(Tiếp theo) - Đến núi Dinh thì tất nhiên phải có nhiều điều đề cập tới ngọn núi này rồi. Bạn muốn xem thì xem, còn không thì cứ coi chú thích ảnh bằng chữ màu xanh: đó chính là lịch trình và ý nghĩ bã đậu của bọn mình vậy.

< Bấy giờ thì lên núi, xem đồng hồ đã 7h45. Ở đường vô đã vắng, trên này thì chả thấy bóng ai luôn.

Nằm cách trung tâm thành phố Sài Gòn chừng 80km, núi Dinh (thuộc địa bàn huyện Tân Thành) từ lâu đã trở thành địa điểm du lịch Vũng Tàu được yêu thích bởi những người đam mê khám phá. Núi Dinh có độ cao khoảng 500m được bao phủ bởi rừng cây xanh thẫm tươi tốt và không gian trong lành.

< Và đã đường lên núi thì đương nhiên thía này đây: lúc vòng phải, lúc quanh trái...

Giải thích về tên gọi núi Dinh, người dân địa phương kể, do khí hậu trên núi rất mát mẻ nên trước đây toàn quyền Pháp có xây dinh thự để nghỉ mát vì vậy sau này người ta quen gọi núi Dinh.

Cũng có người cho rằng sở dĩ có danh xưng trên là để tưởng nhớ công ơn người đã có công khai phá là ông Nguyễn Văn Dinh. Núi Dinh được xem là ngọn núi cao và độc đáo nhất của tỉnh BR-VT. Di tích núi Dinh đã được công nhận là Di tích Lịch sử quốc gia năm 1993.

< Còn dốc thì đương nhiên. Không quá khủng nhưng buộc lòng phải trả số. Trả số thiếu nhịp một tý thôi thì xe giảm trớn khựng lại, vậy là đề pa bò tiếp bằng số 1 rồi lại 2...

Đường lên núi được trải nhựa phẳng lì, hai bên đường là những hàng cây xanh tỏa bóng mát, thỉnh thoảng lại có những khúc cua… tạo nên cảm giác khó tả. Chạy trên cung đường này, nhiều người đã trở thành những thi sỹ và nhớ về những câu thơ nổi tiếng một thời của Quang Dũng: ‘‘Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống – Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.

< Quanh co, vắng lặng - 'con người' trở thành 'của hiếm'. Mà hiếm như vậy mới... đáng đi, chắc do ngày thứ 2 đầu tuần.

< Có những đoạn taluy dương ghép đá rất đẹp. trông như đường lên núi Lớn núi Nhỏ Vũng Tàu.

Không thật sự chạm trời, nhưng một bên là núi, một bên là đồng bằng làm nên một cung đường thật sự ấn tượng. Đây cũng là con đường mà dân phượt tỏ ra thích thú và được ví như những cung đường lên Đà Lạt… Dọc con đường này, có những hàng quán là nơi du khách có thể nghỉ ngơi, thư giãn để tiếp tục chinh phục ngọn núi Dinh huyền bí này.

< Đoạn khác thì vách đất đá, có bảng phản quang cắm dài dài ngay đường cong. Ít ra cũng đủ đánh thức người 'mắt nhắm mắt mở' khỏi thử lửa với vách núi xem núi cứng hay... cái mặt ta cứng.

Điểm đến đặc biệt của ngọn núi này là đỉnh Ông Trịnh, là suối Đá, suối Tiên… tùy mùa, tùy thời tiết và giờ giấc sẽ tạo nên bức tranh thủy mặc, có những nét chấm phá. Đây cũng là những nơi để những người thích, nhấn máy làm vài pô, lưu lại khoảnh khắc khi đặt chân đến ngọn núi này.

< Tiếng xe máy đều đều trên dốc quanh co, chả có bóng dáng ai.

