(Tiếp theo) - Trong bài này, mình sẽ đề cập đến một ngọn núi lớn ở Bà Rịa Vũng Tàu. Núi Lớn Núi Nhỏ ư? Không, 2 ngọn núi này quá nổi tiếng rồi, nó như một biểu tượng của vùng đất biển này. Vậy thì núi Minh Đạm ư? Cũng không, Minh Đạm ai ai cũng biết và ngọn núi này đã trở thành biểu tượng của Long Hải.
Núi Thị Vải, núi Ông Trịnh... cũng không vì mình đã đề cập đến rồi. Vậy thì núi mô rứa?

< Chạy một đoạn Võ Thị Sáu thì thấy ngã 3, nhánh rẽ trái là Nguyễn Văn Linh (vị trí >). Ta rẽ trái thôi vì nếu đi thẳng là TT Đất Đỏ.

Đây là núi Dinh Cố. Núi gồm 2 phần riêng rẽ gồm ngọn núi nhỏ cao khoảng 80mét, trên đó có Dinh Bà Cố, tổ đình Thiên Thai và ngôi chùa Bửu Tháp. Ngọn núi này nằm trong địa phận xã Tam Phước - huyện Long Điền.

< Đường Nguyễn Văn Linh thênh thang như một đại lộ! Do đường mới mở nên 2 bên cũng không có nhiều nhà.

Phần núi lớn hơn cách đó 1km sừng sững giữa trời đất. Ngọn núi này nằm trong địa phận 3 xã gồm: xã An Ngãi, xã Phước Hưng và xã Tam Phước - trong đó: Tam Phước có phần nhiều nhất.

< Chạy tầm cây số, máu khám phá nổi lên: Thôi ta bỏ đường lờn, quay lại đường nhỏ có tên Mạc Thanh Đạm (vị trí >).

Trong hành trình đến Long Hải, chạy tới Nhà Máy Xử Lý Khí Nam Côn Sơn trên đường DT44A thì ta đã thấy ngọn núi sừng sững bên trái đường rồi nhưng thường nhầm lẫn đó là núi Minh Đạm. Thật ra, 2 ngọn núi này hoàn toàn riêng rẽ với nhau (hai ngọn núi cách nhau khoảng 1km) - chạy giữa nó là những xóm nhà và con đường Phước Hưng - Phước Hải. Đường nối vào Phước Hải thật nhưng chỉ nối vào vùng xa, còn muốn đến trung tâm thị trấn Phước Hải thì phải qua nhiều đường nhỏ ngoắc ngoéo. Tương lai có thể khác nhưng bây giờ chỉ vậy thôi.

< Ngã 3 phía trước, rẽ trái là vẫn theo Mạc Thanh Đạm còn phải là Vũng Tàu - Bình Châu.

< Ta vẫn theo Mạc Thanh Đạm, thương quá mấy con đường quê...

Quay lại câu chuyện Núi Dinh Cố Lớn (tạm gọi là Lớn để so sánh đồi Dinh Cố nhỏ): Núi lớn nên từ rất xa đã thấy rồi. Nếu ta chạy ngang qua cánh đồng lúa Tam Phước (huyện Long Điền) trên con đường DT44B, con đường bình yên rợp bóng cây râm mát dẫn ta đến chân núi, ở đó có ngọn núi nhỏ, trên có Dinh Bà Cố và Tổ Đình Thiên Thai - hai di tích, danh thắng cổ nằm kề nhau dưới chân núi Dinh Cố (lớn).

< Chạy thêm một đỗi thì nhà cửa bắt đầu lọt ra sau lưng, hai bên cây cối xanh rì.

< Rồi nhà cửa mất tiêu, lúc ni bọn mình ở tầm đoạn này (vị trí >). Sóng điện thoại vẫn có nên định vị ok dù chả có ba bốn gờ. À. mà có đèn đường đó nhé, LED đàng hoàng - thời buổi tiết kiệm điện cộng với hiện đại, cái gì cũng 'lét'.

Núi Dinh Cố (lớn) được ví như một chiếc nón khổng lồ úp ven cánh đồng Tam Phước, huyện Long Điền. Núi cao khoảng 230m, đầy cây rừng và đặc biệt là trên ấy không có đình chùa gì cả: một điều hiếm thấy khi ở miền Nam vì hầu như tất cả các núi đều có rất nhiều cơ sở tôn giáo trên đó (vị trí >).

< Dừng lại đôi chút ngó trời trăng mây nước hay cũng gọi là 'khám điền thổ'.

