng phiu với hàng cây xanh hai bên.

Càng đặc biệt hơn nữa, cừu không chỉ là vật nuôi mang lại sinh kế cho nhiều nông dân mà hiện nay chúng còn tạo được một dạng tour du lịch nho nhỏ thu hút hàng ngàn lượt người ghé thăm.

< Mấy đứa nhỏ hàng năm hàng ba đi học. Mình tránh xa bọn trẻ, chúng quẹo bất tử lắm, chạy sát dễ mang họa vào thân!

Thử đến khu khu rừng đồi ở huyện Châu Đức, nơi có rất nhiều cánh rừng cao su, hồ tiêu hay cả điều, mía tím của người nông dân... mà xem: Nơi này, dù hiện nay đường sá khá tốt nhưng vẫn rất thưa dân cư, chủ yếu là những cánh đồng cỏ hoang vắng. Thấp thoáng những dự án xây nhà tái định cư, xây khu đô thị kèm với khu công nghiệp nhưng hầu như vẫn chưa có bóng dáng cư dân. Và đó cũng trở thành thế giới riêng của những người chăn dê cừu nơi đây.

< UBND xã Suối Nghệ đây, vẫn còn quá sớm nên chưa làm việc. Chạy qua chạy lại không thấy chỗ điểm tâm nào đủ sức hấp dẫn bọn mình nên chiếu theo lộ trình tính sẳn, bọn mình rẽ ngã 3 vào con đường Suối Nghệ - Láng Lớn (vị trí >).

Anh Phạm Văn Hòa, sếp xì một bầy hơn 600 con cừu ở xã Suối Nghệ - Châu Đức cười bảo, khác với dê cừu ở vùng Ninh Thuận, gia súc ở đây nuôi và chăn theo mùa. Nếu thời tiết mưa nhiều, những đồng cỏ tươi tốt, các chủ đàn chỉ việc lùa cừu dê ra là chúng tự kiếm cỏ ăn được. Công việc của mình là đi theo canh chừng để chúng không bị thất lạc hay mất trộm mà thôi.

< Vừa rẽ vào là gặp ngay cái quán này: khá đông, có vòi rửa tay... còn bún bò ra sao thì phải thử mới biết.

Tuy nhiên, mùa mưa cũng kèm theo bệnh tật và nhiều nguy cơ khác, đặc biệt là đàn sẽ không di chuyển đi xa được. Thổ nhưỡng ở đây là đất đỏ bazan, khi có mưa thường dính ướt, lầy lội nên cừu rất khó di chuyển, trừ những cánh đồng cỏ dày mịn. Nhưng mùa mưa cũng chỉ được chừng ba tháng, gần tết là tới mùa khô, khi ấy thì người chăn cừu phải đi nhiều hơn. Có hôm sáng ở Châu Pha, chiều đã lùa đàn qua bên Nghĩa Thành, Quảng Tây, hay thậm chí ngược về Tóc Tiên, Sông Xoài nữa. Nhìn chung nơi nào nhiều cỏ, ít người là mình tới.

< Bún bò đây, thịt bò đàng hoàng. Giá chỉ 20k nhưng khá là ngon và sạch sẽ. Bởi vậy quán bình dân nhưng đông lắm, toàn học sinh và công nhân.


< No kềnh bụng, ra rửa tay rồi chộp cái quán một phát: Quán bình dân Bún bò 19 - phở hủ tiếu - chỉ cách con đường number one phía ngoài mươi thước.

Không chỉ riêng anh, ở khắp các xã như Châu Pha, Suối Nghệ, Láng Lớn, Bình Ba... đều có hàng chục nông dân làm nghề chăn dê, cừu với số lượng hàng chục ngàn con. "Hầu hết cừu ở đây cũng nuôi theo hình thức chăn thả chứ không nuôi nhốt, cho ăn công nghiệp. Nuôi thả thì cừu cho thịt ngon mà lại có thể sinh sản, phát triển thêm đàn. Như nhà tôi, cách đây sáu năm chỉ có hơn bốn mươi con nhưng chỉ một năm sau, lượng cừu đã đạt tới gần bảy mươi con...

< Chạy thêm một tẹo nữa thì tấp vô khoảng đất trống rửa mỏ - vệ sinh răng miệng mà, nước chai thì ta có đem theo đủ.

... Kinh nghiệm là sau khi sinh sản, mình sẽ tách đàn để xuất bán những con đạt trọng lượng. Ở đây, cừu của tôi chỉ chừng 45-55 ký lô là bắt đầu bán. Khách hầu hết là ở trên thành phố Bà Rịa với Sài Gòn vì họ thích cừu chăn thả tự nhiên”, anh Hòa cho biết thêm.

< Chỉ là cái chỗ 'rửa mỏ' hay 'xả nước' nhưng khung cảnh cũng đẹp đó chứ? Đống chình ình kia là đống củi...