< Cổng vào Thiền Tôn Phật Quang đây (vị trí >), một chùa nhỏ nhưng thu hút rất nhiều phật tử. Bọn mình không phải đạo Phật nhưng vẫn rất thích viếng các chùa vì khung cảnh đẹp và sự thanh tịnh chốn này. Cho dù đã một lần 'ăn hột xoài' của nhà sư trẻ 'đáng kính' ở chùa Cổ Thạch nhưng mình không để tâm. Vậy nhưng từ lúc lùm xùm vụ chùa Ba Vàng thỉnh vong ăn tiền rồi trụ trì chùa Nga Hoàng gạ tình nhà báo thì oải - nói đơn giản là không muốn ghé chùa nào nữa.


< Mình vẫn chạy trên con đèo quanh co lên núi, cũng chả hề thấy bóng ai. Lẽ ra, hôm nay là mồng 1 sẽ đông chứ hỉ?

Những suối Đá, suối Tiên từ trên đỉnh núi Dinh chảy xuống, với dòng nước mát rượi cũng là nơi cho nhiều người đặt chân tới đây đắm mình trong làn nước trong. Tiếng suối chảy, chim hót ríu rít làm cho núi Dinh thêm hữu tình, kỳ thú.

< Đột nhiên, cái dãy bạt lụp xụp hiện ra: đây là điểm gới xe để vào Suối Tiên. Không biết bên trong thế nào nhưng ở ngoài trông thấy ghê hết chỗ!

Về suối Tiên, tương truyền, vào những đêm trăng sáng, các nàng tiên trên trời xuống hạ giới để du ngoạn. Qua dòng suối trong xanh này, các nàng tiên rủ nhau tắm mát rồi mới trở về trời. Có lẽ người xưa yêu cảnh trí nơi đây, một vùng non nước kỳ vĩ, sơn thuỷ hữu tình nên đã nghĩ ra câu chuyện này để đặt tên là suối Tiên.

< Cây cầu bắt ngang dòng suối. Ít mưa nên cũng chả thấy nước, chỉ nghe tiếng róc rách trong KDL suối cái chỗ che lụp xụp đầu cầu.

Theo các tài liệu thì núi Dinh có hình cánh cung, chạy dài theo hướng Đông Nam - Tây Bắc. Đỉnh cao nhất là núi Ông Trịnh (trên 500m), phần còn lại thoải dần về hai phía. Đầu thế kỷ XX, ở đây là rừng nguyên sinh, với thảm thực vật nhiệt đới rất đa dạng. Dưới những tán rừng già là nơi cư trú của nhiều loài động vật.

< Nửa kia đang đi... thị sát tình hình. Cách đây gần chục năm, bọn mình cũng đã bò lên đây, vượt cây cầu này một đoạn rồi trở xuống.

Lợi dụng địa hình hiểm trở ở đây, cuối năm 1952, Thị ủy Bà Rịa đã bí mật chuyển căn cứ hoạt động từ rừng Sác, xã Long Sơn về núi Dinh. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, núi Dinh là cơ sở an toàn che chở cho các đơn vị vũ trang của thị xã Bà Rịa, huyện Châu Đức, Thị ủy Bà Rịa, Tỉnh ủy, Tỉnh đội Bà Rịa - Long Khánh… Từ căn cứ núi Dinh, những đội quân bất chợt tập kích vào các hang ổ của địch ở Nhà Tròn, cầu Long Hương, cầu Thủ Lựu, Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp… nhiều lần làm cho quân địch phải kinh hồn, bạt vía.

< Còn mình đây, đang nghiên kiú cái bản đồ. Bên trái là 'vợ 2', 'mới cưới' đó chứ đã sắp 2 năm rồi nhưng chưa 'đẻ' ra bệnh nào..