Núi có 3 đỉnh chính, một đỉnh phụ (từ 150m đến 230m) tạo thành thế chân vạc, giữa là một vùng trũng cao 100m. Tổng khoảng cách tính từ phía Bắcc đến phía Nam núi là 3.5km với độ ngang phần rộng nhất là 1.13km. Không có đường lên kể cá đường mòn - Đây là chốn tuyệt hảo cho giới trecking núi lạ nếu muốn chinh phục.

< Một đường một cõi là của riêng ta, đi vùng vắng sướng thiệt!

Trở về ngọn núi nhỏ, trên đỉnh núi (nhỏ) Dinh Cố có một ngôi miếu được xây dựng công phu gọi là Dinh Bà Cố, tương truyền là miếu thờ một hiền nữ. Mặc dù bức tranh vẽ ngôi miếu nhỏ ngày xưa bị chiến tranh, bom đạn làm cho hoen ố nhưng những dòng lược sử miễu Bà Cố vẫn còn nguyên vẹn:

“Do hai câu thơ này: Hoành sơn nhứt khúc; Vạn đại linh thiêng.
(tạm dịch: Hoành sơn một dải, muôn đời linh thiêng) nên có bậc siêu nhân ẩn trong núi để tu hành...

< Ven lộ có hoa hướng dương chớm... tàn: ai mà trồng chỗ này hè? Hay nó mọc dại?

Thấy nhóm thương thuyền người Thanh xuống biển Nam Hải gặp cơn gió bão, thuyền sắp chìm, Bà xuất thần lộ diện. Nhóm thương thuyền, trong đó có văn sĩ Điền Sơn, lúc về đã viết một bài thơ (bài thơ này vẫn còn được treo ngay cổng tại Dinh Bà Cố) để tạ ân Bà. Rồi từ đó bà xuất hiện thường xuyên hơn, mấy vị kỳ lão vái van đâu được đấy…”.
Theo nhân dân Tam Phước, ngọn núi này vì có Bà mà trở nên linh thiêng.

< Xem bản đồ thì đường ni dâm thẳng vào núi Minh Đạm, hay chút nữa ta lên núi luôn?

< Lên núi thì... lên. Suốt con đường này chỉ thấy 1 chiếc xe chạy nhưng nó nhanh chóng vào lối rẽ.

Dinh Bà Cố xây dựng cách đây hơn 250 năm và “Hương thơm bay khắp núi này/ Gần xa đến viếng, ngày nay lưu truyền” nên Dinh Cố ngày càng được nhiều khách du lịch biết đến. Nhưng một phần do bom đạn của chiến tranh làm hư hại nên Hội làng (gồm có 24 người làm công việc trông nom và tổ chức lễ hội hàng năm ở Dinh Cố) đã nhiều lần tổ chức sửa sang lại. Năm 1987, Dinh Bà Cố được xây thêm nhà khách và sân khấu võ ca để phục vụ khách thập phương trong những ngày diễn ra lễ hội.

< Mình vừa bỏ qua ngã 3 đường Phước Hải - Phước Hưng. Tuy nhiên nó là đường đất: muốn khám phá đường quanh núi chạy dài đến Núi Dinh Cố thì nhào dzô, nhưng chắc chắn rêm mình. Thôi hẹn lần khác vậy! Vị trí lúc này ở đây >.

Lễ vía Bà Cố được tổ chức trong hai ngày 22 và 23-3 (âm lịch), có chiêng trống, có học trò lễ và ba năm một lần có biểu diễn những vở tuồng cổ, tuồng tích. Ông Huỳnh Văn Lành, một thành viên Hội làng, cho biết: “Mỗi năm, ngoài dịp vía Bà thu hút hàng nghìn lượt khách thập phương đến xin lộc buôn bán, làm ăn và các hiệp hội bạn đến cúng viếng thì vào dịp cuối tuần hay lễ Tết, Dinh Cố cũng có đến khoảng 100 khách mỗi ngày tới tham quan, tìm hiểu”.

< Lên đèo! À không, lên núi Minh Đạm. Bảy tám năm trước từng lên một hai lần gì đó, có lần cũng vào Khu di tích Lịch sử Núi Minh Đạm... đến nay đã quá lâu rồi.

< Đường lên núi thì đương nhiên là thía này đây: ẹo qua ẹo lại như đường đua F1.