Cũng theo người nông dân này, để cai quản được đàn cừu mấy trăm con hiện nay trên những cánh đồng rộng mênh mông, ngoài anh thì còn vợ và người con cả.

“Như ở vùng thảo nguyên Ninh Thuận, đất đai hoang vu, cừu có thể chạy cả ngày cũng không lạc đàn thì ở đây lại khác, do đất địa hình bán sơn địa, mấp mô nên mình khó quan sát, cừu rất dễ lạc đường. Nhất là khi trời sẩm tối, trời bắt đầu có mưa gió, cừu sợ chạy lung tung tìm bầy nên dễ lạc. Chỉ nhìn qua đồi đất, cánh rừng là không nhìn thấy. Nhiều lúc đêm rồi mấy cha con còn rong đèn đi tìm cừu lạc”, anh kể.

< Đồng ruộng xanh mướt. Ủả, cỏ chứ chả phải ruộng đồng giề... he he...

Mỗi đàn cừu vài trăm con thường kéo theo khoảng ba người để canh chừng. Nhiều khi, họ đi cả gia đình năm sáu người. Ngoài một chiếc xe máy có gắn gác gỗ đằng sau chở đủ thứ xoong nồi, niêu chảo thì luôn có một túp lều gấp nho nhỏ để cắm trại.

< Lại đi, lúc này chỉ mới... 6h45, quái, sớm vậy cà?

“Mình sáng lùa đàn đi, tối lùa đàn về nhưng ở ngoài đồng cả ngày nên phải có lều để che nắng, che mưa. Nhiều khi trời mát, lại không mưa thì quây đàn ở giữa đồng luôn. Có cái bếp ga mini với nắm cá khô là đủ ăn cho gia đình cả ngày. Cuộc sống của người chăn cừu, dù trên thảo nguyên mênh mông hay những đồi núi chập chùng thì cũng hao hao giống nhau”, anh Hòa kể tiếp.

< Chạy một đỗi, qua cây cầu nhỏ có bảng tên Cầu Đập. Đập đá đập búa gì đó chả biết nhưng ngẫm lại chắc là đập thủy lợi.

Được biết, mặc dù mới xuất hiện nhưng nghề chăn gia súc này đã cho thu nhập tốt và khá phù hợp với nông dân. Ngoài cho thịt, những người chăn còn kiếm thêm thu nhập bằng cách cho khách du lịch chụp hình chung với những đàn dê, cừu.

< Có một lúc, thấy cái đường ống máng nổi nước thủy lợi bên trái nhưng chạy nhanh, bà xã chụp không kịp.

“Cừu là loài vật ăn cỏ hiền lành và nhìn khá dễ thương nên nhiều người rất thích chụp hình với chúng. Hiện nay, đàn cừu nhà tôi mỗi ngày thu hút mấy trăm khách du lịch ghé qua chụp hình và họ cũng “bồi dưỡng” cho mình chút đỉnh, tùy theo khách”, ông Nguyễn Văn Bảy, chủ một đàn cừu ở xã Suối Nghệ (huyện Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu) kể.

< Nhanh trong thật tế thì mình thường chạy từ 50 trở lại, tầm 45km - 40km/h là thông thường nhất vì đường vắng, rề rề biết bao giờ mới đến?

Theo lời kể ông Bảy, chúng tôi lùi ra xa xa, đứng trên một gò đất cao để nhìn về phía đàn cừu hàng trăm con màu trắng như những cục bông di động, mới thấy chúng quả thật là rất đẹp mắt và sinh động.

< Chợt thấy ngọn núi thấp bên trái đường: đó chính là Núi Nghé, bên kia núi chính là đồng cừu Suối Nghệ đấy ạ. Vị trí bọn mình lúc này ở đây >.

Mấy bạn trẻ từ thành phố mới chụp hình cùng đàn cừu cười bảo, không chỉ độc đáo mà những chú cừu này lên hình cũng rất đẹp.

< Chắc tầm 7h30, chả biết vì quên chỉnh lại ngày giờ cái chộp... nhưng nói chung là ta vẫn cứ chạy, đường còn xa lắm em ơi, gió vi vu bên tay... ♪Đường trường xa♫, con chó nó tha con mèo♪♫...

Này nhé: Giữa khung nền là thảm cỏ xanh mơn man bất tận có những chú cừu trắng ung dung gặm cỏ thì bức ảnh vô cùng sống động và đặc biệt. Có lẽ, ngoài vùng bán sơn địa này, không có bất cứ nơi đâu mà những đàn cừu có thể được đưa vào để vui đùa cùng khách du lịch rất tự nhiên như ở đây. Vậy là người nuôi cừu ngoài thu nhập chính nhờ bán cừu còn có thu nhập phụ bằng tiền bo của khách du lịch, thậm chí nhiều nơi có giá đàng hoàng - chụp xong, nựng xong là xỉa tiền, lợi cả đôi đàng! (biên tập tư 2bài của bác Đoàn Xá).
(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!