Căn cứ núi Dinh trải dài trên một diện tích rộng (khoảng 60km2), có địa hình phức tạp, hiểm trở, địch biết nhưng không thể nào tìm được nơi hoạt động cụ thể của lực lượng cách mạng. Có thể nói, mỗi hốc đá, mỗi lùm cây, một bờ suối đều tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ, chiến sĩ ta lập nên những kỳ tích anh hùng. Năm tháng qua đi, những địa danh như: Hang Tổ, Hang Dây Bí, Hang Mai, Bưng Lùng, Chùa Diệu Linh, Hang Dơi… vẫn mãi mãi ghi nhớ những chiến công, những kỳ tích hào hùng của quân và dân ta.

< 8h kém 5, lại lên xe đi. Thi thoảng lại thấy lối rẽ đường đất, có lẽ vào các chùa. Thống kê cho biết khu vực núi Dinh có khoảng trăm cơ sở thờ tự. Có vẻ bây giờ là lúc cường thịnh của PG? Hay thời 'phát huy mọi mặt' của những người lạm dụng đạo pháp? Chả biết... nhưng ngày nay, dư luận đã đề cập rất nhiều đến 'Kinh doanh tâm linh', cho rằng một vốn bốn lời, cũng không lo phá sản. Thôi, chả bàn.

< Cột kilomet cũng lấy lấy tên chùa làm tiêu điểm. Hai bên đường liên tục xuất hiện bảng cảnh báo lửa, pà kon cẩn thận đó, lá khô đầy hai bên đường - chỉ một nhúm lửa nhỏ là tiêu tan hết.

- Hang Tổ: Nằm trên độ cao 200m, có nhiều hang đá rộng và sâu, đủ chỗ chứa hàng trăm người. Nơi đây là điểm dừng chân của cán bộ, chiến sĩ ta, là nơi chứa và cung cấp lương thực thực phẩm của Thị ủy, Thị đội Bà Rịa. Mùa xuân năm 1968, Hang Tổ là nơi tập kết lực lượng của bộ đội tỉnh Bà Rịa - Long Khánh trước lúc xuống đường tham gia cuộc tổng tiến công Mậu Thân.

< Một trong những nhánh rẽ, tất cả đều là đường đất.

- Hang Dây Bí: Nằm trên độ cao 481m về phía Đông Nam núi Dinh, là căn cứ của Huyện ủy, Huyện đội Châu Đức. Địa hình ở đây nhiều vòm đá, phía trong là các hang động, có nguồn nước dồi dào chảy quanh năm, bên ngoài nhiều cây dây leo che kín. Hang nằm trên độ dốc khá cao, đường lên rất khó. Vào những năm 1965 - 1966, máy bay Mỹ đã dội xuống đây hàng trăm tấn bom đạn. Họ dùng cả máy bay lên thẳng thả biệt kích, dùng mìn cay, bơm hơi độc vào hang hòng tiêu diệt bằng được lực lượng cách mạng. Cán bộ, chiến sĩ ta cố thủ, bám trụ trong hang sâu, chờ thời cơ tiến công tiêu diệt địch. Chính tại đây, ngày 30/10/1967, lực lượng Đại đội 34 huyện Châu Đức đã tiêu diệt 100 tên, bẻ gãy nhiều đợt tấn công để bảo vệ an toàn cho căn cứ.

< Cuối 'đường nhựa' thì thấy cái dốc ni...

- Hang Mai: Nằm ở độ cao 234m về phía Tây Bắc, là một thung lũng lòng chảo, có hai con suối nhỏ chảy qua. Thiên nhiên tạo cho Hang Mai vẻ đẹp thơ mộng. Xung quanh hang có khá nhiều cây cối và những thảm cỏ xanh tươi thoang thoảng hương thơm của thảo mộc và ríu rít tiếng chim rừng. Năm 1968, sau khi phát hiện đây là nơi tập kết của lực lượng ta, địch đã dội bom hủy diệt toàn bộ căn cứ. Chúng còn đưa quân lên đây phá sập miệng Hang Mai. Những ngôi chùa lớn ở gần đó cũng bị phá hoại hoàn toàn.

< Dốc cao bằng xi măng giả đá. Trả số lại không kịp nên con xế khựng lại liền, chậm chờ lạo xạo tuột xuống dù bà xã phóng ngay xuống xe, lấy tay đẩy phía sau.