Rời Dinh Cố, sau khi chiêm ngưỡng toàn cảnh đồng bằng trù phú từ độ cao khoảng hơn 80m, men theo những bậc tam cấp uốn quanh núi Dinh Cố, ta có thể tới tham quan ngay một di tích, danh thắng là Tổ đình Thiên Thai nằm ở phía Bắc chân núi này (vị trí >).

< Hồi dưới núi, trên đường Mạc Thanh Đạm còn có cơ may nhìn thấy ngọn núi Dinh Cố con trên đây thì thua vì hướng view ra biển.

Sở dĩ chùa Thiên Thai được gọi là Tổ đình vì đây là nơi ra đời của Thiên Thai Thiền Giáo Tông (năm 1935) với tờ ngôn luận “Bát Nhã âm” tuyên truyền chấn hưng Phật giáo. Chùa Thiên Thai do sư tổ Huệ Đăng tạo dựng từ năm 1922. Toàn bộ khuôn viên chùa rộng khoảng 6ha bao gồm: tam quan, chánh điện, giảng đường, nhà hậu, bát quái đài, thạch đồng và vườn tháp. Tổ đình Thiên Thai được nhiều người biết đến không chỉ bởi cảnh quan, kiến trúc mà còn từ những câu chuyện gắn với người sáng lập chùa.

< Mà thú thật, trước kia Điền mình cũng nghĩ rằng núi dãy núi chạy dài theo con lộ 44A là một, sau này mới biết có thêm Dinh Cố (Lớn). Bà Rịa Vũng Tàu núi nhiều thiệt! Nhưng: so với các tỉnh phía Bắc thì chả bỏ bèn gì vì có tỉnh số núi đến hơn trăm!

< Lên đến 'bãi đáp' Minh Đạm rồi thì giật mình! Những 2 chiếc xe 45 chỗ đang đậu phưỡng, người loi ngoi.

Sư tổ Huệ Đăng tên thật là Lê Quang Hoá, quê ở Bình Định. Ông tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19. Sau cuộc khởi nghĩa ở Sông Cầu, Phú Yên bị thất bại, nhiều người bị bắt, bị tù đày, tìm đường vào Nam, đến Gò Công và dạy học. Sau đó ông xuất gia, quy y với hoà thượng Hải Lộ ở chùa Long Hoà-TX. Bà Rịa được pháp tự là Thiện Thức, pháp danh Huệ Đăng. Một thời gian sau, Huệ Đăng được cử làm trụ trì chùa Kiên Linh và Phước Linh ở TX. Bà Rịa.

< Thì ra nhóm thanh niên đang sinh hoạt đoàn, chơi trò chơi rinh cái gì đó (mà không làm đổ) khá vui. Rồi đám thanh niên rút dần lên núi.

Sau khi hoà thượng Hải Lộ qua đời, năm 1918, ông về khai phá Thạch Động ẩn tu dưới chân núi Dinh Cố. Theo tâm niệm của ông, việc duy trì Phật pháp chính là mở rộng việc hoang hoá lợi sinh, giáo dục thiên tính, gieo trồng duyên lành cội phước. Năm 1934, để đáp lại tấm lòng của sư tổ, sau khi ông qua đời, các môn đệ trong vùng quyết tâm xây dựng toà thiên bảo tháp cho Huệ Đăng. “Hàng năm, lễ giỗ sư tổ Huệ Đăng được tổ chức trang trọng trong hai ngày ngày 10 và 11-7 (âm lịch) với sự tham gia của hàng nghìn người dân địa phương và khách từ các tỉnh lân cận đổ về”, thầy Phước Lực, 71 tuổi, một sư thầy ở Tổ đình Thiên Thai, cho biết.

< Rồi chỉ còn hai ta, hai người giữ xe ngồi tít kia ngáp dài, hai ông tài xế giăng võng ngủ. Lại êm đềm..., lá xào xạc...
Nhưng không lâu, hồi sau thì một đạo quân kinh khủng sẽ tràn ngập nơi này. Người hành tinh? Kẻ thành tinh? Hay thứ gì khác? Đó sẽ là hồi sau.

Phong cảnh đẹp, gắn liền với những câu chuyện cảm động nên Dinh Cố và Tổ đình Thiên Thai ngày càng được nhiều du khách biết đến. Thời gian gần đây, hai thắng tích này cũng thường xuyên có mặt trong các tour của các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh để đưa du khách đến tham quan (Hữu Minh).

Còn riêng ngọn núi Dinh Cố Lớn, nơi còn origin chưa có đền chùa đèo đóm nào - Chốn sẽ đến của những kẻ chinh phục? Biết đâu được?
(Còn tiếp)

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17

Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!