- Hang Dơi: Nằm ở độ cao 50m, gần với địa bàn dân cư nhất so với các căn cứ khác. Hang Dơi có hai ngách lớn, nhiều đường đi rất thuận lợi, miệng hang rộng và thoáng. Đây là nơi hoạt động của Thị ủy, Thị đội Bà Rịa trong hai thời kỳ kháng chiến gian khổ.

< Mình trả số 1, phi lên thêm một khoảnh thì thấy đoạn nghỉ, gọi nửa kia lên xe leo dốc tiếp - Đoạn này láng xi măng nhám. Lên đầu dốc. nhìn quanh thì hóa ra đây là chùa Diệu Linh (vị trí >). Sân chùa vắng teo, một chú tiểu đang quét lá trơ mắt nhìn lạ lẫm. Mình cũng giương mắt ếch ngó, gật đầu chào một phát rồi trở đầu xe, chạy xuống. Chẹp, chùa không bảng tên lối vào, cứ nghĩ đây là đường thông thương!

< Đầu con dốc là cái ngã 3: khi nãy ta chạy thẳng còn bi giờ thì ngó nhánh kia.

- Bưng Lùng: Nằm ẩn mình giữa hai đỉnh núi Ông Trịnh và núi Dinh. Trong các căn cứ núi Dinh thì Bưng Lùng là nơi xa nhất. Từ năm 1961 đến 1967, Mỹ - ngụy ráo riết tìm diệt các căn cứ của ta nên cán bộ, chiến sĩ phải chọn căn cứ Bưng Lùng để bảo toàn lực lượng. Là một thung lũng khá bằng phẳng, xung quanh có rất nhiều cây lung (cây dong riềng) nên có tên gọi là Bưng Lùng...

< Móc cái alô ra nghiên cứu đường đi. Thẳng tiến thôi em, đường còn dài, đất thì đất - ta đâu có ngán!

Bên các sườn dốc là bạt ngàn cây cổ thụ, tán lá rộng xum xuê tránh được sự trinh sát và bom đạn của địch. Cán bộ, chiến sĩ ta đào hầm chữ T và mắc võng ngủ trong hầm. Bưng Lùng là nơi đã đào tạo, rèn luyện các chiến sĩ của Thị ủy, Thị đội Bà Rịa và Thành đoàn Sài Gòn trước lúc về nội thành hoạt động.

- Chùa Diệu Linh: Nằm trên độ cao 160m về phía Tây Bắc núi Dinh. Đây là nơi hoạt động của Thị ủy Bà Rịa trong những năm 1972-1975. Chùa Diệu Linh đã bị bom đạn địch làm đổ nát gần như hoàn toàn, chỉ còn lại chiếc tháp Tổ ba tầng.

< Chạy vào một đoạn, ruột phèo lộn tung lên tất tật do đường đầy đá cục, đá mảnh mấp mô. Chạy vặn vẹo chữ chi né hố voi ổ gà - vui d à nghen!

Giờ đây, sức hấp dẫn của núi Dinh không chỉ là sự cuốn hút của thiên nhiên, lịch sử mà còn có cả nét cổ kính của không gian Phật giáo ở nơi này. Bởi nơi đây còn là bản địa “Liên Tông Tịnh độ non bồng” – lâu nay Phật tử gọi là chốn bồng lai. Với hơn 100 ngôi chùa nằm quanh núi, trong đó có những ngôi chùa được xây dựng cách đây hơn 300 năm như tổ đình Linh Sơn Cổ Tự, chùa Đại Tòng Lâm, chùa Tây Phương… với hàng chục pho tượng Phật đặc sắc, được đánh giá là trung tâm phật giáo lâu đời của vùng miền Đông Nam bộ, thu hút khách du lịch với vẻ đẹp tiềm ẩn và sự linh thiêng vốn có.
(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!